Trong đó phải kể đến những thầy giáo xứ Nghệ. Thầy giáo xứ Nghệ nổi tiếng là người dạy hay, dạy giỏi “càng dạy chữ càng nhiều” (Huy Cận). Họ không chỉ dạy học trò trong làng, trong huyện, trong tỉnh mà còn đi khắp nơi trong nước truyền dạy chữ cho thánh hiền:
Làng xóm cười giọng ông đồ trọ trẹ
Nhưng quý ông đồ văn vẻ giỏi giang
(Xuân Diệu)
Thời nào cũng có những nhà giáo nổi tiếng, thời trung đại có những người như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Đức Đạt,...; thời cận đại có Nguyễn Thức Tự, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý...; thời hiện đại có Lê Thước, Đặng Thai Mai, Trần Phú, Nguyễn Sỹ Sách, Cao Xuân Huy, Tạ Quang Bửu và nhiều người khác nữa. Đặc biệt là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, mặc dù đi dạy rất ít thời gian nhưng đã để lại những ấn tượng đẹp đẽ, sâu đậm, đem lại vinh dự cho nền giáo dục nước nhà.
Trong khuôn khổ hạn hẹp, chúng tôi xin nói đến những nhà giáo nổi tiếng của xứ Nghệ thời trung đại và thơ văn của họ. Đó là Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Đức Đạt. Họ là những nhà giáo nổi tiếng về học giỏi, dạy hay và thơ văn của họ đáng cho người đời truyền tụng.
Người thứ nhất chúng tôi muốn nói đến là Nguyễn Huy Oánh (1713-1789). Ông thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. 17 tuổi đi thi ở xứ, nổi tiếng là nho sinh xuất sắc. 20 tuổi đi thi hương đậu Hương giải. Đi thi hội không đậu, ông dựng nhà sách, mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Tiếng tăm vang xa và được mời vào phủ chúa, cung vua để dạy cho các hoàng tử vương tôn. Thời gian sau, vua mở khoa thi hội, ông đi thi đỗ đệ tam danh Thám hoa “ông xung trận đột nhập trường mây, hơn người mẫn tiệp. Tứ văn chương dồi dào xuyên qua bầu trời, vượt khỏi mặt trăng sáng như ngọn đuốc. Từ ngữ khiến gió mưa phải sợ, có thể nghiêng sông lật biển; chữ viết đẹp như lụa, như mây. Ở phương Nam chưa từng có ai như vậy” (Đặng Trần Côn).
Tiếp đó là 30 năm vừa làm quan vừa dạy học. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông xin về tiếp tục mở trường dạy học. Học trò xa gần theo học rất đông và nhiều người thành đạt, trong đó có 30 vị tiến sĩ. “Trường Lưu học hiệu” của ông có tiếng lan xa ra ngoài vùng xứ Nghệ được nhà vua phong “Uyên phổ hoằng dụ đại vương”. Để dạy học được tốt, ông lập “thư viện Phúc Giang” cho con cháu trong nhà, trong gia tộc, trong làng và học trò khắp nơi trong vùng đến học và đọc sách. Ông còn bàn với dân làng trích một phần ruộng công và bản thân ông bỏ ra một phần lộc điền của triều đình ban cho để làm học điền. Hoa lợi được chia cho dân làng cày cấy và một phần để mua giấy bút cho con em nghèo khó trong làng và một phần để tặng thưởng cho những người học giỏi đỗ đạt.
Ngoài việc làm quan dạy học, ông còn là một học giả cự phách. Ông sáng tác trên 40 tập sách ở nhiều lĩnh vực: sử học, địa lý, triết học, văn học, y học,… như Bắc dư tập lãm, Hoàng hoa sứ trình đồ, Phụng sứ Yên kinh tổng ca, Sơ học chỉ nam, Thạc Đình di cảo,… và một số tác phẩm khác đã bị thất lạc. Năm 1924, ông được triều đình nhà Nguyễn phong thần “Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần” nghĩa là “vị thần uyên bác của thư viện Phúc Giang”.
