Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Chuyện về ông Hồ Phi Tích Chuyện về ông Hồ Phi Tích , Người xứ Nghệ Kiev
 

Chuyện về ông Hồ Phi Tích
Thầy đồ là nhân vật quan trọng ở nước Việt Nam ta từ thời trung đại cho đến đầu thế kỷ XX. Dân mình kính trọng thầy dạy học, tôn sư trọng đạo: “Không thầy đố mày làm nên”, “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư” (nửa chữ nhờ thầy, một chữ nhờ thầy).

Thầy đồ là nhân vật quan trọng ở nước Việt Nam ta từ thời trung đại cho đến đầu thế kỷ XX. Dân mình kính trọng thầy dạy học, tôn sư trọng đạo: “Không thầy đố mày làm nên”, “Bán tự vi sư, nhất tự vi sư” (nửa chữ nhờ thầy, một chữ nhờ thầy).

Vậy mà dân gian cũng đặt nhiều giai thoại, kể nhiều chuyện tiếu lâm về ông đồ. Trong gia tài chuyện cười xứ Nghệ có đến một phần năm là về thầy đồ. Nổi tiếng nhất có lẽ là chuyện cá gỗ. Có lần đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, trong một bữa cơm thân mật, Bác Hồ nói: “Các đồng chí có biết một loại cá sống ở trên cạn, không cần nước không?”. Mọi người cười lắc đầu không biết, Bác Hồ cười nói: “Vậy mà ở quê tôi có loại cá đó đấy...”. Rồi Bác kể chuyện con cá gỗ.

Chuyện kể rằng, thuở lối học “chi, hồ, giả, dã” còn thịnh hành, đầu năm các ông đồ xứ Nghệ thường đeo khăn gói lên đường, đi khắp bốn phương, tìm nơi truyền bá chữ thánh hiền.

“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai...”

Đường xa, các thầy thường hay đeo theo mo cơm với con “cá gỗ”. Đến buổi ăn, thầy vào quán bên đường để ngồi nhờ và xin chút nước mắm. Có con cá gỗ được chạm vẽ tinh vi, lại phết qua lớp sơn mỏng, bỏ vào bát nước mắm óng ánh trông như cá rán mỡ, đẹp mắt và ngon miệng. Cơm ăn hết, nước mắm vơi, cá vẫn hoàn cá...

Còn chuyện ông đồ Nghệ biết rao, nhiều người chưa tin, cho là bọn mánh khóe bịa ra, nhưng cũng xin kể ra đây.

Có thầy đồ vừa đi vừa rao:

“Đồ Nghệ đây, đồ Nghệ đây!

Văn hay chữ tốt

Ăn ít

Dạy con nít mau thông

Thiến rồi...

Ai thuê thì thuê!”

Hai câu rao sau ám chỉ các bà góa nhà giàu. Vì nghe đâu có bà đến chập tối cứ đuổi đứa ở và con trai đi để ráng “giữ gìn tiết hạnh” cho trọn vẹn... Khoán ước làng Quỳnh có nhiều điều khoản về thầy đồ đi dạy học, từ chỗ chọn nhà ngồi dạy (không được ở nhà đàn bà góa), quy định về thu tiền học, về đạo đức phong cách của thầy đồ v.v...

Thầy đồ làng Quỳnh đi dạy học nhiều nơi, trong Nam ngoài Bắc. Phần lớn các thầy đồ đi dạy học đều mang con em đi theo. Hàng năm cứ đầu tháng giêng âm lịch, ăn tết, lễ họ xong, lại mang khăn gói lên đường tìm nơi dạy học hoặc đến nơi ở cũ. Và cuối năm, các thầy đồ lại khăn gói trở về. Có người hai ba năm mới về. Có người đi luôn, lập cư nơi khác, không về như cụ Hồ Phi Diễn, thân sinh nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

 

Dịp tết là những ngày vui đoàn tụ của làng Quỳnh. Nhưng thời gian khá ngắn ngủi, chỉ khoảng 2 tuần là thầy đồ phải ra đi. Phụ nữ lại ở nhà canh cửi nuôi con, cô đơn trong cảnh nhà nghèo khó. Lớp trẻ con thường chào đời vào tháng 9 âm lịch. Những đứa trẻ lớn lên đều do sự nuôi dưỡng của các bà mẹ.

