(Baonghean) - Hôm nay đưa Bim về thăm quê Bác - như một phần thưởng cho năm học sắp kết thúc, hai cậu cháu đi trên Quốc lộ 46, đoạn vừa ra khỏi cửa ngõ thành phố tiếp giáp huyện Hưng Nguyên. Ngày xưa con đường Nguyễn Sinh Sắc này men một bên là hồ cá Cửa Nam, bây giờ xây cầu vượt cao hẳn lên tít tắp. Bim thích chí ồ lên: “Cầu vượt đẹp quá cậu ơi!”. Thêm một quãng, lại một cây cầu nữa. Nhưng lần này Bim không vui thích trầm trồ nữa, mà thắc mắc: “Đây cũng là cầu hả cậu? Cầu gì mà bé thế?”. Mình cười, xoa đầu con bé: “Là cầu Đước đấy Bim ạ!”
Cây cầu bé nhỏ nằm khiêm nhường trên đường Nguyễn Sinh Sắc, vắt ngang qua con sông nhỏ - cũng được gọi luôn là sông Cầu Đước. Cách gọi tên thật ngộ, vì thường có sông rồi mới có cầu, nhưng đằng này con sông lại được gọi tên theo chính cây cầu bên trên. Nói đến cầu Đước, người ta thường nghĩ đến một nhà máy xi măng nằm ở cách đó không xa. Lại cũng là một điều thú vị khác xung quanh cây cầu này. Rõ ràng nhà máy xi măng được đặt tên theo địa danh ngay kề bên nó, nhưng rồi dần dà, không hiểu sao người ta quên bẵng đi chủ thể của cái tên, mà chỉ nhớ đến “nhân vật ăn theo” là nhà máy xi măng.
Cầu Đước. |
Đến tận bây giờ, cầu Đước vẫn khiêm tốn cả về kích thước, vị trí thực địa lẫn trong tiềm thức của người dân thành phố. Một cây cầu quá ư nhỏ bé nếu đem so sánh với cầu Bến Thuỷ - hẳn rồi, quá nhạt nhoà nếu đặt cạnh cầu Kênh Bắc - nơi gắn với những con đường, với khu chợ, với những hàng quán mà người ta nhớ mặt, nhớ tên. Chính mình cũng đang hết sức ngạc nhiên, từ trước đến nay, chưa bao giờ cầu Đước hiện lên trong tâm trí mình với một đường gờ dù là mong manh nhất. Cái tên cứ trôi tuột đi theo cung đường trải dưới bánh xe lăn. Hôm nay mới chợt nhận ra, à, có một cây cầu như thế ở nơi cửa ngõ thành phố - lạ mà lại rất quen. Cây cầu dẫn ta về thăm quê Bác…
Mình vốn tin rằng không có điều gì xảy đến bất chợt, mà luôn có một lý do. Sự “xuất hiện”, hay nói đúng hơn là “lộ diện” của cầu Đước khỏi bức màn đen che phủ trong tâm trí mình hôm nay hẳn cũng vậy. Vì cớ gì cây cầu đã đi qua không biết bao nhiêu lần, bây giờ bỗng thành mới mẻ? Mình nghĩ, rất có thể chính nhờ cây cầu vượt vừa mới được xây lên ở ngay vị trí cửa ngõ thành phố. Thoạt nghe có vẻ vô lý, và sự vô lý đó đã được nêu ngay trong hai câu nói thể hiện thái độ, cảm xúc của Bim đối với hai cây cầu gần sát nhau. Một bên là đại diện của tất cả những gì hiện đại nhất, của một thời đại trẻ trung, một tầm vóc cao hơn và xa hơn. Còn một bên là sự già nua đi từng ngày của một quá khứ khiêm nhường, gần như là nghèo nàn. Nói như thế không phải để chê bai những gì cổ xưa, mà là lời tự thú rất thật với lòng mình, là nỗi nhung nhớ, lưu luyến hoài niệm. Và có cả chút gì đó tri ơn những nền móng cũ cho ta đứng lên tầm cao mới hôm nay.
Âu đó cũng là xu hướng chung của xã hội ngày nay. Có những điều nhỏ bé, giản dị mà gần gũi, thân thương, tựa hồ như đã thành một phần tự nhiên đến nỗi ta không nhìn ra, phân biệt được rõ ràng đường nét tách bạch chúng với phông nền xung quanh nữa. Chỉ đến khi một yếu tố mới xuất hiện, mà sự bóng bẩy, tối tân của chúng khiến cho bức tranh toàn cảnh trở nên khập khiễng, ấy mới là lúc ta nhận ra sự tồn tại của những gì cũ kỹ, cổ xưa. Nhưng đấy lại là một sự khập khiễng đầy đáng yêu, nếu thật tâm chúng ta biết yêu cả những gì đã già nua và phủ bụi mờ của năm tháng. BIết yêu quá khứ mộc mạc, dù được đặt cạnh một thực tại hào nhoáng, có như thế mới không đánh mất bản thể của mình ở tương lai.
