(Baonghean) - Từ Bến Thủy ngược đường du lịch ven sông Lam khoảng 5 km là đến làng Mỹ Dụ, xã Hưng Châu (Hưng Nguyên). Theo cụ Nguyễn Đình Huynh (82 tuổi), làng xưa có 3 xóm: xóm trên, xóm giữa và xóm dưới. Đền Mỹ Dụ uy nghi lộng lẫy toạ lạc trên nền đất cao phía Đông làng, xung quanh ngập nước, có nhiều cây cổ thụ to lớn, trong đó có những cây mưng sống hàng trăm tuổi, là công trình cổ của làng còn sót lại đến ngày nay. Kiến trúc đền xây dựng theo kiểu tam toà: Thượng, trung, hạ điện, theo dạng tứ trụ oai bẩy. Cổng ngoài xây hai cột nanh cao lớn, trên đỉnh cột đắp 2 con nghê to lớn dữ tợn chầu vào nhau. Hai phía cột nanh xây tường lửng đắp ngựa, hổ. Cổng trong gọi là cửa Tam quan có 3 cổng (giữa là cổng chính, hai bên là cổng phụ), xây bằng gạch. Tiếp đến là 3 tòa (hạ điện, trung điện và thượng điện). Toà ngoài gọi là hạ điện hay nhà ca vũ dùng làm nơi hát xướng ca múa làm trò. Tòa trong là trung điện dùng thờ đức Thành hoàng có công lập làng, bảo hộ làng, có long ngai có hòm đựng sắc phong. Phía trong là hậu cung (thượng điện). Trên các đường xà hạ đều được chạm trổ tinh vi long - ly - quy - phượng, 4 con vật tượng trưng cho uy quyền của chế độ phong kiến.
Đền Mỹ Dụ ở xã Hưng Châu, (Hưng Nguyên). |
Từ bao đời nay đền Mỹ Dụ trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương. Hàng năm vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy, dân làng lại long trọng tổ chức lễ tế thần cầu yên, cầu phúc; nơi sinh hoạt văn hoá đậm đà bản sắc như đấu vật, chọi gà, đánh cờ, hát ca trù và là nơi khấn cầu Thành hoàng giúp đỡ con em qua mỗi kỳ thi, đua tài văn bút, là nơi giáo dục truyền thống cho bao thế hệ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, đền được chọn làm nơi cất giấu lương thực, quân trang quân dụng, trú ngụ của các đơn vị bộ đội hành quân vào Nam đánh Mỹ.
Trước làng có nhiều bến sông, dân thường gọi bến Đò, bến cây Sung, bến cố Na, bến Mụ Biện, bến cây Đa… Bến nước trước đây được xây bậc bằng đá ong nhiều cấp, là cửa ngõ thông thương của làng. Tại bến sông nhiều thuyền bè qua lại tấp nập, là nơi vận chuyển hàng hoá đặc sản của địa phương đi ra các nơi. Bến sông cũng là nơi sinh hoạt tắm rửa, lấy nước của làng đã hàng trăm năm nay. Chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống các cụ già thương ra ngồi hóng mát, các em nhỏ ra chơi đùa chạy nhảy, đánh khăng, đánh đáo và trai gái thường ra gánh nước. Gặp nhau họ thường đùa cợt, chọc ghẹo và trở thành nơi gặp gỡ của bao chàng trai, cô gái. Nhiều đôi đã hẹn hò kết tóc xe duyên, thề tốt bên bến sông thành vợ, thành chồng. Vè dân gian mô tả:
‘’Nhớ ai gánh nước chiều chiều trên vai
Nước trên vai vai kia ai chân bước
Ta đứng trông nàng trăm ước ngàn mơ
Đêm khuya trăng tắt sao mờ
Ra ngồi bên bến đợi chờ người thương…’’.
Làng quần cư ven sông, đất đai màu mỡ có đến hàng mẫu đất bãi bồi được trồng mía, là nơi nổi tiếng nghề làm kẹo che, kẹo lạc. Theo cụ Huynh, nghề kẹo che bắt đầu từ tháng 11 năm này kéo dài mãi đến tháng 3 năm sau. Đến mùa này cả làng náo động hẳn lên, người vận chuyển mía, người kẹo che, người nấu mật, khách đến mua mật ra vào tấp nập. Kẹo che đặt tại ven sông dưới rặng tre xanh, đêm đêm ánh lửa từ các lò nấu mật toả sáng cả vùng và mùi mật chín toả thơm ngào ngạt, Khách đến mời uống nước chè xanh với mật và gừng vừa thơm vừa ngọt.
Song song với nghề làm đường mật là nghề nấu kẹo lạc cũng không kém phần vất vả của chị em phụ nữ. Đêm đêm bên lò nấu kẹo, lửa bập bùng, từng nồi kẹo được đổ ra vàng rộm. Sáng sớm từng thùng kẹo được đóng gói chở ra Thành phố Vinh tiêu thụ. Nghề này tồn tại cho đến ngày nay và đã được UBND tỉnh cấp bằng làng nghề nấu kẹo lạc. Về thăm làng Mỹ Dụ, ăn kẹo lạc, uống nước chè xanh, bồi hồi nhớ bến sông, đền làng, vui thay trên mảnh đất này đang ngày càng đổi mới.
Trần Hữu Đức
(Phường Hưng Bình, TP. Vinh)
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201506/lang-my-du-614517/