“Tiến vi quan, thoái vi sư”. Đi học nguyện vọng cao nhất là thi đỗ làm quan, nhưng chỉ một số ít người thi đỗ, còn phần lớn thành thầy đồ. Thầy đồ thường kiêm cả nghề làm thuốc, làm địa lý (nho, y, số). Cảnh thầy đồ làng Quỳnh đã được ông đầu xứ Sính (Hồ Sĩ Sính) gói gọn trong mười chữ:

“Nam vô tội chi tù

Nữ hữu phu vị quả”

(Đàn ông vô tội mà như ngồi tù,

Đàn bà có chồng mà như quả phụ)

Trong số thầy đồ ra Bắc dạy học, Quỳnh Đôi chiếm một tỷ lệ khá đông. Trong đó có một người sau khi đỗ đầu thi hương trường Nghệ (năm Quý Tý 1684 - năm thứ 5 hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông), ra kinh đô Thăng Long, mười hai năm vừa học tập để tiếp tục thi hội, thi đình, lại vừa dạy học... Sĩ tử theo học có đến 500 người.

Thăng Long - một đô thị kiểu phương Đông, nơi có thành và có thị. Lý Công Uẩn từ Hoa Lư về Thăng Long bằng thuyền, một đoàn ngự thuyền. Nhưng trong tầm mắt của ngài đã hiện rõ La Thành, hiện ra vùng đất phù sa bồi đắp bởi sông Hồng cuồn cuộn từ bắc sang đông. Sông hồ chằng chịt. Mênh mông sóng nước. Trên bến dưới thuyền.

Trong những thế kỷ đầu tiên của triều đại Lý, Trần, không gian của Thăng Long là trong thành ngoài thị. Trong thành xây cung điện, đặt trại, ngoài thành dân cư tụ tập ở các phường. Những nhân vật chủ yếu ở Thăng Long trong quãng thời gian ấy là các ông vua, gia đình hoàng tộc, là quan lại, quý tộc và những lớp người có liên hệ mật thiết với các triều như thiền sư, nho sĩ. Vào những năm cuối thế kỷ 17, khi chàng giám sinh làng Quỳnh ra Thăng Long, các lớp cư dân mới tăng lên: thợ thủ công, thương nhân, tầng lớp quan lại, các sĩ tử đỏ về thụ nghiệp và tham dự các kỳ thi, các ca nhi, kỹ nữ, ả đào... đã đến từ nhiều miền đất nước và sống ngoài Hoàng thành.

Đất kinh thành trở nên đông đúc người hơn, hình thành những phường nghề thủ công phong phú, tinh xảo. Cũng xuất hiện nhiều hơn những kẻ vô lại trộm cắp, những kẻ du đãng cờ bạc, côn đồ gây chuyện đánh nhau...

Thời gian sĩ tử xứ Nghệ ra Thăng Long, chàng đi gần như khắp các quán trọ kinh thành xin trọ, nhưng chưa quán nào nhận, vì chàng chỉ xin mua cơm và trả tiền trọ. Không biết đây có phải là một trong những thầy đồ xứ Nghệ làm nguyên mẫu để dựng nên câu chuyện cá gỗ hay không...

Ba năm mới có một khoa thi, các sĩ tử bốn phương về tranh khôi đoạt giáp, phần nhiều là con nhà gia thế, giàu có. Đây là dịp để các nhà hàng kiếm lời, vậy mà người khôi ngô này chỉ mua cơm, còn thức ăn tự lo...

Một buổi xế chiều, chàng đến một quán trọ, bà chủ xem hình dáng rồi vui vẻ mời vào. Đến bữa trưa, nhà chủ dọn cơm có thịt, cá và có cả cút rượu. Thấy vậy, chàng giám sinh chắp tay chối từ. Bà chủ hỏi: “Vì sao?”. Chàng thưa: “Tôi chỉ đủ tiền cơm và trả tiền trọ, ăn uống sang thế này không đủ trả”. Bà chủ tươi cười trả lời “Trưa nay là bữa đầu mời cậu xơi, từ mai chúng tôi lo liệu tùng tiệm hơn theo ý cậu. Nhưng cậu cứ yên tâm trọ ở đây, cũng phải ăn uống tốt để lấy sức vừa ngồi dạy học vừa chuẩn bị vào thi. Còn các chuyện khác đừng lo, có gì tôi với cậu thưa chuyện thêm...”.

