(Baonghean) - Làng mạc được bao quanh mấy bề sông nước, xanh tươi trù phú và thơ mộng. Những chiếc cầu nối đôi bờ cong cong duyên dáng đang ngả bóng nắng hè trên những doi cù lao nhỏ bé có thể trăm năm trước là một bến đò ngang hay bến nước cho ai đó khỏa nước sông Bùng, ngắm trăng ngỏ lời tình tự. Đất vùng cửa bể tuổi ngót 2.000 năm, còn cho Diễn Vạn một sức hút văn hóa - lịch sử đầy tiềm năng khai mở...
Cơn mưa dông mùa hạ miệt biển vội vã ào qua. Nắng chiều xiên chéo làm lóng lánh lên vạt sú ướt rượt ven bờ kênh Vách Bắc, tựa như chiếc vương miện xanh ôm lấy xóm làng. Cán bộ văn hóa xã Hoàng Ngọc Sơn còn rất trẻ, nhiệt tình dẫn tôi qua chiếc cầu nhỏ sang xóm Xuân Bắc, thăm đền thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn. Trên thế đất bên sông hướng ra cửa biển mà người xưa chọn đất dựng miếu mộ Sát hải Đại vương cùng thân mẫu và hai con trai ngài, nay có ngôi đền mới được con cháu dòng họ công đức phục dựng trên nền cũ.
Quạnh quẽ đền thiêng một thuở chưa xa còn tưng bừng lễ hội miền sóng nước, nhưng vẫn lưu vẻ u u minh minh của gửi gắm tâm khí người xưa khơi gợi huyền tích về một vị tướng quân thủy chiến góp công lớn vào chiến thắng chống Nguyên - Mông ở trận Bạch Đằng bắt sông Ô Mã Nhi năm Mậu Tý (1288) của nhân dân Đại Việt và đánh đuổi quân Chiêm Thành trên Biển Đông sau này. Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hoàng ở Diễn Vạn - ông Hoàng Nam, đang cẩn trọng dọn dẹp trong điện thờ, nhác thấy khách đã vội ra đón và khoe ngay: “Mới rồi, tôi cũng tiếp mấy đoàn truyền hình Trung ương về làm phim đấy! Ai cũng tỏ ý tiếc cho một di tích dày dặn cứ liệu lịch sử và truyền thuyết lại chậm được khôi phục thế này!”. Kéo tôi ngồi xuống bậc hạ điện ngôi đền chưa kịp bóng lên nước thời gian, ông Nam mặn chuyện về những trăn trở, tâm huyết khôi phục di sản xưa của hậu duệ Sát hải Đại vương mà các thế hệ con cháu ngày hôm nay của ngài không ngừng phấn đấu để được công nhận danh hiệu “Dòng họ Văn hóa”.
|
Di tích đền thờ Hoàng Tá Thốn (Diễn Vạn - Diễn Châu), mới được trùng tu.
|
Khoát vòng tay chỉ ra phía kênh Vách Bắc hợp lưu với dòng chảy sông Bùng, ông Nam cả quyết đó là nơi bà Trương Thị khỏa chiếc đòn gánh nước có dính lông con trâu vàng để rồi về mang thai sinh hạ ra Đức tổ dòng họ (theo truyền thuyết về Hoàng Tá Thốn). Đó được tín ngưỡng người đời sau coi là linh khí từ sự giao hòa giữa người đàn bà bán nước thôn quê với Thủy phủ. Nghĩa là, đất này dù dâu bể thời gian lùi sau phía đất liền, thì mạch vốn nguồn đời sống tinh thần vẫn luôn có sự gắn bó sâu sắc với biển cả.
Sử Diễn Vạn còn chép, nghề đánh lưới rút ở Diễn Vạn đã có từ lâu đời, đến thời cụ cố Bá, tức vị bá hộ của làng có tên Phạm Kiểng là nghĩa quân của quan Nghè Nguyễn Xuân Ôn, thì nghề này ở đây cực thịnh. Theo ông Nam, cụ cố Bá đã cho trùng tu sửa sang đền thờ Sát hải Đại vương và tôn ngài làm Thành hoàng, đến các triều vua Nguyễn sắc phong ngài là Thượng thượng đẳng thần, và trong tín ngưỡng nhân dân phía Bắc cả nước, ngài là một vị thần biển linh thiêng... Dẫn chúng tôi về thăm nhà thờ dòng họ ở phía trong xóm Trung Phú, ông Hoàng Nam cho biết thêm: “Nhà thờ dòng họ Hoàng chúng tôi cũng mấy trăm năm rồi; thờ từ Đức tổ Hoàng Tá Thốn, cũng từng là chốn linh thiêng có thượng điện, hậu cung. Nhưng đến những năm đầu 1960, bom Mỹ đã phá hủy cùng thời gian với đền, năm 2003 con cháu mới xây dựng lại như bây giờ”. Ngôi nhà thờ 3 gian nay vẫn có hậu cung, dù xây dựng mới vẫn đậm nhiều nét kiến trúc xưa cũ của miệt biển. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu của dòng họ trên cả nước lại nô nức về giỗ Tổ. Họ Hoàng của Sát hải Đại vương ở Diễn Vạn nay chỉ có khoảng 20 hộ, nhờ phát huy truyền thống gia tộc, tự hào về tổ tiên, vẫn được coi là một dòng họ đoàn kết cao, có phong trào xây dựng đời sống văn hóa rất mạnh ở địa phương...
