(Baonghean.vn) - Thầy giáo Di, tên đầy đủ là Sầm Nga Di, nhưng với những người hoạt động trong ngành văn hóa huyện Quế Phong thì chỉ cần hỏi thầy Di là đủ để họ kể cho tôi nhiều câu chuyện về thầy. Bởi với “gia tài” văn hóa ky cóp, sưu tầm sau bao nhiêu năm tháng, thầy thực sự là một pho từ điển sống, là “ông cố vấn” không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái tại Quế Phong (Nghệ An).
Xuôi ngược miền Tây
Bây giờ, thầy Di cũng đã quá tuổi lục tuần, thầy có quyền được thanh thản nghỉ ngơi tại quê nhà ở xã Mường Noọc, huyện Quế Phong sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Vậy mà, mỗi lần có lễ hội hay có người tìm đến “tham vấn” về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào Thái, thầy vẫn nhiệt tình chỉ dẫn. Chúng tôi cũng vậy, ngồi nghe thầy kể về một thời xuôi ngược miền Tây, vừa dạy học trò, vừa sưu tầm văn hóa, đam mê, nhiệt huyết vẫn còn cháy hừng hực trong từng câu, từng chữ của người giáo già này.
Thầy Di kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cổ của đồng bào Thái mà hiện nay không mấy người còn biết
Đến nay, thầy Di cũng đã có hơn 50 năm tìm hiểu, lưu giữ vốn văn hóa của đồng bào dân tộc miền Tây Nghệ An, mà đậm nét nhất là văn hóa của dân tộc Thái. Cơ duyên đến với thầy từ thuở còn là cậu học sinh phổ thông ở Diễn Châu những năm 1961 - 1964. “Hồi đó, thầy giáo Nguyên- hiệu trưởng nhà trường khuyên tôi nên sưu tầm ca dao, tục ngữ, thành ngữ của dân tộc Thái. Thầy tận tình hướng dẫn dịch từ tiếng Thái sang tiếng phổ thông và ghi lại bằng chữ Quốc ngữ. Được thầy khuyến khích, tôi chú ý tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái, rồi đam mê lúc nào không hay”, thầy Di nhớ lại.
Tốt nghiệp phổ thông, Sầm Nga Di đi theo con đường sư phạm, nghiệp gieo chữ ở những bản làng xa xôi giúp thầy có cơ hội sưu tầm, ghi chép lại phong tục, tập quán của đồng bào Thái. Đam mê của thầy thực sự được chắp cánh từ khi tham gia trường viết văn Quảng Bá, Hà Nội. Trong thời gian này, thầy được học từ các nhà thơ nổi tiếng thời đó như Huy Cận, Xuân Diệu… kỹ năng sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm. Với vốn văn hóa rộng cộng với kiến thức hàn lâm về sáng tác văn học và trên tất cả là tâm hồn của một người con bản Thái đã thôi thúc thầy sáng tác ra những vần thơ mang âm hưởng dân ca Thái trong tác phẩm “Bụng ta đỏ lửa”, bài thơ đã đạt giải Ba trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1973.
Thời gian từ 1971 -1977, thầy về công tác tại Ty Văn hóa Nghệ An, phụ trách tập san chuyên về văn hóa các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An. Chính cơ duyên này đã tạo điều kiện cho thầy có cơ hội đi nhiều qua các bản làng miền Tây xứ Nghệ. Những năm tháng cùng ăn, cùng ở với đồng bào đã vun đắp dày thêm vốn văn hóa về cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An như Thái, Thổ, Khơ mú, Mông… Thầy bảo: “Mỗi dân tộc có một nét phong tục tập quán khác nhau, rất lý thú. Mỗi vùng miền cũng chứa những khác biệt, ví như ở miền núi khi có khách đến nhà thì chủ chào khách trước, còn ở miền xuôi thì khách chào chủ trước… Tưởng là đơn giản nhưng phải biết để còn giao tiếp, nói chuyện với bà con”.
Năm 1978, cái nghiệp “gõ đầu trẻ” lại một lần nữa đưa thầy về với công việc giảng dạy, mang con chữ về với con em ở mảnh đất quê hương Quế Phong. Thầy giáo Di dạy học ở Trường cấp 3 dân tộc nội trú đến khi nghỉ hưu năm 2004. “Dù bận bịu với công việc trường lớp, tôi vẫn dành thời gian chỉnh sửa, hệ thống hóa lại những kiến thức sưu tầm được. Tranh thủ đi dự các lễ hội của đồng bào để ghi nhận những phong tục, tập quán, nét văn hóa”, thầy tâm sự.
Nỗi niềm của thầy Di
Trong buổi chiều muộn mà tôi tìm đến nhà, thầy “đãi” tôi bằng bao nhiêu câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán… của người Thái, càng nghe càng thấy say mê. Đó là những câu chuyện được thầy sưu tầm, đúc kết suốt mấy chục năm sau mỗi chuyến đi về với bản làng. Lời kể từ các già làng, trưởng bản, thói quen sinh hoạt đều được thầy lắng nghe, quan sát rồi tỷ mẩn ghi chép lại thành sách. Đó là những cuốn sách đã ố màu thời gian được xếp cẩn thận, gọn gàng trên giá.
Với thầy Di, giá sách này là tài sản lớn nhất sau bao nhiêu năm nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái.
Thầy bảo, ngần ấy năm trời, cứ nhặt nhạnh, sưu tầm được cái gì là ghi lại hết, sợ mai kia văn hóa của dân tộc Thái sẽ phai nhạt dần, người Thái sẽ không còn biết về văn hóa, ngôn ngữ của tổ tiên mình nữa. Thầy dẫn chứng: “Bây giờ, lớp trẻ mấy ai còn nhớ, còn biết các phong tục truyền thống đâu. Con gái Thái ngày xưa trước khi về nhà chồng phải biết thêu thùa, dệt thổ cẩm để lo chăn ấm gối êm làm của hồi môn, chứ bây giờ không còn mấy cháu biết đến khung cửi chỉ thêu. Rồi các làn điệu hát suối, nhuôn, khắp, nôm cũng không mấy người còn nhớ mà hát trong các dịp lễ, tết truyền thống, nói gì là sử dụng trong cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày”.
“Nếu không khẩn trương tìm nhiều cách phát huy bản sắc dân tộc, có khả năng nó sẽ mai một dần trong giới trẻ không những của dân tộc Thái mà còn các dân tộc thiểu số khác”, ánh mắt thầy trở nên đăm chiêu./.
Ông Sầm Nga Di là hội viên Hội VHDG Việt Nam từ năm 1959, hội viên Hội văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam từ năm 1980. Ông đóng góp nhiều tư liệu cho sách Tục ngữ, ca dao, dân ca dân tộc Thái, được in tại NXB Nghệ An năm 1980 và Văn học dân tộc thiểu số Nghệ An.
|
Thành Duy
|