Có lẽ khi khai sinh ra câu hò, điệu ví, những cư dân cổ xưa ở vùng đất phên giậu, lắm nắng nhiều mưa Nghệ Tĩnh không ngờ rằng có một ngày nó lại trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Hơn thế, những khúc hát dân ca đằm thắm, mộc mạc, chân thành ấy còn được chắp cánh bay xa, có cơ hội để trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại. Sự kỳ diệu ấy nằm ở sức sống nội sinh mạnh mẽ trong từng khúc điệu, lời ca đậm dấu ấn văn hóa Hồng Lam...
Hoàn cảnh khởi phát
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một hình thức văn nghệ hình thành từ chính trong những công việc hàng ngày của nhân dân. Ở bất cứ nơi đâu, bên khung cửi, trên đồng ruộng, trên sông nước hay non cao… những người dân Nghệ Tĩnh có tài năng ca hát và khả năng ứng biến ngôn ngữ linh hoạt đều có thể cất lên khúc hát của tâm hồn mình mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ nhạc cụ nào. Những câu hát đơn sơ, mộc mạc và khúc điệu đầy biểu cảm được cất lên từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc đã dần dần định hình thành thể hát dân ca sinh hoạt trữ tình, trường tồn cùng thời gian.
|
Không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm được tái hiện trên sân khấu Liên hoan dân ca ví, giặm Xứ Nghệ lần I - 2012. Ảnh: Anh Hoài |
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gồm 3 thể loại: ví, giặm và hò. Theo nhiều nhà nghiên cứu, ví là một thể ngâm vịnh, lấy thơ lục bát làm gốc, âm nhạc không đặt nặng tiết tấu. Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao cho rằng: “Làn điệu ví trước sau chỉ là một, là một nhưng biến hóa vô cùng về âm sắc. Giọng hát ví cất lên nghe trầm trầm, tha thiết, lắng sâu vào lòng người, nghe có gì nấc nghẹn trong lòng, đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng… Suốt cuộc hát bà con chỉ hát một điệu, có chăng chỉ thay đổi giọng thấp, giọng cao, giọng dí dỏm hài hước, giận hờn, trách móc, giọng da diết yêu thương… cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và tâm trạng…”. Cơ bản, nội dung bài hát ví là một cuộc chơi đối đáp rất nho nhã về chữ nghĩa. Mỗi điệu hát, một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều tha thiết lắng đọng, mộc mạc chân chất như chính hồn quê Xứ Nghệ.
Khác với ví, giặm lại là thể hát nói có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ và nhịp nội, nhịp ngoại. Lời hát chủ yếu là thơ ngụ ngôn, thường thì cứ 4 câu lại lặp lại câu 4, vì lẽ đó giặm có nghĩa là đan cài, điền vào một chỗ thiếu. Hát giặm có nguồn gốc ở các huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Không phải những bài giặm đều do nhân dân sáng tác mà phần lớn là do nho sỹ sáng tác rồi được nhân dân yêu thích và phổ biến. Trong hát giặm có thể phân biệt được nhiều làn điệu như giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm nối, giặm xẩm, giặm mời trầu… Do làn điệu sôi nổi và không cần đến tài ứng biến ngôn ngữ linh hoạt của người hát nên hát giặm về sau này khá phổ biến trong những sinh hoạt văn nghệ ở các miền quê Nghệ Tĩnh.
Ngoài ví và giặm, ở Nghệ Tĩnh còn có điệu hò. Phổ biến ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là các điệu hò: kéo gỗ, kéo đá, leo núi, bơi thuyền, kéo lưới, đi đường, ra khơi… Về thể cách nó cũng giống những làn điệu hò của các vùng miền khác, chỉ khác ở âm hưởng dân ca ví, giặm và phương ngữ Nghệ Tĩnh.
Sức sống bền sâu
Cùng với sự biến chuyển trong phương thức sản xuất cũng như tập quán sinh hoạt, những làn điệu nguyên thể của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã không còn gắn bó với các hoạt động quần chúng. Tuy nhiên, dân ca ví, giặm không hề biến mất mà vẫn âm thầm tồn tại trong đời sống nghệ thuật nhờ sức sống tái sinh đặc trưng.
