(Baonghean) - Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai của Thủ tướng Chính phủ, những năm gần đây đã có rất nhiều hạng mục hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục được đầu tư và đưa vào sử dụng tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống. Ngoài ra, việc đưa bà con từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát ra các khu tái định cư đã giúp bà con mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Đến nay, cuộc sống của người dân Đan Lai đã tiến bộ rất nhiều…
>>Bài 1: Bình minh đang tới Cao Vều
Cò Phạt ngày mới
5 năm về trước, vào một ngày con sông Giăng chảy xiết, réo ùng ục, chúng tôi lên thuyền ngược dòng 24 km vào với Cò Phạt, bản Búng, xã Môn Sơn. Vẫn nhớ, phải mất đến một ngày chờ thuyền, mới được trưởng bản La Văn Đường ra đón vào. Lối cũ giờ đã khác xưa, trên tuyến sông này giờ đã có hàng chục con thuyền chạy dịch vụ, giao thương đưa hàng hóa vào ra… Hôm nay, thuyền lại qua tầng tầng, lớp lớp sóng dữ dội. Qua những nương sắn, vườn keo trên đồi, qua các dãy núi đá vôi dốc đứng, kỳ vĩ đẹp hơn tranh thủy mạc. Từ lòng sông nhìn lên, thấp thoáng hai bên sườn núi, một vài con đường đang được mở ra, máy xúc, máy ủi cày xới lên từng thớ đất đỏ tươi. Đại ngàn Miền Tây đã thêm phần sinh khí, bớt thâm u đồng vọng.
Thời gian đi thuyền so với trước đã được rút ngắn gần một nửa, mất hai giờ nghe ầm ì với tiếng máy động cơ, chúng tôi lại được đặt chân lên bến thuyền Cò Phạt… Vẫn nhớ về ngày chưa xa: Trong đêm núi rừng, ngôi trường tiểu học tranh vách chìm nghỉm giữa làn mưa giăng. Từ xa nhìn lại, chỉ thấy ở đó le lói, vàng vọt ánh đèn điện thủy lợi nhỏ. Bản hoang sơ, mưa vừa ngớt, hàng ngàn con mằn hăn lại lao ra cắn người. Cò Phạt lúc đó ngả nghiêng say và quay quắt đói.
Bản có 78 hộ thì tất cả đều sống dựa vào nguồn cứu trợ của Nhà nước. Rất nhiều chuyến hàng chở gạo cứu đói vào song đói vẫn hoàn đói, bởi được bao nhiêu gạo thì bà con đem đổi rượu hết cả. Khi hết rượu, hết gạo, người dân mới chịu vào rừng kiếm sống. Cái đói, cái say làm bản nhếch nhác. Con gái, con trai 13, 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Người Đan Lai sống biệt lập, không giao lưu với bên ngoài nên trai gái trong bản quanh quẩn lấy nhau. Hôn nhân cận huyết đã làm nòi giống tộc người Đan Lai ngày mai một. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50 tuổi, dáng người ai cũng thấp, nhỏ.
Trung tá Nguyễn Trọng Vinh, Trưởng đồn biên phòng Môn Sơn thăm hỏi bà con Đan Lai ở bản Cò Phạt.
Tiếng của Trung tá Nguyễn Trọng Vinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn - người dẫn chúng tôi vào Cò Phạt cắt đứt những hồi ức: “Cò Phạt giờ tiến bộ lắm rồi. Cuộc sống bớt đói khổ, văn minh đã đến gõ cửa”. Từ bến thuyền đi lên, đập vào mắt chúng tôi là cổng chào của bản bằng gỗ, chắc chắn ghi rõ “Bản Cò Phạt xã Môn Sơn”. Từ cổng chào này là con đường bê tông thẳng thớm, rộng 2m dẫn vào trung tâm bản. Hai bên đường là những thửa ruộng nước tuy nhỏ nhưng được bao bờ ngay ngắn. Vài người đàn ông ra roi thúc trâu cày đất chuẩn bị vào vụ mới. Đầu bản, ba bốn người đàn ông hì hục cuốc xẻng đào đất luồn cống thoát nước (kiêm cống thủy lợi) qua đường… Cò Phạt hiện có 97 hộ, 920 nhân khẩu. Ruộng không nhiều, bình quân mỗi hộ được một sào Nam bộ, song bà con đã biết thâm canh, trồng 2 vụ/năm. Không còn cảnh người ngồi cửa ngóng nhìn ra cổng... chờ cứu trợ - Trung tá Nguyễn Trọng Vinh cho biết.
