Ở thôn Bảo Đức xã Thanh Khê (Thanh Chương), giữa một vùng cây cối xanh tươi, thơm nồng hương lúa, hương chè, ẩn hiện một ngôi đền cổ - đó là đền thờ quận công Đậu Bá Toàn. Người dân nơi đây quen gọi với cái tên thân thiết: đền Ông Quận.
Đậu Bá Toàn sinh năm 1720 trong một gia đình quan lại ở Kinh Bắc, vốn người to khỏe, thông minh, văn võ song toàn. Năm 20 tuổi ông gia nhập quân đội, được triều Lê – Trịnh phong tước Đô đốc quận công và được cử về xứ Nghệ làm trấn thủ Thanh Chương.
Với tài trí của mình, cùng với binh lính và nhân dân địa phương, ông đã biến Thanh Chương từ một vùng dân cư thưa thớt, ruộng đồng ít ỏi thành nơi dân cư quần tụ có cuộc sống ổn định, đáp ứng được việc bổ sung quân lính và lương thảo cho triều đình.
Khi Quang Trung trên đường hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh, dừng chân tại Nghệ An ngày 26/12/1788, để tuyển quân và củng cố lực lượng, ông đã mang theo quân lính hội nhập với quân của Quang Trung, tham gia đánh giặc giữ nước. Nằm trong cánh quân của đô đốc Long tiến đánh đồn Khương Thượng, giải phóng Thăng Long, Đậu Bá Toàn cùng binh sĩ của ông đã góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Mặc dù được vua Quang Trung phong tướng và trọng dụng, nhưng vì tuổi cao, năm 1790, ông đã xin về trí sĩ tại làng Nam Lĩnh, sau dời đến làng Bàu Quan (nay thuộc thôn Bảo Đức).
Về định cư tại vùng đất mà ông đã từng làm trấn thủ, quận công Đậu Bá Toàn đã tích cực cùng người dân nơi đây, đẩy mạnh khai hoang, chiêu dân lập làng. Diện tích trồng trọt được mở rộng, nhờ chính sách khẩn hoang, phát quang bờ bãi, cải tạo đồng lầy, đắp mương dẫn nước. Ông kêu gọi người dân tứ xứ về đây quần tụ làm ăn, giúp đỡ những người tứ cố vô thân, những người nghèo khổ có thêm ruộng đất, lương thực, nông cụ, để mở mang sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông lập xưởng rèn phục vụ nông nghiệp…Vì vậy xóm làng ngày một đông đúc hơn, đời sống nhân dân thêm no ấm hơn. Trên vùng đồi núi lau lách rậm rạp khi xưa, từ 1 thôn Bảo Đức ban đầu, đã có thêm 6 thôn mới nữa: Mô Vĩnh, Lai Nhã, Thanh Chử, Bàn Thạch, Thịnh Đại, Ná Điền. (nay thuộc xã Thanh Khê). Tương truyền ông còn lập được 3 thôn ở vùng khác là Thanh Nha, Ba Sơn, Hoa Quân ( nay thuộc xã Thanh Thịnh – Thanh Chương)
Là một võ quan, ông rất giỏi thuần dưỡng và quản lý voi. Khi voi chiến của nữ tướng Bùi Thị Xuân bị lạc trên rừng Thanh Thủy, nhận được thông báo, ông đã lên rừng tìm kiếm và triệu được voi về giao lại cho triều đình. Năm 1791, triều Quang Trung còn phong cho ông là thượng tướng quân.
Trọn một đời, hộ quốc an dân, quận công Đậu Bá Toàn mất ngày 28, tháng Giêng, năm Mậu Ngọ (1798). Sau khi ông mất, với tấm lòng biết ơn, kính trọng và ngưỡng mộ, nhân dân trong vùng đã tôn ông làm thần và lập đền thờ ngay tại địa phương...
