Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Một đời nặng ơn ví, giặm Một đời nặng ơn ví, giặm , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Họ là những nhạc sỹ nổi tiếng sinh ra từ câu ví giặm, và mang dấu ấn ví, giặm trong nhiều sáng tác của mình. Ví, giặm là nơi họ trở về nương tựa và ví, giặm cũng từ họ mà cất cánh bay xa. Chính trong sáng tác của họ, thứ âm nhạc dân gian ấy đã được hát lên bằng một điệu thức mới, một xúc cảm thẩm mỹ mới... 

 

CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh)  hát ví trên sông. Ảnh: Trường Sinh

CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh) hát ví trên sông. Ảnh: Trường Sinh

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ: “Ước hẹn còn lưa...”

“Dân ca ví, giặm đã ăn sâu vào trong con người tôi, đến thành máu thịt. Nếu không phải như vậy, tôi đã không thể viết được những ca khúc ấy”.

Ông nói như thế về “Xa khơi” và “Mơ quê”, hai ca khúc nổi tiếng được rất nhiều người yêu mến. Rồi trong căn phòng nhỏ được dành riêng cho công việc sáng tác của mình, ông ngâm nga câu ví, điệu đò đưa: “Chứ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông...”. Ông hát khẽ, chỉ đủ cho tôi nghe, bằng cái giọng của tuổi già nhưng vẫn ấm nồng chất Nghệ. Câu ví quen thuộc là vậy, mà khi nghe ông hát, tôi cứ thấy nao lòng. Có lẽ bởi tự chất giọng của ông, tự điều gì nữa thẳm sâu trong trái tim người nghệ sỹ, đã khiến cho điệu khúc ấy day dứt. 

 

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

Có thể bởi đâu đó, nhiều năm về trước, trên những chiếc thuyền xuôi từ chợ Rạng (Thanh Chương) đến chợ Thượng bên Hà Tĩnh, những người trai, người gái của hai tổng bên sông Lam cùng nhau xuôi chèo buôn tơ bán lụa. Nhưng dường như phiên chợ vào ngày Rằm và công việc buôn bán ấy chỉ là cái cớ cho một cuộc thi, đúng hơn là một cuộc chơi: hát ví giặm. Hai thuyền song song trên sông, tiếng hát đối đáp vọng cả đôi bờ, hòa vào làn nước êm đềm của dòng Lam ngàn tuổi. Theo người cha mê ví giặm, người tham gia sáng tác lời ca cho hội hát trên thuyền, đi dọc sông Lam trong những ngày Rằm ấy, cậu bé 5, 6 tuổi thích thú vô cùng. Nhưng có những đêm, nằm dưới đò nghe hát, thấy buồn quá cậu cứ khóc. Cái nỗi buồn của điệu ví, của những nhịp đò đưa, hay cái nỗi buồn báo trước của một người nghệ sỹ vốn mang trái tim nhạy cảm, đa mang? Có lẽ là tất cả.

Cậu bé ấy còn có một người chị cả hát ví rất hay. Chị nuôi tằm, và những lúc làm việc, tiếng hát cứ thế cất lên trên nương dâu, trên cánh đồng mênh mông, vời vợi. Có những chàng trai cũng đến hát đối đáp. Tiếng hát của chị vừa trong trẻo vừa thiết tha đã dẫn dắt những giai điệu của ví giặm neo vào hồn cậu em trai. Cậu bé đã sống một tuổi thơ ngọt ngào như vậy. Để sau này, khi đã trở thành một nhạc sỹ tên tuổi, khi tóc đã bạc trắng trên đầu, ông vẫn hát điệu ví năm nào như thể gần một thế kỷ chưa từng trôi qua. 

Trong ca khúc “Mơ quê”, Nguyễn Tài Tuệ đã nhắc đến điệu ví đò đưa ấy: “Hỏi câu ví giặm đã lỗi hẹn cùng ai chưa”, rồi tự trả lời: “Ước hẹn còn lưa”. Với ông, quê hương luôn là nơi chốn để trở về, dẫu có lang thang cả đời ở góc bể chân trời. Một trong những thứ đã níu giữ hồn người lại với quê, ấy chính là ví, giặm. Ông không thể lỗi hẹn với nó, với những ngày nằm dưới đò khóc khi nghe tiếng hò ơi, với những chiều ngút ngát trên nương dâu tiếng người chị hát ví... 

