Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Hồn tre đất Việt Hồn tre đất Việt , Người xứ Nghệ Kiev
 
(Baonghean) - Cho tới tận bây giờ, khi đã là một người trưởng thành, nói như người quê vẫn nói, là một kẻ đã có hàng mấy chục năm đi xa khỏi lũy tre làng, tôi mới thấm thía từng lời, từng chữ ấy của nhà thơ Nguyễn Duy. Bao nhiêu năm rồi, nghe lại, vẫn thấy nao nao trong lòng, như thể hình ảnh của tre, cũng như những vần nhịp của bài thơ, đã quyện lại tựa thành lũy trong ký ức và tâm hồn người. Nói về cây tre mà thầm thĩ, da diết như nói về một con người hết sức thân thuộc... 
 
“Tre xanh
 
Xanh tự bao giờ?
 
Chuyện ngày xưa... 
 
đã có bờ tre xanh...”
 
Ảnh: Trọng sách
Ảnh: Trọng Sách
 
 
Thân thuộc đến mức, có lúc, giật mình mới nhận ra, tre gắn với người Việt ngay từ lúc mới ra đời, cho tới tận khi đưa người về cõi khác. Ngày bà ngoại tôi mất, chiếc đòn tre đưa bà tôi ra đồng, tôi nhớ đến thế những đêm ngồi cùng bà trên chiếc chõng nhỏ, dưới sân trăng ngan ngát hương cau, bà tôi đã kể rằng ngày bà tôi được sinh ra, cụ tôi đã dùng cật tre để cắt cuống rốn. Đôi lúc, trong giấc mơ, tôi vẫn gặp lại cái bức tranh yên bình ngày thơ bé, ông tôi, đôi tay nhanh thoăn thoắt buộc từng múi lạt mềm trên bờ rào tre, còn bà tôi ngồi sàng gạo trước hiên nhà, trong nắng sớm mùa thu còn vương chút sương chưa tan hết. Ôi, ngay cả trong giấc mơ, tre cũng hiện hữu, thiết thân đến thế! Nhưng đâu chỉ riêng tôi, ai là người Việt, mang nặng một nỗi nhớ quê thăm thẳm lại không yêu tre, không nhớ tre? Trên cả đất nước này, có tới gần 200 loài tre trúc. Sinh ra, đã gặp tre.
 
Tre ru kẽo kẹt giấc trưa hè. Tre tặng cho lũ trẻ trai chiếc cần câu, tặng cho lũ trẻ gái chiếc vó tép, bộ que chuyền. Tre tặng cho bà chiếc gầu sòng đem hồi sinh cho cánh đồng khô hạn, tặng mẹ chiếc nón trắng che nắng che mưa, tặng cho ông chiếc điếu cày với làn khói bay lên trời lơ đãng, tặng cho ông bố nghiêm khắc chiếc roi tre mà đánh đòn lũ trẻ ham chơi... Tài đến thế là ông nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến, chiếc roi tre mà viết thành thơ, thành nhạc, để cái hình ảnh cuối cùng “Bố tôi quăng cái roi tre lên trời” khiến người ta muốn rơi nước mắt... Tre nhoài mình làm chiếc cầu vắt vẻo qua suối, qua khe. Tre cong lưng làm nên đôi quang gánh tảo tần. Tre phất lên chùm lá mỏng làm cây nêu xua đuổi tà ma. Tre nghiêng đỡ dây bầu, dây bí leo lên mà sinh hoa, sinh quả. Tre xòa vào nhau, đu đưa cất tiếng hát và làm thành bóng mát, nên lũy, nên thành...
 
Lại hoài nhớ những ngày thơ ấu, tôi cùng lũ trẻ trong làng thi nhau hái lá tre thả xuống ao làm thuyền. Những chiếc thuyền xanh bé xíu của chúng tôi khẽ chuyển động theo dòng nước, tiếng cười khúc khích, tiếng reo hò vui vẻ. Đêm về, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi bắt đom đóm dưới những rặng tre. Kỳ lạ là ngay cả trong đêm tối, tôi vẫn thấy tre hằn lên cái màu xanh ngăn ngắt của nó, chỉ có điều màu xanh ấy sẫm hơn mà thôi. Và với chúng tôi ngày ấy, ánh lập lòe đom đóm, tiếng rì rầm bí ẩn của những ngọn tre trong gió, những gốc tre tối om im lìm... đã trở thành câu chuyện của tuổi thơ mình. Bố tôi là bộ đội, xa nhà, mỗi lần nghe tiếng con chim khách kêu trong rặng tre chiều trước ngõ, bà tôi lại ra ngóng “Chắc bố con sắp về rồi”. Và tôi, mỗi lần nhớ bố, lại ra rặng tre ấy mà thầm mong chim khách kêu: “Ơi, chim khách, chim khách, mày ở đâu trong xạc xào cây lá. Mày hãy cất lên lời tiên đoán bố tao sắp về”. Khi lớn lên, chập chững đi xa, lũy tre đầu làng lại là cái mốc đầu tiên, là cái tín hiệu từ xa tôi đã thấy trong niềm mừng rỡ của sự trở về.
 
