(Baonghean) - Họ đã chọn màu áo trắng để theo đuổi giấc mơ được “chữa bệnh cứu người”, đã chọn bản xa để ở lại, chọn quê hương còn nhiều khó khăn để trở về. Những ngày cuối tháng 2, ngày tôn vinh những người thầy thuốc đến gần, nhóm PV Báo Nghệ An đã đến với những y, bác sỹ ở những vùng xa xôi nhất để được hiểu, được nghe rất nhiều chia sẻ, nỗi niềm…
Đến và ở lại, đi để trở về…
Về hưu đã lâu, nhưng ông Lê Trọng Bá luôn được người dân Thị trấn Hòa Bình quen gọi là “bác sỹ của chúng tôi”. Năm nay bước sang tuổi 80, nhưng ông Lê Trọng Bá hãy còn rất mẫn tiệp. “Vậy mà tui đã lên đây hơn 50 năm rồi đó.” Ông bắt đầu câu chuyện như vậy, ánh mắt thoáng vẻ xa xăm. Quê Nam Cường (Nam Đàn), năm 1958, khi mới ngoài 20, vừa tốt nghiệp cao đẳng y khoa, người y sỹ trẻ nhận nhiệm vụ của Ty Y tế Nghệ An lên làm Trưởng phòng Y tế huyện Tương Dương. Ngày ấy, Phòng Y tế Tương Dương có 6 cán bộ. Ban đầu, họ ở chung ngôi nhà gỗ 3 gian tường đất. Lúc đó toàn huyện có 21 xã nhưng chỉ có 9 xã ven quốc lộ là có trạm y tế. Sau đó ông xin chỉ tiêu từ Sở Y tế cho phép cử những người có bằng cấp thành lập các trạm y tế cấp xã. Đến năm 1967, Lê Trọng Bá khi ấy đã tốt nghiệp khóa chuyên tu bác sỹ đã xung phong sang nước bạn Lào giúp mở trường đào tạo y sỹ đến năm 1976 mới trở về. Ông tâm sự: Chính tình cảm mà người vùng cao đã giúp níu chân ông ở lại với những bản làng. Qua nhiều năm công tác, ông hiểu và cảm mến lối sống các cộng đồng vùng cao và từ lâu đã nhận mình là một “người bản”.
Tạm biệt thầy thuốc Lê Trọng Bá, chúng tôi lên với Trạm Y tế xã Xiêng My (Tương Dương). Tại đây, chúng tôi gặp nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu. Thu quê ở Thị trấn Hòa Bình, lấy chồng về Quỳnh Lưu. 32 tuổi, nhưng Thu đã có “thâm niên” 6 năm tại trạm. Chúng tôi hỏi chị: “Chồng con Thu chắc cũng ở trên này?”, chị lắc đầu: “Chồng và con em đang ở quê Quỳnh Lưu”. Thấy chúng tôi nhìn đầy ái ngại, chị nói: “Chồng con em cũng quen rồi. Chỉ thương mỗi lần con ốm. Mẹ là thầy thuốc đó, nhưng ở xa xôi quá, cũng đang mải với con em của dân bản trên này, sao mà về được với con. Bà con Xiêng My còn nhiều vất vả lắm”.
Giống như Thu, y tá Nguyễn Trọng Long (Trạm y tế Mỹ Lý- Kỳ Sơn) cũng để vợ con ở lại quê nhà Tân Sơn, Đô Lương. Sinh năm 1967, anh Long lên với huyện vùng biên này đã được 14 năm. Trước khi đến với Mỹ Lý, anh đã từng công tác ở Trạm Y tế Mường Típ. Mỹ Lý cách trung tâm huyện 60 km. Nằm ở đầu nguồn sông Nậm Nơn, địa hình Mỹ Lý hết sức phức tạp, có những bản nằm cách tâm xã tới hơn 20 km như Cha Nga, Xốp Dương phải đi thuyền máy ngược sông, vượt qua hàng chục con thác lớn; bản Nhọt Lợt phải đi bộ gần 1 ngày đường. Ra được với trung tâm cũng là cả một quãng đường gian nan nên cũng như Thu, phải vài tháng anh Long mới về thăm vợ con một lần.