Nếu như “Mơ quê” bị ảnh hưởng bởi ngâm Kiều thì “Xa khơi” là ca khúc trực tiếp khai thác chất liệu ví, giặm. Điệu thức năm âm (ngũ cung) của ví, giặm đã được người nhạc sỹ sử dụng nhưng biến hóa đi, khiến cho nhạc phẩm mang một khúc thức hiện đại, tạo ra những xúc cảm và giá trị thẩm mỹ mới. Tôi chợt nhớ, trong một bài trả lời phỏng vấn, nhạc sỹ An Thuyên, khi được hỏi thích nhất tác phẩm nào được phát triển từ Dân ca Nghệ Tĩnh, ông đã chọn “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ. “Vốn ví giặm của Nghệ Tĩnh, để bảo tồn được nó chỉ có nhân dân, còn để phát triển nó phải nhờ đến các nhạc sỹ, đến tài năng, tri thức và cái tâm của họ”, Nguyễn Tài Tuệ nói. Nhạc sỹ khao khát vô cùng cái “vốn” quý báu đó được các bạn trẻ học hỏi, lưu giữ, phát triển. 

Nhạc sỹ Dân Huyền: “Hát ví từ lúc mới sinh ra”

“Ông nội tôi kể, khi tôi sinh ra, tiếng khóc chào đời nghe như tiếng hát ví của bà nội”, nhạc sỹ Dân Huyền tâm sự. Ngôi làng nhỏ ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên là nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi “cúi mặt xuống sông Lam vục nước, khi ngẩng đầu lên thì mắt đã chạm đỉnh núi Hồng”. Nhiều lần ông kể về giọng đò đưa trên sông cứ văng vẳng dội vào sườn núi, dư âm của nó mãi vang vọng lòng người suốt bấy nhiêu năm. Chính vì những hình ảnh ấy, âm thanh ấy mà cả đời ông duyên nợ với âm nhạc và thi ca.

Nhạc sỹ Dân Huyền

Nhạc sỹ Dân Huyền

Là người sáng tác hơn 500 ca khúc, nhạc sỹ Dân Huyền thừa nhận nhiều bài trong số đó lưu luyến với ví, giặm như chính hồn ông lưu luyến với mảnh đất quê mình. “Thành phố Đỏ - thành phố xanh”, “Khúc hát tâm tình”, “Ngọt ngào tiếng “dạ” quê ta”, “Kim Liên - Xim biếc”... là những ca khúc chịu ảnh hưởng của chất liệu ví, giặm. “Nghe câu ví giặm nhặt khoan say đắm cao vút trong nắng vàng...” (Trong bài “Thành phố Đỏ - thành phố xanh”). Hát cho tôi nghe câu ấy xong, nhạc sỹ Dân Huyền lại mở cho tôi nghe một đoạn băng ông hát ví đối đáp cùng nghệ sỹ Minh Huệ. Rồi ông cười hiền khô: “Tôi hát ví từ lúc mới sinh ra mà!”.

Nhạc sỹ Dân Huyền còn là người sáng tác lời mới, sưu tầm bảo tồn ví, giặm và có công đưa ví, giặm đến gần hơn với công chúng cả nước. Năm 1967, khi đang công tác tại Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông được mời đến xem buổi diễn của Đoàn Ca múa Hà Tĩnh ra Hà Nội tập huấn. Vui mừng được nghe lại Dân ca ví, giặm quê mình trên đất Hà Thành, ông thu thanh lại 3 bài để phát trên đài: Bài “Dâng Người câu ví đất Hồng Lam”, bài “Đôi bồ dân công” và bài “Thần sấm ngã”. Đây là lần đầu tiên ví, giặm Nghệ Tĩnh được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Trần Lâm, lúc đó là Tổng Biên tập, rất thích và đề nghị Dân Huyền đưa thêm nữa những bài ví, giặm lời cổ phát trên đài. Dân Huyền lục tìm trong trí nhớ và tài liệu, chọn một số câu, rồi nhân dịp Đoàn Văn công Quân khu 4 ra Hà Nội, mời nghệ sỹ Lệ Thanh, Ngọc Sở hát. Sau này, mỗi khi đội văn công của Tỉnh đội Nghệ An ra Hà Nội, Dân Huyền cũng thu âm theo kiểu đó. Chính từ những bài ví, giặm đầu tiên phát trên đài ấy mà người dân cả nước được biết đến nhiều hơn vốn dân ca quý báu của Nghệ Tĩnh. Sau đó có nhiều thư yêu cầu gửi đến Đài, muốn được nghe thêm nữa.

Nhạc sỹ Dân Huyền viết lời mới cho nhiều bài ví giặm, như “Phong thư sông Lam”, “Hành quân qua đất Lam Hồng”... Ông say sưa nói về Dân ca Nghệ Tĩnh, về việc phát triển nó. Với ông, các nhạc sỹ như Thanh Lưu, Thanh Tùng, Văn Thế, Nguyễn Trung Phong... là những người có công với ví, giặm, khi bằng công việc sáng tác của mình đã bảo tồn và nâng ví, giặm lên một vị thế mới trong âm nhạc. “Khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, tôi rất vui, rất tự hào vì từ nay không chỉ người dân trong nước, không chỉ các kiều bào mà cả thế giới sẽ biết và trân trọng ví, giặm”, ông nói. “Tôi hy vọng những làn điệu này được giữ gìn, phát huy để mãi trường tồn trong lòng dân tộc. Đặc biệt, phải làm cách nào đó để những người trẻ, các cháu nhỏ cũng hát ví, hát giặm”.

