(Baohatinh.vn) - Trong tâm thức người dân Trung Lương, Minh Giang không chỉ là một con sông nước chảy hiền hòa mà nó còn là một dòng sông chở mang nhiều nét văn hóa, tưng bừng lễ hội. Đi hết con đường ven sông mới thấm thía hết nét trữ tình, thi vị của dòng sông uốn lượn, ôm ấp lấy vùng quê dưới chân núi Hồng giàu truyền thống và mặn mà tình xứ Nghệ.
Được ví là Thanh Long của thị xã Hồng Lĩnh, sông bắt đầu từ ngã ba Minh, nơi hợp lưu với một chi của sông La từ đò Hào xuống rồi đổ ra sông Cả (sông Lam). Cửa sông có cống lớn, người dân gọi là cống Trung Lương. Đây chính là nơi ngăn mặn, giữ ngọt, giữ cho bao đời bờ xôi ruộng mật, đồng thời cũng là nơi ngăn lũ. Uốn lượn giữa làng mạc, đồng ruộng của huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh chưa tròn chục km nhưng Minh Giang có thêm ba cái tên: Đò Trai, Bán Thủy, Kênh nhà Lê, để rồi thong dong qua cống Hạ Vàng chảy vào nối với sông Nghèn, sông Hà Hoàng, ra cửa Sót và hòa mình vào lòng biển cả mênh mông.
|
Lễ hội đua thuyền náo nức trên dòng Minh Giang |
Không chỉ cảm mến lòng người bằng dòng chảy dịu dàng, Minh Giang còn hấp dẫn lữ khách bởi ẩn sâu trong từng con sóng dờn dợn là lung linh màu sắc của lịch sử, truyền thuyết.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Vào năm Ất Sửu (605), vua Tùy (Trung Quốc) cho Lưu Phương làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản đi kinh lược nước Lâm Ấp. Phương sai bọn Ninh Trường Chân đem hơn 1 vạn quân xuất phát từ Việt Thường (Đức Thọ ngày nay) tiến đánh Lâm Ấp”. Quân Ninh Trường Chân đã theo sông Minh mà “qua bến Nghèn đến ngã ba Hà Hoàng ra cửa Sót”. Thuở ấy “nguồn sông chảy quanh co, nước trong xanh, gương sóng sáng loáng, thuyền bè lưu luyến không muốn rời bến đi xa. Hai bên sông nhà cửa san sát, đường thủy bộ đều thông có cầu, có chợ. Mùa xuân gió mát đẹp trời, du khách thường đông kẻ đi về... Ban đêm, đi thuyền trên sông, ngước mắt nhìn ra là bờ nước mênh mông đen thẳm một màu, đèn lửa lấp lánh như sao, vẳng nghe tiếng chày đập vải bồm bộp, tiếng búa nện đe đanh đanh”. Đó là hình ảnh cuộc sống bình yên ven bờ Minh Giang thuở xưa dưới ngòi bút của cụ Lưu Công Đạo trong “Thiên Lộc huyện chí”.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên, sông Minh cũng có lúc dữ dội, sóng dồn, ấy là thời thực dân Pháp xây âu thuyền ở nơi hợp lưu sông Minh và sông Lam. Ngày đêm, lòng sông quằn quại, đau đớn bởi những đoàn thuyền vận tải chở lâm thổ sản mà bọn thực dân vơ vét ở vùng Hương Sơn, Hương Khê đè nặng. Đoàn thuyền theo sông Minh vào bến Nghèn và ra cửa Sót. Hết thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ, lòng sông phải hứng chịu hàng loạt bom giặc Mỹ ném xuống; nước sông dựng đứng lên bầu trời, tạo thành những đợt sóng dữ dội, gào thét, căm hờn. Để rồi cùng với người dân Trung Lương, đêm đêm, lòng sông chở che, nâng bước những đoàn thuyền vận tải chở gạo, đạn dược vào chiến trường miền Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất non sông.
