Đó là những nông dân chân lấm tay bùn, là người bán quán, là cô giáo ngày ngày đứng trên bục giảng. Ví, giặm chưa từng đem lại cho họ bát cơm, manh áo. Hàng chục năm qua, họ tự bỏ công, bỏ của để được thỏa lòng mình với câu hò, điệu ví quê hương.
Những gia đình dân ca
Từ TP.Vinh, chúng tôi phải mất rất nhiều lần hỏi đường, qua nhiều ngả rẽ quanh co theo những con dốc thoải mới tìm đến đúng nhà nghệ nhân Lê Thị Vinh (77 tuổi) ở xóm 4, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Con trai thứ bà Vinh nói mẹ đang đi nhởi (chơi) ở xóm bên nên bảo chúng tôi đợi rồi chạy đi gọi mẹ. Sự viếng thăm không hẹn trước của chúng tôi khiến bà cụ đôi chút ngạc nhiên.
Bà Vinh trông già nua, hom hem, nhưng trí nhớ vẫn rành rọt và minh mẫn. Bà hỏi: “Các con đến nghe bà hò hay hát ghẹo đó?”. Không đợi trả lời, bà kể luôn thuở trước mẹ bà hay hò, hay hát ghẹo nên bà học lỏm và hát theo. Tuổi trăng tròn, những đêm quay tơ dệt vải, tát nước, ngân điệu hò, câu hát ghẹo, cứ thế ví, giặm ngấm vào người và trở thành niềm đam mê lúc nào chẳng rõ.
Những đứa con, đứa cháu bà Vinh được thừa hưởng “gene” di truyền, lớn lên trong lời ru ngọt ngào nên ai cũng đam mê dân ca như một dòng chảy mãi chẳng bao giờ cạn. “Gia đình bà có 8 người của 4 thế hệ đều yêu văn nghệ, mê ví, giặm ngay từ tấm bé. Trong số con bà, trội nhất là con Vân (nghệ nhân dân ca ví, giặm Võ Thị Vân), nó hát hay lắm. Hễ có hội diễn, thi thố trên huyện, dưới phố đều gọi nó đi. Con Vân mấy ngày ni tập hát dưới phố Vinh nghe mô chuẩn bị để dự liên hoan dân ca ngoài tận trung ương” - bà Vinh nói.
Xã Trường Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ngày nay chính là địa danh hát ví phường vải Trường Lưu còn lưu danh trong sử sách. Người dân Trường Lưu xưa nổi tiếng với nghề trồng dâu, dệt vải, hát ví phường vải cũng bắt nguồn từ đó. Chính nơi đây, chàng trai phường nón Tiên Điền Nguyễn Du không quản xa xôi sang gặp gỡ, đối đáp với những tài năng hát ví phường vải ở mảnh đất Trường Lưu.
Nhiều sự tích giữa Nguyễn Du với o Cúc, o Uy, ả Sạ đến tận bây giờ vẫn được những bậc cao niên kể lại mỗi khi có ai đó tìm về Trường Lộc, tìm về cái nôi của hát ví phường vải xứ Nghệ. Vốn sinh trưởng trong gia đình có gốc gác đồ nho xưa, nghệ nhân Trần Thị Lý (64 tuổi, ở Trường Lộc) sở hữu giọng hát phường vải gia truyền. Bà kể, nhiều thế hệ trong gia đình bà không chỉ đam mê hát phường vải mà hát rất hay.
Cha bà Lý là NSƯT Trần Đức Duy còn gọi là Ba Duy khi còn sống ngoài lưu giữ nhiều bài bản gốc, ông còn là cây viết lời có tiếng. “Bố tôi có hẳn một bài hát như lời răn dạy con cháu cố gắng giữ gìn đặc sản hát phường vải chỉ riêng có của xứ Trường Lưu. Là: “Câu phường vải, câu hát quê hương/ Ông cha truyền cháu con hát mãi/ Lời nước non quê hương vọng mãi/ Yêu quê hương nguồn cội nhớ về...”, giọng bà Lý ngân vang, tha thiết.
Hôm sau chúng tôi lên làng Sen quê Bác tìm gặp cô giáo Lê Thị Bích Thủy, một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Gương mặt thanh khiết, chất giọng đằm sâu, da diết, cô giáo Thủy còn là một nghệ nhân hiếm hoi đang nắm giữ và truyền dạy các làn điệu dân ca ví, giặm cho các em học sinh. Đã có đến vài trăm người được cô giáo Thủy truyền thụ cảm hứng, kỹ năng hát phường vải làng Sen.
Bây giờ từ những đứa học trò nhỏ đến những người có tuổi như cô Anh, cậu Thi không chỉ hát được mà hát hay những câu hát do cô giáo Thủy truyền dạy.
Nguyễn Quốc Bảo - con trai cô giáo Thủy, chỉ mới hơn 10 tuổi, hát dân ca hay đến lạ thường và từng đứng trên nhiều sân khấu lớn trong các cuộc thi, hội diễn dân ca tại Nghệ An. “Tuyệt vời” là hai chữ mà cô giáo Trần Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen - dành cho đồng nghiệp. Cô Nga nói, cuộc sống cô Thủy còn lắm gian truân, chồng bệnh tật, ấy vậy mà trong căn nhà nhỏ ấy câu hát dân ca vang mãi.
