Người ta biết đến nhạc sĩ - nghệ sĩ Dân Huyền, sinh năm 1938 (Mậu Dần), nhà ở ngõ 192 đường Giải Phóng, Hà Nội qua những ca khúc nổi tiếng như: Bên lăng Bác Hồ, Gửi anh một khúc dân ca, Lắng tiếng quê hương... từng phát trên sóng của Đài Tiếng nói ViệtNam. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng với ông, tâm hồn vẫn chưa ngừng nghỉ, ông viết nhạc, làm thơ, viết báo...
"Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngay khi còn nhỏ mẹ ông đã dạy nhiều làn điệu dân ca quê hương; tình yêu đối với dân ca sâu đậm trong trái tim ông suốt cả cuộc đời.
|
|
Nhạc sĩ Dân Huyền: Phía sau những nốt nhạc
1. Mấy năm nay, cứ đến khoảng đầu tháng 12, nhạc sĩ Dân Huyền lại ghé thăm tôi và tặng tờ lịch treo tường. Đó là tờ lịch của CLB Đàn và hát dân ca mà ông làm chủ nhiệm suốt 11 năm trời. Dân Huyền bảo, CLB còn nghèo, chỉ đủ kinh phí in lịch 1 tờ, cũng không được đẹp lắm, nhưng mang về quê treo thì vẫn được. Ông nói rồi cười. Nụ cười của người đã bước vào tuổi 72 với hàm răng đã rụng đi mấy chiếc. Tôi hiểu đó là cách nói của một người sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ vừa hóm hỉnh vừa quá hiểu đời. Và tôi nghĩ tờ lịch ấy dày hay mỏng, đẹp hay không đâu có gì quan trọng. Quan trọng là sự ấm áp ân tình. Mỗi khi tới, ông gõ cửa thật khẽ, như là sợ làm phiền tới người khác, rồi nếu thấy mọi người trong phòng đang làm việc thì ông khéo cáo lui; còn khi phòng vắng người, như năm nay chẳng hạn, Dân Huyền ngồi lại nhấp ngụm trà, và chuyện trò lâu lâu một chút. Ông chỉ nhấp trà, vì đơn giản ông là người không nghiện trà, không nghiện thuốc lá, bia bọt cũng không nhiều.
Thi thoảng trong năm, tôi lại nhận được giấy mời của ông mời tới tham dự hoạt động của CLB. Những khi ấy, tôi thường nghĩ về cái CLB do ông làm chủ nhiệm. Vì sao mà sau khi nghỉ hưu ông lại gắn bó được bền lâu với nó đến thế? Và rằng ở cái thời buổi mà các loại nhạc nở rộ như bây giờ, liệu có mấy ai còn thời gian mà tham gia Đàn và hát dân ca nữa hay không? Bây giờ ngồi trước mặt tôi, Dân Huyền cứ khẽ khàng nói mà như tâm tình. Rằng 11 năm trước, CLB Đàn và hát dân ca đã được Đài Tiếng nói Việt Nam ký quyết định thành lập và mọi người bầu ông làm chủ nhiệm. Hai năm đầu, mỗi tháng Đài chi cho CLB 2 triệu đồng để sinh hoạt, rồi sau đó cơ chế có nhiều thay đổi nên khoản tiền ấy đã bị cắt đi. Và cũng kể từ đó, CLB phải tự lo liệu mọi chi phí. Nhưng khi ấy, một người đã hưởng lương hưu như Dân Huyền cũng không khỏi đắn đo. Nhưng rồi cùng với những người tâm huyết, CLB dần thu nạp được nhiều hội viên, đến nay đã hơn 100 người, trong đó có cả người từ các vùng khác đến sinh hoạt. Nhưng kinh phí thì vẫn hạn hẹp, vì thế, 11 năm nay, tiếng là làm chủ nhiệm nhưng ông không lĩnh đồng lương nào. Dân Huyền bảo, ngay cả khoản tiền hội họp thường kỳ cho mọi người, ông cũng bảo anh em thủ quỹ là cứ để đến cuối năm, nếu ngân quỹ còn thì ông mới nhận.
2. Không hiểu sao, khi có dịp làm việc hay chỉ là ngồi chuyện trò cùng ông như hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên cái nhận xét rằng, trong cuộc đời của mình, hình như Dân Huyền không thuộc dạng người quyết đạt được mục đích bằng mọi cách. Dường như Dân Huyền đã xác lập cho mình một cách sống: lùi xa những ồn ào đàm tiếu, tránh đi tranh luận thị phi. Ông lặng lẽ sống, như có ý niệm nhận sự thua thiệt về mình. Nói như vậy có nghĩa là ông đã tìm một chốn lui về ở ẩn? Không phải vậy. Vì nếu muốn ở ẩn, hẳn rằng sau khi chia tay cuộc đời công chức, năm…, Dân Huyền đã quay về nơi chôn nhau cắt rốn của ông: xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An Nhưng ông đã không hành động như thế. Ông vẫn ở lại Hà Nội, với căn phòng trên tầng 4 ở khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tôi đã tới căn phòng này nhiều lần. Đó là một không gian của Dân Huyền, với những đồ vật cũ, cái gì cũng nhỏ nhỏ xinh xinh, mang màu thời gian như cuộc đời ông đã trải. Trong những đồ vật quanh mình, có một vật dường như bất li thân của ông. Đó chính là chiếc đài nhỏ. Đến tận lúc này, nghe đài với ông vẫn là một thói quen hàng ngày khó bỏ. Bởi vì đó cũng chính là cái “không gian” đã gắn bó với ông suốt từ hồi trai trẻ. Nhưng khi ngồi trong căn phòng của ông, tôi thích những ngọn gió thổi xiên qua cửa sổ nhìn xuống con đường Giải Phóng luôn nườm nượp người, xe và khói bụi. Nhưng ở trên tầng cao này, khói bụi dường như rất ít. Không gian trong lành và cũng chính từ những khuôn cửa sổ này, mỗi sáng mỗi chiều, ông lại nhìn ngắm dòng người đang cuồn cuộn chảy, để ngẫm nghĩ, để viết ra những vần thơ “Tự trào”: “Lương thì thấp nhà thì cao/ Nhưng được khách quý ra vào thường xuyên/…Xế chiều nhưng vẫn còn duyên/ Được làm, làm được nên quên tuổi già”.