|
Cán bộ y tế xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) đến khám chữa bệnh cho dân bản tại nhà. Ảnh: Công Kiên
|
Thầy thuốc trẻ nhất mà chúng tôi gặp gỡ, chuyện trò trong chuyến đi này là nữ hộ sinh Vi Thị Dung ở Trạm Y tế Keng Đu (Kỳ Sơn). Gia đình ở Hữu Kiệm, Dung vào Keng Đu công tác đã được 3 năm. “Bạn bè em cũng đã có nơi, có chốn cả rồi, nhưng em ở xa thế này, ai dám yêu”- Dung nói vậy, trong sự tinh nghịch vẫn ẩn nỗi ngậm ngùi. Keng Đu là xã biên giới, nằm cách trung tâm huyện 80km, giao thông đi lại còn rất khó khăn. Nhiều bản ở Keng Đu vẫn còn duy trì những hủ tục lạc hậu như mời thầy mo khài cúng mỗi khi trong nhà có người bệnh. Kinh tế gia đình khó khăn, có khi thiếu đói nhưng vẫn phải mổ lợn, mổ bò để thầy mo làm lễ. Khi làm lễ xong nhưng người bệnh vẫn không khỏi hoặc bị nặng hơn, bà con mới nghĩ đến việc đưa đến trạm xá hoặc nhờ các y bác sỹ đến nhà cứu chữa. “Chính vì chứng kiến những khó khăn ấy, mà em không thể rời xa…”- Dung tâm sự.
Khác với những người thầy thuốc đã đến và ở lại, bác sỹ Ngân Văn Anh lại đi để trở về. Là người con sinh ra từ bản Khe Ló, năm 1995, học hết THPT anh được diện đi học cử tuyển tại Trường Đại học Y Thái Nguyên. Tại trường đại học, anh được đào tạo chuyên ngành nội khoa. Sau 7 năm theo học, tốt nghiệp ra trường, anh được nhận công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Đây là nơi công tác rất thuận lợi cho bản thân, nhưng anh lại nghĩ, quê mình xa lắm, người dân còn nghèo khổ lắm, ốm đau bệnh tật nhiều, mà không có bác sỹ khám chữa bệnh. Vậy là năm 2004, anh xin được về công tác tại quê hương mình. Về quê, anh được bầu làm Trạm trưởng Trạm y tế xã cho đến nay. “Khi Trạm Y tế xã có bác sỹ, mà đặc biệt là người bác sỹ đó lại là con em của dân bản, tình nguyện về quê để phục vụ khám chữa bệnh cho đồng bào thì tình cảm giữa dân đối với bác sỹ càng thêm gắn bó.”- Bác sỹ Anh tự hào nói: “Tâm lý của người dân là cứ muốn bác sỹ khám bệnh thì họ mới an tâm. Do vậy, những ngày mình trực khám bệnh là bệnh nhân đến rất nhiều. Mình khám bệnh cho bà con, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc chu đáo, dễ hiểu nên ai cũng mến. Cái lợi của mình là người bản địa nên hiểu được phong tục tập quán, thông thạo ngôn ngữ, nên nói là dân hiểu, dân làm theo”.
Kỷ niệm với nghề
Có biết bao nhiêu buồn, vui theo dấu chân người thầy thuốc về bản. Khi là nỗi bất lực, xót xa, khi là niềm mừng vui đến nghẹt thở. Nhưng từ những phút “quên mình” băng rừng lội suối mà đi, từ những ca bệnh khó buộc phải giành lấy sự sống cho người bệnh từ tay thần chết, thì niềm tin yêu với người thầy thuốc đã được nhen lên trong lòng bà con bản xa, bản gần.
Trong quãng thời gian gần 40 năm công tác trong ngành y tế huyện Tương Dương, ông Lê Trọng Bá vẫn nhớ nhất quãng thời gian dịch sốt rét và dịch sởi bùng phát ở vùng này giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Trận dịch những năm đó đã cướp đi sinh mạng của 650 người. Ông trực tiếp báo cáo tình hình với Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhận được chỉ thị phải giải quyết ngay vấn đề. Tỉnh liền “điều” cho Tương Dương tuyển 250 cán bộ y tế biên chế về thôn bản trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho bà con, từ đó dịch sởi và sốt rét trên địa bàn toàn huyện được đẩy lùi. Bản thân ông những ngày tháng đó đã làm việc trong vùng dịch cả ngày lẫn đêm. Chiến thắng của ông và đồng nghiệp, được ông xem là vinh quang nhất trong đời mình.