Trước đây, trẻ con Đan Lai sau khi sinh, dù nắng hay mưa, dù rét đến ghê người thì người nhà vẫn đem xuống suối tắm đến khi tím tái mới được đưa về nhà. Những đứa trẻ Đan Lai đều có đôi mắt rất đẹp, xanh trong nhưng đôi mắt ấy thường không dám ngước lên nhìn khi gặp người lạ. Trẻ em Đan Lai bây giờ không ốm đói, còi cọc, đen nhẻm và rụt rè như trước. Cậu thiếu niên Đan Lai mà chúng tôi gặp ở đầu bản có dáng người thanh thoát, vừa địu em, vừa mang gùi, rảo bước nhanh nhẹn, vui vẻ chào khách (hỏi mới biết là con trai trưởng bản hiện tại): “Nhà nước cho trâu, bày cho làm ruộng, giờ cho thêm giống, phân nên giờ đi lấy về đây!”. Bản hiện ra trước mắt: Những ngôi nhà sàn, nhà trệt gọn gàng, sạch sẽ. Trước nhiều nhà là bờ rào kiên cố, là hàng cây ăn quả, vườn rau. Đường bê tông nội bản dọc ngang vuông vắn tựa ô bàn cờ. Giữa bản, nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống cột điện để dẫn điện lưới vào đang được thi công. Trường Tiểu học 3 Môn Sơn, điểm bản Cò Phạt kín cổng, cao tường, khang trang với màu sơn vàng tươi.
Chúng tôi theo chân các chiến sỹ tổ công tác đặc biệt giúp bà con Đan Lai của Đồn Biên phòng Môn Sơn đến nhà trưởng bản La Văn Linh. Hai bên cổng nhà là vườn chè xanh mướt, vài cụm mía ngọt. Khoanh đất bên kia là vài hàng ngô, thửa ruộng lúa nước và ao cá nhỏ. Vợ chồng anh Linh đang chăm sóc ruộng lúa giống NA2, lần đầu tiên đưa vào trồng tại bản Cò Phạt. Trong nhà là tủ hàng tạp hóa nhỏ để bán cho bà con trong bản. Trên vách gỗ treo khá nhiều tấm ảnh nghệ thuật chụp vợ chồng anh Linh cùng các con. Nhà anh Linh có đủ cả tivi lẫn vài chiếc loa thùng nghe nhạc. Anh Linh cười tươi: “Nhà nước cho đấy, ở bản gia đình nào cũng có; giờ chưa có điện lưới thì chạy bằng thủy điện nhỏ, hơi yếu nhưng cũng coi, nghe được”… Chị La Thị Văn, vợ anh Linh nhai trầu bỏm bẻm, bắc nồi nước lên bếp rồi ra vườn lấy rau cho bầy chuột bạch trong lồng ăn. Chị Văn cho hay: Được các anh biên phòng bày cho cách nuôi chuột bạch để đuổi chuột nhà, chuột đồng. Chuột bạch kêu là chuột trong nhà chạy đi hết cả, hiệu quả lắm.
