Chỉ với một tư thế đứng thẳng đơ, sinh hoạt rất khó khăn, nhưng ông Trương Quang Thứ (làng Trắp, tỉnh Nghệ An) với nghị lực phi thường đã vươn lên sống, làm đẹp cho đời bằng những vần thơ và là tấm gương cho người khuyết tật.
Chân dung “Nhà thơ đứng” Trương Quang Thứ.
Tôi đến thăm ông vào một ngày đầu mùa đông, gió lạnh. Ông đang nằm trên giường, nghiêng chiếc máy tính theo chiều mình nằm để soạn thảo những vần thơ. Ông dừng ngay công việc, tiếp khách với một phong thái điềm đạm và thân quen. Ông không thể ngồi trên ghế như người thường, nên phải dựa lưng vào thành ghế theo tư thế “đứng”, rồi chậm rãi nói về cuộc đời không mấy may mắn.
Ông Thứ sinh năm 1951 và là con trai út trong gia đình nông dân nghèo có 11 anh chị em, ngay từ nhỏ ông là một cậu bé thông minh, có khiếu văn chương. Những năm tháng học phổ thông, ông đã có nhiều bài thơ đăng trên báo Thiếu niên Báo. Tròn 20 tuổi, khi ông đang tràn đầy ước mơ, khát vọng thì tai hoạ ập đến. Ông bị mảnh bom găm vào chân. Lúc ấy khoa học chưa phát triển, thuốc thang chữa trị ít nên vết thương của ông bị nhiễm trùng, rồi biến chứng dẫn tới cột sống tê liệt và đôi chân thẳng đơ, không thể đi lại.
Vì phải nằm một chỗ, nên ông Thứ rất bi quan, chán chường. Nhiều lúc ông nghĩ đến cái chết để trốn tránh thực tại. Nhưng được sự động viên từ phía gia đình, ông nhớ những nhân vật bất hạnh biết vượt lên trong những câu chuyện mà ông đã từng đọc và tự mình đứng dậy. Tuy không thể đi lại, nhưng ông còn đôi tay và quyết tâm cầm bút làm thơ.
Thơ của ông giản dị, tươi trẻ và nhẹ nhàng nên nhiều người mến mộ. Trong một lần chữa bệnh tại Bắc Giang, chàng trai tật nguyền tình cờ quen một cô gái miền Bắc tên Nguyễn Thị Nị khi cô vào thăm người bệnh ở cùng buồng bệnh với ông. Sau nhiều lần chuyện trò, cô gái bị cuốn vào cách nói chuyện nhẹ nhàng, điềm đạm của ông và kết cái tài thơ văn của chàng trai tật nguyền, rồi yêu ông lúc nào không hay. Bằng niềm đam mê và tình yêu nồng thắm, cô gái đã bỏ ngoài tai lời dị nghị của mọi người, sự phản đối kịch liệt của gia đình mình theo chàng trai tật nguyền về xứ Nghệ làm dâu (năm 1977).
Công việc hằng ngày của “nhà thơ đứng”.
Ngày mới cưới, vợ làm hợp tác xã nông nghiệp, chồng vì cơ thể thẳng đứng nên chỉ ở nhà làm vườn giúp vợ. Lưng không cúi được nên tất cả vật dụng làm vườn đều phải dùng cán dài như gàu múc nước, cuốc, cào… Cuộc sống vợ chồng khó khăn, chật vật thiếu thốn đủ thứ nhưng rồi vợ chồng vẫn cố gắng an ủi, bảo ban nhau nuôi 3 cậu con trai khôn lớn.
Tuy không qua trường lớp nhưng ông Thứ đã xem nghiệp chính của mình là sáng tác thơ, viết văn. “Làm thơ, viết văn phải tùy vào hứng và cảm xúc, lúc có cảm xúc có khi viết mấy bài liền. Những khi không có cảm xúc, nên cả tháng tôi cũng không viết nổi một bài”, ông tâm sự. Ông mê thơ văn tới mức một ngày không đọc, không viết, không ngẫm nghĩ tới một điều gì đó sẽ thấy cuộc sống mất đi nhiều ý vị. Ông viết rồi lại gửi, không phải bài nào cũng được đăng, phát và hồi âm, nhưng điều đó vẫn không làm ông nản chí. Vì không thể ngồi, nên ông chỉ nằm hoặc đứng để sáng tác thơ văn, viết báo. Cái rương đựng thóc cũ cũng chính là bàn làm việc của ông. Ông đứng và đặt giấy kê lên đó, rồi viết nên những vần thơ trong trẻo, trữ tình, những bài báo, tác phẩm văn chương trăn trở, suy tư.
