Những ai đã từng về đất Nam Hoa, thăm công trình cổ - đình Hoành Sơn nổi tiếng, đều nhớ mãi hình ảnh người bảo vệ già, nhiệt tình, chu đáo ở đây. Đó là cụ Nguyễn Thiện Tư 80 tuổi (xóm 4, Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn, Nam Đàn) – người đã có 25 năm gắn bó với di tích quê hương.
Thật ra là cụ đã gắn bó với ngôi đình từ tuổi ấu thơ. Nhà ở sát đình, nên cậu bé Tư ngày đó thường rong ruổi bắt chuồn, đánh đáo, chơi trò trận giả cùng bạn bè trang lứa trước sân đình. Lớn lên, vào bộ đội (1965), tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, cụ mới tạm rời xa mái đình làng thân thuộc. Sau ngày xuất ngũ về quê, khi đình Hoành Sơn đón nhận bằng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia (1990), cũng là lúc thương binh hạng 2/4 Nguyễn Thiện Tư nhận nhiệm vụ bảo vệ ngôi đình. Hàng chục năm qua với tâm niệm “đình làng là tài sản của nhân dân”, cụ chẳng quản “ăn cơm nhà lo việc đình”, mà luôn tích cực, góp phần thiết thực, trong việc giữ gìn “vốn cổ” của quê hương.
Đình Hoành Sơn xây dựng năm 1763, có quy mô bề thế, điêu khắc, chạm trổ tinh xảo; là ngôi đình đẹp bậc nhất miền Trung. Công việc trông nom đình làng, với cụ Tư là việc làm “bằng tâm, bằng đức”. Mỗi buổi sáng thức dậy, cụ thường đi thể dục tại sân đình, kết hợp quan sát tình hình, nắm bắt hiện trạng, từ mái ngói, tường rêu, mảng chạm, đồ thờ… xem có gì bất thường, để kịp thời ứng phó. Đình luôn được giữ vệ sinh sạch sẽ. Cứ 2 ngày, 1 lần, cụ lại quét dọn từ trong đình ra ngoài sân. Buổi chiều ngày14 và 30 hàng tháng âm lịch, cụ phải mở, đóng cửa đình, hướng dẫn, giám sát bà con làng xóm đến thắp hương. Những ngày có cá nhân hay có tập thể đến tham quan, chiêm ngưỡng di tích, cụ vừa là người bảo vệ, vừa là người tiếp đón, giới thiệu cho du khách. Đó là những công việc thường xuyên, quen thuộc của cụ từ mấy chục năm nay.
Nhà neo người, con cái đi xa, ông bà sớm tối có nhau, cụ vẫn sắp xếp công việc riêng - chung, hài hoà, chu đáo. Hiện cụ vừa là chi hội trưởng - chi hội cựu chiến binh, vừa là người trông coi di tích. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, do đình xuống cấp từ lâu, cụ đã đưa bằng “công nhận di tích” về cất tại nhà mình, tránh mất mát, hư hỏng. Những tháng năm qua, cụ không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết về di tích, công tác bảo vệ, cách thức giới thiệu... Chính tấm lòng nhiệt huyết đối với công việc, đã giúp cụ có được sự hiểu biết phong phú về đình Hoành Sơn, nắm rõ cả kiến thức sách vở lẫn các sự tích, huyền thoại trong dân gian. Hàng năm, di tích này được đón nhiều đoàn tham quan của ban ngành các cấp, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng… về thăm, cụ đều là người trực tiếp trao đổi, nói chuyện tại di tích. Cụ say mê giới thiệu về lịch sử, quy mô, kiến trúc, điêu khắc của đình, bằng cả niềm tự hào của một người con, nói về di tích quê hương. Cụ tận tình chỉ vẽ đến từng bộ phận, chi tiết, hoa văn, hình ảnh được chạm trổ tinh xảo trên đình; diễn giải ý nghĩa của những dòng chữ Hán; nói về cái hay cái đẹp của đình, cái tài hoa, khéo léo của nghệ nhân xưa… Không chỉ nắm rõ về đình làng mà cụ còn hiểu biết nhiều về văn hoá truyền thống quê hương, như đền, chùa, nhà Thánh, lễ hội, các dòng họ nổi tiếng… đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách gần xa. Đến làng Hoành Sơn, tiếp xúc với cụ, ai cũng ấn tượng về “hướng dẫn viên” cao tuổi này.
Trong việc chăm nom đình làng cũng có những khó khăn “ngầm” nhất định, xuất phát từ ý thức của người dân đối với việc gìn giữ tài sản chung. Tuy vậy, từ ngày nhận nhiệm vụ tới nay, cụ Tư luôn giải quyết hài hoà, êm thấm, những khúc mắc của người dân, không để mất tình cảm của bà con lối xóm mà vẫn bảo vệ được di tích. Cụ khéo léo tuyên truyền, vận động, nhắc nhở con cháu cũng như các gia đình trong làng, chung tay giữ gìn, phát hiện và ngăn chặn những việc làm ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của đình làng. Tuổi cao, sức yếu, những lúc trái gió trở trời vết thương đau nhức, nhưng tâm can của cụ vẫn nghĩ đến công việc, nhất là khi mưa bão. Vốn dĩ, đình đã xuống cấp, mưa to gió lớn dễ làm gãy mái ngói, rụng các góc cuốn đầu rồng… Ngày thường, cụ cũng nắm tường tận và xem xét kỹ lưỡng từng bộ phận của đình, nơi nào có nguy cơ sụt lún, rơi rụng, mối mọt đục khoét, để kịp thời cấp báo lên trên.
Theo cụ, phụ cấp trông coi di tích hiện nay, dù chẳng đáng là bao (150 000 đ/ tháng), có năm còn phải mất cả tiền nấu ăn cho thợ sửa đình, nhưng cụ vẫn vui tươi . Với cụ, đình làng là niềm tự hào của cả quê hương trong đó có bản thân, bởi thế việc chăm nom, bảo vệ, không phải là chuyện tính toán hơn thua, mà là vì tinh thần trách nhiệm. Cụ cho hay: “Đình làng là tài sản quốc gia, ngày nào còn sống, còn khoẻ mạnh, thì tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, trông coi di tích đến tận cùng. Hiện nay đình Hoành Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, tôi mong đình được trùng tu, tôn tạo, càng sớm càng tốt, để giữ gìn nguyên vẹn “vốn cổ” cho con cháu mai sau”.
25 năm góp phần công sức “giữ gìn di tích không thành phế tích” và làm lan toả giá trị văn hoá truyền thống quê hương, chưa có giấy khen, bằng khen của cấp nào ghi nhận, nhưng với cụ Tư đó là một “chiến công thầm lặng” của tuổi già. Về Hoành Sơn thăm thú, du khách gần xa không chỉ ngưỡng mộ một ngôi đình to đẹp, hàng trăm năm tuổi, mà còn ấm lòng biết bao, bởi nơi đây còn có những con người, sớm hôm tâm huyết với việc gìn giữ “hồn quê” như cụ Tư.
Huy Thư
|