Đền Ông Quận được xây dựng năm 1805, trên một vùng đất cao ráo bằng phẳng, bao bọc xung quanh là đồng lúa, nương chè, xa xa trước mặt là dòng sông Rộ. Cổng đền ngoảnh theo hướng Đông Nam. Ngoài cùng là 2 trụ biểu uy nghi dẫn lối tới bức bình phong “lưỡng long chầu nguyệt” và cổng tam quan “voi phục, nghê chầu”. Phía sau là bái đường và thượng điện. Xung quanh đền có một hệ thống tường bao thấp, chu vi 108m. Những năm chiến tranh, bái đường đã bị bom giặc phá sập, sau đó mới được xây dựng lại. Thượng điện gồm 10 cột gỗ Lim, Giổi, chia làm 4 dãy dọc, theo kết cấu 1 gian 2 hồi, xung quanh bao bọc ván gỗ, mái cong ngói vảy. Phía trong thượng điện có 4 chữ Hán lớn: “Bất - Khả - Độ - Tư” (không thể đo lường được tư tưởng – tư tưởng uyên bác, lớn lao). Đồ tế khí trong đền như long ngai, gươm đao, kiệu rước, câu đối,là những hiện vật cổ xưa gắn liền với thượng điện có hơn 200 năm lịch sử . Qua nhiều lần tu bổ tôn tạo, thượng điện vẫn được giữ nguyên trạng, chỉ thay đổi phần nền điện, được lát bằng gạch đỏ và những đường bờ trên mái ngói rêu phong. Bái đường và thượng điện gắn liền nhau, tạo nên một không gian thờ tự xuyên suốt từ trước ra sau, từ thấp lên cao.
Phía sau đền là phần mộ của quận công Đậu Bá Toàn, xung quanh đền là những địa danh gắn liền với tên tuổi, tài trí của ông trong việc thuần voi như: hồ Voi Mẹp, làng Voi Trống… Dù nơi đây, hồ xưa đã thành đồng lúa mênh mông, nhưng những câu chuyện về ông vẫn được người dân làng trên, xóm dưới, kể cho con cháu.
Đền Ông Quận, trước đây chỉ thờ quận công Đậu Bá Toàn, nhưng khi các đền xung quanh ở địa phương bị hư hỏng, nhân dân đã rước các vị thần ở đó như Đại Vương Cao Sơn Cao Các, Thanh Sơn Thạch Lũy, Nam Sơn Tĩnh Trấn Hiển Lâm, Ngô Vương Hắc Y Bạch Y… về thờ chung tại đây, tạo nên hội đồng bản cảnh linh thiêng.
Theo các cụ cao niên trong xã, dưới chế độ phong kiến, đền Ông Quận đã nhiều lần được triều Nguyễn sắc phong. Những sắc phong quý hoặc bị thất lạc, hoặc bị kẻ gian lấy cắp. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được 2 sắc phong của triều Khải Định.
Hơn 2 thế kỷ tồn tại, đền Ông Quận đã gắn liền với những bước thăng trầm của thời đại và ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Đền là nơi hội họp của nhiều sĩ phu văn thân trong phong trào Cần Vương yêu nước. Khi Đảng thành lập, đền là cơ sở bí mật, là nơi hội họp, cất dấu tài liệu của chi bộ Đảng Liên Thái những năm 1930 – 1945, tại đây nhiều chỉ thị của chi bộ đã ra đời, kịp thời chỉ đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân quanh vùng. 1951- 1952, đền là địa điểm làm việc của kho bạc nhà nước Liên khu 4. Những năm chống Mỹ 1966 – 1968, đền là trụ sở làm việc của cán bộ tiền lương tỉnh Nghệ An.
Ghi nhận công lao to lớn của quận công Đậu Bá Toàn trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, khai hoang lập làng, hộ quốc an dân, cũng như sự gắn bó mật thiết của đền Ông Quận với sự nghiệp giải phóng dân tộc, UBND tỉnh Nghệ An đã công nhận đền thờ Quận công Đậu Bá Toàn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 2/3/2011
Quanh năm nghi ngút khói hương, đền Ông Quận đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng xã, là công trình văn hóa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, thăm viếng, tưởng niệm của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương. Người dân trong xã, về với đền Ông Quận, còn là sự trở về nguồn cội thiêng liêng của lòng biết ơn, người đã từng khởi tạo, kiến lập nên xã Thanh Khê ngày nay./.
Huy Thư - Nghệ An
BBT Báo Nguoixunghekiev.vn, ngày đăng 19/07/2014
|