Thấy bà chủ vừa nhanh nhẹn, đon đả lại thật thà, lịch thiệp, thí sinh xứ Nghệ bằng lòng trọ lại. Bà chủ có cô gái giống mẹ mà người lại thanh hơn. Vạt áo tứ thân màu nâu non, giải yếm đào, tóc bỏ đuôi gà, khuôn mặt trái xoan với chân mày cong và đôi mắt đen nhưng nhức, làm cho thầy đồ trẻ không dám nhìn lâu... Như vậy, chỉ có hai mẹ con mở quán trọ với mấy người giúp việc. Không tiện hỏi nhưng chàng thí sinh không thấy ông chủ đâu cả...

Điều băn khoăn của chàng triều sĩ (chàng ra thi hội) được giải tỏa khi vài hôm sau xuất hiện ông chủ nhà trọ. Đó là một cụ già khoảng tuổi bảy mươi, râu tóc đã bạc, nhưng đôi mắt còn sáng, có nét tinh tường, người cao mảnh khảnh. Thầy đồ trẻ lễ phép thưa chuyện thì biết rõ hơn về gia thế họ Đàm ở xứ La, Hà Đông. Ông cụ trước cũng là sĩ tử, đậu tú tài, cũng ngồi dạy học rồi dưỡng tuổi già ở quê. Bà vợ già ở quê sinh toàn một bề con gái nên cụ lấy vợ hai là bà chủ quán trọ này, khi đã luống tuổi. Bà kế trẻ đẹp sinh được một đứa con trai, nhưng đứa bé lại qua đời vì bệnh đậu mùa khi mới lên ba tuổi. Cô con gái út cùng mẹ bán quán là cô Đàm Thị Thành, là con gái rượu được Đàm tiên sinh yêu quý. Cụ Đàm vẫn ở quê nhưng thuận cho hai mẹ con mở quán ở Thăng Long. Cụ nói với bà hai: “Tôi thuận cho bà mở tửu quán không chỉ để kiếm lời, mà còn để kiếm rể hiền cho tôi...”.

Thầy đồ trẻ làng Quỳnh trẩy kinh sư Thăng Long để vừa ngồi dạy học và còn mong vào thi hội, thi đình chính là Hồ Phi Tích (1665-1734). Thân sinh ông là Hồ Sĩ Anh, tổ bốn đời của Hồ Phi Phúc thân sinh của Hồ Thơm (Quang Trung - Nguyễn Huệ) và tổ năm đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Đàm đạo với cậu thí sinh họ Hồ xứ Nghệ, Đàm tiên sinh thấy tâm đầu ý hợp, dặn cậu cứ ở đây cho đến ngày vào giám thi hội, tổn phí khỏi phải tính toán gì nhiều, mai sau còn có dịp tri ân đền đáp. Từ hôm đó, Phi Tích thấy yên tâm, còn rủ thêm người bạn đồng hương làng Quỳnh là Hồ Sĩ Tôn đến cùng ở trọ.

Một lần bà cụ nói với hai triều sĩ là con gái bà có học, được cha dạy chữ và tinh nghề đoán dạng chữ. Phi Tích và Sĩ Tôn lấy làm lạ hỏi cô Đàm Thị. Cô mỉm cười thưa: “Kính hai thầy, em được cha dạy bảo, cũng biết sơ sơ. Nếu hai thầy không chê thì xin hai thầy viết, em xin được mạo muội đoán chữ...”.

