(Baonghean) - Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh quán tại làng Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn). Năm 713, Mai Thúc Loan có mặt trong đoàn phu đi cống vải cho Đường Huyền Tông.
Dọc đường, dân phu vô cùng khổ cực. Là người có sức khỏe, nhanh nhẹn, giỏi võ lại tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan, lính áp tải, rồi cùng nhau làm lễ ăn thề, cùng nhau tuyên thệ: “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và tôn Mai Thúc Loan làm chủ súy. Mai Thúc Loan lập nghĩa quân, tập hợp phường săn quanh vùng để thêm sức mạnh. Chọn Sa Nam làm căn cứ đã cho thấy tầm nhìn của ông rất xứng với địa vị thủ lĩnh, bởi địa thế này vừa có thế chủ động cũng có thế thủ. Rú Đụn lớn hơn rú Vệ, hiểm trở và kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc. Xây đắp chiến lũy thành Vạn An ở ngay Thị trấn Nam Đàn bây giờ, chứa voi trận, khí giới, vũ khí, lương thực dự bị để tính kế lâu dài. Binh hùng tướng mạnh, căn cứ vững chắc, nhân dân một lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã thu được một vùng giang sơn rộng lớn. Đất nước được giải phóng, Mai Thúc Loan được ba quân tôn lên làm Vua. Ông kéo quân về thành Vạn An và chọn nơi này làm Quốc đô. Vua có nước da đen, nên nhân dân thân mật gọi ông là Mai Hắc Đế.
Đền Vua Mai. Ảnh: sỹ minh |
Sau khi Vua Mai Hắc Đế mất, nhân dân vùng Sa Nam (Thị trấn Nam Đàn nay) đã lập đền thờ, lăng, miếu mộ thờ ông và các tướng lĩnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền, lăng, mộ Vua Mai bị xuống cấp, hư hỏng. Đến năm 1990, ngành Văn hóa – Thông tin Nghệ An thực hiện trùng tu, phục hồi từng hạng mục của đền và đến năm 2005 UBND tỉnh tiếp tục đầu tư phục hồi, tôn tạo. So với trước đây thì quy mô khu đền hiện nay nhỏ hẹp hơn, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghi, cổ kính giữa một không gian rộng lớn; được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cấp Bằng chứng nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Khu di tích gắn với thân thế, sự nghiệp Mai Hắc Đế ở Nam Đàn, gồm đền thờ, lăng, miếu mộ Vua Mai, con Vua Mai (Mai Thiếu Đế - Mai Thúc Huy), mộ các tướng sỹ (tại xã Vân Diên), mộ mẹ Vua Mai (tại xã Nam Thái). Đền thờ Vua Mai gồm cổng Tam quan, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, tả Vu, hữu Vu. Trong đền có các câu đối, hoành phi, nghi công tế khí, long ngai vua và các vị khanh tướng, tượng Vua Mai..., tất cả đều được sơn son thiếp vàng xứng đáng là nơi thờ phụng vị anh hùng dân tộc được nhân dân tôn vinh. Lăng Vua Mai được xây dựng ngay nơi mộ của Ngài, trên lăng là miếu, hai bên có 2 cây sanh hơn 250 tuổi. Cách lăng mộ Vua Mai khoảng hơn 300 mét về bên phải là mộ con trai Vua Mai (Mai Thúc Huy – Mai Thiếu Đế), một vị tướng, cánh tay phải đắc lực của Vua Mai trong cuộc khởi nghĩa.
Vị trí quần thể lăng, mộ và đền thờ Vua Mai được xây dựng bên bờ sông Lam và nơi thờ phụng, yên nghỉ của Vua Mai cùng các tướng sỹ lại được xây cất ngay ở trung tâm thành Vạn An xưa của vùng Sa Nam – nơi Hùng Sơn (núi Đụn) tạo thành cánh cung hướng ra sông Lam ôm lấy toàn bộ khu đền, miếu với rừng cây quanh năm tươi tốt tạo thành phong cảnh tuyệt đẹp, núi sông hùng vĩ, cảnh quan thơ mộng. Cách đền và lăng không xa, trên Rú Dẻ, ở thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái là mộ của bà Vương Thị Thân mẫu Vua Mai, khu mộ này được xây thành miếu nhỏ, lưng chừng đồi có đường dạo bao quanh, đi trên Quốc lộ 46 có thể nhìn thấy thấp thoáng trong cây. Ngoài đền thờ, lăng, mộ Vua Mai tại xã Vân Diên, Thị trấn Sa Nam, trên địa bàn Nam Đàn còn có các đền thờ vọng tại đền Độc Lôi (xã Nam Giang), đền Chí Thiện (xã Nam Cát), đình Khả Lãm (xã Nam Thượng).
Ngoài giá trị lịch sử - văn hóa, những năm qua cụm quần thể khu di tích Vua Mai tại huyện Nam Đàn trở thành nơi thưởng ngoạn, du lịch gắn với văn hóa tâm linh của du khách thập phương. Trong tâm thức người dân vùng Sa Nam, ngài hiển linh, trở thành một vị nhân thần, một vị thánh và gửi gắm niềm tin thiêng liêng. Chính vì vậy, những người con ở vùng đất này dù đi làm ăn ở khắp bốn phương trời mỗi khi về quê đều đến đền Vua Mai để cảm tạ và xin Vua Mai và các tướng lĩnh phù hộ. Hàng năm vào Rằm tháng Giêng, nhân dân huyện Nam Đàn tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế và các tướng sỹ. Đấy là một cách riêng để Mai Hắc Đế mãi trường tồn, đây cũng chính là sự tri ân của hậu thế nhằm góp phần tôn vinh, sự nghiệp, công đức đối với đất nước của anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế và các tướng sỹ.
Ông Hồ Anh Mai – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, cho biết: Lễ hội Đền Vua Mai trước đây chỉ bó hẹp trong phạm vi xã và vùng xung quanh đền thờ. Từ năm 1996 được nâng lên thành lễ hội cấp huyện và đến năm 2005 được UBND nâng lên thành lễ hội cấp vùng. Các hoạt động sôi nổi trong Lễ hội Đền Vua Mai luôn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về tham dự với tâm nguyện hướng cội nguồn lịch sử dân tộc, thắp một nén hương tỏ lòng thành kính cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc với những hành động thiết thực thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Sự linh thiêng và đức tin về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông là biểu tượng làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là giá trị độc đáo ẩn chứa trong Lễ hội Đền Vua Mai. Ngoài ra, hàng năm tại đền thờ và các di tích Mai Hắc Đế có nhiều kỳ lễ trọng: Hội đền Rằm tháng Giêng, Lễ giỗ Vua Mai 16/9, Lễ giỗ Mai Mẫu 4/7, giỗ Mai Hoàng Hậu 15/7 (âm lịch).
Minh Chi
Theo Baonghean.vn