(Baohatinh.vn) - Khu Di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc vào một buổi chiều đông se lạnh, nắng nhạt. Cũng như bao người khác đến nơi này, tôi không quên thắp nén tâm hương cho 10 cô gái TNXP đã hy sinh anh dũng và thăm Bảo tàng dù không phải lần đầu. Tôi bỗng sững sờ trước một kỷ vật mà hình như BQL di tích mới sưu tầm đưa vào Bảo tàng “Kỷ vật tình yêu thời chiến”:
|
Chị Nguyễn Thị Ái Mận - nhân vật trong bài viết (Ảnh do tác giả cung cấp) |
1 bình hoa bằng vỏ lựu đạn 37 ly, 1 cái võng Tô Châu và 1 chiếc gối trắng có thêu hai chữ H - C! Đó là kỷ vật tình yêu của nữ TNXP Nguyễn Thị Ái Mận ở Tổng đội 55 đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở tuyến đường Đồng Lộc, các tuyến đường miền Tây Hà Tĩnh với anh lính Phạm Quý Lâm thuộc C27-D8 Cao xạ phòng không cũng đã từng chiến đấu ở tuyến lửa Đồng Lộc.
Kỷ vật tình yêu làm tôi không khỏi xúc động nghĩ đến những cuộc tình trong chiến tranh, giản dị mà sâu sắc, thiêng liêng, những thiệt thòi, mất mát mà các anh, các chị phải chịu đựng. Biết bao mối tình dang dở, biết bao mối tình đã đi vào huyền thoại và trở thành bất tử. Tình yêu của nữ TNXP Ái Mận với anh lính phòng không Quý Lâm cũng không nằm ngoài quy luật nghiệt ngã của chiến tranh. Trí tò mò càng thôi thúc tôi quyết tâm đi tìm chủ nhân của những kỷ vật đó để khám phá bằng được câu chuyện tình yêu đầy cảm động của họ. Và tôi đã tìm đến nhà anh lính phòng không năm xưa, nay là CCB ở thị trấn Nghi Xuân.
Ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm ven bờ sông Lam nơi bến Giang Đình - quê hương Đại thi hào Nguyễn Du. Đón tiếp tôi niềm nở, cởi mở, anh hào hứng kể say sưa bao chuyện ở chiến trường. Nhưng khi tôi nhắc đến kỷ vật tình yêu của anh và chị Mận thì anh lặng đi một lúc rồi nghẹn ngào kể:
“Vâng! Đó là 3 kỷ vật vô giá, tôi đã cất giữ trong suốt 45 năm qua. Nay tôi xin gửi lại Bảo tàng TNXP Ngã ba Đồng Lộc: cái vỏ đạn 37 ly này và rất nhiều vỏ đạn khác chúng tôi đã chiến đấu và bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời Can Lộc năm 1968. Tôi đã cất giữ và chính tay tôi chế tác thành bình cắm hoa. Chiếc võng Tô Châu, năm 1968, khi vào đơn vị, tôi được cấp phát và nó đã cùng tôi lăn lộn trên mặt trận Ngã ba Đồng Lộc, trên khắp các chiến trường suốt 45 năm qua. Nhưng kỷ niệm về chiếc gối thì tôi không bao giờ quên…
Đó là vào một trưa tháng 5/1968, nắng như thiêu, như đốt. Tôi nhận nhiệm vụ vào khe núi chặt lá ngụy trang để che pháo. Bỗng nghe tiếng người con gái thánh thót: “Anh bộ đội ơi, anh đi mô đó?”. Hướng về tiếng gọi, tôi thấy hơn chục cô TNXP đang làm đường. Chẳng biết ai gọi mình, nhưng tôi vẫn trả lời:
- Anh chặt lá ngụy trang che pháo. Em là TNXP phải không?
- Vâng ạ !
- Em đang làm chi đó?
- Bọn em đang lấp hố bom, san đường cho xe pháo anh qua đấy!
- Cảm ơn các em nhiều, nhưng anh phải đi đây!
Vì cuộc chiến đã cận kề, tôi vội chào em về trận địa mà không có thời gian để quan sát hình dáng, khuôn mặt em. Nhưng không hiểu sao, kể từ giây phút đó, trái tim tôi dường như loạn nhịp. Bên tai tôi cứ văng vẳng: “Em đang lấp hố bom, san đường cho xe pháo anh qua”.