Nhạc sỹ Lê Hàm khẳng định: “Dân ca ví, giặm có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Trong chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH, mặc dù tách khỏi không gian diễn xướng và không còn làn điệu nguyên thể nhưng những bài hò, những hoạt cảnh dân ca được phát triển từ làn điệu gốc đã góp phần động viên, cổ vũ nhân dân, dân quân, bộ đội vững tâm chiến đấu, vượt khó bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ngày nay, sức sống của dân ca ví, giặm còn được thể hiện bởi sự ra đời của nhiều CLB dân ca ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các CLB này cũng đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các thôn, làng… Và dù đời sống có phát triển đến đâu chăng nữa thì cội rễ của những câu hát dân ca ngọt bùi này cũng đã ăn sâu vào tâm hồn những người con quê hương để mỗi lúc đi xa, nghe câu hò ví, giặm lại nao nao thương nhớ quê nhà…”.
|
CLB dân ca ví, giặm xã Thạch Thanh (Thạch Hà) tham gia tiết mục hát ví giao duyên tại kỳ liên hoan 2012. Ảnh: Anh Hoài |
Như một cách thích ứng với thời đại, dân ca ví, giặm cũng có những trạng thái tồn tại khác nhau trong từng thời kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bắt đầu có sự chuyển hóa từ diễn xướng dân gian đến trình diễn nghệ thuật dưới hình thức kể vè, đối ca, hoạt ca trong các phong trào văn nghệ quần chúng. Những hoạt cảnh dân ca và bài hò như: Chiếc xê đầu, Ngô khoai tranh đấu, Hỏi ai quan trọng, Trước lúc lên đường, Thần sấm ngã, Giặt áo bên phà Bến Thủy, Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền… là hình thức tồn tại biểu thị sức sống nội sinh mạnh mẽ của dân ca ví, giặm trong đời sống nhân dân.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng đã chứng minh được sức sống bền sâu của mình trong vai trò là chất liệu cho âm nhạc hiện đại. Thành công của những ca khúc như: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ v.v… đã khẳng định tầm ảnh hưởng của dân ca ví, giặm đối với nền âm nhạc hiện đại. Kế tục thành quả đó, ngày nay, nhiều nhạc sỹ ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đang khai thác thành công chất liệu âm nhạc này như: Hồ Hữu Thới, Lê Hàm, Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh, Quốc Nam, Quốc Việt...
Nhạc sỹ Ngọc Thịnh cho biết: “Là một người con Xứ Nghệ, được tắm táp trong dòng chảy văn hóa Hồng Lam, từ nhỏ đã thuộc những câu hò, điệu ví nên khi trở thành nhạc sỹ, tôi đã có ý thức khai thác chất liệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Những câu hát vừa mang âm hưởng dân gian vừa đậm dấu ấn hơi thở đương đại đã làm lung linh thêm hồn quê Xứ Nghệ. Đó là sự tiếp nối tất yếu, tuân theo quy luật phát triển của xã hội. Trên con đường này, tôi cũng đã có những thành công nhất định với một số ca khúc được đông đảo công chúng trong và ngoài nước yêu thích như: Câu đợi câu chờ, Hà Tĩnh quê mình, Về quê mình, Ca dao sông quê, Lời quê… Kho tàng dân ca ví, giặm giàu có sẽ là mảnh đất đầy hứa hẹn cho ai biết cách khai thác”.
Cùng với những thay đổi trong tập quán sinh hoạt cũng như sự phát triển của đời sống, sự hiện diện của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng có lúc thăng, lúc trầm. Dẫu vậy, với những đặc trưng văn hóa rất riêng, dân ca ví, giặm vẫn như mạch ngầm bền sâu trong lòng công chúng. Giữa sự phong phú và đa dạng của đời sống âm nhạc hiện đại, những điệu hát được cất lên từ hồn quê Xứ Nghệ vẫn trường tồn cùng thời gian.
ANH HOÀi
theo hà tĩnhonline