Say mê dân ca từ thuở ấu thơ, những câu hò, điệu ví quê hương đã gắn bó với chị như là máu thịt. Đó là nghệ nhân Võ Thị Vân ở xóm 4 xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An – người đã có công gìn giữ, trao truyền và làm lan toả dân ca xứ Nghệ trong cộng đồng địa phương.
Sinh ra trong gia đình và làng quê có truyền thống hát dân ca, mẹ chị là cụ Lê Thị Vinh – nghệ nhân cao tuổi, giỏi hát tuồng, hát ví và nắm giữ nhiều làn điệu cổ. Những điệu ví, lời ru ngọt ngào của mẹ, đã ôm ấp, vỗ về chị từ buổi nằm nôi. Làng Ngọc Sơn, phong cảnh hữu tình, với đồng lúa, nương ngô, mái đình cổ kính, cũng là cái nôi của phong trào hát ví, hát ghẹo... Chính không khí văn nghệ ấy, đã thắp lên trong trái tim người con gái chân quê, bên bờ sông Lam này, tình yêu và lòng nhiệt huyết với dân ca. Tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ của chị thẫm đẫm câu hát “à ơi làm người đói sạch rách thơm…”. Khi đang là đội trưởng, đội văn nghệ của trường THCS, “nghe nói được đi hát là thích lắm rồi”. Lên tuổi thanh niên, là hạt nhân tiêu biểu của đội văn nghệ hợp tác xã, gia đình chị, và sau này là gia đình chồng vẫn tạo điều kiện để chị tham gia phong trào hát dân ca. Từ năm 1988 đến nay, chị là cộng tác viên của TTVH, rồi phó chủ nhiệm CLB dân ca, hội viên Hội văn học nghệ thuật huyện Thanh Chương. Năm 2009, được sự cho phép của Đảng uỷ - Uỷ ban xã, chị đã thành lập và làm chủ nhiệm CLB dân ca xã Ngọc Sơn. Ở cấp nào, chị cũng tham gia hoạt động tích cực, vừa đóng đóng góp sức mình, vừa có thêm điều kiện để giao lưu, học hỏi, nâng cao trinh độ.
Trong quá trình hoạt động thực tiễn, một giọng hát trời ban ngọt ngào, sâu lắng, cùng với sự chịu khó, chuyên cần, hăng say luyện tập, đã giúp chị có được những thành công nhất định, cũng như tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Không dừng lại ở việc biểu diễn, hát dân ca, chị còn tích cực bám sát địa bàn, tiếp xúc với những người cao tuổi ở các địa phương, để sưu tầm, gìn giữ những lời ca cổ, làn điệu cổ. Từ một người hát hay, chị từng bước biết viết lời mới cho các làn điệu cổ, sáng tác các hoạt cảnh, hoạt ca, tiểu phẩm dân ca, dàn dựng chương trình…phục vụ cho các CLB, các tổ chức, đoàn thể, trường học... Các tác phẩm của chị, tập trung thể hiện tình yêu với dân ca, với lãnh tụ, với quê hương, đất nước; phản ánh kịp thời những nhiệm vụ chính trị, xã hội cụ thể ở địa phương (nông thôn mới, an toan giao thông, kế hoạch hoá gia đình…). Mấy chục năm gắn bó với dân ca, chị đã viết nhiều và không nhớ nổi, mình đã có bao nhiêu tác phẩm. Nhắc đến chị, phải kể đến một số tác phẩm tiêu biểu, đã từng đạt giải ở tỉnh như: Truyền dạy hát dân ca; Kể rằng Bác quý điệu dân ca; Em yêu câu ví, giặm quê mình…
Không chỉ sưu tầm, biểu diễn, soạn lời, mà chị còn làm nhiệm vụ trao truyền di sản dân ca cho cộng đồng, thông qua hoạt động của các CLB ở xã, huyện, các buổi tiếp xúc ở các trường tiểu học, THCS, các buổi tập huấn của TTVH, trung tâm dân số huyện… Tính đến nay, đã có hơn 200 học trò, đủ các thế hệ, được chị trực tiếp truyền dạy, nhiều người trong họ, đã trở thành giáo viên, nghệ nhân, tham gia dạy hát dân ca. Chị cũng đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng cho những giọng ca “nhí” nổi tiếng, như cháu Nguyễn Thị Thanh Xuân (vừa đi lưu diễn ở thành phố Hồ Chí Minh về). Những năm qua, chị đã tự nguyện đến một số trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, nói chuyện và dạy hát dân ca, với mong muốn giản dị là thắp lên tình yêu dân ca ví, giặm cho các em. Chị hi vọng dân ca Nghệ Tĩnh sớm đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, để mọi học sinh đều được tiếp cận, học tập về di sản của quê hương.
Với chị, “dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu”, dẫu cuộc sống gia đình, công việc ruộng vườn, con cái học hành và công tác văn nghệ, nhiều lúc gặp không ít khó khăn, nhưng chị vẫn vượt qua bằng sự nỗ lực, đam mê và nhiệt huyết của mình. Những ngày, CLB dân ca của xã mới thành lâp, chị vừa phải đi vận động thành viên tham gia, vừa phải lo chạy vạy, xin kinh phí của các tổ chức, cá nhân, để duy trì hoạt động. Hiện tại, CLB dân ca xã Ngọc Sơn do chị thành lập đã có hơn 40 thành viên; sinh hoạt thường kỳ đều đặn; tham gia các cuộc Liên hoan Dân ca của huyện, tỉnh, quốc gia, đều dành giải thưởng cao (giải A Liên hoan Dân ca toàn quốc tháng 5/2015); đã từng đi lưu diễn ở Thủ đô cùng với Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ.
Ngôi nhà riêng của chị, nằm cạnh quốc lộ 46, thường xuyên rộn rã tiếng cười, tiếng nói của học trò, người thân, trao đổi, bàn bạc những câu chuyện liên quan đến dân ca. Trên tường nhà treo dày đặc những giấy khen, bằng khen mà chị được tặng. Năm 2013, chị và mẹ chị, đều vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tặng danh hiệu: Nghệ nhân dân gian. Gia đình chị có 4 thế hệ biết hát dân ca. Tất cả mọi người trong nhà đều có thể hát dân ca. Nhiều tiết mục tham gia liên hoan cấp tỉnh đạt giải, do riêng gia đình chị đảm nhiệm. 3 người con gái, 1 người con trai mặc dù công tác và học tập ở xa, nhưng mỗi lần có sự kiện, vẫn tranh thủ về nhà, phối hợp cùng gia đình tập luyện và biểu diễn. Gia đình chị đã từng được Sở VH -TT & DL tặng giải: Gia đình có nhiều thế hệ nghệ nhân tham gia CLB. Chị chia sẻ: “tôi và gia đình đều yêu mến dân ca. Khi ví, giặm, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, ngoài sự vui mừng, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, cần phải cố gắng nhiều hơn trong việc gìn giữ, và làm cho dân ca ngày càng lan toả”.
50 tuổi đời và hàng chục năm cống hiến cho phong trào văn nghệ ở địa phương, chị đã từng đạt giải “diễn viên xuất sắc” trong các cuộc thi ở huyện và tỉnh; được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp huyện, tỉnh và liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. NSND Hồng Lựu khẳng định: “nghệ nhân Võ Thị Vân có giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, là vốn quý của quê ta”. Hiện nay, chị Vân là 1 trong 3 nghệ nhân dân gian ở Thanh Chương, đang được UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu: Nghệ nhân ưu tú.
An Nam - Nghệ An
|