Suốt mười mấy thế kỉ trôi qua, dòng Minh Giang đã chảy qua bao dấu tích phế hưng, sau nhiều vật đổi sao dời chỉ còn thấp thoáng trong những trang sử ngắn hoặc mơ hồ trong truyền thuyết. Nhưng bây giờ, dòng sông vẫn còn giữ lại những giá trị lớn làm nên diện mạo một vùng đất, một làng rèn bước ra từ trong truyền thuyết và thắp lửa bừng sáng trong cuộc sống hiện thực. Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, ông Đùng sau khi gánh đất đắp nên những núi với đồi mới moi quặng trong lòng đất luyện thành sắt rồi tụ hội dân thành làng, dạy cho dân làm nghề rèn. Dẫu là truyền thuyết nhưng có lẽ phải gắn với thực tiễn nên người dân Trung Lương bao đời vẫn luôn tự hào về một vị tổ sư nghề rèn đầu tiên là ông Đùng to lớn, oai phong. Để rồi ngày nay, không chỉ nổi tiếng là làng khoa bảng, Trung Lương còn biết đến bởi sự rộn ràng của những lò rèn đỏ lửa và không khí tươi vui, náo nhiệt của một vùng quê rộn ràng mùa lễ hội đua thuyền mỗi dịp Tết đến xuân về. Lễ hội đua thuyền trên sông Minh có từ thế kỷ 16 với mục đích ban đầu là rèn quân và rèn luyện sức khỏe cho người dân vùng sông nước, thế nhưng, càng tổ chức, lễ hội càng thu hút nhiều người tham gia, dần dần trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân ven bờ sông Minh và TX Hồng Lĩnh. Lễ hội bắt đầu vào ngày mồng 3 Tết, thu hút hàng nghìn người dân trong và ngoài thị xã tập trung về hai bờ Minh Giang để gặp mặt, giao lưu đầu xuân và cổ vũ cho các đội đua thuyền rồng. Đây chính là dịp để nhân dân cầu mong sự bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới.
Cũng giống như nếu không có sông La, núi Hồng buồn biết mấy, sẽ thật là thiếu sót nếu như viết về dòng sông Minh mà quên đi ngọn núi Tiên. Đây là ngọn núi đẹp, nằm giữa làng rèn, dưới chân núi là quần thể Chùa Tiên, giếng Tiên, đền Thánh Thợ rèn và đình làng. Tiên Sơn gắn với truyền thuyết, ông Đùng là người đã đắp nên núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn, trong đó ngọn cuối cùng bị đứt gánh, một đầu rơi xuống thành núi Ngọc Sơn (phường Đức Thuận), một đầu thành núi Tiên bây giờ. Để tri ân ông, nhân dân đã xây nên đền Tiên trên đỉnh núi Tiên, trước đền từ xưa đã có một bàn cờ Tiên bằng đá xanh nguyên khối. Huyền thoại còn kể rằng, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha, nhân gặp và xem Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván, khi trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Tiếc rằng, qua thời gian và chiến tranh, đền Tiên cổ kính linh thiêng đã bị xuống cấp mới được trùng tu, bàn cờ Tiên không còn nhưng thiên huyền thoại về bàn cờ in dấu chân tiên huyền bí vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Trung Lương. Vào các ngày rằm, lễ, tết... tại đền Tiên, miếu Bà Chúa, người dân trong vùng và khách thập phương dâng hương khói, lễ vật thể hiện tấm lòng thành kính với trời đất, thần tiên và với những người đã có công với quê hương, dân tộc. Tình sông núi Tiên Sơn - Minh Thủy là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều bậc tao nhân mặc khách sáng tác thơ ca. Cách đây gần một thế kỷ, cụ Trần Vị (1890- 1954), một nhà nho - người tham gia thành lập chi bộ Đảng ở Trung Lương có viết:
Tiên sơn phù đột khỉ.
Minh thủy nhiễu toàn thanh
Địa linh chung tú khí.