Do đứng để sáng tác, nên những tác phẩm của ông chất chứa bao nỗi niềm. Có những lúc ông tự đặt ra chỉ tiêu viết cho mình và tạo áp lực cho riêng mình, phải cố gắng hoàn thành những chỉ tiêu đã đặt ra. “Có những lúc phải uống trà, cà phê để thức đêm và viết cho xong tác phẩm để kịp gửi bài”, ông chia sẻ. Ông viết nhiều, viết khoẻ. Ông nhớ cách đây 5 -7 năm về trước, có lần viết báo Tết ông được đăng tới 15 tờ báo và tạp chí. Nhưng kỷ niệm nhớ nhất với ông khi cộng tác với các báo là vào Tết năm 1999, số báo Tết trên báo Nhân dân năm đó ông được đăng một bài thơ. Lần ấy ông được nhận 500 nghìn đồng tiền nhuận bút. Giờ nghĩ lại, Trương Quang Thứ vẫn cứ nghĩ là báo gửi nhầm vì một bài thơ bằng một tháng lương của công nhân viên chức thời đó.
Không thể ngồi như bình thường, Trương Quang Thứ phải dựa vào chiếc ghế trong tư thế thẳng đơ để nói chuyện với khách.
Nhận thấy viết tay, biên thư gửi bài không được thuận lợi và phù hợp với cách làm báo hiện đại, nên từ năm 2012 ông bắt đầu học cách sử dụng máy tính. Chưa bao giờ ông tiếp xúc với máy tính nên khi được người bạn văn chương tặng chiếc máy tính cũ, ông phải nhờ con trai hướng dẫn sử dụng. “Từ khi có máy tính, mình thấy việc viết lách và gửi bài trở nên thuận lợi hơn, gửi bài đi không sợ bị thất lạc và nhận được hồi âm. Hơn nữa nhờ có máy tính, tôi nắm bắt thông tin nhanh hơn, không bị lạc hậu”, ông Thứ cho biết.
Ông làm thơ, viết văn, cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau như tờ Thiếu niên tiền phong, Phụ nữ Việt Nam, báo Thiếu nhi, Nhi đồng và một số tờ báo địa phương như báo Nghệ An… nhưng mấy ai biết ông là người khuyết tật. Với nhiều đóng góp trong sự nghiệp thơ, văn, báo chí năm 1992, ông trở thành Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Nghệ An. Qua Hội, ông đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, chia sẻ, tâm sự với nhau nhiều chuyện trong cuộc sống và trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác. Hơn nữa là ông được đầu tư để xuất bản những tập thơ mà lâu nay ông vẫn ấp ủ. Hiện nay ông là Trưởng Ban biên tập tạp chí Sông Mai (tạp chí của Hội VHNT huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ông đang dự định sang năm 2014 sẽ xuất bản tập sách công bố những tác phẩm mới mà ông chưa đặt tên tập sách.
Ông đã qua tuổi 60, niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là có được người vợ tần tảo, hy sinh và nuôi nấng 3 người con trai thành đạt. Người con đầu Trương Quang Văn đã tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội, hiện làm tại Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Hoàng Mai; người con trai thứ Trương Quang Chương đã tốt nghiệp Học viện Quân sự, đang công tác ở Bộ Tư lệnh Thông tin; con trai út Trương Quang Phương tốt nghiệp Đại học Thủy sản Vinh đang làm việc ở Đồng Nai. Con người ốm yếu, mang ánh mắt buồn những tưởng một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm rung động, nhưng lại có một nghị lực sống rất phi thường. Sống với những hoài bão, khát khao cháy bỏng đóng góp cho đời bằng những “đứa con tinh thần” do chính khối óc và trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Người dân miền biển nơi đây khâm phục và tự hào và đặt cho Trương Quang Thứ biệt danh “nhà thơ đứng”.
Những tập thơ của Trương Quang Thứ.
Hơn 30 năm viết lách, ông đã có 3 tập thơ in riêng, 3 tập in chung và hàng trăm bài đăng trên các báo, tạp chí. Ông đã vinh dự nhân những giải thưởng về Văn học như giải nhì Hội Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh 1991; giải ba cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Nhi đồng năm 1994; giải B báo Nghệ An năm 1996; giải B tạp chí Sông Lam 1998; giải khuyến khích báo Thiếu niên tiền phong năm 2000; giải thưởng Văn học Hồ Xuân Hương 2005 và nhiều giấy khen do UBND huyện Quỳnh Lưu tặng vì đã có những thành tích xuất sắc trong hoạt động văn học, nghệ thuật…