Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Bản có anh như cây xanh có nắng Bản có anh như cây xanh có nắng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Có những công việc thầm lặng, nhưng những người lính biên phòng ở Đồn cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị) bao giờ cũng thấy vui. Vui vì mình đã giúp đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều thay đổi dần những hủ tục lạc hậu trong cuộc sống hàng ngày, giúp dân biết phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chia sẻ cùng dân trong khó khăn, hoạn nạn. Giữa những cánh rừng thâm u heo hút, bên những mái nhà sàn giữa lưng chừng núi, dường như bao giờ dân bản cũng nở những nụ cười trìu mến với các anh…

Thương dân chẳng ngại đường xa

Con sông Đakrông vừa phải gồng mình qua một trận lũ lớn. Ngồi trên xe nhìn qua gương kính, tôi vẫn thấy mặt sông đỏ ngầu. Con sông từng đi vào thơ, nhạc, vào những chuyện truyền thuyết về tình yêu nữa, lần đầu tiên tôi mới được chiêm ngưỡng. Càng đi, tôi thấy sông càng dài, càng đẹp. Chốc chốc lại thấy những cụm đá trắng nhô lên giữa dòng trông như những tập đoàn san hô biển.

Bản có anh như cây xanh có nắng
Bộ đội biên phòng hướng dẫn dân trồng cây bời lời. Ảnh: Thế Cải

Đường tới Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay hun hút. Đại úy Ngô Quang Thiện, cán bộ tuyên huấn BĐBP tỉnh Quảng Trị, nguyên chính trị viên của đồn kể: “Hồi nớ, em được Ban Chỉ huy phân công lên làm việc tại đây. Một mình một xe máy và chiếc ba lô, cứ gặp đồng bào Pa Kô đi làm rẫy hay chăn trâu về lại hỏi đường về bản La Lay. Gặp ai họ cũng vui vẻ chỉ đường rồi bảo, khoảng vài trăm sải tay nữa thôi, bộ đội cứ yên tâm mà đi, đi chân như ta mới mỏi, chứ đi xe máy không sợ mỏi, không sợ xa đâu… Hôm đó, đến 11h đêm, khi tất cả đang chìm vào giấc ngủ, em mới tìm được đơn vị mới”. Nhưng câu nói vui của họ với anh Thiện sau đó lại như lời nhắn nhủ với bộ đội biên phòng rằng: Nếu thương dân, đừng ngại đường xa.

Trong buổi cuối chiều ở Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay, mây trời bắt đầu giăng trắng rừng, hơi mây thấm lạnh vào từng kẽ lá, Thượng tá - Đồn trưởng Đào Văn Cừ vẫn ngồi cặm cụi trên chiếc máy vi tính, rà soát lại nội dung kế hoạch ngày mai: Tổ nào đi tham gia sửa đường giúp dân, tổ nào tăng cường cùng các chiến sĩ tại trạm gác La Lay, tổ nào đi công tác xa... Mỗi người mỗi việc, khi được đồn trưởng thông báo đều hăng hái lên đường. Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay nằm gần suối La Hót, dòng suối chảy vào sông Đakrông. Bên kia biên giới là huyện Sa Muồi, tỉnh Sa La Van (Lào); bên này là bản La Lay và La Hót. Mật độ dân cư rất thưa thớt, vài gia đình sống chung nhau một trái núi, tắm chung một con suối. Bản La Lay hiện có 46 hộ, 255 nhân khẩu; dân tộc Vân Kiều, bản La Hót có 18 hộ, 97 nhân khẩu dân tộc Pa Kô. Người Pa Kô và Vân Kiều đều nghèo khó như nhau nhưng có tấm lòng thủy chung, trong trắng hơn cả nước suối nguồn, có tình thương bộ đội hơn cả cây rừng thương con chim Ktia, chim phí... Tấm lòng của những bà mẹ Vân Kiều, những cô gái Pa Kô trên đỉnh Trường Sơn năm nào giờ vẫn “xanh như lá, đẹp như cây”.

Đưa chúng tôi vào thăm bản La Lay và La Hót, Đồn trưởng Đào Văn Cừ bảo: “Chỉ mười năm lại đây, khi có chính sách Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thì bản mới có đường mới. Ngày trước, vào các gia đình trong bản phải cuốc bộ, chứ xe máy không thể vào được. Nhờ tập đi bộ nhiều nên BĐBP leo núi khỏe”. Anh Cừ dừng lại chốc lát rồi tiếp tục câu chuyện: “Muốn bà con dân tộc tin mình, quý mình, lính biên phòng phải hiểu và tôn trọng tập tục văn hóa truyền thống của họ. Chẳng hạn như người con gái Vân Kiều khi đã lấy chồng thì cánh nam giới tuyệt đối không ai được phép bắt tay hay choàng vai họ. Hoặc những ngày lễ đâm trâu, lễ cúng trời cầu mưa thuận gió hòa để gieo trỉa lúa ngô, họ mời đến vui chung thì bộ đội đến càng nhiều càng mừng. Lúc vui, lúc buồn đều có bộ đội, họ thấy đời mình như cây xanh có nắng mặt trời”.