Cuộc chiến ngày càng ác liệt, tôi cùng đơn vị chiến đấu khắp mọi miền đất nước. Rồi một đêm, đơn vị tôi được lệnh trở về Đồng Lộc để bảo vệ tuyến lửa. Tôi hồi hộp, sung sướng, mong chờ giây phút được gặp lại em, được nghe tiếng nói thân quen ngày nào. Đúng lúc đơn vị kéo pháo vào trận địa thì vấp hố bom, xe pháo đang phải nhích từng tí thì một đơn vị TNXP làm nhiệm vụ ở gần đó đã xúm vào cùng kéo pháo với đơn vị tôi. Trong đêm tối, dưới ánh đèn tù mù của đoàn xe, em vẫn nhận ra tôi, tiếng em trong trẻo: “Anh chặt lá ngụy trang ơi!”. Đúng là tiếng em rồi! Nhưng một lần nữa tôi lại đánh mất cơ hội, chỉ kịp vẫy tay chào và gấp gáp nói với theo: “Anh tên Lâm... Phạm Quý Lâm... đơn vị C27-D8... ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh”. Đáp lại lời tôi là lời chào của em nhỏ dần, chìm vào đêm tối: “Anh đi may mắn... chờ ngày gặp lại... em là Mận... ở Can Lộc - Hà Tĩnh”.
|
Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh: Lan Anh |
Chỉ vậy thôi, rồi chúng tôi mỗi đứa một nơi, tiếp tục lao vào cuộc chiến. Thật bất ngờ, khoảng tháng 8/1969, đơn vị báo tôi có thư, hồi hộp cầm phong thư mà tay tôi run bần bật, mắt hoa lên khi nhìn hàng chữ “Nguyễn Thị Ái Mận - TNXP” đề ở ngoài bì thư. Cầm lá thư mà tôi ngỡ như mơ, không ngờ, giữa bom đạn chết chóc, giữa bộn bề công việc mà em vẫn nặng lòng với tôi đến vậy. Em viết nhiều lắm, với bao tình cảm, nỗi niềm đầy vơi nhưng vẫn không quên nhắc: “Anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, em chỉ mong anh thật khỏe để cùng đơn vị bắn thật nhiều máy bay Mỹ. Em sẽ mãi là cô TNXP làm đường cho xe pháo anh qua!”.
Từ đó, hình ảnh cô TNXP với giọng nói ngọt ngào, đằm thắm, dễ thương đã in sâu trong trái tim tôi. Những bức thư là sợi dây kết nối 2 chúng tôi - kết nối 2 trái tim để cùng chung một nhịp đập. Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, tôi được lệnh chuyển đơn vị sang chiến trường Lào. Không kịp gặp em, tôi ra đi trong niềm thương nhớ, nuốt yêu thương vào lòng để hoàn thành nhiệm vụ. Hơn 2 năm sau (1971), tôi trở về từ chiến trường Lào, nhận nhiệm vụ ở đơn vị Quân y Tỉnh đội, tôi viết thư cho em theo địa chỉ cũ, nhưng không chút hy vọng. Vậy mà, thư vẫn đến và em đã hồi âm. Qua thư, tôi được biết, em đang làm đường ở Khe Giao và rất gần đơn vị tôi. Em hẹn sẽ gặp tôi vào một buổi trưa nào đó vì buổi tối em rất bận. Và chúng tôi đã gặp nhau theo lời hẹn…
Vào một trưa hè 1971, tôi mắc võng nghỉ ngơi, hóng mát, bỗng một người con gái xuất hiện. Linh tính báo rằng, đó chính là em! Không hiểu sao, lúc ấy, tôi rất lúng túng, nói không nên lời, 2 tay xoa vào nhau, tai nóng bừng, 2 má ửng hồng. Em khác hẳn 2 lần tôi gặp ở chiến trường. Thay vì bộ quân phục, em mặc quần lụa đen chấm mắt cá, áo màu xanh nước biển, chít sát hông, mềm mại, thướt tha. Trên tay em là chiếc mũ tai bèo và túi xách nhỏ khép nép, e lệ. Không ngờ em xinh xắn, duyên dáng đến thế, không còn vẻ rắn rỏi, quyết đoán như khi đang chiến