Trưởng bản La Văn Linh phấn khởi thông báo: Người dân được các cán bộ, các bộ đội bày cho cách nuôi trồng, lại chịu khó làm nên giờ bản không còn mấy hộ đói đâu. Các cô thầy đến động viên, giúp đỡ suốt nên không còn học sinh bỏ học. Trước, cả bản Cò Phạt không có lấy một con trâu, nay đàn trâu của bản cũng đã có hơn 30 con; trước cả bản chỉ có 1 con thuyền thì nay đã có tới 6 thuyền chuyên chở. Người Đan Lai giờ còn biết làm du lịch nữa đó...
Dạo một vòng, mới thấy Cò Phạt đã thay đổi nhiều. Bản đã có điện, tiếng tivi, loa đài vang vang và phấn khởi hơn cả là tiếng trẻ con ê a học bài. Người Đan Lai ở bản Cò Phạt đã biết đến điện thoại di động nhưng họ chưa dùng vì sóng chưa phủ đến. Người Đan Lai nhanh chóng học hỏi, thích nghi với thế giới bên ngoài sau nhiều năm, nhiều đời sống biệt lập. Sự thay đổi hiện hữu trên mái tóc cắt kiểu của những đứa trẻ, trong đôi mắt lấp lánh nét cười của người già.
Vợ chồng ông La Văn Linh, trưởng bản Cò Phạt chăm sóc ruộng lúa giống NA2
(lần đầu đưa vào canh tác).
Cửa Rào đã mở mang
Rời Cò Phạt, chúng tôi trở về trung tâm xã Môn Sơn, đến với các khu tái định cư của người dân Đan Lai. Vài năm trước, các khu vực tái định cư này còn ngổn ngang trăm bề, có đất sản xuất nhưng không có nước tưới tiêu. Nhiều người bỏ nơi tái định cư về với bản làng cũ. Trên đường xuôi dòng, Trung tá Vinh thông báo: Ở các khu tái định cư như bản Cửa Rào, bản Tân Sơn ở xã Môn Sơn và bên kia sông Lam xã Thạch Ngàn, người dân Đan Lai được dời ra đây đã yên tâm làm ăn, ổn định phát triển. Cuộc sống tuy chưa thật đủ đầy, vẫn còn một vài hộ đói nhưng nhìn chung mọi mặt đều được nâng lên đáng kể…
Bản Cửa Rào (1 trong 14 bản của xã Môn Sơn, nằm không xa khu vực trung tâm xã) hiện có 131 hộ, trong đó có 31 hộ người Đan Lai. Giữa buổi chiều, khu tái định cư tĩnh lặng, bố mẹ đều lên đồng, đi chợ, chỉ một vài đứa trẻ chơi trước ngõ nhà. Chúng tôi tìm mãi mới thấy gia đình có người lớn ở nhà. Chị La Thị Nguyệt từ dưới bếp đi lên. Người đàn bà ngoài 50 tuổi, răng đen láy cười hồn hậu: “Hôm nay nhà có việc chứ không cũng lên đồng rồi”. Việc của chị Nguyệt là gọi cán bộ thú y về hoạn cho mấy con lợn.
Dưới mái nhà ngói, tường xây chắc chắn, chủ khách ngồi xoãi trên chiếu uống nước. Trong nhà cũng đủ đầy tivi, quạt, tủ, bàn cùng nhiều trang bị tiện nghi khác. Chị Nguyệt kể: Một bộ phận bà con người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, địa phương ra đây sinh sống cũng vừa tròn 10 năm. Ở khu tái định cư, bà con được trợ cấp, giúp đỡ nhiều song buổi đầu rất khó khăn vì bà con chưa quen phương thức trồng trọt, canh tác mới. Được hỗ trợ làm mương thủy lợi, cấp giống, lại được hướng dẫn kỹ thuật nên đời sống cũng từng bước lần hồi. Ra đây, trẻ con được học hành, người lớn cũng biết được nhiều điều.
