Ngược quốc lộ 46, về thăm làng Thuận Lý xã Thuận Sơn (Đô Lương) – vùng quê thanh bình nằm bên tả ngạn sông Lam, nơi có đền Linh Kiếm cổ xưa với bao huyền thoại.
Theo cụ Trần Đình Thành (87 tuổi), làng xưa có 4 xóm, mỗi xóm được đặt một tên chữ mang nguyện ước tốt đẹp của làng: Thịnh, Cường, Khang, Thọ. Trung tâm của làng là ngôi đình 5 gian nằm dọc, chạm trổ công phu; toạ lạc trên vùng đất Thang Đình, rộng rãi, thoáng đãng. Trong đình, mấy dãy cột to, người ôm không xuể. Hàng năm, tại đình, dân làng tổ chức rước, tế thần vào ngày 11/6 âm lịch. Những ngày cách mạng, đình là nơi cán bộ về diễn thuyết; dân làng tập trung, hưởng ứng đi cướp chính quyền. Trong kháng chiến đình là nơi tuyển quân, tiễn quân nhập ngũ. Ngày nay, bên phải cổng làng, giữa vườn cây xum xuê, còn lại một nền đất cũ – đó là dấu tích của đình Thuận Lý xưa.
Làng có nhà Thánh để thờ Khổng Tử, là ngôi nhà 3 gian, xây dựng gần bờ sông Lam. Trong nhà Thánh, đồ tế khí được bài trí đơn giản. Phía trước sân, dựng 1 bia đá to. Tại đây, hàng năm, làng thường tổ chức lễ Thánh để tôn vinh Nho học. Trước cách mạng, nhà Thánh đã là nơi dạy chữ quốc ngữ của cụ cửu phẩm Nguyễn Văn Tùng, sau này là nơi mở những lớp bình dân học vụ. Trong chiến tranh, nhà Thánh bị lãng quên, rồi bị dỡ đưa đi làm công trình tập thể. Làng cũng có một ngôi chùa, gần bến sông. Những ngày sóc vọng, dân làng thường đến dâng hương, lễ Phật. Rằm tháng Bảy hàng năm - ngày xá tội vong nhân, chùa thường tổ chức “chẩn thí” (phát, tặng quà) cho mọi người. Ngày nay, cả nhà Thánh lẫn chùa đều phai nhoà dấu tích, trên vị trí xưa, nhà dân, cây cối đã mọc xanh.
Công trình cổ của làng còn tồn tại đến ngày nay là đền Linh Kiếm thờ Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) – Người có công lớn trong việc “hộ quốc an dân” và từng giữ chức An phủ sứ Nghệ An năm 1337. Xưa kia, đền có cổng và 3 toà đồ sộ nhìn ra sông Lam. Cổng đền là 2 trụ biểu, hai bên có tượng tướng canh, voi, ngựa uy nghi. Hạ điện, trung điện là những ngôi nhà 3 gian, xây dựng năm Bảo Đại thứ 6 (1931). Thượng điện 2 gian nằm dọc, khởi dựng từ xưa, được chạm trổ phượng, rồng rất đẹp. Không gian thờ tự trong đền, bài trí xuyên suốt từ trước ra sau, từ thấp lên cao. Phía trên tán thờ ở hậu cung có 4 chữ Hán lớn: “thánh – cung – vạn – tuế”. Ngày nay, cổng xưa và nhà hạ điện đã không còn, tuy vậy đền Linh Kiếm vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: linh kiếm, long ngai, bát bửu, kiệu rước, tán, quạt, lư hương, câu đối, và 4 sắc phong do các triều đại phong kiến ban cấp.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, trong dân gian đã lưu truyền bao huyền thoại gắn liền với đền Linh Kiếm. Người làng kể rằng: Ngày ấy, trên đường đi đánh giặc Ai Lao, người dũng tướng xuống bến sông của làng tắm, cắm cây kiếm đeo bên mình lên bãi sông. Lúc tắm xong, ông rút kiếm lên đường, nhưng không rút nổi, bèn lập đàn, tế đất trời, xin thần linh phù hộ. Sau ngày thắng giặc, dân làng đã xây dựng tại đây một ngôi đền để thờ ông và lưu dấu chuyện kiếm thiêng.
Từ bao đời nay, đền Linh Kiếm đã trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương và các vùng lân cận. Hàng năm, đến ngày 12/6 âm lịch, dân làng lại long trọng tổ chức lễ tế thần tại đền và trẩy hội chèo bơi trên sông. Những năm chiến tranh, Khu uỷ khu IV và một số cơ quan như thuỷ lợi, thương nghiệp, dược phẩm, công an, lúc di tản về làng, đã lấy đền làm trụ sở. Đền đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá năm 2012.
Trước đền có bến sông, là cửa ngõ của làng thông sang huyện bạn, dân thường gọi là bến Đền. Tại bến, thuyền bè qua lại đông vui; có đò ngang đưa người sang sông; có dân vạn đò quần tụ, sống bằng nghề chài lưới. Bến là nơi sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ, lấy nước của làng từ mấy trăm năm. Cạnh bến có 2 cây cổ thụ: cây gạo và cây đa Đền. Cây đa to lớn, toả bóng sum suê cả một vùng, dân làng thường ra hóng mát, đánh cờ dưới gốc cây. Những năm Xô Viết, cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên ngọn cây đa, báo hiệu, cổ vũ cho dân làng đi tranh đấu. Ngày nay, bến sông xưa vẫn còn đò chở khách sang sông, nhưng cây gạo đã bị chặt, cây đa thì trơ lại những cành khô. Hình ảnh “cây đa ba nhánh chín chồi” một thời là niềm tự hào của người dân Thuận Lý, chỉ còn trong câu ca xưa, trong tâm khảm của bao thế hệ đã gắn bó với cây đa làng.
Làng quần cư ven sông, đất đai màu mỡ, đã từng nổi tiếng là đất “ăn cơm đứng” bởi nghề xe chỉ, ươm tơ. Theo cụ Thành, nghề này đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây; xưa kia, bãi Lính, bãi Làng, bãi Nổi (ở giữa sông Lam có gần trăm mẫu), đều được trồng dâu; cả một vùng ven sông là màu xanh tít tắp của dâu. Nuôi tằm lắm việc, nên trong làng luôn rộn vui tiếng nói, tiếng cười; nhà nào ươm tơ nhiều, phải sắm hàng chục chiếc nống lớn và mấy cái nồi to, để phục vụ cho việc quay tơ. Trong nhà, ngoài đình, đều biến thành nơi đặt nống ươm tơ. Đường làng, ngõ xóm, nơi đâu cũng phấp phới giăng tơ vàng óng. Ngày đó, nhà cụ Nguyễn Đình Đường là nhà nuôi tằm tiêu biểu nhất. Mỗi năm, làng cũng sản xuất được hàng chục tấn tơ, đem lại nguồn thu nhập khá. Trong làng “nhờ trồng dâu nuôi tằm, mà nhiều nhà có của ăn của để, nuôi được con cái học hành”...
Sông Lam đã đổi thay dòng, bãi Nổi giữa sông đã thuộc về làng khác, nhưng con người nơi đây, bao đời vẫn vậy, dù dưới thuyền hay trên bộ vẫn một lòng chăm chỉ, sớm hôm tần tảo làm ăn. Về Thuận Lý, thăm đền Linh Kiếm, ghé cổng làng, bồi hồi nhớ chuyện xưa, vui thay trên vùng đất thiêng, cuộc sống mới đang ngày càng thay da đổi thịt.
Huy Thư - Nghệ An
|