Dân ca ví giặm là hồn cốt của người dân Xứ Nghệ. Từ xưa đến nay, nét văn hóa này luôn được nhân dân đôi bờ sông Lam coi là tài sản vô giá và có ý thức giữ gìn. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, việc bảo tồn và phát huy dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh càng được coi trọng...
|
Một trong những không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm được tại hiện trên sân khấu Liên hoan dân ca vi,́ giặm Nghệ Tĩnh lần thứ nhất 2012 |
Cùng với sức sống nội sinh thì những tác động ngoại sinh dưới nhiều hình thức cũng đã góp phần to lớn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong thời kỳ mới. Ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu, các thể loại dân ca ví giặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy… cũng đã góp phần to lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị loại hình văn hóa đặc sắc này.
Đầu tiên có thể kể đến là hình thức sân khấu hóa. Việc ra đời của Đoàn nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh năm 1972 với nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn và thể nghiệm đưa dân ca ví, giặm trở thành bộ môn ca kịch sân khấu đã tạo bước phát triển mới cho hình thức này. Với nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ nghệ nhân, nhạc sỹ, diễn viên, hàng trăm làn điệu cổ đã được sưu tầm và hàng chục làn điệu mới ra đời. Nhiều vở diễn phản ánh hiện thực đời sống, chuyển tải những giá trị nhân văn sâu sắc đã được công chúng đón nhận và giành nhiều giải thưởng sân khấu như: Cô gái sông Lam, Mai Thúc Loan, Chuyện tình ông vua trẻ, Đốm lửa núi Hồng, Lời người lời của nước non v.v…
Từ sân khấu kịch hát cũng đã xuất hiện nhiều thế hệ nghệ sỹ có tài, có tâm như: Lê Hàm, Hồ Hữu Thới, Xuân Năm, Hồng Lựu, Nguyễn Thị Minh, Tiến Dũng, Thái Bảo v.v… Trong một nghiên cứu mới đây, NSND Hồng Lựu – Phó GĐ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ khẳng định: “Đây là một thành công lớn trên bước đường bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy ở đây mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Dân ca là của dân gian, cần phải làm sao để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành món ăn tinh thần, thành phương tiện giãi bày cho con người hôm nay”.
Nhằm bổ sung phần khuyết thiếu cho hình thức sân khấu hóa, thời gian qua, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm một cách hiệu quả. Đưa dân ca vào trường học và dạy hát dân ca trên truyền hình được coi là hình thức quan trọng trong việc “chuyển giao” giữa các thế hệ. Bằng cách học các làn điệu dân ca và thông qua các cuộc thi hát dân ca trong các trường học, thế hệ trẻ đã có những hiểu biết nhất định về vốn văn hóa truyền thống của quê hương. Từ những phong trào này, rất nhiều giáo viên và học sinh đã say mê những câu hò điệu ví. Không chỉ hát, diễn, họ còn có thể sáng tác lời mới phục vụ các hoạt động văn nghệ quần chúng của nhà trường cũng như địa phương.
|
Một tiết mục hát ví giao duyên của CLB dân ca ví giặm xã Thạch Thanh (Thạch Hà - Hà Tĩnh) tại kỳ liên hoan 2012 |
Thời gian gần đây, việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm trên các địa bàn dân cư cũng tạo tiền đề tốt cho việc đưa sinh hoạt dân ca trở về gần hơn với không gian và môi trường diễn xướng ban đầu của nó. Đây cũng chính là sân chơi để các nghệ nhân dân ca có cơ hội được hát, được sáng tác và truyền dạy nhiều hơn cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh – CLB Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi cũng tham gia nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng của địa phương nhưng từ khi thành lập CLB thì mọi sinh hoạt trở nên quy củ hơn. Nghệ nhân chúng tôi được gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn những làn điệu mình sưu tầm được và đặc biệt là có điều kiện thể hiện tâm huyết truyền dạy vốn quý cho thế hệ trẻ”.
Hiện nay, 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 51 câu lạc bộ dân ca ví, giặm với sự tham gia sinh hoạt của hơn 800 nghệ nhân và nhiều cá nhân. Thông qua các kỳ liên hoan, hội diễn, các CLB này cũng đã dần hoàn thiện tổ chức và hoạt động thường xuyên, nổi bật như: CLB Thạch Châu, Cẩm Mỹ, Thạch Thanh, Cương Gián (Hà Tĩnh), Hồng Sơn, Ngọc Sơn, Hoàng Trù, Nghi Trung, Phúc Thành (Nghệ An). Nhằm giúp các CLB hoạt động hiệu quả hơn, thời gian qua, các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (Hà Tĩnh) cũng đã trực tiếp xuống cơ sở tham gia truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm.
Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, với niềm say mê những câu hò, điệu ví, thời gian qua, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc sỹ và rất nhiều cá nhân trong cộng đồng dân cư đã vượt lên những khó khăn để cùng nhau góp sức bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh. Những câu hát thoát thai từ ruộng đồng, sông nước đang dần trở lại với không gian đích thực của mình và hơn nữa còn có thể được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại.
PHONG LINH
theo hà tĩnhonline