Mải suy nghĩ vẩn vơ, mình không để ý thấy Bim đã bắt chuyện với cậu nhóc ngồi ghế bên cạnh lúc nào không hay. Không biết hai đứa đang nói chuyện gì mà trông có vẻ say sưa, mình “dỏng tai” lắng nghe:
- Hai bên đường người ta xếp cái gì thành từng hàng, ngộ thế hả anh?
- Họ bán các loại xe chở vật liệu xây dựng đấy em ạ. Có xe rùa, xe đẩy, xe cút kít,… Ở các công trình xây dựng, người ta chất vật liệu lên xe rồi kéo, đẩy bằng tay.
- Thế thì nặng lắm anh nhỉ? Sao người ta không chở bằng xe ô tô, xe công nông, vừa nhanh vừa đỡ mất công!
- Có những nơi phải len lỏi, luồn lách mới vào được, xe ô tô, xe công nông chỉ đứng ở bên ngoài thôi. Vẫn phải nhờ đến sức người và những vật dụng thô sơ này, em đừng coi thường chúng. “Bé mà có võ” đấy, nhìn thô sơ thế thôi, nhưng nếu người làm ra chiếc xe này cẩn thận làm phần bánh xe thật chắc chắn, bánh xe đủ độ trơn linh hoạt, thì chiếc xe sẽ có tác dụng trợ lực cho người lao động rất nhiều!
Mình ngẩn người lắng nghe cậu thiếu niên trông chỉ mới trạc 14, 15, nước da nâu bóng giòn, đôi mắt ánh lên vẻ linh lợi của đứa trẻ sớm bươn chải với đời. Nhìn sang hai bên đường, quả thấy một dãy khoảng hơn chục nhà làm nghề hàn, gò, cơ khí, sản xuất các vật dụng phục vụ việc xây dựng. Những chiếc xe rùa xếp hàng ngay ngắn, thùng xe được sơn bằng nước sơn mới cóng, trông sạch sẽ, tinh tươm không như những chiếc xe cũ kỹ, phủ bụi mù mịt mà người ta thường thấy trong các công trình xây dựng. Những chiếc bánh còn chưa kịp bị con đường gồ ghề sỏi đá làm cho mòn vẹt, bộ khung còn nguyên màu kim loại sáng bóng và chưa méo mó vì phải oằn mình chở đất, chở đá. Mình quay sang nhìn cậu thiếu niên, thấy những vết chai sần trên hai bàn tay, thấy cả những vết trông như vết bỏng - có phải trước mặt mình là một người thợ gò hàn tí hon không, mà sao cậu như thấu hiểu câu chuyện “cuộc đời” của những chiếc xe rùa kia nhường ấy?
Một nếp phố bên cầu. |
Tự nhiên lòng dậy lên một niềm thương cảm lạ kỳ đối với những sự vật, con người mà thoáng trông có vẻ cũ kỹ, nhàu nhĩ, đến nỗi ánh mắt ta thường lướt qua và không bao giờ dừng lại. Âu đó cũng là phản xạ tự nhiên của con người: ai mà chẳng thích những thứ đẹp đẽ, mới mẻ và tinh khôi, thuần không một vết hằn của thời gian? Nhưng ấy lại là một phản xạ đi trái với lẽ tự nhiên: không một thứ gì trên đời giữ mãi được vẻ trinh nguyên thưở đầu. Ngay cả con người cũng thế thôi, vậy thì cớ sao đòi hỏi sự vật xung quanh lúc nào cũng mới mẻ, khi mà bản thân mình đang già cỗi đi từng ngày?
Hôm nay, có thể cầu Đước trong mắt mình là nhỏ bé, cũ mòn và lạc hậu khi đặt cạnh cây cầu vượt to đẹp, hiện đại. Nhưng trong mắt của ông, bà, bố, mẹ mình xưa kia, biết đâu cầu Đước đã từng được trầm trồ, khen ngợi khi vừa mới xây xong, khi nâng chân người bước ra từ cửa ngõ thành phố để trở về vùng quê, tìm về quê hương Bác Hồ kính yêu? Nghĩ đến đây, mình thầm mỉm cười và mường tượng ra câu hỏi của Bim khi về đến Kim Liên, Nam Đàn. “Cậu ơi, tại sao nhà cửa người ta xây bằng gạch, xây nhà tầng cao đẹp hết rồi, mà vẫn giữ lại ngôi nhà tranh cũ kỹ của Bác?”. Khi ấy, mình sẽ trả lời: “Để Bim và các bạn của Bim biết rằng Bác Hồ và thế hệ ngày trước đã từng sống trong những ngôi nhà như thế, thì Bim và các bạn ngày hôm nay mới được sống trong những ngôi nhà tầng cao đẹp, khang trang”. Nhưng có ai bảo rằng ngôi nhà tranh xưa không đáng yêu, đáng quý, cũng như có ai mà lòng không chộn rộn khi rời cây cầu vượt mới mẻ để đi trên cầu Đước thân thương?
Thục Anh
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201505/cay-cau-va-mien-ky-uc-608580/