(Baohatinh.vn) - “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình. Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau...”(Tổ quốc gọi tên mình)
Lời ca vang lên từ chiếc radio đã cũ khiến người cha không khỏi bồi hồi, xúc động. Với bàn tay run run về phía chiếc bàn, ông Phạm Khả Thảo (xóm Bắc Dinh, xã Thạch Trị, Thạch Hà) ôm chiếc đài vào lòng, bần thần nghĩ về người con ngày đêm lênh đênh giữa biển khơi để làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc. Dẫu biết rằng, khoảng cách giữa đất liền với Hoàng Sa xa lắm và chẳng có phép màu nào cho ông được nhìn thấy con ngay lúc này, nhưng người cha vẫn vững tin, ở một nơi nào đó trên vùng biển trời xa xôi, luôn tồn tại mối thần giao cách cảm giúp con trai và gia đình xích gần bên nhau.
|
Lãnh đạo Bộ CHQS Hà Tĩnh chia sẻ những khó khăn và bày tỏ sự trân trọng, cảm phục đối với gia đình Trung úy Phạm Khả Đăng. Ảnh: Đinh Thanh
|
Con trai cả của ông, Trung úy Phạm Khả Đăng (sinh ngày 11/8/1988), tốt nghiệp Học viện Hải quân vào năm 2011. Cùng năm ấy, anh nhận công tác tại tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 4033 với chức danh thuyền phó. Tàu 4033 thuộc Hải đội 201, vùng cảnh sát biển 2 (Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) có 22 thuyền viên, 1 chỉ huy trưởng cùng 3 thuyền phó được giao nhiệm vụ chấp pháp, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Chặng đường bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của Trung úy Đăng ùa về trong ký ức người cha. Không một ngày nào ông bỏ sót theo dõi tin tức về biển Đông qua chương trình thời sự. Ngồi trên xe lăn với đôi chân bị liệt hơn một năm nay do căn bệnh xuất huyết não, cứ nhắc đến con, ông Thảo lại quay đi, gạt nước mắt.
Ông có ba con trai đều theo đường binh nghiệp. Ngoài anh Đăng, con trai thứ hai hiện đang theo lớp đào tạo về tàu ngầm ở Nga, con trai út là sinh viên năm thứ 3 Học viện Hậu cần tại Hà Nội. Bản thân ông Phạm Khả Thảo cũng là bộ đội xuất ngũ. “Các con chọn con đường phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân là đã buộc thân mình với vận mệnh của Tổ quốc. Nếu chẳng may có sự cố gì xảy ra với các con, tôi cũng chấp nhận”, người cha kéo vạt áo màu bộ đội cũ sờn, chấm nước mắt.
|
Ông Phạm Khả Thảo điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Hà Tĩnh
|
Hơn một tháng trước, khi đang làm nhiệm vụ từ biển trở về đất liền cũng là lúc Trung úy Phạm Khả Đăng hay tin mẹ anh bị ung thư giai đoạn cuối. Trước hoàn cảnh quá éo le, người sỹ quan trẻ được đơn vị cho 40 ngày về phép thăm gia đình. Dù sức khỏe bố mẹ ngày một yếu dần nhưng người con cả chưa bao giờ đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Ngày ngày trôi qua, ông Thảo và vợ, người ngồi xe lăn, người gắng gượng trên giường luôn được nghe con trai cất lên bài ca về người lính và lời kể của anh về đồng đội nơi biển khơi. Nhìn bà mỉm cười mãn nguyện khi thấy con trai đã trưởng thành, vết thương trong lòng ông dịu đi phần nào. Bà đâu biết, đó là liều thuốc tinh thần duy nhất mà con trai tự “pha chế” để giúp bà gắng gượng trong cơn bạo bệnh.
Đầu tháng 5, nhận được tin tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dù bệnh tình bố mẹ đang rất nặng và chưa hết ngày nghỉ phép nhưng nghĩ đến hàng trăm đồng đội đang trực chiến ngoài đảo xa, Trung úy Phạm Khả Đăng nén buồn thương trở về đơn vị. Hiểu được tâm tư của anh, ông Thảo hết lòng động viên con: ở nhà đã có vợ con và các em lo. Vì sự sống còn của Tổ quốc và hàng triệu con người, con và các đồng đội hãy vững vàng và yên tâm công tác.
Trở về từ đợt điều trị tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội, ông Phạm Khả Thảo hiện đang được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Hà Tĩnh hết lòng chăm sóc. Ngày bà lâm bệnh nặng, con trai ở trong cuộc chiến đầy khốc liệt, ông trở nên nhạy cảm hơn, dễ tủi thân và xúc động. Những lúc phòng điều trị tổ chức cuộc thi ca hát, trong tiếng vỗ tay của bệnh nhân cùng phòng, ông cất cao tiếng hát và không quên ghi âm, để mỗi lần gọi điện trò chuyện, ông lại bật cho bà nghe.
Thùy Dương
Baohatinh.vn
|