(Baonghean) - Không chỉ có tiềm năng du lịch sinh thái, cộng đồng hấp dẫn, mà quê lúa Yên Thành còn là vùng quê có truyền thống hiếu học. Nhiều dòng họ trên đất này có người đỗ đạt cao, chẳng thế mà trong dân gian có câu “Bao giờ rú Gám hết cây/ Sông Dinh hết nước, họ này hết quan!”... Những di tích gắn với các nhà cách mạng, những ông nghè, ông trạng, cùng bao câu chuyện kể về sự khổ học thành tài vẫn mãi lưu truyền trong hậu thế đã tạo nên một sức hút khó cưỡng khi khách nơi xa về với Yên Thành.
Một đoạn sông Dinh chảy qua Thị trấn Yên Thành. Ảnh: X.H |
Trong tác phẩm “Diễn Châu - Đông Thành huyện thông chí”, Thám hoa Phan Thúc Trực đã viết: “An Thành thế đất bằng phẳng, tục dân thuần tú, văn học khoa bảng đứng đầu một phủ”. Những người nông dân Yên Thành không chỉ từng thuần hóa, giữ gìn những giống lúa quý như lúa chăm, lúa hẻo, đặc biệt là lúa nếp rồng thơm ngon nổi tiếng, mà còn là những người chuộng đạo học, nêu cao truyền thống khổ học, hiếu học và học giỏi.
Thuở Hán học còn thịnh đạt, làng xã nào cũng dành một phần ruộng đất làm học điền, nhiều làng xây dựng văn miếu, thành lập hội tư văn, hội đồng môn để tôn vinh đạo học. Dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng cố gắng nuôi dưỡng cho con cháu “học dăm ba chữ để làm người”. Cho nên, đất học Yên Thành có những gia đình và những dòng họ liên tiếp có người đỗ đạt cao.
Mộ Trạng nguyên Bạch Liêu tại xã Mã Thành. Ảnh: Hồ Các |
Người mở đầu cho truyền thống khoa bảng huyện Yên Thành và cả xứ Nghệ là Trại Trạng nguyên Bạch Liêu. Ông quê gốc ở làng Trúc Hạ, xã Thanh Đà, nay là xã Mã Thành. Hiện mộ ông đang ở khu vực cồn Rộc Lách, dưới chân đập Khe Bai. Đứng ở đây nhìn về hướng Tây, hiện rõ đỉnh núi Hòn Vọng, Yên Ngựa, 1 trong 3 ngọn núi mà người dân ở đây xếp hạng cao nhất trong vùng “Nhất Cao là động Mồng Bà, thứ hai Yên Ngựa, thứ ba Động Cầu”.
Hướng đầu của mộ Trạng nguyên Bạch Liêu tựa vào 2 ngọn núi ấy, còn chân hướng phía động Hòn Chăn. Bạch Liêu đỗ Trạng nguyên khoa thi Bính Dần, năm Thiệu Long thứ 9 (1266) đời vua Trần Thánh Tông. Từ đó về sau, theo các tài liệu đăng khoa lục thì huyện Yên Thành có 22 vị đỗ đại khoa, trong đó có 4 vị trạng nguyên (cả Nghệ An có 6 vị trạng nguyên), 3 vị thám hoa, 3 vị hoàng giáp, 7 vị tiến sỹ, 4 vị phó bảng. Tổng Quỳ Trạch có 4 vị trạng nguyên, 2 hoàng giáp, 4 tiến sỹ, 20 cử nhân, 192 tú tài. Làng Tam Thọ, nay thuộc xã Thọ Thành, có 3 trạng nguyên, 3 tiến sỹ, 1 cử nhân, hàng chục hiệu sinh, tú tài.
Ở Tràng Thành có 2 thám hoa, 1 hoành từ (tiến sỹ), 21 cử nhân, 81 tú tài. Họ Hồ ở làng Tam Thọ có 3 thế hệ nối tiếp nhau là Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành (tam đại đồng khoa) đều đỗ Trạng nguyên. Họ Lê ở trại Tràng Sơn, nay thuộc xã Sơn Thành, có 3 cha con ông cháu đều đỗ cao: Lê Kính đỗ Tiến sỹ, Lê Hiệu đỗ Hoàng giáp làm Thượng thư cùng triều, Lê Mai đỗ Giải nguyên. Riêng Lê Hiệu được cử đi sứ sang Trung Quốc có tài văn thơ đối đáp với sứ thần các nước và vua quan nước sở tại, nên được phong “Lưỡng quốc Tể tướng”. Họ Hồ ở làng Tam Thọ, họ Phan Tất, họ Phan Mạc ở Tràng Thành liên tiếp 7 đến 8 đời có người đỗ đạt.