Ví, giặm không tạo cơm ăn, áo mặc
Như bao người phụ nữ ở xứ Trường Lưu, bà Trần Thị Lý vẫn ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với mấy sào ruộng khoán. Bà nói: “Câu lạc bộ hát phường vải Trường Lưu ra đời từ nhiều năm trước. Tập hợp nhiều anh chị em đam mê hát phường vải, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, phải dành nhiều thời gian cho công việc đồng áng nên lâu lâu có văn nghệ, hội diễn, thi cấp xã, huyện và lên tỉnh thì câu lạc bộ mới tập hợp nhau lại dựng vở, tập hát. Những lần đi thi được hỗ trợ tiền nước, ăn ở, đi lại, nhưng chẳng đáng là bao”.
Giọng bà Lý bỗng chậm lại, thoáng chút đượm buồn. Bà Lý vốn là giáo viên mẫu giáo từ thời máy bay Mỹ còn gầm rú trên bầu trời xanh. Gõ đầu trẻ đúng 32 năm, bà nghỉ diện “về một cục” do không có bằng cấp. Nhà nước tặng bà “Huy chương Kháng chiến” vậy mà nhiều năm vác hồ sơ xuống xã, lên huyện xin được hưởng chế độ người có công là cái thẻ bảo hiểm y tế nhưng chẳng ai chịu cho: “Lý do là năm sinh trong hồ sơ huy chương và năm sinh trên giấy chứng minh nhân dân không trùng khớp.Hỏi nhiều lần rồi mà cán bộ cứ bảo không giải quyết được. Họ cũng chẳng hướng dẫn gì. Vô lý như thế nhưng phải đành chịu chứ biết làm sao bây giờ” - bà Lý chua chát nói.
Chúng tôi xin bộ hồ sơ có công của bà đem lên huyện hỏi cho ra lẽ. Ông Trần Đình Giáp - Giám đốc BHXH huyện Can Lộc - trả lời chắc nịch rằng người ta có công thì cho người ta hưởng chứ gây khó làm gì. Rồi ông Giáp bảo tôi sang Phòng LĐTBXH Can Lộc để họ xem cho cụ thể. Nhưng rất tiếc, chúng tôi phải trở về mà không tìm được câu trả lời về cái thẻ bảo hiểm có công cho nghệ nhân Trần Thị Lý vì hết giờ hành chính, nhưng chúng tôi hứa sẽ đi hỏi giúp bà trong một ngày gần nhất.
Trong câu chuyện với nghệ nhân Lê Thị Vinh, giọng ngắt quãng, bà nói: “Kể cho đúng thì bà hát vì đam mê chứ đã thu nhập được chi từ hát hò mô. 3 năm đi thi, đi hội diễn, bà đem về được 3 cái bằng treo trên tường đó thôi”. Rồi bà Vinh sực nhớ ra rằng tết rồi có cán bộ về nhà thăm, có tặng gói bột ngọt kèm một đồng (một trăm nghìn) cho bà ăn trầu để động viên.
Con bà, nghệ nhân dân gian Võ Thị Vân mở quán phở, cho thuê phục trang và nhận viết kịch bản dân ca để nuôi niềm đam mê ví, giặm. Quán phở Vân Liêm là 2 gian nhà lúp xúp bên dòng sông Lam xanh biếc. Đây cũng chính là “trụ sở” của câu lạc bộ dân ca Ngọc Sơn, nơi thi thoảng 40 con người già trẻ gái trai cùng nhau luyện câu hò, điệu ví, tập vở văn nghệ để tham dự hội thi cấp xã lên đến tỉnh.
Chúng tôi tìm đến phường Vinh Tân, TP.Vinh tìm gặp nghệ nhân Hoàng Thị Cẩm Vân khi bà đang bận rộn với bộn bề công việc chuẩn bị kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 của phường, nơi bà đang là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca cùng tên.
Câu lạc bộ thành lập 4 năm trước với 40 thành viên đam mê, tâm huyết với dân ca ví, giặm và đã giật nhiều giải thưởng cấp thành phố, cấp tỉnh. “Hoành tráng vậy, nhưng thực chất câu lạc bộ 3 không: Không áo quần, đạo cụ, nhạc công. Mỗi đợt đi thi, đi hội diễn tất tả đi thuê, đi mượn. Hết sức may mắn nếu kêu gọi được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, còn không anh chị em tự bỏ tiền túi ra làm” - bà Vân nói.
Với chất giọng còn âm sắc xứ Quảng Bình, bà Vân kể rằng mình vốn là bộ đội theo chồng về làm dâu xứ Nghệ, rời xa điệu hò khoan, bà tìm đến ví, giặm và bị mê hoặc lúc nào chẳng rõ. “Biết là trong hành trình đến với dân ca ví, giặm mình còn phải học hỏi nhiều nhưng vẫn mê, mê lắm. Theo đuổi vì đam mê chứ loại hình nghệ thuật này không thể nuôi sống tôi và anh chị em được. Có chăng là bữa cơm thân mật trong những đợt thi văn nghệ chứ chưa hề có một hai trăm nghìn mang về nhà” - bà Vân nói mà chúng tôi nghe ra có tiếng thở dài.