đấu. Đặc biệt, khi em ngước mắt nhìn tôi, khuôn mặt em ngời sáng bởi ánh mắt long lanh, trong trẻo, em cười với đôi má lúm đồng tiền, ngập tràn hạnh phúc. Chúng tôi quấn quýt, trò chuyện không ngớt. Sau đó, em rút trong túi ra một gói nhỏ đặt vào tay tôi, giọng thì thầm: “Em tặng anh làm kỷ niệm!”, đó là một chiếc gối trắng tinh do chính tay em làm. Mặt gối thêu hoa hồng, hoa sim, hoa mua, những loài hoa của núi đồi Đồng Lộc. Giữa gối có thêu 2 trái tim lồng vào nhau kết 2 chữ H-C. Tôi ngạc nhiên, giọng hơi buồn: “Sao em không thêu tên anh và tên em mà lại thêu 2 chữ này, anh không hiểu?”. Em cúi xuống, cười buồn, nói rất nhỏ: “Chiến tranh mà anh! Em muốn anh có đủ niềm tin để chờ đợi nên em mới thêu 2 chữ như vậy. H-C là Hãy Chờ đó anh. Anh hãy chờ em nhé! Hẹn ngày chiến thắng, ta sẽ về chung một nhà… “. Rồi em khóc, nước mắt thấm cả vai tôi.
Thời chiến, đôi lứa yêu nhau được gặp nhau quả là hiếm hoi và may mắn lắm, có chăng cũng chỉ được 5-10 phút là nhiều. Thế rồi, chúng tôi phải chia tay, lại biền biệt xa cách, chỉ kịp nói với nhau: Hãy chờ ngày chiến thắng, chúng mình sẽ cùng về quê Can Lộc - Nghi Xuân!
|
Chiếc võng "kỷ vật tình yêu" ở Bảo tàng Di tích Ngã Ba Đồng Lộc |
Sau đó, em được đơn vị cho đi học, còn tôi lại chuyển đơn vị. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau. Chỉ còn chiếc gối em tặng, nhắc nhở tôi giữ trọn lời thề, cứ chờ, chờ mãi, chờ hoài nhưng vẫn bặt tin em. Chiến tranh ngày càng quyết liệt. Tạm gác những tình cảm riêng tư, chúng tôi chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi. Rồi ngày đó đã đến - 30/4/1975. Tôi cùng bao đồng đội trở về quê hương, hòa trong niềm vui chiến thắng của đất nước. Vậy mà, đã 2 năm sống trong hòa bình, dẫu biết rằng, quê em ở Can Lộc gần lắm, nhưng không biết xã nào, thôn nào để tìm. Trong lúc cha mẹ đã già yếu, thúc giục tôi phải xây dựng gia đình.
Năm 1978, khi tôi có đứa con đầu lòng thì bất ngờ Mận xuất hiện. Em học xong rồi nhận công tác ở xa. Nhân chuyến vào công tác ở Quân khu 4, em đã tìm tôi. Biết tôi đã có gia đình, nhưng em vẫn vào nhà thăm vợ chồng, con cái tôi. Em còn động viên: “Anh ạ, tình yêu trong chiến tranh mấy ai giữ được đâu. Em không hối tiếc vì mất anh. Em chỉ cầu mong anh mãi hạnh phúc với tổ ấm của mình!”...
Sau đó, em lấy chồng ở tận Kim Bôi (Hòa Bình), dự định có dịp vợ chồng, con cái tôi sẽ ra thăm gia đình em, nhưng chưa kịp thực hiện thì nhận được tin em qua đời vì một cơn đau đột ngột. Muộn mất rồi Mận ơi! Hãy tha lỗi cho anh, em nhé! Không còn em, nhưng kỷ vật của em tặng anh năm nào vẫn còn đó. Và anh tin rằng, em sẽ vui khi biết anh đã gửi nó vào Bảo tàng, vì ở đó không những gìn giữ tình yêu của chúng ta, mà nó sẽ sống mãi với thời gian, với lòng người Việt Nam, như một minh chứng, một vật chứng cho tình yêu trong chiến tranh, cho sự hy sinh gian khổ của một thế hệ thanh niên để có được độc lập, tự do cho dân tộc, phải không em?...
Trần Hồng Vỵ
Theo baohatinh.vn
|