Cổ kim nhân kiệt sinh
(Dịch nghĩa: Núi Tiên đột nổi cao/Sông Minh nước trong xanh/Đất thiêng hun khí tốt/Xưa nay sinh nhân tài). Và phải chăng, chính nhờ dòng chảy hiền hòa của dòng sông Minh và núi Tiên nên mới tạo thành sự hữu tình trong phong thủy cho một vùng quê giàu truyền thống, đẹp từ dáng đứng thế ngồi: “Sau có núi Tiên Sơn/Trước mặt dòng Minh Thủy”. Để rồi giữa bát ngát của đất trời mây nước, câu ví đò đưa của người con gái Minh Lương cất lên trong trẻo, ngọt ngào khiến cho lữ khách mê đắm khôn nguôi: Bạn tình ơi! Nhìn núi nhìn sông thêm nhớ nguồn nhớ cội. Qua cơn sóng dữ ắt đến hội rồng mây. Bao giờ Ngàn Hống hết cây. Sông Rum hết nước đó với đây mới hết tình
|
Núi Hồng, sông Lam. Ảnh: Quang Vinh |
Trung Lương xưa có 8 xóm, mỗi xóm ven sông Minh đều gắn với một cái tên, gồm các xóm: Tuần, Cầu, Hầu, Đền, Trung, Hậu, Điếm, Lý. Sau năm 1975, tên cũ bị mất, người ta đặt theo số tự nhiên: 1, 2, 3, 4... Đến năm 2012, nhờ chủ trương quy hoạch lại thôn, tổ dân phố theo Quyết định 2149 của UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân phường Trung Lương đã lập hồ sơ gửi lên cấp trên để khôi phục lại tên cũ. Đây là một thành công lớn nhằm làm sống dậy bản sắc văn hóa của một vùng quê. Mỗi xóm của Trung Lương đều có một cái bến, do cha ông ngày trước chưa có điều kiện nên chỉ dùng các viên đá lớn ghép thành bậc tạo nên. Tên xóm nào thì được đặt tên cho bến xóm đó. Mỗi bến lại gắn với một phong tục khác nhau.
Ngày xưa, nước sông xanh ngắt soi bóng những hàng tre dài tít tắp. Do thời gian, tre hai bên bờ sông thưa dần, thay vào đó, người dân trồng nhiều loại cây lớn, nhất là phượng vĩ. Để rồi, khi mùa hè đến, dọc hai bờ sông, hoa phượng đỏ rực như lửa cháy cùng với âm thanh của những chú ve khiến cho lòng người rạo rực, xôn xao.
Ngày nay, vẫn là khung cảnh thanh bình ven bờ Minh Giang như trong mô tả của cụ Lưu Công Đạo, vẫn là tiếng đe đanh đanh, những ngôi nhà san sát, là hình ảnh mùa xuân, du khách bốn phương về trẩy hội thuyền rồng đông vui. Nhưng thay vì lung linh đôi bờ ánh đèn như sao là ánh điện huy hoàng của cuộc sống đô thị hiện đại đang hình thành. Kẻ Bấn năm xưa giờ đã thành phường, dòng sông Minh ôm ấp những ngôi nhà khang trang, những con đường sạch sẽ, kiên cố, rộng rãi, cụm công nghiệp làng nghề truyền thống Trung Lương hình thành và phát triển, sản phẩm của làng rèn giờ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và xuất khẩu sang các nước bạn.
Cuộc sống mới với nhiều gam màu tươi sáng đang hiện hữu từng ngày và cả trên những gương mặt rạng ngời của nhân dân. Nhờ nguồn vốn của tỉnh, của thị xã và của bà con nhân dân hiến đất, hiến tài sản, tuyến đường ven sông Minh có chiều dài 1,2 km với nguồn vốn đầu tư 7,6 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển
KT-XH, giữ cảnh quan đô thị, tạo nên nét đẹp của dòng sông Minh. Tuyến đê La Giang với chiều dài gần 20 km đang được đầu tư nâng cấp; cống Trung Lương và nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác cũng đã góp phần quan trọng trong việc chống lũ, điều tiết nước để người dân an cư lạc nghiệp.
Về Trung Lương, đứng trên bến Minh Giang, ta thấy lòng mình nhẹ nhõm, quên đi mọi bộn bề, lo toan, phiền muộn, lại thấy mình bé bỏng, thơ ngây, muốn “úp mặt vào sông quê” như sà vào lòng mẹ để được bú mớm, dỗ dành và nức nở. Với mỗi người con Hà Tĩnh nói chung và Kẻ Bấn, Minh Lương nói riêng, sông Minh đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho quê hương nguồn cội, để ta được trở về gột rửa và gội mát tâm hồn, để được chở che và để được yêu thương.
BÌNH NGUYÊN
(Văn phòng HĐND thị xã Hồng Lĩnh)