(Bna) - Từ chợ Chùa lên theo tỉnh lộ 533 hay từ quốc lộ 46 qua đò Cung, quý khách đều có thể ghé về làng Đạo Ngạn xã Cát Văn (Thanh Chương) – một vùng quê yên bình bên hữu ngạn sông Lam có bề dày văn hoá, lịch sử lâu đời.
Làng ra đời từ bao giờ thì chưa ai rõ, chỉ biết khi cụ tổ của dòng họ Nguyễn Thế về đây lập nghiệp, cũng đã cách nay gần 600 năm. Quần tụ trên vùng đất có núi Triều (rú Treo) thoai thoải, có sông Lam ôm lấy mạn Đông, cảnh quan của làng đã được nói đến trong thơ Nguyễn Thế Bình từ thế kỷ 18: “Ngẩng xem nửa nói nửa cười/ Nào sơn nào thuỷ chầu về Triều Sơn”.
Làng có đền Trúc, toạ lạc bên bờ sông Lam, thờ vị tướng có công đánh giặc Chiêm Thành, từng được các triều đại sắc phong là “thượng đẳng thần”. Theo các cụ cao niên, xưa kia đền có 3 toà, ẩn giữa vườn thông cổ thụ, phía trước có cổng tứ trụ, voi chầu, ngựa đứng uy nghi. Hạ điện là ngôi nhà 3 gian, treo một chiếc thuyền lớn; thượng điện có đầy đủ long ngai, bài vị, gươm đao... Ngày nay, đền Trúc không còn bề thế như xưa, trong khuôn viên đền, bên cạnh điện thờ là 2 ngôi mộ tổ vừa được xây dựng khang trang của dòng họ Nguyễn. Dưới lối đi trong vườn, vẫn còn đó những hàng đá rêu phong, trầm mặc, vốn là những hòn táng kê chân cột thuở nào. Mộ cổ, đền xưa, sông cũ, tất cả như chạm vào lòng người một vùng non nước linh thiêng.
Làng có chùa Bụt hướng ra sông Lam, ngày trước trên chùa có nhiều bình vôi nên dân thường gọi là chùa Bình Vôi. Thời Pháp thuộc, khi Đội Cung về cai quản đồn Cát Ngạn, đã cho tu sửa chùa và xây dựng thêm mấy bệ thờ. Bao đời nay, người làng vẫn đến chùa dâng hương, lễ phật, khi gặp chuyện chẳng lành thì đến cầu phúc, cầu yên. Sau thời gian dài bị lãng quên, chùa đã được dân làng khôi phục. Nằm khiêm tốn dưới bờ tre, cạnh chân ruộng ven đê, chùa Bụt là một trong những nét quê bình dị, thân quen trong tâm thức người làng.
Đình Đạo Ngạn ,Xã Cát Văn (Thanh Chương)
Đình Đạo Ngạn xây dựng từ đầu thời Nguyễn, là ngôi đình cổ nổi tiếng trong vùng. Đình có kiến trúc đồ sộ, 5 gian gỗ lim trụ vững trên 24 cột lớn, lợp ngói âm dương, chạm trổ công phu. Xưa kia, sau đình có hậu cung để thờ tự, phía trước có cổng tứ trụ, nhìn ra bàu Môộc. Hàng trăm năm qua, đình là nơi hội họp, tế lễ của làng. Những năm 1930 – 1931, đình vừa là trụ sở của Chi bộ Cát Văn, vừa là trụ sở của chính quyền Xô viết. Sau cách mạng, đình trở thành trường học, là nơi tổ chức Đại hội lần thứ 2 của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, có sự tham dự của đồng chí Phạm Văn Đồng và Nguyễn Chí Thanh. Sau gần 2 thế kỷ, ngôi đình cổ vẫn vững vàng trên vị trí xưa, hiện là nhà văn hoá của xóm 7, xã Cát Văn, tiếp tục sứ mệnh là nơi hội tụ, sum họp, vui chơi thể thao, văn nghệ của làng. Người Đạo Ngạn luôn tự hào về ngôi đình cổ, mang đậm dấu ấn lịch sử quê hương.
Làng có 2 bến sông thông sang huyện bạn. Bến đò Già cạnh núi Già – nơi gần 250 năm trước, nho sinh Nguyễn Thế Bình đã phải ứng khẩu đọc thơ thử tài của người lái đò: “Qua sông thì phải luỵ đò/ Nhà nghèo mong bác thương cho khất hoài/ Ngày mai khoa bảng thành tài/ Đền ơn đâu dám đơn sai tấc lòng”. Bến đò Cung nối 2 bờ sông Lam, đoạn cong như một cánh cung, những năm chống Mỹ, bến Cung là nơi trung chuyển thương, bệnh binh từ các chiến trường đi Quân y viện 4. Ngày trước, gần bến sông còn có chợ Cồn – là nơi mua bán của làng, sau do máy bay Mỹ ném bom ác liệt, chợ đã phải dời về gần đình làng. Ngày nay cả 2 bến sông vẫn còn hoạt động, chợ Cồn thì vẫn hội họp như xưa.
Người Đạo Ngạn còn lưu truyền một phong tục đặc biệt, thể hiện tinh thần thượng võ từ xưa, đó là tục ném đá. Cứ đến Tết Đoan Ngọ hàng năm (5/5 âm lịch) người dân Tam Yên - Thổ Sơn và Lam Triều - Đạo Ngạn lại bày binh bố trận, 2 bên khu vực chợ Cồn, để thi ném đá. Mỗi năm chỉ có 1 lần, hội ném đá không chỉ thu hút thanh niên trai tráng mà nam nữ, ấu lão, đều hăng hái tham gia, bày mưu hiến kế. Tục ném đá, từ lâu đã trở thành một nét độc đáo, trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Nhà thờ Đại Tôn họ Nguyễn Thế
Làng là nơi nhiều dòng họ về sinh cơ lập nghiệp, trong đó họ Nguyễn Thế nổi tiếng không chỉ bởi quá trình phát triển gần 600 năm, mà nhiều người còn đậu đạt thành danh, có công với làng, với nước. Đó là Xuân quận công Nguyễn Thế Pháp, Nhuệ thắng hầu Nguyễn Thế Mỹ, Hàn lâm viên Đại chế, Thiên quốc sử quán toản tu Nguyễn Thế Bình (1746 – 1786)… Tiến sĩ Nguyễn Thế Bình từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, ông từng làm đốc đồng Nghệ An, Sơn Nam… là một vị quan thanh liêm, chính trực “Cương trực ngạn lưu đồng phủ án/ Khả phù nhuận bút thạch bi văn”. Ngày nay, bên kia bờ hồ Lao là nhà thờ đại tôn họ Nguyễn Thế (từng được các triều đại phong kiến ban cấp 4 sắc phong), đối diện bên này hồ là đền thờ Nguyễn Thế Bình (gồm 2 toà thượng, hạ; đang lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ kính và 2 sắc phong của triều Nguyễn). Lăng mộ và đền thờ ông, hiện là di tích lịch sử cấp tỉnh, một địa chỉ giáo dục truyền thống ở địa phương.
Mộ Tổ họ Nguyễn Thế
Chia tay làng Đạo Ngạn, câu thơ của Nguyễn Bùi Vợi vẫn còn níu kéo lòng người. Một vùng quê, dẫu “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”, nhưng truyền thống quê hương lại “chắt từ đá sỏi đất cằn” để góp phần làm nên sự nổi tiếng trong cách mạng, hiếu học và anh hùng của đất và người Cát Văn.
An Nam
|