Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu cuộc gọi đến các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài trong suốt 10 năm làm phóng viên quốc tế của mình. Do tần suất và sự “dai dẳng” như thế, tên Báo NTNN đã để lại nhiều dấu ấn đối với các vị đại sứ và “quả ngọt” chúng tôi nhận được đó là những bài viết, những thông tin độc quyền đến từ các Đại sứ quán.
Vị Đại sứ mà tôi đặc biệt ấn tượng là cựu Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sĩ Tam. Phong thái và cung cách làm việc của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cùng với sự nhiệt tình, tận tâm, Đại sứ Phạm Sĩ Tam đã trở thành nhân vật nổi bật nhất trong cuộc giải cứu hàng ngàn lao động Việt Nam ở Libya vào năm 2011. Vào thời điểm đó, bạn đọc của Báo NTNN đã được biết đến ông thông qua những bài viết về cuộc giải cứu và số phận của hơn 1.000 lao động Việt Nam chạy loạn từ Libya sang Ai Cập khi chính quyền của ông Gaddafi bị sụp đổ.
Khi những tin tức về tình hình khủng hoảng ở Libya được truyền đi, số phận của hàng ngàn lao động Việt Nam trở thành chủ đề nóng bỏng nhất lúc bấy giờ. Bạn đọc báo NTNN và hàng ngàn gia đình Việt có thân nhân đang ở Libya như ngồi trên đống lửa...Trước sức nóng đó, chúng tôi đã không chậm trễ khi kết nối với Đại sứ Phạm Sĩ Tam (vì ở Libya chưa có cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, nên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã kiêm nhiệm Libya).
Nằm ở mãi tận mỏm cực Tây Bắc châu Phi xa lơ xa lắc, Cairo - thủ đô của Ai Cập – nơi có trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam, cách Hà Nội tới 5 múi giờ. Nghĩa là việc tôi đặt đồng hồ 6 giờ sáng (giờ Hà Nội) thức giấc để gọi điện phỏng vấn Đại sứ Phạm Sĩ Tam thì cũng đúng lúc đánh thức ông khi ông vừa chợp mắt!
“Xin chào Đại sứ! Tôi là phóng viên Báo NTNN, gọi từ Việt Nam...”, từ đầu dây bên kia, giọng Đại sứ vọng lại: “Chào bạn, tôi là Đại sứ Phạm Sĩ Tam và bây giờ là 1 giờ sáng ở Cairo, chúng tôi vừa nói “chúc ngủ ngon” chỉ cách đây vài phút...”.
Sau lời hội thoại ban đầu, cùng với sự áy náy tận đáy lòng của tôi, Đại sứ cười nói tiếp “Tôi có thể giúp được gì cho bạn đây?” Sự cởi mở của ông, của một cán bộ tận tâm, đã mở ra cơ hội cho chúng tôi biết về tình hình của hàng ngàn lao động Việt Nam ở Libya và kế hoạch giải cứu họ, mà ông là người đóng vai trò chính trong cuộc giải cứu này. Cuộc phỏng vấn đầu tiên kết thúc sau hơn 1 giờ, tôi nói lời chúc Đại sứ ngủ ngon vào đúng lúc Cairo đã hơn 2 giờ sáng.
Những lần phỏng vấn sau đó, tôi căn giờ cẩn thận hơn, thậm chí cả khi không thể liên lạc được bằng điện thoại, là phóng viên NTNN, Đại sứ Phạm Sĩ Tam cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin bằng email. Năm 2012, trong một lần trở về Việt Nam dự Hội nghị Ngoại giao, ông đã dành riêng cho tôi một cuộc trò chuyện, những câu chuyện chưa hề kể về cuộc giải cứu lao động Việt Nam quy mô lớn như vậy trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sĩ Tam kể: “Đúng lúc cao điểm nhất của cuộc giải cứu, tôi nhớ rất rõ đó là ngày 28.2.2011, tôi nhận được tin báo từ quê nhà rằng, người mẹ thân yêu của tôi đã vĩnh viễn ra đi..”. Tôi thực sự xúc động.
