(Baonghean) - Những vùng đất nghèo khó, xa xôi của cực Tây Nghệ An đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đó không chỉ nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền tỉnh nhà; bàn tay chăm chỉ của người dân mà còn là sự sát sao, trực tiếp cùng ăn, cùng ở giúp dân bản của bộ đội. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho dải biên cương, các chiến sĩ mang quân hàm xanh còn giúp dân bản làm kinh tế, xóa đói nghèo…
Dẫn tôi đi một vòng quanh các bản làng của xã, đồng chí Xồng Xái Xo - Phó Chủ tịch xã Na Ngoi – Kỳ Sơn không giấu được niềm vui: “Nhà báo thấy không, bây giờ dân bản không còn canh tác theo hình thức lạc hậu di canh, di cư, đốt nương rẫy để trỉa lúa ngô như ngày trước nữa. Dân bản đã biết làm lúa nước hai vụ, trồng dong riềng, gừng làm hàng hóa, đặc biệt không phá rừng, đốt nương rẫy hay di cư qua Lào nữa. Cái bụng của dân bản đã no ấm, sắm sanh được xe máy, nhiều dụng cụ sinh hoạt đắt tiền”.
|
Chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Càn giúp dân mở đường vào bản.
|
Đã có một thời, nơi đây trẻ em không được đến trường, áo quần không đủ mặc cho ấm, bệnh tật không có tiền mua thuốc, đến mùa giáp hạt thì đói quay quắt. “Nhớ lại những năm tháng đó mà rùng mình, chưa lúc nào cái đói, cái nghèo lại kinh khủng đến thế. Nhưng rồi khi các anh về, mang theo bao niềm hi vọng, đổi thay. Các anh làm đường, chỉ dạy đồng bào cách trồng lúa nước, trồng ngô sao cho đạt năng suất cao. Dần dần đời sống dân bản được ấm no, không du canh, du cư bất hợp pháp nữa” – đồng chí Xồng Nhia Vừ - Chủ tịch Mặt trận xã Na Ngoi cho hay.
Dọc theo đường chính vào xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, những thửa ruộng, nương ngô xanh mướt. Dưới bàn tay chăm chỉ, cần cù của đồng bào người Mông, Khơ Mú, sự chỉ dạy tận tình của bộ đội, những mảnh đất khô cằn sỏi đá biến thành cơm gạo, giúp dân bản ấm no. Trung tá Trần Văn Viện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết: “Muốn đồng bào nghe theo mình, không chỉ là nói suông mà anh em cán bộ, chiến sỹ phải xắn tay lên làm trước. Sờ tận tay, thấy tận mắt hiệu quả, hạt lúa, hạt ngô đầy bồ thì đồng bào mới nghe và làm theo. Những năm qua, diện tích và sản lượng lúa nước, ngô lai, chè tuyết shan… của đồng bào Mông, Khơ Mú không ngừng tăng lên, đời sống được cải thiện, tình hình di canh, di cư qua Lào giảm rõ rệt”.
Như để minh chứng cho lời của trung tá Viện, đồng chí Xồng Xái Xo điểm qua cho chúng tôi một vài con số ấn tượng mà có lẽ cách đây dăm, mười năm, người dân xã Na Ngoi không bao giờ mơ tới. Ấy là diện tích ruộng lúa nước hiện tại là 299 ha, lúa rẫy 735 ha, năng suất ước tính đạt 6 tấn/ha; Cây gừng 371 ha, năng suất ước đạt 1.855 tấn; cây ngô LVN 10 diện tích 57ha, năng suất ước đạt 3,5 tạ/sào; cây ngô địa phương 435 ha, năng suất 2 tạ/sào, tổng thu hoạch ước đạt 1.840 tấn; khoai sắn, rau đậu khoảng 247 ha. “Nói đi đôi với làm, các anh bộ đội ở đây đã làm cho đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú tin tưởng, làm theo. Có các anh, đời sống người dân thay đổi từng ngày, không còn đói rét, lạc hậu như trước. Cái bụng của bố và bà con biết ơn các anh em cán bộ biên phòng nhiều lắm”, ông Mùa Nỏ Xư ở bản Pù Quặc 1 vui mừng cho hay.
Đồn biên phòng Nậm Càn nằm sát bên bản làng của đồng bào người Mông, với quân số khoảng 50 người nhưng quản lý hàng chục km đường biên giới. Địa hình hiểm trở, toàn vực sâu, núi dốc nên việc tuần tra, đi lại hết sức khó khăn. Ngoài nhiệm vụ vững chắc tay súng bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc, đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, các anh còn bám bản làng, cùng ăn, cùng ở với dân, chỉ bảo, chia sẻ những kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Những vùng đất trống, đồi trọc năm nào bây giờ đã phủ một màu xanh bạt ngàn của lúa ngô, dong riềng. Các bản làng xa xôi, heo hút giờ đây được rút ngắn lại bởi có sự chung tay, chung sức khai phá, xây dựng của tình quân dân keo sơn. “Phương thức canh tác lạc hậu đã tồn tại trên vùng biên viễn này hàng chục, hàng trăm năm nên muốn thay đổi nhận thức của người dân trong một sớm, một chiều là điều không thể. Cán bộ, chiến sỹ của đồn phải hết sức khéo léo vận động, kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Thượng tá Phạm Hữu Hà – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Càn tâm sự.
Không những cơ bản đảm bảo về lương thực, thực phẩm, trong những năm qua, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, sát sao của các cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Ngoi, Nậm Càn, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Đoàn 4) người dân các xã nằm dưới chân núi Phuxailaileng còn tạo ra được sản phẩm hàng hóa, làm giàu cho gia đình, quê hương. Sau nhiều năm đóng quân và thử nghiệm nhiều loại cây trồng ở Na Ngoi, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 nhận thấy cây dong riềng phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu miền sơn cước. Đoàn 4 đã lập dự án, tiến hành trồng hàng chục ha dong riềng trên nhiều vùng đất thích hợp. Song song đó, Đoàn cũng đã vận động, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp giống cho người dân trồng đại trà ở nhiều vùng khác nhau.
Hiện tại diện tích dong riềng ở các xã trong vùng dự án tăng lên nhanh chóng, cơ sở chế biến của Đoàn 4 bao tiêu thu mua cho dân nên giá cả luôn ổn định, người dân được hưởng lợi từ mô hình sản xuất hàng hóa. Đồng chí Lầu Và Chồng - Chủ tịch xã Na Ngoi cho biết: “So với các loại cây lương thực khác thì cây dong riềng đem lại kinh tế gấp hai ba lần, có hộ đạt từ 30 - 40 triệu đồng/mùa. Hiện tại diện tích dong riềng của xã khoảng 87 ha, tổng sản lượng ước đạt 4.350 tấn. Nhờ sự tiên phong, hướng dẫn của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, cây dong riềng đang trở thành cây kinh tế chủ lực của địa phương, dần dần đưa xã Na Ngoi thoát nghèo”.
Song song với nhiệm vụ vững chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc, những chiến sĩ mang quân hàm xanh đang ngày đêm thầm lặng bám bản làng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào làm kinh tế thoát đói nghèo, lạc hậu.
Bài, ảnh: Triều Dương
Theo Baonghean.vn
|