Nhà thờ họ Hồ Tam Công (Thọ Thành - Yên Thành) được Nhà nước đầu tư xây dựng thành điểm du lịch. Ảnh: X.H |
Từ mộ Trạng nguyên Bạch Liêu, xuôi về làng Tam Thọ, xã Thọ Thành chừng 5 km, đến với nhà thờ Hồ Tam Công, nơi thờ 3 vị Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn và Hồ Tông Thành. Sau khi được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, Nhà nước đang đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo nhiều hạng mục, tạo thành địa chỉ du lịch hấp dẫn trên đất Yên Thành. Khuôn viên nhà thờ họ rộng tới 20 nghìn m2, với các hạng mục xây dựng chính: nhà thờ, nhà khách, nhà bia, cổng tam quan… xung quanh là làng quê trù phú, cánh đồng lúa thơm ngát.
Dòng họ Hồ Tam Công nổi tiếng hiếu học qua hàng thế kỷ, hàng chục đời, được tạc trên bia đá. Trong đó nổi bật nhất là từ đời thứ 13 đến đời thứ 19, ngoài 3 người đỗ Trạng nguyên, còn có 3 tiến sỹ: Tiến sỹ Quận công Hồ Đình Trụ; Tiến sỹ Quận Công Hồ Đình Trung và Tiến sỹ Hồ Doãn Văn. Trong nhà thờ bằng gỗ lim lâu đời, còn lưu giữ 12 đạo sắc của cụ Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Thành, Hồ Tông Đốn và Hồ Đình Trung. Hàng năm vào ngày mồng 9 - 10 tháng Giêng, họ Hồ nơi đây và địa phương tổ chức đại lễ, con cháu họ Hồ trên cả nước về tế tổ.
Nhiều đoàn khách thập phương tìm đường về nhà thờ họ Hồ Tam Công để nghiên cứu, khám phá về lịch sử một vùng đất học, cả 3 đời liền: cha, con, cháu của họ Hồ đều đậu Trạng nguyên. Ông Tạ Đình Dương, Phó Chủ tịch UBND xã, tự hào: Thọ Thành có 64 nhà thờ dòng họ thì có 3 nhà thờ được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh: Họ Trần Yết Tâm; Nguyễn Khai Cơ và nhà thờ, lăng mộ họ Võ; 1 nhà thờ họ được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia - Hồ Tam Công. Là vùng đất có truyền thống hiếu học lâu đời, nổi tiếng nhất huyện lúa, các dòng họ trong xã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến khích con em Thọ Thành thi đua học tập, năm nào cũng có tới 40 - 50 con em thi đậu đại học.
Về xã Hoa Thành, ghé thăm khu Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu - nhà cách mạng tiền bối mẫu mực, nhà trí thức, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà nhỏ kết cấu 2 tầng, nằm yên ả trong không gian tĩnh lặng của làng mạc, phía trước là cánh đồng lúa bát ngát. Trong khu vườn Nhà lưu niệm được trồng nhiều cây ăn trái, có ao cá, rau xanh… Ngôi nhà được địa phương, họ tộc gìn giữ nguyên vẹn, với nhiều kỷ vật có giá trị. Hiện nay huyện Yên Thành đang chuẩn bị khánh thành Tượng đài và Nhà truyền thống về đồng chí Phan Đăng Lưu xây dựng trên khuôn viên rộng, tại trung tâm Thị trấn Yên Thành.
Đi dọc hai bên bờ sông Dinh là xóm làng trù phú, những cánh đồng bằng phẳng, bồi đắp phù sa, mỗi năm 2 vụ lúa bội thu, đời sống của người dân vươn lên từng ngày. Nhiều dòng họ nối tiếp truyền thống hiếu học, bắt nguồn từ hạt lúa, củ khoai, nhiều con em “khổ học” đỗ đạt cao, cống hiến trí tuệ cho quê hương, đất nước. Nhân Thành là điểm cuối của dòng sông Dinh, không chỉ nổi tiếng với truyền thống cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, mà còn được nhắc đến với đạo học. Dù gia đình giàu hay nghèo, cũng lấy sự học làm đầu. Học không chỉ để làm quan, mà quan trọng hơn là để biết đạo lý làm người.