Bộ đội mang cái khôn đến cho bản mình

Ông Côn Thương vừa đi bẻ bắp ngô ngoài rẫy về. Mặt trời đã bắt cây sồi cổ thụ xòe ô nhưng ông vẫn thấy Thiếu tá Nguyễn Văn Toàn ngồi ở bậu cửa đợi mình. Đỡ giúp chiếc gùi nặng trên lưng xuống sân nhà cho ông Côn Thương, Thiếu tá Toàn thông báo ngay: “Mai BĐBP mời bác lên đồn tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về trồng cây nhé”. Một lời khiến ông khá sửng sốt bởi từ nhỏ tới nay, ông đã bao giờ dự một lớp học ở trên đâu. Mặc dầu ông thuộc diện có “nhiều chữ” nhất bản La Lay hiện nay nhưng lần này lên đồn để dự “tập huấn”, ông cảm thấy lo lắm. Ông nói: “Cán bộ à! Ta không đi đâu, lên đó gặp nhiều khách lạ ta ngại lắm”. Thiếu tá Toàn giải thích: “Bác cứ yên tâm, toàn bà con dân tộc mình cả thôi. Dự lớp học, bác sẽ được nghe nhiều điều thú vị về trồng lúa nước, trồng chuối, trồng cả cây tràm nữa. Đây là một dịp tốt, bởi cán bộ phòng nông nghiệp Đakrông về giảng hay lắm”. Nghe BĐBP nói thế, ông Côn Thương đã thấy ưng cái bụng lắm, song vẫn còn băn khoăn: “Ta đi học nhưng chưa có bộ quần áo mới để thay”. Món quà nhỏ đầy nghĩa tình đồn biên phòng đã chuẩn bị từ lâu, lập tức Thiếu tá Toàn lấy trong chiếc cặp da đưa cho ông Côn Thương một bộ quần áo mới.

Bản có anh như cây xanh có nắng
Một buổi tuyên truyền chính sách Nhà nước cho bà con dân bản. Ảnh: TC

Ngày hôm sau, con gà vừa báo sáng canh ba, ông Côn Thương vội ăn sáng rồi cuốc bộ lên Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay. Mọi người đã có mặt đông đủ. Một tuần tập huấn trôi qua, về tới nhà, ông đã khoe ngay với vợ con và mọi người trong bản: “Nếu ta cứ làm như cán bộ huyện giảng, chẳng bao giờ đói đâu. Cán bộ không chỉ giảng cho ta hiểu trồng lúa nước phải cày bừa đất như thế nào, rồi chuyện phòng ngừa sâu bệnh, họ còn dẫn cả lớp đi tham quan, nhìn những bông lúa nước chắc mẩy hơn ruộng ngoài rẫy nhiều. Họ còn bày cho ta trồng chuối, trồng cam và trồng cả cây tràm nữa. Cái gì họ hướng dẫn ta đều nhớ hết…”. Cái tin ông Côn Thương đi tập huấn về bay khắp bản La Lay. Không những thế, tin ấy vài ngày sau đã tới bà con bản Ăng Công, khiến ông Côn Thanh ở bản Ăng Công cũng khao khát được học. Thế rồi, lớp tập huấn do Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay phối hợp với huyện Đakrông năm sau lại tiếp tục mở. Ông Côn Thanh lại được trên truyền thụ kiến thức như lớp trước. Lớp học này số lượng tăng gấp đôi, bởi nhiều người tự nguyện đăng ký xin học, BĐBP không phải vận động nữa.

Người Vân Kiều hay Pa Kô khi được cán bộ “cho cái cần câu” thì họ quyết tâm “câu cá” bằng được. Bắt đầu một gia đình làm, dân bản thấy lúa họ tốt, chuối họ buồng to là cả bản làm theo. Bây giờ, khách đến thăm từng gia đình bản La Lay hay bản La Hót không phải mỏi cái chân mà “mỏi” cả hai mắt ngắm nhìn thành quả cuộc cách mạng “3 xanh” (xanh đồng, xanh vườn, xanh đồi).

Tiếp xúc với già làng Cu Kon Rên hay Trưởng bản Hồ Văn Thủa, bản La Lay, cả hai đều có chung một nhận xét: Công của BĐBP đồn cửa khẩu La Lay to hơn 3 trái núi, dài hơn 6 khúc sông. Ngày xưa, dân bản ở đây đói lắm, gạo ít, chỉ ăn ngô bắp và củ mài, bây giờ dân bản no bụng rồi… No thế nhưng một số gia đình đang khó khăn hơn, lúc giao mùa, bộ đội vẫn mang gạo tới cho.