Dân Huyền coi việc sáng tác âm nhạc là duyên nợ, và cả việc đưa ví giặm vào âm nhạc của mình cũng là duyên nợ. “Tôi cố gắng viết để trả nợ cho bà con, cho quê hương”, ông nói. 

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: “Níu câu hát quay về”

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo

Hẳn rằng, sau trận rượu đến tưởng chừng quên trời đất năm nào ở Vũng Tàu, khi cầm trên tay trường ca “Thời gian khắc khoải” của ông bạn thơ Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo đã phải mất nhiều phút để trấn tĩnh cơn “sóng” của lòng mình. Khi chạm vào những dòng như thế: “Qua nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê/ như thuở nhỏ/ úp mặt vào lòng mẹ... Này dòng sông/ ai đã đặt tên cho sông là sông Cả? Ai đã gọi sông Cả là sông Lam? ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương…”, có phải ông đã thấy cả không gian con sông Bùng quê ông chảy ra trước mắt mình? Nơi ấy, những câu ví của bà, của mẹ ông đã cất lên mêng manh, thăm thẳm. Nơi ấy, trai gái quê ông thường ngồi dọc đôi bờ nông giang cán bông, xe sợi, hát giao duyên hàng đêm. Có những đoàn văn công đã về làng ông diễn những hoạt cảnh dân ca, câu ví, giặm cũng từ những sân khấu ấy mà bay đậu trong lòng ông đến tận bây giờ. Thế rồi, rất nhanh, những xúc cảm trào dâng ấy đã được ông vẽ nên bằng giai điệu. Một giai điệu nhớ quê sâu nặng. Một giai điệu nói hộ nỗi nhớ của hàng triệu người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc bằng cách đưa vào đó “một chút Huế, một chút Bắc, chút Nam và tất nhiên sâu đậm nhất là giai điệu của mảnh đất Nghệ Tĩnh”. Chất liệu dân ca, kỳ diệu thế, luôn có sức níu hồn người. Nguyễn Trọng Tạo kể rằng, gia đình một người bạn ông sống mấy chục năm ở đất Mỹ, khi nghe bài hát này qua giọng ca NSƯT Minh Phương đã quyết định trở về quê nhà!

Bước chân trải qua nhiều vùng đất, trở thành nhạc sỹ có khả năng mang chất liệu dân ca nhiều vùng, miền vào trong các sáng tác của mình, thế mà Nguyễn Trọng Tạo vẫn có cảm giác như một cậu bé ngỡ ngàng, thổn thức khi đặt chân trên đất quê Phủ Diễn, nghe ví, giặm từ những người mẹ, người chị, người anh áo nâu chân chất trong CLB dân ca xã mình biểu diễn. Với ông, ví, giặm không chỉ là tài sản tâm hồn mà còn là niềm tự hào về óc sáng tạo của người Nghệ. Những câu hát ấy, nói rõ nhất về người quê “thông minh, bộc trực, gàn dở mà cũng đầy nghĩa tình”. Ông nói rằng, đừng lo ví, giặm mai một, vì người Nghệ không bao giờ để chúng mai một được. Nó sẽ ngày càng được lan truyền, ngày càng được ưa chuộng. “Chúng ta có biết bao nhiêu nghệ nhân dân gian miệt mài với ví, giặm, ngày càng có thêm nhiều các CLB dân ca ra đời, những CLB nhiều khi là tự thân vì nhu cầu được đến, được hát dân ca không vơi cạn, bao nhiêu ca khúc mới mang âm hưởng ví, giặm được cộng đồng đón nhận, yêu thích vì nó gần gũi với hồn người...”. Ông thấy hạnh phúc vì điều đó. “Mỗi lần nghe ví, giặm, tâm hồn tôi lại muốn quay về với sông Bùng”.

Còn ông, sử dụng chất liệu dân ca, đặc biệt là ví, giặm để viết nhạc mới cũng là một cách để “giữ hồn dân tộc”, để phân biệt nhạc Việt với các loại nhạc khác. Và ông sẽ mãi viết như một cách tạ ơn với ví, giặm quê hương. 

Thùy Vinh- Quỳnh An

Theo Baonghean.vn:

http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201501/mot-doi-nang-on-vi-giam-583363/


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65173266

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July