Tre gắn bó, sẻ chia và dâng hiến, nhiều đến mức chẳng tính đếm được hết những gì tre đã dâng tặng cho con người. Cũng không thể nói hết lòng biết ơn của con người với tre. Đến mức, đã xem tre như thể biểu tượng về nhân cách, phẩm chất của mình. Đến mức không ít người đã đề nghị chọn hoa tre làm quốc hoa. Thủy chung, siêng năng, kiên cường, dũng cảm... nhưng điều khác biệt ở tre, điều mà khiến con người ta gọi hàng tre thành “lũy tre” ấy là tre không bao giờ ở một mình. Tre nương dựa vào nhau mà dãi dầm mưa nắng: “Thương nhau tre chẳng ở riêng”. Cái sự đoàn kết của tre, để chống lại thiên tai, giặc dã ấy, càng ngẫm càng thấy thương đến vô cùng. Tre, không có chỗ cho sự ngạo mạn, cho những cái “tôi” riêng rẽ mà là sự cố kết, đồng sức, đồng lòng.
 
Không phải ngẫu nhiên mà tự xa xưa, cây tre đã đi vào ca dao và những câu chuyện cổ. Không người Việt nào không biết truyện “Cây tre trăm đốt” với anh nông dân nhà nghèo được Bụt ban cho câu thần chú khiến trăm đốt tre dính liền lại, truyện về cậu bé ba tuổi Thánh Gióng vụt lớn dậy dùng tre đánh giặc Ân, truyện “Nàng Út trong ống tre” có cô nàng bé tí chui vừa vào ống tre... Nhiều người còn thuộc những câu tình tự dưới bóng tre: “Bóng trăng ngả lộn bóng tre/ Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề...”. Tình tứ đến thế, yêu thương là thế, nhưng có những khi tre lại dậy nỗi căm thù: “Này chị em ơi/ Gió đưa cành trúc la đà/ Rủ nhau đến gốc tre già vót chông/ Trăng lên sáng cả cánh đồng/ Nửa đêm làng xóm vót chông rửa thù”. Rồi cũng chính từ tre, những ống sáo, chiếc đàn tơ rưng, chiếc đàn bầu... đã cất lên tiếng lòng mê đắm. 
 
Tôi là người con xứ Bắc, tha hương. Cứ ngỡ rằng, sẽ mãi mãi sống trong hoài nhớ một góc làng quê xưa. Nhưng rồi một lần, màu xanh mát rượi lòng người của lũy tre tại miền quê xứ Nghệ đã khiến lòng tôi ấm lại. Tôi chợt hiểu, hóa ra tôi đã tha hương trên chính quê hương mình, nơi đâu cũng là người Việt, hồn Việt. Màu tre xanh khiến tôi có cảm giác trở lại là mình, thuở xưa, cùng lũ trẻ thả thuyền lá trôi trên dòng mương nhỏ, rủ nhau đi bắt đom đóm bất chấp tiếng xạc xào bí ẩn của bụi tre trong đêm tối. Tôi lại là đứa trẻ thuở xưa, ngoan ngoãn nằm gối đầu trên đùi bà ngoại dưới rặng tre, hưởng làn gió mát từ chiếc quạt nan là vật kỷ niệm cuối cùng tôi còn nhớ được về ông ngoại. Tôi lại trở lại là kẻ đầy khát vọng, hăm hở ra đi với những hoài bão lớn lao, khao khát được cháy lên như lửa, được bừng nở như hoa tre, đợi cả trăm năm để rộ vàng một lần duy nhất trong đời mặc cho sau đó là sự tàn lụi.
 
Tôi đã yêu biết mấy những câu ví dặm mà ở đó bóng tre, dẫu thấp thoáng vẫn thấm đẫm hồn cốt làng mạc xứ Nghệ. Tôi yêu biết mấy những xóm làng, ở đó vẫn rộn rã niềm vui đan sọt, đan phên, đan rổ rá, làm liếp, làm tăm hương... với những người thợ tài hoa từ hàng trăm năm nay. Cũng giống như nhiều vùng quê khác ở Việt Nam, nghề mây tre đan phát triển tại nhiều xóm làng xứ Nghệ. Vốn là vùng có nhiều ưu thế về nguồn nguyên liệu tự nhiên, Nghệ An hình thành những làng nghề mây tre đan lớn, cung cấp các sản phẩm từ mây và tre cho các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi còn được gặp những người dân Bào Hậu (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu), họ tự hào kể cho tôi nghe về nghệ nhân Nguyễn Văn Quán quê mình, cách đây gần trăm năm không chỉ lập được cả gánh hát mà còn sáng chế chiếc xe đạp bằng gỗ và tre khiến quan Pháp phải kinh ngạc. 
 