Theo lời khuyên của cán bộ văn hóa xã Hoàng Ngọc Sơn, tôi tìm gặp ông Trần Ngọc Cảnh - nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Diễn Vạn; người vốn rất đam mê sử làng. Vừa may ông Cảnh đi tặng quà thân nhân chiến sỹ hải quân Nguyễn Văn Lợi ở Nhà giàn DK1 Trường Sa, là người làng Trung Hậu về. Ông bảo, việc là của Ban Mặt trận xóm, nhưng nghe tin là ông vội đi theo, góp chút quà cho bà mẹ Lợi sống đơn thân, diện nghèo. Cảm động là Lợi còn vài tháng nữa hết nghĩa vụ quân sự, nhưng khi tình hình Biển Đông biến động, ngay lập tức xin tình nguyện ở lại phục vụ... Về hưu đã lâu, ông Cảnh còn nhanh nhẹn khí sắc lắm; vừa nghe tôi tự giới thiệu, ông đã nhắc ngay gần mười năm trước gặp tôi ở lễ công nhận làng nghề mây tre đan đâu đó. Hóa ra, ông cũng là một cộng tác viên khá gắn bó với Báo Nghệ An. Vừa pha nước mời khách, ông vừa nói: “Bây giờ, tôi vẫn đọc báo Nghệ An không sót số nào. Cảm ơn báo ta đã đăng nhiều bài viết về Diễn Vạn chúng tôi. Hãy ngủ lại với tôi một đêm, tôi kể cho anh ối chuyện”.
Ông Cảnh bất chợt hỏi tôi: “Anh biết chuyện thuở nhỏ Bác Hồ đã theo cụ Phó bảng Sắc về Diễn Vạn chưa? Chuyện này, hiện chỉ tôi và một vài ba người nắm rõ!”. Tôi bảo cũng đã nghe các đồng nghiệp làm báo nói lại, dù chưa rõ lắm. Ông Cảnh vội vào lục đưa cho tôi một cuốn vở úa vàng phôtô chữ viết tay và nói tiếp: “Đây là bản phôtô lại hồi ký viết tay chưa in của cụ Võ Mai, nguyên cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, người làng Trung Hậu là láng giềng nhà tôi, có chép về việc Bác Hồ về thăm nhà cụ ấy vào khoảng năm 1904. Bản gốc giờ người cháu họ của cụ giữ ở Hà Nội”. Tôi dò theo những dòng hồi ký của cụ Võ Mai, theo đó thì quãng năm 1904 (cụ Võ Mai viết là 1901, nhưng có lẽ cụ viết nhầm vì ông Cảnh đã đối chứng nhiều cứ liệu lịch sử về Bác Hồ để chắc chắn đó là năm 1904), cụ Phó bảng Sắc có dẫn theo cậu Cung ra thăm cha cụ Võ Mai là cụ Võ Khôi, vốn là một nhà nho kết thâm tình với cụ Sắc. Khi cụ Sắc cùng cụ Khôi sang vấn an cụ Võ Tất Đắc (thân phụ cụ Khôi, là Tri huyện Quảng Xương - Thanh Hóa, có thể lúc đó về thăm quê nhà Diễn Vạn); cậu Cung đứng chơi bên thềm nhà, nói với cậu Mai (lúc đó lên 5 tuổi): “Em vào nhà xem cha có cuốn sách nào thì mượn cho anh đọc”...
