Chân dung “lão gàn” Nguyễn Lán
Đó là lão ông Nguyễn Lán (SN 1929), một cựu chiến binh ở thôn Hội Thành II, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đã mấy chục năm nay, ông vẫn "mê muội" cái việc trồng cây trên đồi cát ấy.
Gần 30 năm xa nhà ra cửa biển
Men theo con đường đê của cửa biển Xuân Hội, xen giữa một rừng tre và dãy phi lau ngút ngàn là căn nhà tranh đơn sơ của vợ chồng ông Nguyễn Lán. Dù năm nay đã 84 tuổi, ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng trông ông Lán vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Ông Lán có tới 11 người con, cộng thêm một người con nuôi ông nhận sau này nữa là thành 12 người, giờ thì con cái ông cũng đã trưởng thành và lập gia đình và có con cháu hết rồi. Cuộc đời của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1986 ông trở về quê hương. Song, thay vì sống với con cháu, an hưởng tuổi già, ông đã cùng vợ làm một việc khiến ai cũng nghi ngờ, lo lắng: tình nguyện ra cửa biển Xuân Hội dựng nhà và trồng cây chắn sóng, sống cuộc đời bám biển.
Việc làm của ông và vợ đã bị mọi người cho rằng “dở hơi”. Nhưng ông mặc kệ. Ông làm đơn gửi lên chính quyền xã xin được trồng cây chắn sóng bảo vệ biển. Được chính quyền xã đồng ý, ông bắt tay vào làm, tính đúng từ năm 1986 tới giờ.
Trong căn tủ nhỏ của ông vẫn giữ như mới những tờ giấy “Đơn xin canh giữ đê biển”, “Lệnh cho phép canh giữ đê biển”… Ông Lán quý những thứ giấy tờ đó lắm. Ông giữ nó như vàng.
Hỏi ông lý do làm việc này, ông bảo: trồng tre và phi lao là để giữ đất, làm cho đất không sạt lở, vừa bảo vệ được bờ biển và có thể giúp người dân trong làng không bị lũ lụt thiên tai đe dọa. Thấy người dân mỗi năm một đỡ bị sóng dữ gió lớn hoành hành, ông càng ham trồng. Ông bảo, đất trống vẫn còn nhiều lắm, ông chỉ mong còn nhiều sức khỏe để trồng thêm nữa.
Ông Lán bên rặng tre do mình tự tay trồng lên
Hồi còn sung sức ông Lán còn lập ra một giàn giáo ngay cạnh đê biển và cứ mỗi tối ông cầm ngọn đèn Măng-sông đứng trên giàn soi đường vào báo hiệu để các thuyền đi biển cập bến vào bờ. Nhiều người đi biển đã cảm kích tấm lòng của ông, và gọi ông là “ngọn đèn đời bên biển khơi” nhưng ông xua tay rằng: “tui có sức tui giúp được cái gì thì giúp, các cô các chú cũng như con cháu tui mà thôi”. Giờ, già quá rồi, ông không làm được việc ấy nữa, nhưng ông chuyển sang làm những việc khác trong tầm sức của mình.
Đã từng cưu mang 50 ngươi đi biển
Ông Lán bảo, hồi trước căn nhà nhỏ của gia đình ông là điểm tập kết của nhiều ngư dân đi biển, ông cho họ cư trú và nhiều lúc ông còn nuôi họ ăn uống. Có những thời điểm căn nhà nhỏ ấy đã cưu mang tới hơn 50 người.
Ông kể, những người từng phải vào đây nhờ ông cưu mang đều là người có số phận bât hạnh, đa số toàn đàn bà góa chồng, rồi đàn ông bị vợ và con cái bỏ rơi phải lênh đênh trên biển để mưu sinh. Hồi ấy có nhiều lúc ông Lán còn bỏ tiền ra mua thuyền, mua lưới, mua vó để cho ngư dân ở trong nhà đi đánh cá. Phương châm của ông Lán là “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng cây tre thỉnh thoảng lấy măng, rồi nuôi gà, đi đánh cá… Thế là đủ lo cho cuộc sống của hai ông bà và giúp đỡ những ngư dân. Ban ngày thì mọi người ra biển sản xuất và tối đến thì mọi người về sinh hoạt ở nhà ông. Năm 2003 ông đã từng vinh dự được ra Hà Nội tham dự Hội nghị người cao tuổi toàn quốc làm kinh tế giỏi.
Đơn xin tình nguyện trồng cây bám biển do ông Lán viết và gửi lên chính quyền
Ông Lán được người dân nơi đây rất quý mến. Nhiều gia đình coi ông như ân nhân. Bao giờ cũng thế, hễ những lúc biển động, sóng to gió lớn thì ông Lán là người đầu tiên ra biển quan sát xem có ai bị gặp nạn không, rồi ông lấy thuyền và phao đi ra biển để cứu họ, có lần biển động ông đã cứu sống được 37 người. Ngoài ra ông còn có biệt tài lội sông nước giỏi nên khi có tin ai bị ngã sông, hồ là ông lập tức tới để giúp đỡ họ: “Không ai cứu thì tui cứu” – Ông Lán nói.
Với độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn còn khao khát bám biển lắm, ông chỉ luôn cầu mong trời cho mình sức khỏe, bởi vì với ông, có sức khỏe thì mới có thể tiếp tục được cuộc đời bám biển và thực hiện nghĩa vụ đầy thiêng liêng và cao cả của mình, nhằm đem lại sự bình yên nơi cửa biển và sự an tâm cho ngư dân.