(Baonghean) - Gia đình mãi là chốn bình yên để mỗi thành viên dù có đi đâu cũng phải tìm về. Bởi ở đó không chỉ có tình yêu thương mà còn có cả sự sẻ chia, cảm thông... Để xây dựng nền nếp gia phong, gìn giữ mái ấm gia đình Việt, rất cần sự chung tay của chính các thành viên...
Về Đồng Minh, Châu Thái, Quỳ Hợp, hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Cận, dân bản ai cũng khâm phục một gia đình nề nếp, thuận hoà, con cái học hành giỏi giang, thành đạt. Ngôi nhà sàn của gia đình chị khang trang, to đẹp nằm giữa bạt ngàn keo, vườn cây ăn quả xanh ngút ngát. Nhìn cơ ngơi bề thế ấy ít ai biết rằng xưa kia gia đình chị là một trong những hộ nghèo khó nhất trong bản.
Bữa cơm ấm cúng của gia đình bà Nguyễn Thị Như Hoa (xóm 8, xã Hưng Chính, Hưng Nguyên). Ảnh: Đinh Nguyệt |
Ngày trước, cả gia đình chị sống trong một túp lều nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi. Khi mới lấy nhau, vợ chồng chị lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Để chăm lo cho bố mẹ già yếu và 3 con đủ ăn, đủ mặc, ngày ngày chị chăm chỉ lên nương, rẫy làm ngô, lúa, sắn… Anh ngoài làm rẫy còn làm công nhân thời vụ cho Lâm trường Quỳ Hợp. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đã có lúc anh chị phải bán cả căn nhà mới vừa dựng lên từ ít gỗ rừng mà anh được trả công khi làm công nhân lâm trường để lo cho gia đình.
Thế nhưng, vợ chồng chị vẫn quyết tâm vượt lên khó khăn bằng mọi cách. Chị Cận tâm sự: “Bố mất từ lúc mới lên 2 nên mình đã phải bươn chải từ rất sớm, học hết cấp hai đã phải nghỉ, lo làm để kiếm lấy cái ăn. Vợ chồng mình luôn tâm niệm đồng lòng, hợp lực làm ăn để chăm lo gia đình, con cái học lấy cái chữ sau này có việc làm ổn định để đỡ vất vả”. Chịu khó tích luỹ nhiều năm dần có được ít vốn nho nhỏ, anh chị đã mạnh dạn vay thêm vốn; lúc dăm, ba triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Năm 1997, khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân trồng rừng Dự án 135, gia đình chị đã mạnh dạn nhận trồng 3 ha rừng. Ban đầu phủ xanh đồi rừng bằng cây quế, về sau chị chuyển sang trồng keo. Thời gian đầu thu nhập chỉ đủ để trang trải việc học hành cho các con, đến nay gia đình chị đã có thu nhập gần 150 triệu đồng/năm.
Nghị lực chiến thắng đói nghèo của anh chị đã tiếp lửa cho các con. Thương bố mẹ vất vả, các con chị đều tự giác và chăm ngoan, học giỏi. Nay cả 3 người con của anh chị đều thành đạt, cô con gái lớn hiện là kế toán tại Trường Đại học Công nghiệp Vinh, con trai thứ hiện đang công tác tại Huyện đội Quỳ Hợp, còn cô con gái út làm cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội. Chia sẻ về cách giáo dục con cái trong gia đình, chị tâm sự giản dị rằng, bố mẹ chính là “cái gương” để các con “soi” vào, bởi vậy chúng tôi luôn hoà thuận và mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm.
Là gia đình dân tộc Thanh, chị luôn giáo dục con cái trong gia đình lòng tự hào truyền thống gia đình, dân tộc mình. Mặc dù, mọi thành viên trong nhà đều có thể nói tiếng phổ thông nhưng mỗi lần các con, cháu về sum họp là cả nhà giao tiếp với nhau bằng tiếng Thanh. Chị truyền dạy cho các con các tục lệ thờ cúng tổ tiên vào những ngày lễ, ngày Tết. Các con trai, con gái, dâu, rể và các cháu trong gia đình chị đều được bố mẹ may cho một bộ trang phục dân tộc để trưng diện vào các dịp lễ, Tết. Trong những bữa cơm đầm ấm ngày lễ, Tết, chị luôn chuẩn bị đầy đủ món cơm lam, xôi trắng, món chẻo cá, canh đắng… những món ăn truyền thống của người Thanh để bồi đắp thêm tình yêu, lòng tự hào trong các con, cháu về những nét văn hoá truyền thống của dân tộc
Đến Diễn Yên, ai cũng lấy làm ngạc nhiên khi được chứng kiến tiết mục của gia đình ông Phạm Tài Khoản ở xóm 10. Chồng đánh trống, vợ và con dâu hát còn con trai đánh đàn. Không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc về tiếng đàn, giọng hát mà “gánh hát” của “gia đình ca trù” này khiến mọi người cảm phục bởi tình yêu và sự đam mê mãnh liệt với nghệ thuật truyền thống cha ông để lại. Ông Khoản tâm sự: Lên 10 tuổi, tôi đã được nghe ông bà, bố mẹ hát ca trù và ca trù ngấm vào tôi. Tuy có thời gian ca trù bị lãng quên nhưng tôi vẫn cứ đàn hát cho mọi người trong gia đình nghe. Tôi nhận thấy nghệ thuật ca trù mà ông cha để lại là di sản vô giá, thế hệ con cháu phải có trách nhiệm khôi phục và bảo tồn. Những buổi gia đình quây quần biểu diễn ca trù, chồng đàn, vợ, con hát đã có sức lan tỏa và khơi dậy được tình yêu đối với ca trù với bà con nơi đây. Rồi ông bà tham mưu với ngành văn hóa xã vận động những người có năng khiếu thành lập CLB ca trù. Với niềm say mê và sự kiên trì của mình, ông bà đã nhen nhóm và thành lập được câu lạc bộ với sự tham gia của 4 ca nương, 3 kép đàn.