Sau này, dấn thân con đường cách mạng, Võ Mai gặp lại Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc, rồi theo lời khuyên của Người trở về thành lập Ban Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Diễn Vạn. Cụ Mai mất năm 1985. Vườn nhà xưa còn đó, con cháu cụ Mai đều đã thoát ly ở xa, chỉ còn nếp nhà nhỏ người cháu đằng ngoại đang ở và ngôi mộ cụ huyện Đắc, dấu tích làm nên một niềm tự hào của làng Trung Hậu, Diễn Vạn. Theo ông Cảnh, thì từ những năm 1940 thế kỷ trước, ở đây đã có trên 40 chiếc thuyền đánh cá xa bờ, mỗi thuyền luôn có 12 ngư dân lão luyện biển khơi. Cho đến những năm 1960, đội thuyền đều tham gia vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam trong chống Mỹ và bị đánh phá hư hỏng dần. Có thuyền bị lính Việt Nam cộng hòa bắt lên đảo, tra khảo nhưng các ngư dân quyết không khai, sau được thả cho về và đều khẳng định đó là đảo ở Hoàng Sa lúc đó vẫn do phía Nam Việt Nam đóng giữ. Thế hệ ngư dân dũng cảm đó, hiện còn lại cụ Hồ Giáp còn sống, trú ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn...
Câu chuyện đến đây, ông Cảnh hồ hởi: “Tự hào lắm chứ! Dù nghề biển không còn, nhưng người dân vẫn giàu truyền thống gắn bó với biển. Nhiều hộ dân Diễn Vạn vẫn làm nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ, chế biến nước mắm, nướng cá có thu nhập khá”. Có lẽ từ nửa thế kỷ trước, khi bom đạn Mỹ xóa đi gần hết những di tích quý giá trên bờ, và đội thuyền buồm đi khơi hùng hậu của xã Diễn Vạn xa nghề đánh cá tham gia vận tải tiếp lửa cho tiền tuyến phía Nam bị hư hỏng và thoái nghề..., thì đời sống vùng đất cửa bể này đã dự cảm cho những biến đổi lớn lao; nhưng vẫn còn đó bền bỉ sức sống một vùng đất cổ mà tổ tiên xưa khai phá với bao khát vọng biển khơi.
Lần theo con đường làng dìu dặt thơm mùi nước mắm và mùi cá biển tươi nướng, chúng tôi đến cơ sở nướng cá của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lượng, ở xóm Trung Phú. Nhà cửa khang trang và khuôn viên rộng làm xưởng nướng cá, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trả lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng/người. Anh Lượng cho hay, mỗi ngày nướng sáu bảy tạ cá, ô tô trọng tải nhẹ chở cá lên nhập chợ Thái Hòa, tháng 30 ngày như thế, năm được, năm mất cũng khám khá dần. Chị vợ chỉ vào người thanh niên đang bê chuyển cá chạy mưa, nói: “Cữ này, mua cá nguyên liệu đắt, chúng tôi chỉ lãi tháng mấy triệu đồng nhưng vẫn phải làm, nếu không nhân công sẽ thất nghiệp. Như thằng bé này, bị bệnh động kinh nặng, thương nó nhà nghèo, vẫn sử dụng và vừa tăng lương cho nó mức 3 triệu đồng/tháng”...
Hiện cả xã Diễn Vạn làm nghề nướng cá như thế có khoảng 30 hộ, tạo việc làm cho gần 200 con em địa phương, cũng với một cái tình nghĩa như thế. Diễn Vạn cũng còn mươi hộ chế biến nước mắm, và nghề nước mắm ở đây vốn “phát tích” cho thương hiệu nước mắm Vạn Phần nổi tiếng. Bởi, Diễn Vạn chính là trung tâm của không gian tổng Vạn Phần trước đây, và Lễ hội đền Trên (đền thờ Sát hải Đại vương) chính là sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cả tổng...
Đành lỡ cái hẹn ở lại một đêm với Diễn Vạn, để được cùng ông Cảnh và cán bộ văn hóa xã Hoàng Ngọc Sơn đón một ban mai từ phía cửa Lạch Vạn xôn xao cá về. Tôi trở ra trung tâm Phủ Diễn, đi bên những ô nại muối nháng lên ánh hoàng hôn, qua “làng nuôi trồng thủy sản” lập lòe ánh điện như sao sa giữa cánh đồng mênh mông Trung Hậu, Trung Phú mùa người ra ở trại thả giống cua, giống cá; tạm biệt Diễn Vạn bằng phút dừng chân bên dấu tích cây đa mấy trăm năm tuổi rễ cành ôm lấy dấu tích cột trụ tam quan đền Ca Vũ (đền Dưới, nơi rước kiệu trong lễ hội xưa về hội lễ với đền Trên, thờ Sát hải Đại vương). Dày dặn trong tôi những xúc cảm về một miệt biển Diễn Vạn, dự định một ngày về lại...
Đình Sâm
Theo baonghean.vn
|