(Baonghean) - Đến hết thời Lê, đối với sĩ tử Nghệ An không chỉ thi Hội mà cả thi Hương cũng đều phải ra Thăng Long. Vào năm Gia Long thứ 6, tức khoa Đinh Mão (1807) mới có khoa thi Hương đầu tiên trên đất Nghệ, mở tại Thành Vĩnh An (Thành phố Vinh nay), chủ yếu dành cho sĩ tử cư ngụ trên hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ đó, đến khoa cuối cùng, năm Mậu Ngọ (1918), cả thảy có 42 khoa thi Hương được tổ chức trên đất này, lấy đỗ 827 Cử nhân. Ngoài ra, trong thời gian ấy, còn có 29 vị là người Nghệ An thi đỗ Cử nhân ở nơi khác, chủ yếu là tại trường thi Thừa Thiên.
Khoa Giáp Ngọ (1834), niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, lấy đỗ 14 Cử nhân. Nghệ An đỗ 12 người. Trong đó có Nguyễn Ngọc, người làng Cổ Bái, Chân Lộc (nay là Nghi Lộc) khoa thi Hội năm Tân Sửu (1841) thi Hội đỗ Hoàng Giáp.
|
Trường thi năm 1895. (Hình tư liệu) |
Khoa Bính Ngọ (1846), niên hiệu Thiệu Trị thứ 6, lấy đỗ 17 Cử nhân. Có một người, “Hương khoa lục” không ghi rõ quê quán. Số còn lại, Nghệ An đỗ 8 người. Trong đó có Hồ Sĩ Đỉnh người làng Nộn Hồ, Nam Đường (nay là Nam Đàn), thi Hội Ân khoa Mậu Thân (1848) đỗ Phó bảng. Nguyễn Hữu Điển người làng Đại Đồng, Nam Đường năm Quý Sửu (1853) thi Hội đỗ Tiến sĩ. Phan Sĩ Thục người làng Vũ Liệt, Thanh Chương thi Hội khoa Kỷ Dậu (1849), cũng đỗ Tiến sĩ.
Khoa Mậu Ngọ (1858), niên hiệu Tự Đức thứ 11, lấy đỗ 18 Cử nhân. Trong đó, Nghệ An đỗ 9 người.
Khoa Canh Ngọ (1870), niên hiệu Tự Đức thứ 23, lấy đỗ 21 Cử nhân, trong đó Nghệ An là 19 vị. Đỗ đầu, tức Giải nguyên (thời Lê về trước gọi là Thủ khoa) là Nguyễn Văn Đĩnh, người làng Nộn Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An... Trong số 19 Cử nhân của Nghệ An có Hồ Bá Ôn năm Ất Hợi (1875) thi Hội, đỗ Phó bảng. Ông là thân sinh của Hồ Bá Kiện, tức ông nội của Hồ Tùng Mậu. Cụ Mậu là người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một điểm nữa, đáng ghi là trong số Cử nhân người Nghệ thuộc khoa thi này về sau có đến 5 vị cáo quan, lui về sống cuộc sống bình dị với dân thôn.
Khoa Nhâm Ngọ (1882), niên hiệu Tự Đức thứ 35, lấy đỗ Cử nhân 21 vị. Nghệ An có 11 người đỗ. Giải nguyên là Nguyễn Quý Yêm, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.
Khoa Giáp Ngọ 1894, niên hiệu Thành Thái thứ 6, lấy đỗ Cử nhân 22 người. Nghệ An có 16 người đỗ. Giải nguyên là Hoàng Mậu, người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Từ khoa này, Cử nhân Nguyễn Sinh Sắc đến khoa thi Hội Tân Sửu (1901) thi Hội, đỗ Phó bảng. Cụ là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoa thi Hội Ất Mùi (1895) Nguyễn Văn Chấn và Vương Đình Trân cùng dự thi và đều đỗ Phó bảng. Nguyễn Quý Song thì đến khoa thi Hội Mậu Tuất (1898) đỗ Tiến sĩ. Nguyễn Quý Song người làng Nộn Liễu nên được gọi là ông Nghè Nộn Liễu. Cũng như Cử nhân Vương Thúc Quý (làng Sen), ông Nghè Nộn Liệu là bậc đại khoa chơi thân vói cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và đã có ảnh hưởng đến việc học hành của Bác Hồ hồi Người còn nhỏ tuổi.
Khoa Bính Ngọ (1906), niên hiệu Thành Thái thứ 18, lấy đỗ 30 Cử nhân. Nghệ An đỗ 20 người. Trong đó Nguyễn Cừ người làng Đan Nhiệm, Nam Đàn, dự thi Hội khoa Canh Tuất (1910) đỗ Phó bảng. Nguyễn Thạc Tính, người làng Xuân La, Nam Đàn, khoa thi Hội Đinh Mùi (1907) ứng thí, đỗ Phó bảng. Nguyễn Văn Giá, người Tri Lễ, Đô Lương đỗ Tiến sĩ khoa thi Hội Quý Sửu (1913). Đặng Văn Hướng người làng Nho Lâm, Đông Thành, khoa thi Hội khoa Kỷ Mùi (1919) đỗ Phó bảng. Nguyễn Hữu Duân, người làng Trung Cần, Nam Đàn, được bổ chức Tri huyện nhưng rồi cáo quan, về làng.
Khoa Mậu Ngọ (1918), niên hiệu Khải Định thứ 3, lấy đỗ Cử nhân 14 người, Giải nguyên là Lê Thước, người làng Lạc Thiện, huyện La Sơn. Đó là khoa thi Hương cuối cùng ở Trường Nghệ. Vị Giải nguyên này đi thi Hương khi mà 9 năm trước đó, ông đã tốt nghiệp bậc Trung học phổ thông Trường Pháp - Việt tại Quốc học Huế và đang là chức Kiểm giáo tại Vinh. Ở Quốc học, ông học trên người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) một lớp.
Chu Trọng Huyến
Theo Baonghean.vn