Thơ văn Nguyễn Huy Oánh khá nhiều nhưng hầu hết đã bị thất lạc. Qua những tác phẩm chúng tôi có, ta thấy những bài thơ của ông là kể chuyện đi sứ ở Yên Kinh, một số bài thơ tả cảnh, ngụ tình. Đó là những lời bộc lộ một tâm trạng, một tâm hồn phóng khoáng, bay bổng như Ngày thu cảm hoài, Thuận gió buồm lướt êm, Ngày 23 tháng giêng vượt núi Mậu từ đề thơ, trong đó ông đề cập đến cảnh nhà nghèo của thư sinh, về Trường Lưu quê ông:
Trường Lưu bát cảnh
Quan thị triệu hà
Phượng sơn tịch chiếu
Hân tự hiếu chung
Nghĩa thương vãn thác
Cổ miếu âm dung
Liên trì nguyệt sắc
Thạc tỉnh tuyền hương
Nguyễn trang hoa mỹ
Dịch thơ:
Tám cảnh đẹp ở Trường Lưu
Ráng bọc chợ Quan hà khi tảng sáng(1)
Nắng viền núi Phượng lúc hoàng hôn
Chùa Hân buổi sớm hồi chuông gọi
Kho Nghĩa chiều hôm tiếng mõ dồn(2)
Rậm rạp bóng cây che miếu cổ(3)
Lung lay ánh nguyệt chiếu hồ sen
Nguyễn trang hoa đẹp nhìn ưa mắt(4)
Giếng Thạc dòng thơm uống tinh hồn.
(Trần Văn Thụy dịch)
Những bài thơ vịnh cảnh của Nguyễn Huy Oánh vừa tinh tế vừa cụ thể lại gửi gắm được nỗi niềm tâm sự như bàiThủy sơn tự với những câu:
Núi nghiêng sóng gợn bóng tùng lay…
(Nguyễn Văn Hùng dịch)
Hoặc:
Canh điểm chuông chùa dờn sóng dậy
Quạ kêu sáo trúc thoảng sương dày
Như bài thơ Nôm Vịnh chùa Thiên Tượng:
Ánh ỏi chim ca vang tiếng kệ
Nhặt khoan suối hát tỏ rừng thiền
(Lại Văn Hùng dịch)
Người thứ hai là Nguyễn Thiếp, sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723) tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông có nhiều tên tự, hiệu khác nhau như Khải Xuyên, Hạnh Am, Cuồng Ẩn, Lạp phong cư sĩ, Bùi phong cư sĩ, Hầu lục niên, La Giang phu tử, Nguyệt Ao tiên sinh; Nguyễn Huệ gọi ông là La Sơn phu tử, sau gọi là La Sơn tiên sinh.
Ông là người thông minh, ham đọc sách, học giỏi. Mới đi thi lần đầu đã đỗ Hương giải và có chí làm quan, được bổ Huấn đạo phủ Anh Đô, rồi Tri phủ Thanh Giang, nhưng lúc bấy giờ triều chính thối nát, quan lại tham nhũng, nhân dân khổ cực nên ông đã đổi chí hướng từ quan về lập trại Bùi Phong cạnh thành Lục Niên, trên núi Thiên Nhẫn ở phía Nam Đàn cư trú để dạy học và giữ tiết tháo. Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh và đánh tan 20 vạn quân Thanh lập nên triều đại Quang Trung - Tây Sơn, đã 3 lần Nguyễn Huệ cho người đem thư và tặng phẩm đến mời Nguyễn Thiếp ra hợp tác nhưng cả 3 lần đều bị nhà ẩn sĩ từ chối; rồi đến 3 lần hội kiến giữa hai người và sau đó Nguyễn Thiếp mới nhận lời hợp tác với tiền triều, giúp vua dựng nước, được vua Quang Trung giao cho chức Viện trưởng Viện Sùng chính ngay tại trại Bùi Phong, chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Ngoài ra, ông còn giúp vua Quang Trung tìm đất dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Yên Trường (Vinh). Khi Quang Trung mất, ông xin về đọc sách và dạy học. Sau đó, Cảnh Thịnh con vua Quang Trung mời ông vào Phú Xuân hỏi một số ý kiến về việc nước. Khi Phú Xuân thất thủ, ông gặp Nguyễn Ánh nhưng không cộng tác mà trở về quê và mất ngày 25 tháng chạp năm Quí Hợi (16-2-1804).
