(Baohatinh.vn) - Chiều cuối tuần, tôi hẹn gặp nhạc sĩ Ngọc Thịnh tại một quán café nhỏ trong thành phố. Trong không gian được bài trí tre nứa giản đơn, mộc mạc, mọi thứ dường như bớt xô bồ và tĩnh lặng. Ánh đèn vàng dịu, tiếng nhạc quyện vị thơm nồng của ly trà ấm nóng,“người nhạc sĩ của những khúc dân ca” cứ thế mở lòng...
|
Nhạc sỹ Ngọc Thịnh
|
- Chào nhạc sĩ! Nghe các tác phẩm của anh, tôi luôn có cảm giác chất liệu dân gian đã tạo nên hồn cốt cho các ca khúc, khiến chúng neo đậu vào lòng người...
Đó cũng là một nhận xét khá tinh tế. Chất dân gian như một dòng sữa không chỉ tạo mạch và ấp ủ các tác phẩm nghệ thuật mà quan trọng hơn còn nuôi lớn tâm hồn nghệ sĩ. Có thể nói, chất liệu dân gian là cái căn bản. Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào được xây dựng trên nền móng đó đều vững bền hơn. Nền tảng chất liệu dân gian vô cùng quan trọng. Rất may mắn là chúng ta được tắm mát trong dòng suối dân ca ví, giặm Xứ Nghệ độc đáo. Từ nhỏ, tôi được nghe những lời ru, câu chuyện, câu hát của mẹ; rồi chúng ngấm vào máu thịt, ăn sâu vào tiềm thức. Mỗi khi đặt bút là lại nghĩ ngay đến giai điệu ngọt ngào của dân ca ví, giặm, nghĩ đến cái hồn của quê hương.
- Nhạc sĩ có nhắc đến lời ru, câu chuyện từ thuở bé. Sáng tác của anh phải chăng chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi người mẹ?
Đúng vậy. Mẹ tôi thường hay trích dẫn các câu ca dao, thơ cổ, Truyện Kiều, những câu chuyện cuộc sống dân gian… Nó ảnh hưởng rất lớn, khiến mình đi đâu, làm gì cũng nghĩ về mẹ. Đặc biệt, mẹ là người theo Phật, hay tụng kinh mà tụng kinh rất hay. Tôi đã từng nghe nhiều bài kinh của mẹ, nó như dòng chảy cứ ngấm dần vào tâm hồn.
Trước đây, tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ và sau này còn có một người bạn tuyệt vời, cũng là người vợ - ca sĩ Thái Bảo. Không phải khen nịnh chứ Thái Bảo có một chất giọng dân gian rất hay. Lúc đó, tôi chưa tắm mình thực sự vào âm nhạc dân gian mà vẫn thích phong cách nhạc trẻ. Chính khi nghe Thái Bảo hát khúc “Giận thương” thì mới có sự rung cảm. Bắt nguồn từ sự quen biết rồi thành vợ chồng, những giai điệu mà Thái Bảo hát đã làm thay đổi cả xu hướng sáng tác sau này của tôi. Khi viết, tôi rất thích đưa chất liệu dân gian, chất truyền thống, đặc biệt là chất ví sông La vào các ca khúc của mình.
- Hiện nay, âm nhạc với yếu tố dân gian xen lẫn hiện đại rất được coi trọng và phát huy. Tại hội thảo, trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung tổ chức ở Hà Tĩnh tháng 11/2013, các tham luận chủ yếu xoay quanh vấn đề tính dân tộc, tính truyền thống trong ca khúc đương đại. Nhạc sĩ có những suy nghĩ gì?
|
Chất liệu dân gian luôn là nguồn cảm hứng để Ngọc Thịnh sáng tác nên nhiều ca khúc đi vào lòng người. (Ảnh minh họa)
|
Yếu tố truyền thống và hiện đại phải có sự hài hòa, đưa truyền thống vào tức là đưa cái cũ để hòa nhập cái mới. Dù muốn hay không thì đó là điều bắt buộc, bởi có sự hội nhập thì sắc màu truyền thống mới lung linh thêm. Vấn đề là đưa cái dân gian vào thế nào cho phù hợp. Ngày nay, nhạc trẻ thịnh hành, giới trẻ không mặn mà cho lắm với ca khúc dân gian. Thế nên, trong cái đương đại phải xen lẫn truyền thống, chú ý làm sao để độc đáo, mới mẻ. Chất liệu dân gian đưa vào sáng tác không có một hình thức, mức độ cải biên cụ thể nào mà chỉ là từ cái cũ rồi phát triển thêm. Ví như “à ơi, ơi à ơi…” thì không thể thay thế hay bỏ đi được.
- Với tư cách là Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, nhạc sĩ có những dự định hay suy nghĩ gì để đưa âm nhạc dân gian vào các sáng tác của mình cũng như các hoạt động biểu diễn của Nhà hát?
Nhà hát truyền thống mới thành lập được 1 năm, có 2 chức năng rất rõ. Thứ nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống; thứ hai là xây dựng chương trình ca, múa, nhạc phục vụ chính trị và phục vụ nhân dân.
Trong năm 2013, Nhà hát đã tổ chức tập huấn ca trù và các chương trình biểu diễn ca, múa, nhạc được xây dựng theo hướng dân gian - đương đại. Việc phục hồi và bảo tồn không gian diễn xướng tiếp tục được triển khai bằng hình thức sân khấu hóa. Ngoài ra còn tăng cường các mối quan hệ với các đơn vị nghệ thuật trong nước, như kết nghĩa giữa đoàn thanh niên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam; tranh thủ học hỏi kinh nghiệm các nhà nghiên cứu, những nghệ nhân dân gian…
Dự kiến, thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình vừa học vừa làm, các chương trình đào tạo tại chỗ, từng bước “thanh xuân hóa” đội ngũ diễn viên… Tuy nhiên, để ca trù và dân ca ví, giặm sống được trong cuộc sống đương đại cần có thời gian, cần có sự đầu tư từng bước và phải phân loại cái gì cần được bảo tồn nguyên trạng, cái gì cần được phát triển để hồn cốt truyền thống bắt nhịp cái mới một cách nhuần nhuyễn và cái mới cũng phải tô điểm, làm đẹp thêm cho sắc màu truyền thống.
Mai Phương
(thực hiện)
Theo Baohatinh.vn
|