Ghi chép
Tiết trời vào thu, nhưng từ đỉnh Keo Nưa về với nước bạn Lào cả khuông trời nắng như đổ lửa. Dòng suối Nậm Tuồng trong vắt, những cánh hoa mai xắc vàng rộm khiến ai cũng phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi miền biên viễn. Bên núi cao, bên suối thẳm, bản Thoọng Pẹ, huyện Kăm Kớt, tỉnh Bôlykhămxay hiện lên với những nếp nhà sàn xinh xắn, thanh bình...
1. Tuyến đường từ Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang nước bạn Lào hết vượt qua núi cao, suối sâu lại đến những cánh rừng già hun hút. Trên chiếc xe quân dụng chở đoàn công tác của CBCS BĐBP Hà Tĩnh sang bản Thoọng Pẹ, mọi người đều trong tâm trạng háo hức.
|
Đường về Thoọng Pẹ. |
Đặt chân lên bản Thoọng Pẹ, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận là bản làng thật gần gũi, thân thương và người bản xứ luôn giàu lòng mến khách. Biết tin có đoàn công tác của BĐBP Hà Tĩnh sang thăm, Trưởng bản Thoọng Pẹ - ông Dung Dê Xồng đã lặn lội ra tận đầu bản đón tiếp. Gặp chúng tôi, bất kể cụ già hay em nhỏ đều nở nụ cười hồn hậu, chắp tay chào thiện cảm: “Việt Nam – Lào Samakhi” (Việt Nam – Lào đoàn kết).
Dẫn chúng tôi dạo quanh bản làng, Trưởng bản Dung Dê Xồng cho biết: Cách đây vài thập kỷ, bản Thoọng Pẹ còn “nằm sâu” trong muôn vàn tăm tối, khó khăn. Đói rét, dịch bệnh và đặc biệt là cơn lốc ma túy càn qua khiến không ít gia đình rơi vào thảm cảnh người mất, kẻ còn, nợ nần chồng chất, con cái bơ vơ, thất học. Nguyên nhân là do buổi đó người dân dại dột nghe theo kẻ xấu xúi giục, phá bỏ lúa ngô trồng cây thuốc phiện xóa bỏ đói nghèo. Chỉ một thời gian ngắn, khi cây thuốc phiện bén rễ cũng là lúc nhiều trai tráng trong làng, thậm chí cả người già, phụ nữ cũng nghiện ngập. Họ bỏ bê công việc đồng áng, nương rẫy lao theo ma túy, gieo “cái chết trắng” ngay tại bản quán, quê hương. Người chết vì ma túy cũng có, mà người chết vì siết nợ lẫn nhau cũng nhiều.
Nếu như thuốc phiện đã đẩy người dân vào cảnh khốn cùng, bi đát thì hình ảnh con ma rừng cũng là một “nút thắt” bủa vây dân bản. Do thiếu hiểu biết nên khi bị ốm đau, người dân đổ lỗi cho con ma rừng hành hạ, rồi tất bật ngược xuôi, sắm mâm cỗ để mời thầy mo đến cúng. Rốt cuộc, bệnh tật chẳng lành nhưng kéo theo đó là nợ nần chồng chất, gia đình chia lìa, con cái bơ vơ, không nơi nương tựa… - ông Xồng buồn rầu nhớ lại!
2. Nếu như trước đây dọc theo triền núi Na Phoong và những dải đất bên thung lũng suối Nậm Hơ chủ yếu chỉ trồng cây thuốc phiện thì hôm nay thay vào đó là màu xanh của lúa ngô, khoai sắn và nhiều diện tích rừng cây nguyên liệu. Màu xanh của sự sống, màu của ấm no đã và đang trỗi dậy từng ngày, xóa dần cuộc sống u tối, quẩn quanh từng đeo bám bà con dân bản.
|
Màu xanh của sự sống, màu của ấm no đã và đang trỗi dậy ở Thoọng Pẹ |
Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió, chị Po Của Và - một người dân ở bản Thoọng Pẹ nói tiếng Việt khá lưu loát cho hay: “Trước đây, dân bản chúng tôi thiếu đói quanh năm, nương rẫy thiếu lúa, ngô nhưng lại thừa cây thuốc phiện. Vậy nhưng, gần đây, được BĐBP Hà Tĩnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ hẳn cây thuốc phiện và hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, hoa màu, kết hợp phát triển chăn nuôi nên hầu hết các gia đình đã có thu nhập, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Riêng gia đình tôi, mỗi năm, ngoài thu hoạch 3 tấn lúa, ngô, còn xuất chuồng hàng trăm kg gà, lợn thịt, thu về khoản tiền đủ để chăm lo cho các con ăn học”.