Lên miền Tây, tôi lại được gặp bạt ngàn tre, mét với biết bao huyền thoại về tre. Đồng bào Đan Lai ở Con Cuông thì kể cho tôi nghe câu chuyện buồn của cả dân tộc mình gắn với truyền thuyết về 100 cây nứa vàng và chiếc thuyền liền chèo. Đồng bào Thái Quỳ Hợp kể cho tôi nghe về chuyện tình đẫm lệ của chàng Tạo với cô gái bản Na Pề. Chàng trai đau khổ khi mất đi người con gái mình yêu đã cắm chiếc khèn bè xuống đất và ngồi khóc ròng rã đến mức nước mắt tạo thành vũng bùn và chiếc khèn làm từ nứa nảy mầm mọc thành bụi nứa. Do Tạo cắm ngọn khèn xuống nên bụi nứa có mắt mọc ngược.
 
Một trong những câu chuyện còn được lưu truyền lại cũng liên quan đến loài tre mọc ngược tại miền Tây Nghệ An, gắn với việc Lý Nhật Quang đi dẹp quân Ai Lao làm phản. Sau khi thắng quân Ai Lao, lấy lại sự bình yên, Lý Nhật Quang kéo quân trở về. Khi đi đến địa phận Khe Chè, mé dưới Thành Nam (huyện Tương Dương cũ, hiện nay là huyện Con Cuông), bà con địa phương ra đón rước, chúc mừng chiến thắng. Cảm động trước tấm chân tình, sự tiếp đón chu đáo của bà con, Lý Nhật Quang cùng quân lính dừng lại trò chuyện, vui chiến thắng với người dân địa phương. Trong cuộc vui năm đó, ông cầm điếu cày, hút một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, cái điếu là một đoạn tre lộn ngược. Nên sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống rồi mới trổ thẳng ngọn lên trời. 
 
Nghệ nhân Lương Văn Thoại, người mường Khủn Tinh đã kể cho tôi nghe về những ống cơm lam thiết thân của người Thái mà khởi nguồn từ cuộc sống du canh, du cư nghèo khổ xưa kia. Bây giờ thì cơm lam lại thành đặc sản ở phố. Với người Thái thì có việc lớn, người ta không quên nấu cơm lam, như đi hỏi vợ, làm lễ cưới, cúng bái, lễ tang và cả các lễ hội lớn như xên bản, xên mường, ky xá, xăng khan... Ông còn kể rằng, ông biết ơn cái cần rượu trấu làm từ bụi hóp trước nhà. Ông nội của ông nhờ tài làm cần rượu trấu mà nuôi được cha ông ăn học, đến khi ông đi học thì cha ông lại nhờ vào những cần rượu ấy mà nuôi được ông những tháng năm học đại học.
 
Mừng vui, tự hào biết mấy khi được tin dự án nhà tre của Việt Nam đoạt giải AR House Awards, giải thưởng kiến trúc quốc tế nổi tiếng do tạp chí kiến trúc lâu đời của Anh quốc Architectural Review tổ chức. Những ngôi nhà tre được thiết kế một cách hết sức hiện đại, đẹp mắt mà vẫn giữ được vẻ thô mộc, tự nhiên của nguồn nguyên liệu vốn được huy động hoàn toàn từ thiên nhiên. Công trình làm từ tre của các kiến trúc sư Việt Nam đã khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ không chỉ bởi nó đẹp, thân thiện với môi trường mà còn vì nó nhắm tới mục đích giải quyết những khó khăn về nhà ở do thiên tai, bão lũ trong thời buổi mà khí hậu ngày càng biến đổi khắc nghiệt. Nhìn những ngôi nhà tre khang trang, lộng lẫy được quảng bá trên nhiều tạp chí nổi tiếng của thế giới, tôi không khỏi rưng rưng khi nghĩ về làng, nơi tôi cũng như bao người con đất Việt khác đã từ đó mà đi, không ít người ngoảnh lại vì một khoảng trời xanh, một lũy tre xanh đang rì rào phía đó. Tôi lại là tôi, một kẻ dù có đi góc bể chân trời cũng không quên được quê hương, hồn cốt của mình...
 
Thùy Vinh
Theo Baonghean.vn



  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66083610

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July