Về việc dạy học của ông thì có lớp của trẻ nhỏ học hàng ngày và các buổi giảng tập, làm văn của các môn sinh lớn tuổi trong vùng. Cách dạy của ông là trước học “tiểu học” để bồi đắp lấy gốc học “kinh truyện”, hiểu thấu được ngọn ngành.
Trong bài thơ Sơn cư trú (viết tại nhà trên núi), ông viết:
… Thế sự vô như độc dữ canh
Lao nhiên ngô chỉ, tế ngô hành
Học phi dục tạp, tu tri bác
Thư bất đồ đa, duy quý tinh
(Hạnh am di cảo)
Dịch:
Thế sự không gì bằng đọc sách và cày ruộng
Lụt thì ta nghỉ, khô ráo thì làm
Học đừng vụn vặt mà nên biết suy cho rộng
Sách không cần nhiều mà cốt tinh
Việc học, Nguyễn Thiếp luận về học pháp tâu lên vua bao gồm đầy đủ các vấn đề quan trọng của việc học từ vai trò, mục đích yêu cầu đến chương trình, nội dung phương pháp, lợi ích, được trình bày một cách có hệ thống, rành mạch. Ông chủ trương phổ cập giáo dục đến khắp các địa phương. Ông quan niệm: làm người ai cũng phải học. Phương pháp học có 3 điểm:
1. Tuần tự tiến lên từ tiểu học đến đại học.
2. Học để tìm hiểu cho rộng rồi ước lược cho gọn, nắm lấy những tri thức cơ bản, những điều cốt lõi.
3. Học đi đôi với hành, theo điều đã học được mà làm.
Lời tâu bàn của Nguyễn Thiếp là một bản tuyên ngôn về giáo dục được đúc kết từ việc làm và suy nghĩ của nhà giáo Nguyễn Thiếp trong nhiều năm ngồi dạy học và làm huấn đạo. Lời tâu của Nguyễn Thiếp đã được vua Quang Trung chấp thuận và cho đặt Sùng chính viện và giao cho ông chức Viện trưởng, chuyên coi việc dạy. Viện Sùng chính đã dịch ra tiếng Việt bằng chữ Nôm nhiều sách quý để dùng cho việc dạy học, một sự thay đổi lớn đối với nền giáo dục nước nhà.
Khi triều đình mở khoa thi tiến sĩ đã mời ông làm đề điệu kiêm chánh chủ khảo, ông chủ trương chấn chỉnh lại việc thi cử tránh hình thức.
Khi ông mất, nhiều học trò và bạn bè cùng nhân dân thương tiếc và lập đền thờ trên núi Thiên Nhẫn, bên cạnh mộ hai ông bà có biển đề: “Bùi Phong cao” và tôn ông:
Bốn bể ngẩng trông Thiên Nhẫn đỉnh
Chín trùng trọng vọng Lục Niên quan.
Về sáng tác, Nguyễn Thiếp đã sáng tác nhiều, ngoài Hạnh Am thi cảo bằng chữ Hán, ông còn sáng tác nhiều thơ Nôm. Trong các sáng tác, ông ca ngợi một số người sống ẩn dật nhưng đọc thơ ông ta thấy tấm lòng nhà thơ luôn gắn bó với cuộc sống, nói lên nỗi khổ của người dân, cảnh suy vi của nhân tình thế đạo,... thấy cảnh đời ở ẩn: Sáng tối lều tranh ta tạm ẩn.
Hoặc:
Rong ruổi chi bằng ẩn lại hay.
