Đò ngang xứ Phuống
Nằm bên hữu ngạn sông Lam, dọc theo tỉnh lộ 533, Bình Ngô là xóm trung tâm của xứ Phuống (Thanh Giang, Thanh Chương) – một vùng quê có cảnh quan tươi đẹp, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời.
Địa danh “Bình Ngô” xuất hiện từ thế kỷ XV, khi quân của Lê Lợi tràn qua vùng đất này để tiêu diệt giặc Minh. Thành dã chiến do nghĩa quân xây dựng ngày ấy, được gọi là thành Bình Ngô. Âm hưởng của cuộc kháng chiến vĩ đại chống ngoại xâm đã khắc ghi vào tên đất tên làng nơi đây. Ai đã một lần qua đò Phuống, từ giữa sông Lam nhìn lên, mới thấy, mới cảm hết được vẻ đẹp tự nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Chẳng ai biết chợ Phuống có tự bao giờ, nhưng theo gia phả họ Trần ở Thanh Xuân, vào thế kỷ XVII khi các ông Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng tập trung quân đánh giặc nơi đây, chợ Phuống đã có rồi, ngày đó còn mang tên “Bình Ngô thị”. Qua bao lần di dời thay đổi do chiến tranh trận mạc, chợ Phuống lại trở về vị trí ven sông và là trung tâm trao đổi của cả vùng. Sáng nào cũng họp, tấp nập người mua kẻ bán.
Cạnh chợ Phuống là đền Bản Huyện thờ phó tướng, quận công Phan Thắng – “người có tài và nhân nghĩa”, từng giúp dân đánh giặc giữ nước. Đền được xây dựng từ lâu đời, trước kia có 3 toà, đủ bộ voi chầu, ngựa hí, ngoảnh mặt ra phía bờ sông. Trong cải cách, đền bị dỡ bỏ chỉ còn lại sân nền, sau này bà con địa phương mới góp công, góp của, xây dựng lại. Đền Bản Huyện ngày nay toạ lạc trên vị trí xưa, gồm thượng điện và hạ điện, khang trang, uy nghiêm, ngoảnh mặt về xuôi theo hướng đình Bích Thị. Cụ Khương thủ từ của đền cẩn thận chỉ cho tôi xem 3 sắc phong của triều Nguyễn, mũ quan, bát hương cổ, đã nhuốm màu thời gian. Đền Bản Huyện trở thành nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân xứ Phuống.
Trước mặt đền là đình Bích Thị, được xây dựng vào thời Thành Thái, cuối thế kỷ XIX. Đình thờ thành hoàng làng, là nơi hội họp, đón rước, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng làng xã. Mái ngói rêu phong với 24 cột lim chia thành 3 gian 2 hồi vững chãi. Hơn 117 năm qua, đình đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử vùng quê xứ Phuống. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931) cờ đỏ búa liềm đã tung bay trên đỉnh cây Gạo cạnh đình, nhân dân địa phương đã tập trung trước đình, mít tinh, biểu tình, tiến về huyện lỵ Thanh Chương. Trong cách mạng Tháng Tám, khi đồng chí Nguyễn Côn (sau này là phó thủ tướng) về Thanh Giang chỉ đạo cướp chính quyền, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc đình trước khí thế cách mạng của nhân dân… cụ Khương chỉ ra sân đình nói rằng “Trước đây, cạnh đình có một cây gạo to bằng mấy người ôm, đã chết mấy chục năm, tiếc thật!”. Theo các cụ cao niên, năm 1885 hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân Thanh Giang đã phối hợp cùng nghĩa quân Tôn Quang Điềng (ở Võ Liệt) tích cực chống Pháp, đặt súng thần công bên gốc cây gạo chợ Phuống, bắn thuyền địch trên sông Lam, không cho chúng lên bờ…
Hiện nay, đình Bích Thị đang được trùng tu, tôn tạo, xây mới cổng lớn, tường bao…Chính quyền và nhân dân địa phương đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình nhà nước, công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Theo dự kiến, sẽ khôi phục con đường ven sông như ngày trước, nối liền chợ Phuống với các di tích này.
Sông Lam chảy trước sân đình, khoét vào bãi bồi tạo nên gành sâu, bà con nơi đây quen gọi là gành Bình Ngô. Trước kia gành là nơi tắm giặt thân thuộc của mọi người. Lúc Pháp về, chúng lợi dụng gành Bình Ngô, để chuyển quân tiến đánh luỹ Phan Đình Phùng cách đó 7 km. Gành trở thành dấu tích về những ngày đau thương của quê hương.
Đối diện với chợ Phuống, bên kia đường là nhà thờ họ Trần Hữu, nổi tiếng với 2 người anh em, có công lớn với đất nước thời Lê: Điện tiền tướng quân Trần Hữu Kiên và Hoài viện tướng quân Trần Hữu Học. Nhà thờ họ Trần Hữu có lịch sử gần 300 năm, 7 lần được các triều đại phong kiến sắc phong. Hiện nhà thờ còn lưu giữ được 2 sắc phong của triều Nguyễn. Họ Trần có một quyển gia phả chữ Hán viết đầy đủ công trạng của tiền nhân, nhưng tiếc thay đã bị thất lạc. Hai anh em tướng quân họ Trần còn được nhân dân địa phương thờ phụng tại đền Bình Ngô, nhưng nay đền cũng chỉ còn lại dấu tích là những phiến đá kê chân cột thuở nào.
Cách nhà thờ họ Trần không xa, gần với đình Bích Thị là nhà thờ đại tôn họ Đậu có quận công Đỗ Bá Công Đạo (Công Luận) từng làm tri huyện Thạch Hà. Ông đã từng vượt biển vào Chiêm Thành, Chân Lạp vẽ bản đồ Đàng Trong, góp kế Nam chinh cho vua Lê, chúa Trịnh. Đặc biệt là công lao sưu tầm, soạn vẽ Tứ Chí Lộ Đồ - một văn kiện của nhà nước thời Lê niên hiệu Chính Hoà (1680 – 1705) phản ánh cương giới Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ 16 đã mở rộng ra các quần đảo ở biển Đông, trong đó có Bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay)
Một góc Bình Ngô ngày nay
Mỗi bước chân, trên mảnh đất này, vấn vương không gian lịch sử văn hoá được hun đúc tự bao đời. Từ mái đình cổ nhìn về bãi Triều, Rậm Nhe, Ba Nghè, cồn Lả, cồn Cun… nối liền không gian lịch sử của cả một vùng non nước hữu tình. Câu ca xưa “Đất Bình Ngô vui thú. Chợ Bình Ngô vui thú. Khen cho ai khéo nhủ. Mở được bến trộc Đình…” đã kéo lòng người thổn thức. Đan xen giữa ồn ào, tấp nập, là sự lắng sâu mạch nguồn văn hoá cổ xưa của sân đình bến nước, làm nên nét quý đáng yêu về một Bình Ngô – hồn quê xứ Phuống ./.
Huy Thư
|