Hai chàng triều sĩ giám sinh ngồi trên sạp trải chiếu hoa, lấy bút chấm mực trong nghiên, bắt đầu viết trên giấy dó. Phi Tích viết chữ “sử”, nét bút vừa cứng cỏi vừa thoáng. Sĩ Tôn viết chữ “dụng”, nét chữ đẹp vuông vắn. Cô Đàm Thị đoán Sĩ Tôn viết chữ “dụng” tài cán hơn đời, nhưng tài cán có hơi thua, còn Phi Tích viết chữ “sử” thì sẽ có sự nghiệp lớn. Cô xin được khen chữ của hai chàng thí sinh đều đẹp, đều có vượng khí, nhưng lại đem nhận xét riêng mách bảo với cha. Đàm tiên sinh gật gù vì ý tinh xét của con gái.

Hồ Phi Tích đậu Hoàng giáp (loại nhất của thi hội), niên hiệu Chính Hòa (1700). Lúc đó cụ Đàm đã qua đời. Để đền đáp lại lòng thành của ông bà chủ và mối tình duyên của cô chủ, ông nghè tân khoa xin cưới cô tiểu thư họ Đàm làm vợ. Vậy là vinh quy cùng với vu quy một ngày.

Tiểu thư họ Đàm thành Đàm thị phu nhân, đã đưa nghề lụa từ Hà Đông về truyền dạy cho dân làng Quỳnh Đôi, được dân làng nhớ ơn. Từ đây, làng Quỳnh không chỉ là làng nông, làng khoa bảng mà còn là làng lụa. Dệt lụa trở thành nghề chính của làng Quỳnh trong suốt 300 năm, đến những năm 60 cuối thế kỷ XX mới dứt.

Hồ Phi Tích giữ các chức vụ Ngự sử, Bồi tụng, Binh bộ Thượng thư, năm 1721 được cử làm Chánh sứ đi Tàu tuế cống (Hương biên). Năm 1725 đi đàm phán về biên giới phía Bắc, có công dành được vùng đất 40 dặm có mỏ đồng Tụ Long ở tỉnh Lào Cai cũ.

Hồ Phi Tích được phong là Quỳnh quận công. Ông có soạn bộ sách “Thượng quốc quan quang tự” và “Gia huấn tập”. Làm quan ba triều vua, ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực.

Khi về hưu tháng 3 Tân Hợi (1731), Hồ Phi Tích lấy ruộng vua ban biếu làng Quỳnh Đôi 20 mẫu và làng Bèo Hậu (nay là xã Quỳnh Hậu) 10 mẫu ruộng. Lại cho đắp con đường làng Bèo qua Đồng Tương đi vào xóm trong thành đường to bằng đá, đá chở từ làng Nhồi, Đông Sơn, Thanh Hóa vượt biển đem về.

Từ đó hình thành trục đường chính Tây - Đông từ đầu đến cuối làng Quỳnh nên mới có câu: “Thượng Cống Đá, hạ Bờ Re”.

* * *

Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích có người vợ hai là bà Chân Thị Phát. Bà là con gái út của ngài Kiệt Tiết tướng quân. Quế lộc hầu ở làng Đông Liệt, huyện Đông Thành (ngày nay là Yên Thành). Nhà bà giàu có, cha bà từng xuất 3.000 quan tiền để xây cầu Tiên Lý trên đường cái quan, tiếng đồn đến vua biết, được phong sắc. Chân Thị Phát cũng nức tiếng gái hiền nết lại đẹp người. Quận Quỳnh hỏi làm vợ, sinh được hai trai. Ông Quận mất, bà còn trẻ tuổi thủ tiết thờ chồng.

Chân Thị Phát sau này còn nổi danh sự tích có liên quan đến Nguyễn Hữu Cầu, tục gọi quận He. Trong số thủ lĩnh các cuộc nổi dậy của dân cày thời đó, Nguyễn Hữu Cầu được coi là người kiệt xuất. Mưu trí quỷ quyệt, tiến thoái khôn lường. Có khi bị vậy hàng mấy vòng, chỉ một mình một ngựa phá vây, rồi trong mấy ngày lại có hàng nghìn người mang bừa vác gậy đi theo. Quận He thường cho quân chiếm đoạt thóc gạo của thuyền buôn, đem chia dân nghèo, cho nên đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có.

