Bước chân của dòng người hành hương đang nuờm nợp hướng về ngôi đền thiêng bên dòng Cửa Sót thuộc làng Mai Lâm- xã Mai Phụ- Lộc Hà để tưởng nhớ vua Mai Thúc Loan ( Mai Hắc Đế) - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hoan Châu- người đã có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Trong hào khí thiêng liêng của đất trời, trong niềm vui của những ngày đầu xuân đi lễ chùa, đi trẩy hội, tôi còn cảm nhận được niềm tự hào trên mỗi gương mặt rạng rỡ của những người con trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này khi được sống trong những giờ phút khó quên, khi ước nguyện của họ đã trở thành hiện thực. Đó là đền thờ Vua Mai đã được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Tương truyền, Vua Mai đã được hoài thai trên mảnh đất Mai Lâm- ngôi làng cổ xưa nhất của đất Hoan Châu đã tồn tại cách đây khoảng 13 thế kỷ. Vì mang thai không có chồng nên mẹ ông đã phải lưu lạc lên vùng đất Ngọc Trừng- huyện Nam Đường nay thuộc xã Nam Thái- Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mồ côi từ tấm bé, Mai Thúc Loan đã được một người trong làng mang về nuôi dạy và gả con gái là Tô Ngọc làm vợ. Ngoài nổi tiếng là khoẻ mạnh và thông minh, ông còn là đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam thời bấy giờ ( Nam Đàn ngày nay).
|
Đền thờ vua Mai ở làng Mai Lâm- Xã Mai Phụ ( Lộc Hà)
|
Thế kỷ thứ 13 nước ta bị nhà Đường cai trị, người dân ở các châu, hoan lầm than dưới sự bóc lột bằng chế độ thuế và chế độ cống nộp sản vật. Cũng là một nông dân lao động, cũng từng nếm trải nỗi tủi nhục, cơ cực trong những lần làm phu cống vải nên ông rất thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân. Ý chí đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường cũng đã được nhen nhóm từ đấy. Mùa hạ năm Quý Sửu ( 713), cuộc khởi nghĩa Hoan Châu chính thức bùng nổ trên đường Mai Thúc Loan cùng đoàn phu đi cống vải tại dốc Trương Bàng- một địa danh nằm ở phía bắc huyện Nam Đàn. Trước khí thế vùng lên của dân phu, quân áp tải nhà Đường đã bị thương vong và tháo chạy thục mạng. Trong thế chủ động và bầu máu nóng của lòng yêu nước, thương dân, Mia Thúc Loan đã chỉ huy nghĩa quân xông lên đánh trả đoàn quân tiếp viện và thừa thắng đánh chiếm cả trụ sở Hoan Châu ỏ Sa Nam rồi lần lượt giải phóng luôn cả Châu Diễn, Châu Ái rộng lớn. Sau sự kiện này, ông được nhân dân suy tôn làm hoàng đế- Mai Hắc Đế ( vua đen họ Mai).
Sau khi lên ngôi, ngoài lo việc triều chính, ông đã cho xây dựng căn cứ địa tại Sa Nam và chọn Vệ Sơn làm nơi đóng đại bản doanh. Khi đã có binh hùng tướng mạnh lại được sự liên kết của Lâm Ấp và Chân Lạp cùng sự ủng hộ của người dân vùng Đường Lâm- Ba Vì- Hà Tây, Bình Hà- Hải Dương... ông đã kéo quân ra đánh chiến phủ Tống Bình( Hà Nội) giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của nhà Đường. Thất bại thảm hại, nhưng vua Đường vẫn ôm mộng thôn tính đất Vạn An nên 10 năm sau- năm 722, 30 vạn quân xâm lược nhà Đường đã trở lại xâm lược nước ta. Quân vua Mai thất thủ đành phải rút chạy vào rừng, vua Mai cũng mất trong những ngày khói lửa, binh đao ấy.