Và sau này nữa, nhờ sự giới thiệu của ông, tôi được biết đến các vị Đại sứ khác và công việc kết nối của phóng viên NTNN ra thế giới nhờ vậy cũng thuận tiện hơn.
Nóng cùng chiến sự Syria
Nói vậy nhưng tôi vẫn không “rút được kinh nghiệm” trong những lần kết nối đến các vị Đại sứ ở các nước khác. Vì múi giờ chênh lệch nhau, nên có khi không khí làm việc ở tòa soạn Hà Nội đang nóng hổi, thì tiếng chuông điện thoại reo lên ở phía bên kia là đang đêm hoặc tờ mờ sáng. Nhưng may mắn thay, những người tôi liên lạc đều rất hiểu rằng, do múi giờ chênh, nên tôi nhận được sự thông cảm vô số lần.
Kỷ niệm thứ hai mà tôi rất nhớ đó là thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng ở Syria năm 2011-2012-2013. Vì Việt Nam chưa có đại sứ quán ở Syria nên Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ kiêm nhiệm. Chiến sự ở Syria đã trở thành tâm điểm của thế giới, cùng với số phận của hàng triệu thường dân Syria, cuộc chơi chính trị của Tổng thống Assad... Đặc biệt, có thời điểm cả thế giới “phát sốt” với những dự đoán về kế hoạch tấn công Syria của Mỹ...
Với nghiệp vụ thông thường của một phóng viên quốc tế, tôi lại kết nối đến Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đại sứ Nguyễn Thế Cường đã chia sẻ với NTNN những nhận định của ông về diễn biến sự kiện và dự báo cuộc khủng hoảng ở Syria. Đặc biệt hơn nữa, Đại sứ Cường là người đóng vai trò chủ đạo trong cuộc giải cứu 3 phụ nữ Việt từ điểm nóng chiến sự Aleppo thông qua sự phối hợp của Tổ chức Di dân quốc tế. Và từ sự chỉ dẫn của Đại sứ Cường, chúng tôi đã liên lạc được với 3 nhân vật chính. Báo NTNN đã trở thành tờ báo đầu tiên viết về số phận của những phụ nữ Việt và cuộc hành trình của họ trở về Việt Nam từ điểm nóng Syria.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của anh Nam- cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, NTNN đã có tường trình nhanh và chính xác về cuộc sống người Việt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- giáp với Syria. Qua email, anh Nam nhắn nhủ: “Nếu phóng viên NTNN sang Syria tác nghiệp về chiến sự, nhớ liên hệ với sứ quán, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn gia đình một phụ nữ Việt lấy chồng ở vùng biên giới giáp Syria, chị sẽ giúp các bạn trong việc thông ngôn và dẫn đường”...Cảm ơn các vị Đại sứ, các cán bộ ngoại giao, chúng tôi vẫn còn nợ các anh một lời hứa hội ngộ ở Ankara khi NTNN có điều kiện tác nghiệp tại đấy.
Những sự kiện nổi bật sau này như trận bão Tacloban ở Philippines, rơi máy bay ở Lào, giải cứu lao động Việt Nam ở Nga, cô dâu người Việt chết thảm ở Hàn Quốc, biểu tình ở Thái Lan, khủng hoảng ở Ukraine và tình hình người Việt... trước khi NTNN cử phóng viên đến hiện trường, việc kết nối đến các đại sứ quán Việt Nam ở đây đã mang lại những thông tin chính xác, hữu ích và quan trọng hơn cả là đã đưa thế giới đến gần hơn với bạn đọc NTNN.
Lễ tang Đại tướng, 15 đại sứ được kết nối
Qua lời kể của các cán bộ đại sứ quán, lễ viếng Đại tướng được thể hiện trang nghiêm, và nỗi tiếc thương vô hạn của những người Việt xa quê hương dành cho Đại tướng, đã hòa quyện trong dòng cảm xúc của những người con ở trong nước, đưa tất cả những con người gốc Việt như xích lại gần nhau hơn nữa dù họ đang ở nơi đâu trên địa cầu này. |
Đăng Thúy
http://danviet.vn/the-gioi/xin-chao-dai-su-416516.html#cmanchor