Với nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu thì “Mặc dù chuyên môn là nữ hộ sinh, nhưng việc gì chúng em cũng phải biết, và nhiều khi ở tình thế buộc phải xử lý”. Thu nhớ nhất lần điều trị cho 1 bệnh nhân bị cảm nặng. Bệnh nhân này người dân tộc Thái, không biết nói tiếng phổ thông. Thu lại không biết nói tiếng Thái nên 2 người không thể trao đổi về tình trạng sức khỏe. Trước tình huống này, Thu phải sang bản Phảy nhờ người đến phiên dịch. Từ đó, Thu cố gắng học tiếng Thái và nay đã khá thông thạo. Một lần khác, vào nửa đêm , đúng vào phiên Thu trực, 1 bệnh nhân được người nhà đưa đến trong tình trạng bị rách môi trên và gãy 4 răng do bị tai nạn. Bệnh nhân thì đau đớn, vết thương buộc phải xử lý nhanh, không thể chờ thêm,Thu quyết định khâu môi cho bệnh nhân. Lúc ấy, Xiêng My chưa có điện lưới, Thu phải nhờ người nhà soi đèn pin để khâu. Thời gian khâu kéo dài từ 23h đêm đến 3h sáng hôm sau. Sáng mai, người nhà bệnh nhân bảo chưa có tiền để thanh toán, phải chờ đến thu hoạch mùa ngô xong, vì trong nhà không còn đồng nào. Thấy vậy, Thu đưa 1 ít tiền để người nhà đi mua sữa cho bệnh nhân để lấy lại sức...
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với thầy thuốc Nguyễn Trọng Long xảy ra cách đây 2 năm, khi ấy Trạm Y tế Mỹ Lý tiếp nhận 1 ca đẻ khó phải giới thiệu lên tuyến trên. Nhưng chặng đường từ Mỹ Lý ra Thị trấn Mường Xén mất 60km đường rừng gập ghềnh khúc khuỷu, trời lại mưa rét nên người nhà sản phụ tha thiết khẩn cầu y bác sỹ của trạm đỡ đẻ. Sau khi tiến hành hội ý, Trạm quyết định vẫn tiến hành đỡ ca này, vì thực ra cũng không thể chọn được một giải pháp khả dĩ hơn. Rất có thể, trên đường đi, tính mạng của sản phụ và đứa con không được bảo toàn. Sau khi người nhà sản phụ viết giấy cam đoan, anh Long cùng 1 bác sỹ và 2 nữ hộ sinh của Trạm bắt tay tiến hành ngay. Ca đỡ này kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ mới đưa được thai nhi ra. Có lúc, tình hình hết sức nguy cấp, nghĩ đến phương án chỉ cứu được mẹ mà không cứu được con. Đứa trẻ sinh ra nằm bất động, khoảng 1 tiếng sau mới thấy cựa quậy và bật lên tiếng khóc yếu ớt. Mọi người tiến hành cấp cứu, đứa trẻ dần hồi tỉnh và dấu hiệu của sự sống càng rõ ràng hơn. Ca đẻ thành công, người nhà sản phụ không nói hết nỗi mừng vui. Đến nay đứa trẻ đã biết bập bẹ những tiếng đầu tiên. Nó được bố mẹ đặt tên là Kha Định Mệnh để luôn nhớ đến những giờ phút khó khăn, nguy kịch lúc chào đời và nhớ đến công lao của các y bác sỹ Trạm Y tế Mỹ Lý.
Nữ hộ sinh Vi Thị Dung cũng chia sẻ với chúng tôi về một ca bệnh khó mà Dung và 2 thầy thuốc nữa đã cứu thành công. Đó là trường hợp sản phụ ở bản Huồi Phó. Trước khi ông chồng chạy đến Trạm cầu cứu, người nhà cũng mời thầy mo khài cúng, để rồi, khi người vợ càng đau quằn quại, nguy cấp đến tính mạng thì mới nghĩ tới các y, bác sỹ. Khi ấy, đích thân trưởng trạm, 1 bác sỹ của Đồn Biên phòng Keng Đu và nữ hộ sinh Vi Thị Dung theo chân người đàn ông này đến Huồi Phó. Chặng đường khá xa, phải đi bộ gần 5 tiếng đồng hồ. Đến nơi, mọi người phát hiện đây là 1 ca đẻ non, sản phụ đang đau đớn và kêu khóc thảm thiết. Lúc này, thai nhi đã chết lưu nên phải ra sức cứu mẹ. Dung được giao nhiệm vụ đưa cổ tử cung bị bật ra ngoài trở lại vị trí. Đây là lĩnh vực chuyên môn của bác sỹ khoa sản, cô chỉ là 1 hộ sinh nên lúc đầu Dung hết sức ái ngại và lo lắng. Nhưng với tình huống này không có giải pháp nào hơn, Dung đã lấy hết cam đảm để thực hiện nhiệm vụ. Cuối cùng, với nỗ lực của các y bác sỹ, sản phụ bản Huồi Phó đã được cứu sống.