Dân Huyền viết nhạc, nổi tiếng với “Bên lăng Bác Hồ”, “Duyên quan họ”, “Gửi anh một khúc dân ca”, “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” và là người bền bỉ sưu tầm, chỉnh biên, đặt lời mới cho những làn điệu dân ca thì nhiều người đã biết. Còn một Dân Huyền của những vần thơ và câu đố thì có lẽ ít người biết hơn. Tôi may mắn là người được trực tiếp biên tập và xuất bản cả 2 phần “ít người biết” đó của Dân Huyền. Đó là vào năm 2003, ông mang tới NXB Thanh niên đề nghị tôi biên tập và lo giúp “đầu ra” (nhờ người phát hành giúp) tập sách “777 câu đố dễ nhớ dễ thuộc”. Và cuối năm 2008, là tập thơ - nhạc “Chút tình Hà Nội”. Nếu tập sách câu đố về sau được tái bản (và được Dân Huyền bổ sung thành “999 câu đố…”) thì “Chút tình Hà Nội” lại chính là tập thơ - nhạc đầu tay của Dân Huyền. Vì thế, khi làm tập sách này, ông đã rất đắn đo chọn bài. Ban đầu, ông dự định chỉ in khoảng 50 bài thơ, và coi đó như món quả nhỏ dâng lên 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nhưng khi đọc bản thảo, tôi đã gợi ý ông nên bỏ bớt một số bài ra và bổ sung bài viết về các địa danh mới được sáp nhập về Hà Nội cũng như một số bài hát về Thủ đô mà ông đã viết trong nhiều năm qua. Dân Huyền có vẻ ưng lắm với lời góp ý đó, và ông đã làm lại bản thảo của mình. Khi tập thơ - nhạc in xong, cũng đúng là dịp Hà Nội đang chìm trong trận lụt lịch sử. Ngồi trên căn phòng lộng gió của mình ở tầng 4, Dân Huyền gọi điện cho tôi, bảo rằng “may quá mình đã nhận đủ những tập thơ, và không có tập thơ nào bị ướt”. Mấy chục năm sống ở Hà Nội, lần đầu tiên nhận tập sách của mình từ nhà in chuyển tới lại đúng ngày Hà Nội chìm trong biển nước, cũng là một điều để ông có thêm chút tình cùng Hà Nội.
3. Thực ra, kỉ niệm về Hà Nội của Dân Huyền không chỉ có những vần thơ thơm mùi cốm Vòng, thơm mùi Húng Láng, thơm hương làng lá Đại Yên, và ngạt ngào vị phở… Với ông, những kỉ niệm đèm đẹp về Hà Nội chỉ có thể cảm được chứ khó kể ra thành câu chuyện sinh động và hấp dẫn. Nhưng Dân Huyền tâm sự rằng, ông biết ơn mảnh đất này. Hà Nội không phải là nơi chôn rau cắt rốn nhưng Hà Hội đã cho ông nhiều thứ. Từ mảnh đất này, một chàng trai trẻ được Đảng kết nạp, trở thành một Đảng viên trẻ của Đài Tiếng nói Việt Nam để được những bậc đàn anh như Trần Lâm, Huỳnh Văn Tiểng tin tưởng giao phó nhiều công việc. Mảnh đất này đã cho ông có được người vợ hiền, cho ông một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Vì thế mà mấy tập sách của ông, hay những ca khúc nổi tiếng như “Bên lăng Bác Hồ”, “Lắng tiếng quê hương” cũng chỉ là hành động nhỏ bé để ông tri ân với Hà Nội – khi mảnh đất này đang bước vào ngàn năm tuổi.
Khi viết tới những dòng cuối này, tôi lại nhớ tới hình ảnh của nhạc sĩ Dân Huyền – một người chỉ thích những đồ vật nhỏ xinh - ngồi trên chiếc xe Charly nhỏ, màu xanh, khẽ khàng lướt đi trên những con phố Thủ đô. Những lúc ấy, ông lẫn vào mọi người, và không ai nhận ra ông chính là người đã viết lên những giai điệu ngợi ca tuyệt đẹp…
Nguyễn Thanh Bình
Nguồn từ : hophamtphcm.org