Với chị Và, có lẽ điều vui mừng nhất là chồng chị, anh Xòn Xờ Xùng, trước đây, nghe theo kẻ xấu, trót sa vào ma túy nhưng được BĐBP giúp đỡ, khuyên răn nên đã bỏ hẳn ma túy, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
|
Hầu hết gia đình đã có thu nhập, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày |
Như để minh chứng cho sự hồi sinh trên vùng “đất chết” một thuở, Trưởng bản Dung Dê Xồng cho biết thêm: Toàn bản Thoọng Pẹ hiện có 305 hộ, với 2.346 nhân khẩu, trong đó người Lào Sủng (người Mông) chiếm khoảng 2/3 dân số. Trước đây, do chưa biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất chỉ tự cung, tự cấp nên tỷ lệ hộ đói nghèo của bản chiếm 80% và nhiều con em trong độ tuổi không được đến trường. Trong lúc khó khăn, dân bản nhận được sự giúp đỡ đầy tình cảm, trách nhiệm của lực lượng BĐBP Hà Tĩnh về nhiều mặt.
Khoát tay chỉ về cánh đồng bên suối Nậm Hơ, ông Xồng khoe: Hiện nay, ở bản Thoọng Pẹ, mỗi vụ sản xuất được 250 ha lúa nước, trên 400 ha ngô, sắn và 32 ha gừng. Nguồn lương thực cơ bản chủ động, xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện nên trong bản chỉ còn gần 30 hộ thuộc diện đói nghèo. Trường Tiểu học Thoọng Pẹ được xây dựng khang trang, tất cả con em trong bản được đến trường theo học cái chữ. Đặc biệt, những năm qua, Trạm xá Quân dân y kết hợp - công trình hữu nghị Việt - Lào do BĐBP Hà Tĩnh xây dựng đã góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Khi bị ốm đau, bệnh tật, dân bản không còn tin vào thầy mo, thầy cúng, không phải đi xa tìm thầy thuốc chữa trị.
Đại úy Lê Văn Sơn quê ở TX Hồng Lĩnh, hiện là Trưởng trạm xá Quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ cho biết: Mặt bằng dân trí của bà con dân bản đã được nâng lên. Họ biết sản xuất, chăn nuôi để trang trải cuộc sống, biết chăm lo cho con cái học hành. Đặc biệt, nhiều quần chúng đã giúp đỡ, cung cấp cho bộ đội những nguồn tin có giá trị trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh biên giới.
|
Trạm xá Quân dân y kết hợp - công trình hữu nghị Việt - Lào do BĐBP Hà Tĩnh xây dựng góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thoọng Pẹ. |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì điều đáng quan tâm nhất ở Thoọng Pẹ hiện nay là tình trạng nhiều đôi nam nữ chỉ mới 14, 15 tuổi đã kết hôn, sinh con đẻ cái. Hiện tượng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào người Mông diễn ra khá phổ biến và hệ lụy tất yếu là con cái sinh ra còi cọc, trí não chậm phát triển. Nhiều gia đình chưa thực hiện “ăn chín, uống sôi”, chưa quan tâm đến vệ sinh môi trường…
Anh Sơn cho biết thêm: Thời gian qua, bằng tình cảm, trách nhiệm của người chiến sỹ biên phòng, các y, bác sĩ của Trạm và tổ công tác ngoại biên đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi, nhận thức cho bà con, nhưng do địa bàn cách trở, ngôn ngữ bất đồng nên gặp không ít khó khăn, hiệu quả chưa cao. Với tâm nguyện giúp bạn là tự giúp mình, những chiến sỹ BĐBP Hà Tĩnh quyết tâm vượt qua mọi gian khó, tiếp tục gắn bó với bà con dân bản và thực hiện những chương trình, hành động thiết thực nhất…
Rời bản Thoọng Pẹ khi những tia nắng mùa thu ấm áp, trong lành trải đều trên đỉnh Na Phoong và dát xuống dòng suối Nậm Tuồng trông lung linh như một tấm pha lê đa màu, đủ sắc. Dòng suối ấy phát nguyên từ đỉnh Trường Sơn hùng vĩ chảy về đất nước Chăm Pa như chính những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng của những người con đất Việt luôn dành trọn cho các bộ tộc Lào. Núi sông liền một dải, nghĩa tình hai mái Trường Sơn vẫn mãi đong đầy, lắng sâu trong tâm hồn, cốt cách của người dân bản địa và CBCS Biên phòng Hà Tĩnh trên trận tuyến mới.
VĂN CHƯƠNG
theo hà tĩnhonline