Còn đó những trăn trở…
Một điều kiến chúng tôi ngạc nhiên và khâm phục là khi được hỏi về những mong mỏi, không thầy thuốc nào nghĩ về những mong muốn riêng mình. Với họ, day dứt hơn cả là bà con các bản vùng xa còn quá nhiều khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe của mình. Mỗi kỳ tiêm chủng, thầy thuốc lại hết sức vất vả để vận động người dân đi phòng bệnh cho chính mình. Khó về giao thông, thiếu phương tiện vận chuyển, dụng cụ khám chữa bệnh đã đành, nhưng nhiều bản vùng xa, trạm y tế còn chưa có điện lưới, nguồn nước sạch cũng thiếu hụt như ở Keng Đu (Kỳ Sơn). Ngay ở Trạm Y tế xã Môn Sơn là 1 trong 2 trạm y tế xã của huyện Con Cuông đã được công nhận là trạm y tế đạt chuẩn mới về Bộ tiêu chí Quốc gia y tế cũng còn đang thiếu hụt đủ bề. Theo quy định của Bộ Y tế, những trạm y tế xã đạt chuẩn phải có máy điện tim, máy siêu âm, máy đo đường huyết, nhằm phục vụ khám chữa bệnh tại tuyến đầu cho nhân dân, nhưng tại Trạm Y tế xã Môn Sơn, tất cả 3 loại máy đó đều chưa có. Hiện tại, trạm chỉ có 1 bình ô xy, 1 máy hút đờm. Thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh, đồng nghĩa với việc không phát huy trình độ kiến thức của bác sỹ, dẫn đến những bác sỹ về phục vụ tại địa phương và người dân bị thiệt thòi. Vì vậy, hàng năm bệnh nhân phải chuyển tuyến quá nhiều. Ví như năm 2013 trạm có 2.200 bệnh nhân phải chuyển tuyến, trong đó có rất nhiều bệnh nhân chưa đáng phải chuyển.
Huyện Con Cuông có 13 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó đã có 5 trạm y tế có bác sỹ về phục vụ lâu năm và 2 trạm có bác sỹ tăng cường, gồm: Môn Sơn, Lạng Khê, Đôn Phục, Bình Chuẩn, Chi Khê, Thị trấn và Thạch Ngàn. Phần lớn các trạm y tế xã đã được xây dựng nhờ các nguồn vốn của các chương trình đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện nay chưa được đầu tư tương xứng với trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ, đặc biệt là tại các trạm y tế xã đã được công nhận là trạm đạt chuyẩn mới về Bộ tiêu chí Quốc gia y tế. Điều đó có nghĩa là, chúng ta mới quan tâm đến con người, còn điều kiện làm việc vẫn còn bỏ ngỏ, khiến đội ngũ bác sỹ về công tác ở trạm y tế xã không phát huy kiến thức đã được đào tạo. Lo lắng khác của những thầy thuốc vùng cao là họ sợ bị … tụt hậu. Ở nơi mịt mù về thông tin, phương tiện thiếu hụt như vậy nên họ không có điều kiện phát huy tay nghề. “Một năm xuống với các bác sỹ vùng trung tâm, là thấy mình đi lùi mất mấy năm rồi”. Đó là một sự thực rất đắng lòng mà những y bác sỹ ở nơi đây đang phải chấp nhận. Họ mong được cung cấp thêm nhiều thông tin, tài liệu để có thể tự học, tự trau dồi và nắm bắt những tiến bộ, mong được đi học thêm hàng năm, sớm có internet để cập nhập thông tin mới…
Và chúng tôi, khi chào họ về với miền xuôi, biết rằng họ lại bắt đầu khoác túi thuốc lên vai... Có thể những mong muốn, trở trăn ấy còn phải rất lâu nữa mới trở thành sự thực, nhưng sự sống và niềm tin của người bệnh đã gọi họ trở lại với những con đường gập ghềnh, với những bản mờ sương… Họ đã ở lại, vì không thể nào khác, thiên chức của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người!
Nhóm PVMN
Theo Baonghean.vn
|