PGS. TS Nguyễn Thị Hường, nhà nghiên cứu về giáo dục cho rằng: Chính tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc, mối quan hệ gắn bó, hòa thuận, đoàn kết của các thành viên trong gia đình là yếu tố cần thiết và quan trọng để gia đình hạnh phúc và tiến bộ. Sẽ không có mâu thuẫn, không có bạo lực, không phân biệt, đối xử giữa con gái với con trai, các thành viên không mắc vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong gia đình là nhờ có sự kết nối yêu thương. Mối quan hệ gắn kết, có trách nhiệm ngay từ trong gia đình cũng là nền tảng để các thành viên trong gia đình có các mối quan hệ lành mạnh ngoài xã hội, góp phần xây dựng xã hội ổn định, văn minh. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam để mọi người đều nhận thức được tình yêu thương chính là cốt lõi của hạnh phúc gia đình và hạnh phúc của mỗi cá nhân, góp phần hạn chế, giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình và đổ vỡ gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xâm nhập vào gia đình. Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên, chăm lo xây dựng gia đình êm ấm, hạnh phúc của mỗi nhà, các tầng lớp nhân dân sẽ tích cực nỗ lực hơn trong việc tham gia xây dựng Làng văn hóa, Xã văn hóa nông thôn mới.
Với vai trò là cơ quan quản lý, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Hiện nay đúng là có rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường, bố mẹ lo làm ăn, quá coi trọng tiền bạc mà không coi trọng đúng mức giá trị của đạo đức và trí tuệ, không quan tâm tới con cái, dẫn đến tình trạng con cái hư hỏng, nghiện hút, bị lạm dụng tình dục,… nhất là tình trạng bất bình đẳng giới, ly hôn và bạo lực gia đình ngày càng gia tăng đến mức báo động. Nền nếp, bản sắc và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam ngày càng phai nhạt. Xác định văn hóa gia đình là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước, thời gian qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong các tiêu chí của gia đình văn hóa, làng văn hóa có một tiêu chí là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói phong trào đã thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng tăng, chất lượng danh hiệu gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Một số huyện, thành, thị đã chủ động sáng tạo xây dựng danh hiệu “Dòng họ văn hóa”. Ở các địa phương hàng năm nhân Ngày Gia đình Việt Nam đã tổ chức biểu dương, khen thưởng những gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận; gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống hạnh phúc; gia đình giáo dân “sống tốt đời đẹp đạo”; gia đình làm kinh tế giỏi...
Phong trào đã góp phần gìn giữ truyền thống gia đình Việt Nam, đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Bên cạnh đó, ngành cũng đã triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam”, thí điểm tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương và đạt nhiều kết quả tốt. Thời gian tới ngành sẽ tiến hành nhân rộng đề án này trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra đã triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo. Trong 6 năm qua, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và hỗ trợ tích cực từ tổ chức Ford Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã chọn Thị xã Cửa Lò để xây dựng một mạng lưới cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động rất có hiệu quả. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh trong năm tới. Những hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa truyền thống.
Nhóm P.V
Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 2015 là tiếp tục tuyên truyền chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” với ý nghĩa nhằm trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm và nêu cao những giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thông về công tác gia đình năm 2015 là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Các hoạt động sẽ gửi đến các thông điệp truyền thông: Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương; Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc; Xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội lành mạnh. Thời gian tuyên truyền, vận động các gia đình tổ chức thực hiện bữa cơm trên toàn quốc vào ngày Chủ nhật 28/6/2015. |
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/xa-hoi/201506/giu-nep-gia-phong-618453/