Nhưng không phải ở ẩn là xa lánh cuộc đời mà:
Tùy thời co duỗi âu là phải
và ông luôn đề cập đến nỗi khổ của nhân dân:
Mùa mất nhà trống rỗng
Gạo đắt hũ mốc meo
(Phạm Nhượng dịch)
Trong bài biểu trả lời vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp nói lên cảnh khổ của dân: “Gặp năm mất mùa, dịch tật, kẻ thì chết đói, người thì xiêu bạt. Còn lại mười phần chỉ năm sáu mà thôi. Nay mùa khô khan, đồng ruộng bỏ hoang, ruộng cày rất ít” và bọn quan lại thì: “Quan càng nhiều thì dân càng bị nhiễu quyền nghi, công việc bất nhất, tướng hiệu, quan lại không có kiến thức”. Qua các bài thơ Đi chơi chùa Hương Tích, Qua đền Mai Hắc Đế, Lên núi Nghĩa Liệt,.. ta thấy tấm lòng Nguyễn Thiếp còn nặng nợ đời lắm. Có thể nói rằng, Nguyễn Thiếp là nhà giáo dục có hẳn quan điểm, đường lối, phương pháp. Ông là một nhà giáo giàu tâm huyết, một nhà giáo đạo cao đức trọng xứng đáng với danh hiệu “phu tử”. Không phải là nhà văn chuyên nghiệp nhưng sáng tác của ông chứng tỏ ông là nhà thơ, nhà văn có tài và có tâm, đáng cho chúng ta tôn vinh và học tập.
Người thứ ba chúng tôi muốn nói đến là Nguyễn Đức Đạt. Ông sinh năm 1824 tại làng Nam Sơn, xã Nam Hoa thượng, tổng Trung Cần (nay là làng Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); tự là Khoát Nhu, hiệu là Nam Sơn chủ nhân, lại có hiệu là Nam Sơn dưỡng tẩu, Khả Am tiên sinh. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1847), khoa Quý Mão đời Tự Đức (1853), đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh tức Thám hoa mà người đời thường gọi ông là Thám nhất, Thám Hoành Sơn.
Ông được bổ đi làm quan với các chức: Thị giảng tập hiền viện, Cấp sự trung, rồi làm Đốc học Nghệ An, Án sát Thanh Hóa, Tuần phủ Hưng Yên. Khi Hàm Nghi xuất bôn, phong ông làm Thượng thư bộ lại kiêm Tổng đốc An Tĩnh những vì ốm yếu nên chỉ một thời gian ông phải tránh ở quê nhà.
Tuy làm quan như vậy nhưng ông vẫn lấy việc trước tác và dạy học làm vui. Học trò theo học đông, trong nhà không đủ chỗ, ông phải dời lớp học lên núi, lấy bậc đá cao thấp làm bàn ghế; trong số học trò của ông, nhiều người đỗ đạt thành danh. Trường học trên núi gọi là trường Nam Sơn, cũng gọi là Tam Bình Nham, có ghi chữ “Nam Sơn khả am”. Những giáo trình ông soạn cũng lấy tên Nam Sơn. Ngoài Nam Sơn song khóa phú tuyển, Nam Sơn song khóa chế nghĩa, ông đã soạn thêm Đăng Long văn tuyển, Khả Am văn tập, Nam Sơn di thảo,… nhưng đáng chú ý là Nam Sơn tùng thoại. Cách dạy của ông theo lối hỏi đáp, lấy ví dụ trong thực tế và dùng phương pháp tương đồng khi so sánh. Khi ông qua đời, học trò xa gần và nhân dân trong vùng đã tổ chức lễ tang và mai táng thầy trên núi Nam Sơn và dựng bia ghi công đức của ông. Đoạn tang họ lập từ đường để thờ, trong đó có đôi câu đối:
Thọ khảo tác nhân, Nam Sơn thảo đường trạch vạn tuế
Văn chương minh quốc, Hồng Lĩnh ngô châu đệ nhất phong.
