Từ quốc lộ 46, men theo con đê uốn lượn bên bờ sông Lam, chúng tôi về với Đồng Văn – một trong những làng quê còn lưu giữ nghề làm nón truyền thống ở Thanh Chương , Nghệ An. Cái nghề đã góp phần làm nên hình ảnh chiếc nón xứ Nghệ bình dị , duyên dáng, không thể nào quên, trong bài hát “gửi em chiếc nón bài thơ” của nhạc sĩ Lê Việt Hòa.
Xã Đồng Văn nằm ở phía bắc sông Lam, nơi đây có cảnh quan tươi đẹp, người dân chịu khó chuyên cần. Cả xã có 11 thôn, thôn nào cũng có người làm nón. Những năm 80 của thế kỷ 20, nghề làm nón ở đây phát triển mạnh. Trong làng không kể ngày đêm, trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người già thi nhau chằm nón. Sáng, phụ nữ đưa nón đi các chợ trong huyện như chợ Dùng, chợ Rộ, chợ Đình…. bán cho dân, nhập cho cửa hàng xí nghiệp, chiều hối hả trở về với việc chằm may. Đêm đêm bà con tụ tập vừa làm vừa nói chuyện thật vui.
Nhiều người già ở Đồng Văn tâm sự với chúng tôi về nghề nón quê hương những thập kỷ trước đây trong sự luyến tiếc ! Cụ bà Hoàng Thị Hồng 76 tuổi đã nói: “nhờ làm nón mới có gạo ăn, nhờ nghề nón nhiều nhà mới nuôi được 7 đến 8 đứa con khôn lớn nên người”.
Những năm sau đó không khí làng nón lắng xuống, khi trên thị trường xuất hiện trăm nghìn kiểu dáng nón mũ thời trang bắt mắt, làm từ những chất liệu khác nhau. Thị hiếu thanh niên đổ xô đi tìm cái mới, nón lá chỉ ở lại với các bà các chị giãi nắng dầm mưa với mùa vụ cấy cày. Người làm nón cũng vơi dần đi, những chiếc khuôn nón được nhiều nhà cất làm kỷ niệm.
Những năm gần đây cùng với sự trở về của ẩm thực quê hương, của trang phục truyền thống, nón lá Đồng Văn đã có sự hồi sinh, khẳng định giá trị đích thực của nó. Không yêu kiều như nón bài thơ xứ Huế, không nổi tiếng như nón làng Chuông, nón lá Đồng Văn mang nét bình dị chân quê đằm thắm của con người xứ Nghệ, vẫn trắng trong xinh đẹp mà chịu nắng chịu mưa, bền bỉ không thua nón các vùng miền khác. Nón lá Đồng Văn cũng như nón lá Việt nói chung, đã khẳng định được giá trị sử dụng, giá trị văn hóa của nó trong thị hiếu của người tiêu dùng so với vô vàn các loại mũ nón thời trang khác. Bên cạnh sự nhẹ nhàng, thanh thoát, bền đẹp, phù hợp với khí hậu miền trung, còn là sự thuận tiện trong lao động sản xuất, trong nghệ thuật, vui chơi, tham quan du lịch.
Hiện nay ở Đồng Văn người làm nón không còn nhiều như xưa, mỗi thôn cũng có khoảng hơn 10 hộ gia đình tham gia sản xuất. Mỗi người, 1 ngày có thể hoàn thành 2 chiếc nón, không kể thời gian chuẩn bị. Nón được làm từ lá nón, lấy trong núi rừng Hà Tĩnh ,qua sơ chế, lái buôn đưa về bán ở chợ quê. Trước khi chằm nón, lá nón được là bằng trên lưỡi cày nung nóng cho phẳng phiu. Lá phẳng chừng nào thì dễ chằm chừng đó. Tre nứa chẻ làm vành, vót đều, uốn tròn. Mỗi chiếc nón cỡ trung bình, cần đến 15 vành từ to đến nhỏ. Để làm xong một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn, như gắn khuôn, xâu lá, chằm may, nức chân , xâu nôi, quang dầu ,phơi nắng. Để làm được một chiếc nón đẹp, ngoài yêu cầu lá trắng vành đều, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, mềm mại trong đường kim mũi chỉ. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỷ chuyên cần của chị em phụ nữ.
Bác Trần Thị Sương, 56 tuổi, thôn Thượng Quánh – người có 46 năm trong nghề làm nón cho biết, mỗi chiếc nón làm ra,bán trên thị trường giá 35 000 đ đến 40 000đ, trừ chi phí cũng được khoảng 20 000đ đến 25 000 đ. Chị Nguyễn Thị Hiền 35 tuổi – người cùng làng cho biết thêm: “Nghề làm nón đem lại thu nhập không cao, nếu làm đều tay cũng đủ trang trải các khoản sinh hoạt thiết yếu của gia đình, chứ không làm giàu được”.
Nghề nón đã gắn bó với người dân nơi đây từ những năm bao cấp khó khăn. Ngày nay những gia đình biết kết hợp giữa nghề nông với nghề làm nón một cách khéo léo thì kinh tế cũng ổn định và khấm khá.
Làm nón ở Đồng Văn có nhiều thuận lợi. Tận dụng được tre nứa vườn nhà, hoặc mua cũng chẳng đáng bao nhiêu. Thời gian làm nón quanh năm, khi tiết nông nhàn là người thợ có thể bắt tay làm việc, từ trẻ em đến người già ai cũng làm được. Sản phẩm làm ra tiêu thụ được ngay, bán lẻ ở các chợ, hoặc nhập sỉ cho dân buôn. Nón lá Đồng Văn có lúc cũng là hàng hóa, là quà cáp theo chân du khách ,con cháu, lên tàu vào nam ra bắc.
Hiện tại ở Đồng Văn ít có gia đình làm nón chuyên nghiệp, chỉ là sự kết hợp với nông nghiệp mà thôi. Thanh niên nam nữ học xong, rời làng, về thành phố tìm việc, không có ai ở quê cam chịu làm nón cả. Tuy nhiên nghề nón vẫn đang được gìn giữ, phục hồi, và ngày càng có nhiều người làm nón hơn.
Theo các cụ cao tuổi ở làng Thượng Quánh cho biết: ông tổ của nghề làm nón Đồng Văn là cụ Trần ĐìnhTuy. Những năm 50 của thế kỷ trước, bằng sự từng trải và tình cảm đối với quê hương, cụ Tuy đã đưa nghề nón từ xứ Quảng về đây, tận tình chỉ bảo cho bà con những cách thức đầu tiên về nghề làm nón. Người già truyền cho người trẻ , và rồi làng nón ra đời.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, lúc thịnh, lúc suy, dù cuộc sống “có khi đầy khi cạn”, người làm nón Đồng Văn vẫn yêu quý và gìn giữ lấy nghề, bởi nó đã đem lại nguồn thu nhập đều đặn để chi tiêu , giải quyết công ăn việc làm cho mọi người, và hơn nữa, đó còn là tình yêu đối với nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Chúng tôi xin được mượn lời bài thơ của nhà văn Sơn Tùng, nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc để chia tay làng nón Đồng Văn: “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ/ Mang hình bóng quê hương/ Lợp vào đây trăm mến nghìn thương…”.
An Nam - Nghệ An
|