Tưởng nhớ đến công lao của ông đối với quê hương đất nước, người dân trên quê hương Mai Phụ cũng đã lập đền thờ ông tại làng Mai Lâm. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sự, sự khắc nghiệt của thời gian, ngôi đền đã bị xuống cấp và huỷ hoại hoàn toàn, thế nhưng tấm lòng tôn kính và trong tâm khảm của biết bao thế hệ người dân trên mảnh đất ven dòng Cửa Sót này vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm hướng về người anh hùng dân tộc- vị vua đầu tiên của quê hương. Bằng nội lực của chính quyền địa phương xã Mai Phụ, sự giúp đỡ của huyện Lộc Hà cùng với mồ hôi, công sức của những người dân nơi đây, năm 2011 đền thờ Mai Thúc Loan đã được đầu tư phục hồi, tu bổ, tôn tạo lại ngay trên nền đất thiêng xưa cũ.
Đền toạ lạc trên diện tích hơn 500m2, nằm trong lòng khu dân cư thuộc làng Mai Lâm quay mặt về hướng chính Nam với cổng vào được xây dựng theo kiểu cột nanh, trên đầu cột có gắn nghê trang trí, không có cánh cửa đóng mở. Hai bên cột có đắp hình hai ông tướng mặt mày dữ tợn trong tư thế đứng, một tay chống ngang hông. Phía trước 2 cột nanh có đắp 2 câu đối bằng chữ hán, tạm dịch là: “Bốn phương hưởng ứng giúp đỡ Vua. Hàng trăm năm tiếng tăm chấn động cuối đời Đường”. Đền thờ là một ngôi nhà được xây bằng gạch 1 gian có đổ bia chắn mái cong, mái đổ bê tông dán ngói âm dương, hệ thống xà bằng bê tông sơn màu giả gỗ, của ra vào bằng gỗ lim theo kiểu thượng song hạ bản, trên bậc của có đắp 4 chữ hán: “ Thượng đẳng tối linh- Đền thờ linh thiêng bậc nhất”. Trên nóc mái có đắp rồng chầu, hổ phù đội mặt trời, nội thất được bố trí bàn thờ ba bộ long ngai, bài vị với đầy đủ các đồ thờ theo truyền thống. Điều đáng chú ý là trước của của ngôi đền còn có 2 cây đa cổ thụ cành lá sum suê. Ông Cao Đình Thường- người trông coi ngôi đền cho biết: “ Cũng là người dân được sinh ra trên mảnh đất thiêng này nhưng tôi cũng không thể biết 2 cây đa này có tuổi thọ mấy trăm năm. Chỉ biết rằng, trước đây, cây cổ thụ ở làng Mai Lâm nhiều lắm, nhưng do phải hứng chịu tiên tai, bão tố nên hầu hết đã bị đổ gãy, duy chỉ có 2 cây này vẫn xanh tốt, xum xuê sững sững thách thức với phong ba và song đôi như 2 vị tướng ngày đêm canh giữ trước cổng đền. Và với những con thuyền nan nhỏ bé đang dăng lưới ngoài kia, ngọn đa cao vút trước cửa đền cũng chính là cái mốc là nơi họ hướng tới mỗi khi rời xa giải đất thiêng để mưu sinh trên sông nước”.
Trong rì rầm tiếng sóng biển, trong không khí trầm mặc của chốn tâm linh, người dân trên quê hương huyện mới cùng du khách muôn phương lại có dịp hội tụ về ngày đại lễ để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc, để cầu nguyện vì sự bình yên, sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an và trên tất cả là được đắm mình trong không khí linh thiêng để tâm hồn được gạn đục khơi trong và đến gần hơn với cái chân, thiện, mỹ.
Đền thờ Mai Thúc Loan đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, ước nguyện của người dân vùng biển Cửa đã trở thành hiện thực. Tuy nhiện, việc trung tu tôn tạo lại ngôi đền mới chỉ là bước đầu. Với những người dân ở xã Mai Phụ, niềm vui, niềm tự hào này còn được nhân lên gấp bội khi biết rằng sắp tới tỉnh đã có kế hoạch quy hoạch lại khu di tích đền thờ để thực sự xứng tầm với công lao của vị vua đầu tiên trên quê hương. Đây không chỉ là địa chỉ văn hoá tâm linh mà còn là địa chỉ đỏ để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau về niềm tự tôn dân tộc, lòng tự hào về quê hương và tôn vinh những người có công với đất nước.
THUÝ NGỌC
theo hà tĩnhonline
|