Tiêu biểu nhất là làng Yên Nhân, trong giai đoạn nền giáo dục Hán học còn hưng thịnh, hầu như khoa thi nào làng Yên Nhân cũng có thí sinh tham gia và đỗ đạt cao. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều khuyến khích con cháu học hành, bằng cách mở lớp tư mời thầy về dạy. Nổi bật như gia đình ông Phan Khôi, tất cả con cái, dâu rể đều có trình độ cử nhân trở lên.
Trong những tấm gương xuất sắc về tinh thần tự học của con em làng Yên Nhân phải kể đến Phó Giáo sư Phan Ngọc của dòng họ Phan Văn. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, chỉ mới đỗ tú tài Tây học, nhưng bằng ý chí tự học, ông đã trở thành người có trình độ uyên bác. Hiện ông là một dịch giả, một nhà ngôn ngữ học, một nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng ở nước ta. Ông đã dịch nhiều tác phẩm của Trung Quốc, Nga, Đức, Hy Lạp, Ý. Ông con có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về văn hóa được giải thưởng cấp Nhà nước.
Tộc trưởng Phan Văn Trừng trước ngôi từ đường họ Phan nổi tiếng hiếu học ở xã Nhân Thành. Ảnh: X.H |
Ngôi từ đường cổ kính của dòng họ Phan Văn nằm bên dòng sông Dinh. Tộc trưởng - ông Phan Văn Trừng, tự hào: Họ Phan Văn chúng tôi có từ cách đây 350 năm và ngôi từ đường này phần lớn bằng gỗ lim cũng từ bấy đến nay. Qua nhiều thế hệ, con em đậu đạt, trưởng thành, đã tu sửa một số hạng mục cho cao, rộng và mua sắm nhiều vật dụng, thuận tiện hơn mỗi khi tế tổ. Con em họ Phan Văn này đến nay đã có nhiều người đỗ đạt cao, trong đó nhiều giáo sư, tiến sỹ. Anh hùng LLVT Phan Văn Quý cũng là người con của dòng họ này. Họ Phan Văn hàng năm có nguồn quỹ khuyến học. Ông Trừng, cho biết: Dòng họ Phan hàng năm có tới 40 - 50 con em thi đậu các trường đại học, cao đẳng. Em nào cũng có phần thưởng của họ, dù không lớn về vật chất nhưng kịp thời động viên, khuyến khích các em.
Từ những thầy đồ hay chữ, sống có tiết tháo, bổ sung vào đội ngũ những thầy đồ Nghệ mở trường dạy học tại quê hay ở những địa phương khác đến thời kỳ tân học, học chữ quốc ngữ và chữ Pháp, vùng đất này cũng đã sản sinh ra một lớp tri thức tân học, kịp tiếp thu những “Tân thư” của các nhà chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và những tài liệu sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài chuyển về đã trở thành những hạt giống đỏ, góp phần truyền bá “Đường cách mệnh” vào phong trào yêu nước của nhân dân huyện Yên Thành những năm 1925 - 1930.
Cho tới ngày nay, hàng năm Yên Thành có tới trên 1.500 con em thi đậu các trường đại học. Đặc biệt, năm học 2013 - 2014, cả nước biết đến xứ Nghệ bởi lớp 12A4 của Trường THPT Yên Thành 2 có 100% học sinh đậu đại học, trong đó nhiều em thi đạt điểm cao vào các trường đại học hàng đầu cả nước. Vùng đất Yên Thành còn nổi tiếng bởi có đội ngũ trí thức hùng hậu trên mặt trận báo chí, văn học, nghệ thuật. Thế hệ sau này có nhà thơ Phan Khắc Khoan (có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân), các nhà thơ Phan Văn Từ, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, nhạc sỹ Hồng Đăng...
Vậy nên, về với Yên Thành, người ta không chỉ để thăm vựa lúa lớn nhất tỉnh, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nhiều giống lúa thơm ngon; tham quan khu du lịch tâm linh chùa Chí Linh, rú Gám; chùa Bảo Lâm; lèn đá Đức mẹ Bảo Nham; khu du lịch sinh thái hồ Vệ Vừng (Đồng Thành), đập Quản Hài (Phúc Thành); rừng lim hàng trăm năm tuổi (Lăng Thành)… mà còn để biết về một mảnh đất cách mạng và hiếu học với những di tích, những câu chuyện đang được gìn giữ và truyền lại mãi với thời gian…
Xuân Hoàng
Nguồn Baonghean.vn:
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201505/khai-thac-tiem-nang-du-lich-cong-dong-yen-thanh-tham-dat-ong-nghe-ong-trang-606398/