Thời vua Lê và các chúa Trịnh Tạo, Trịnh Căn, Trịnh Dân, lo việc trị dân, lại nhờ có các quan thượng thư giỏi như Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng, Lê Hy, Hồ Phi Tích giúp đỡ, nên cũng chỉnh đến được nhiều việc, nội trị tạm yên ổn. Nhưng từ khi Trịnh Giang lên nối nghiệp chúa (1729-1740), giết vua Lê, hại các quan đại thần và làm lắm điều tàn ác.

Trịnh Giang dâm dật vô độ, sợ sấm sét nên đào hầm làm nhà ở dưới đất để ở, còn chính sự để cho đám hoạn thần chuyên quyền làm bậy. Tiệc tùng xa xỉ, thuế má ngày một nhiều, sưu dịch ngày một nặng, dân tình khổ sở, giặc dã nổi lên khắp nơi...

Phạm Đình Trọng là danh tiếng đời Lê Hiển Tông, quê trấn Hải Dương, đồng hương, đồng môn với quận He. Nhưng đường đời của hai người rẽ hai ngã khác nhau. Phạm Đình Trọng đỗ tiến sĩ lúc 25 tuổi. Được bổ làm Phó đô Ngự sử, vào phủ chúc làm Bồi tụng, tước Dao lĩnh hầu. Không lâu, ông ra làm Hiệp trấn ba đạo Đông Nam Bắc, thống lĩnh quân đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu. Trong các tướng sĩ của triều đình, Hữu Cầu chỉ e ngại có Phạm Đình Trọng mà thôi, cho nên Cầu căm tức đào mả mẹ ông ấy đổ xuống sông. Từ đó, Trọng thề không cùng sống ở đời với Cầu.

Nguyễn Hữu Cầu trá hàng, sau lại về phá đất Sơn Nam. Một hôm, Phạm Đình Trọng đuổi quận He ở Cẩm Giàng, Cầu nói với thủ hạ: “Ta vừa mới thua, có tin về kinh, tất nhiên không ai phòng bị, ta lẻn về đánh có lẽ được”. Nói đoạn, ngay đêm hôm ấy kéo quân về bến Bồ Đề. Đến nơi thì trời vừa sáng. Có tin báo, chúa Trịnh Doanh tự đem quân ra giữ ở bến Nam Tân. Phạm Đình Trọng biết tin, đem quân về đánh mặt sau. Hữu Cầu thua bỏ chạy.

Nguyễn Hữu Cầu vào Nghệ An. Phạm Đình Trọng đem quân vào đánh phá trại giặc, đuổi Cầu ra đến Hoàng Mai thì bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa Trịnh xử chém. Bấy giờ là năm Tân Vị (1751), tức là năm Cảnh Hưng thứ 12.

Trong thời gian vào Nghệ An, quận He về Quỳnh Đôi, thấy Chân Thị Phát nhan sắc còn đậm đà, muốn cưỡng bà lấy làm vợ. Thị Phát nói xin được đi lạy nhà thờ chồng rồi xin đi theo. Nguyễn Hữu Cầu cho thủ hạ đưa bà đi lạy nhà thờ. Bà đã khéo dấu kín con dao ở trong người. Bà sụp lạy khóc, lạy xong rút dao đâm mình mà chết.

Vua Tự Đức chú trọng nhân tâm phong tục. Lên ngôi được ba năm thì sức hỏi trong dân gian có bà nào trong đời Lê bị nạn, quên mình liều chết giữ lòng trinh bạch để thờ chồng. Cháu ba đời của Hồ Phi Tích và bà Chân Thị Phát là tú tài Hồ Phi Hội khai sự thật tâu lên vua, Tự Đức làm thơ vịnh:

“Nhất tiếu khuynh thành túng tặc tâm

Ứng cơ thiên đại thục năng xâm

Phu từ bái biệt tương an thích

Tự hữu long truyền dĩ tại khầm”

(Trích “Việt sử ngự vịnh”)

Dịch nghĩa là:

“Nụ cười nghiêng nước giặc hồn xiêu

Khéo dối êm tai giặc cũng chiều

Trước miếu phu quân rồi bốn lạy

Gươm trong thân áo sẵn gan liều”.

Hồ Anh Dũng[*]



[*] Nguyên Tổng GĐ Đài truyền hình Việt Nam


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 65082902

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July