Ông không chỉ là nhà giáo dạy học có phương pháp đã đào tạo được nhiều học trò, trong đó có nhiều người thành danh, mà còn là nhà triết học, nhà sử học, nhà thơ, nhà văn. Thơ văn của Nguyễn Đức Đạt có nhiều và chưa dịch hết nhưng qua những bài đã được dịch, ta thấy thơ ông thật bay bổng, thiết tha. Như bài Gió xuân:
Chỉ có đông phong là bất biến
Xuân về đến báo vạn hoa ngay
hoặc trong bài Rượu sớm có câu:
Dưới đào ôm ấp hương vườn lộng
Hoa ảnh chập chờn, trưa chẳng hay
Trong bài Dạo chơi núi Tam Bình tức núi Nam Sơn, tác giả coi đó là chốn bồng lai rất tuyệt:
Sáng mai muôn cảnh soi hồ biếc
Xuân đến ngàn hoa ngát đỉnh cao
(Bản dịch Nguyễn Thế Đạt)
Trong những bài Mùa hè leo núi Tam Bình, Mùa thu ngắm cảnh Sơn Đàm,… đều tả cảnh, tả tình đắc địa nhưng thơ ông đầy chất triết lý sâu xa như bài Mật mía, ông kết luận: “Không qua gian khó có đâu mừng”. Ông cho: “Văn là cái khí của núi sông, không coi văn là thần mà coi cái tạo ra văn là thần”.
Trong nhiều bài thơ, ông nêu lên cảnh sống bần cùng của mình như bài Tỉnh đưa giấy về đòi nợ, Ghi lan man, Thuật hoài, Nỗi lòng tuổi sáu mươi, Nhà cửa vườn tược bị binh hỏa đốt phá. Ông cũng có những bài thơ nói về cảnh chùa chiền như bài Thăm chùa, Ở chùa, Ban ngày nằm nghe sư giảng kinh, nhưng ông cũng rất lạc quan gắn với đời như bài Thưởng xuân, Ngụ nhân và cũng với tâm sự là nỗi lòng thương dân nghèo như bài Ngẫu nhiên đi qua các làng bị giặc đốt, ông thấy cảnh “xác xơ làng mạc”, “mấy túp lều sơ bếp lạnh lùng” ông bèn thốt lên:
Quan thuế giờ đâu ai biết nhỉ
Liệu còn ép thuế lũ dân cùng
Tuy vậy, ông vẫn lấy núi Tam Bình làm nơi yên nghỉ, khi thì “Dạo chơi núi Tam Bình”, ở đó có trăm thứ hoa cứ xuân về là đến dâng hương cùng đàn cò chia nhau bến nước, cùng bướm tranh cành, khi thì “Mùa hè leo núi Tam Bình”, khi thì “mùa thu ngắm cảnh Sơn Đàm”, khi thì “ngắm núi Tam Bình thư thái ngay”. Ông ca ngợi Đào Tiềm, tự nhận mình là người núi chứ chẳng phải người đi trốn nhà Tần. Như vậy đã rõ, ông không ở ẩn mà gắn mình với cuộc sống của nhân dân.
Qua thơ văn ông, ta thấy ở Nguyễn Đức Đạt một tâm hồn thanh thoát, một tấm lòng rộng mở, một nhân cách đáng trọng.
Rõ ràng Nguyễn Đức Đạt là một danh sư, một nhà văn, nhà thơ xứng đáng với lời ca tụng ông qua đôi câu đối: “Suốt đời đào tạo nên biết bao người, văn chương nổi tiếng khắp nước”.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, xứ Nghệ đóng góp biết bao nhà giáo “đạo cao đức trọng”, chỉ riêng thời trung đại cũng đã có nhiều nhà giáo và chỉ qua ba người, chúng ta đã thấy rõ họ là những tấm gương lớn về tài dạy học và trước tác. Họ xứng đáng là những tiên sinh, phu tử, danh sư cho muôn đời sau học tập.
Chú thích
(1) Chợ Quan, núi Phượng, chùa Hân, kho Nghĩa, miếu cổ, giếng Thạc, hồ sen trang viên họ Nguyễn đều thuộc làng Trường Lưu, quê hương tác giả.
(2) Kho Nghĩa có lẽ là kho của hội Trường Ân do tác giả dựng lập.
(3) Miếu cổ có lẽ là đền Cả thờ Cao Sơn Cao Các.
(4) Nguyễn Trang hoa mỹ là vườn hoa nhà họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu rộng tới bảy mẫu.
Tài liệu tham khảo
(1) Nhà giáo danh tiếng đất Hồng Lam, Nxb Nghệ An, 1996.
(2) Thơ văn xứ Nghệ thời trung đại (sắp xuất bản).
Nguyễn Thanh Tùng
Theo ngheandost.gov.vn
|