Chúng tôi theo chân Đồn trưởng tới thăm nhà Côn Thương. Ngôi nhà ngói ba gian xinh xắn được vợ chồng ông dựng lên bằng thành quả của giọt mồ hôi siêng năng, cần mẫn. 3 năm lại nay, nhà ông Côn Thương, lúa, ngô hả hê. Cái sập đựng lúa “khủng” phòng ngoài đã kín miệng rồi, vẫn còn phải dùng nhiều bao tải chất vào nhà trong. Biết giờ này Côn Thương đang cày ngoài ruộng, chúng tôi tới chân ruộng tìm ông. Hỏi chuyện làm ăn, Côn Thương đắc chí cười lớn: “Cán bộ xem đất ruộng tôi cấy 1,5 ha lúa nước. Nếu không có bộ đội giúp đỡ tận tình thì làm sao mỗi mùa đạt hơn 5 tấn thóc. Nhà tôi chỉ có 4 người đủ sức làm ruộng, ngày đầu khai hoang ruộng mới, BĐBP cử cả tổ 3 người đến cày bừa giúp. Mùa lúa chín, họ cũng tham gia gặt và cùng đẩy xe trâu chở lúa về nhà với tôi…”.

Không chỉ dân bản La Lay mà nhân dân cả huyện Đakrông bây giờ đã phục “tư duy làm ăn mới” của Côn Thương rồi. Không chỉ no lúa, gia đình ông vừa xây dựng trang trại 2,5 ha trồng tràm và chuối. Cây tràm lớn, buồng chuối to sẽ cho thu hái hàng chục triệu đồng trong vài mùa rẫy tới.

Còn ở bản Ăng Công, từ khi “cái đầu ngấm được ý hay của cán bộ”, ông Côn Thanh không chỉ đam mê lúa nước mà còn tận dụng các vùng đất trũng lòng thung, dẫn nước suối về để đào ao nuôi cá. Quanh nhà, quanh nương giờ bạt ngàn cây hồ tiêu. Cái tay nuôi trâu Côn Thanh đã mát, giờ được cán bộ hướng dẫn thêm kỹ thuật, 15 con trâu to, lông mượt đã thành nguồn vốn tại chỗ làm sức kéo cho cả bản sản xuất nông nghiệp.

Tiếng gà trên cửa khẩu La Lay

Từ ngày Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay xây dựng được trạm xá quân dân y kết hợp, bà con dân tộc Vân Kiều và Pa Kô mừng như cái bếp nhen mãi bây giờ mới đỏ lửa, bởi ngày xưa, dân ở xứ này khi đau ốm chủ yếu dựa vào các bài thuốc lá cây rừng. Uống không khỏi, họ mời thầy mo tới cúng. Thầy mo cúng không khỏi, họ bảo “ma rừng bắt đi”. Bây giờ, dân ốm đau, không phải vào rừng tìm thuốc nữa. Thầy mo, bà cốt cũng đã giải nghệ từ lâu lắm rồi. Trẻ em cảm sốt, lên trạm nằm vài ngày, uống thuốc bộ đội cho là khỏi. Người lớn đau lưng, mỏi gối, choáng đầu... vào trạm được tiêm thuốc kháng sinh, được truyền thuốc bổ, nghỉ ngơi vài tuần lại tiếp tục gùi hàng, leo nương…

Thiếu tá Trần Văn Chiến - y sĩ trạm cho biết: “Vì dân, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ trong mọi hoàn cảnh. Có hôm nửa đêm, một phụ nữ dân tộc Vân Kiều trở dạ sinh con, anh em phải thức trắng đêm đỡ đẻ. Khi “mẹ tròn con vuông”, nhiều người trong đơn vị thức dậy chúc mừng...”.

Thiếu tá Chiến kể tiếp: “Ông Côn Rươi - 65 tuổi ở thôn Arong (xã A Ngo) hễ đi làm về là lên cơn sốt, ho từng đợt kéo dài. Bệnh tình đã phát hơn 5 năm nhưng ông Côn Rươi không muốn lên trạm xá làm phiền bộ đội. Đồn trưởng Đào Văn Cừ phải phân công cán bộ trạm xuống bản khám và điều trị cho ông tại nhà. Mỗi tuần, các anh đến khám 2 lần, sau 3 tháng, căn bệnh sốt mãn tính của Côn Rươi lành hẳn. Vợ chồng ông Côn Rươi mừng quá, đưa đến biếu BĐBP Đồn cửa khẩu La Lay một con gà trống to và thành thật nói: “Nhà ta có 2 con gà trống đều đẹp và gáy hay như thế này. Ta cho bộ đội một con để gáy cho vui tai nhé. Nếu cán bộ không nhận, ta sẽ buồn và giận đấy…”.

Rồi cán bộ, chiến sĩ biên phòng quen dần tiếng gà gáy sáng. Tiếng gà ấm áp và nồng hậu như niềm tin không bao giờ phai của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nơi biên giới.

Tháng 10/2013

PHAN THẾ CẢ

theo hà tĩnhonline


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65137702

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July