Bà Nguyệt còn cởi mở cho hay: “Đàn gà thì cũng được 40 con, lợn mẹ, lợn con vài ba lứa; bò thì được 1 con, chồng đang dẫn đi cày. Nhà cũng đang muốn nuôi thêm nhưng chưa đủ tiền, còn đợi 2 đứa con đang đi làm công nhân ở Miền Nam gửi về thêm”… Không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, chị em cũng ít tụ tập nhai trầu, đàn ông cũng bớt rượu chè, người Đan Lai ở bản Cửa Rào hiện ai cũng hăng say làm việc. Nói chuyện một lúc, bà Nguyệt cáo lỗi cùng khách để đi vệ sinh chuồng trại, cho lợn ăn. Vườn nhà vài loại cây ăn quả như xoài, nhãn, mít đã bói trái.
Mấy hôm nay, bản Cửa Rào có thêm niềm vui mới. Đó là, phần đất trống 14,3 ha trước bản được khai hoang phục hóa, cải tạo thành ruộng. Mỗi hộ dân Đan Lai được giao thêm vài sào. Trên cánh đồng au au màu đất mới, anh La Văn Sơn và anh La Văn Thành thúc bò nắn nót đường cày. Anh La Văn Sơn, 43 tuổi đưa tay quyệt dòng mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm tàn tích những ngày sống trong rừng hoang nước độc cho biết: Ruộng hai nhà cạnh nhau mà bò thì có một con nên cày chung. Đất mới phải cày xới thật kỹ, trước phải trồng rau màu, trỉa đậu chứ chưa trồng lúa ngay được. Mà phải làm sớm để cho kịp thời gian vào vụ. Hôm nay, anh em quyết tâm cày xong rồi lên xã gọi cán bộ khuyến nông xuống cấp giống, phân bón cho... Tâm sự chuyện buồn vui trên bờ ruộng, anh La Văn Thành, 46 tuổi chia sẻ: “Bà con ra đây ai cũng đang nghèo, nhưng không còn bị đứt bữa như trước. Đã có nhà biết làm ăn, siêng năng nên tích trữ được vài chục triệu rồi đấy! ”
Trong cách nghĩ, cách làm của những người dân Đan Lai chúng tôi gặp đã thấy hừng hựng quyết tâm bám trụ lại miền đất mới và vươn lên thoát đói nghèo. Ông Nguyễn Văn Dần, trưởng bản Cửa Rào khẳng định: Nhờ được cán bộ Nhà nước, chiến sỹ biên phòng tích cực cầm tay chỉ việc mà người Đan Lai tái định cư đã thích nghi, bắt nhịp được với môi trường mới. Đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tiến bộ rất nhiều: Từ lời ăn tiếng nói, ứng xử, gìn giữ vệ sinh, cho đến có cả xe máy, trâu bò. Học sinh đều được đi học đầy đủ, trong bản có con em Đan Lai đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Nhiều con em được đào tạo nghề rồi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong cả nước. Không còn những cô bé trở thành vợ, thành mẹ khi mới 14 - 15 tuổi nữa. Nhiều người Đan Lai kết hôn với người Thái, người Kinh… Ông Lương Đình Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định: Thực hiện đề án bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai, các cấp chính quyền và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện kế hoạch dự án “Tái định cư người Đan Lai” của Chính phủ, đưa họ ra khỏi rừng đầu nguồn.
Đồng bào Đan Lai đã được tạo điều kiện mở rộng quan hệ giao lưu với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn, con em được đến trường, học hành tốt hơn. Về nơi ở mới mỗi hộ được cấp nhà ngói khang trang, có điện thắp sáng, có nước sạch, được trợ cấp lương thực, thực phẩm trong vòng một năm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục đào tạo tại các khu vực đồng bào Đan Lai sinh sống như bản Búng, Cò Phạt đầu nguồn Khe Khặng đều được đầu tư đồng bộ. Cuộc sống của 1.114 người dân Đan Lai ở xã Môn Sơn giờ đã thoát khỏi cảnh lang thang nơi núi thẳm.
Rời Môn Sơn, chúng tôi về thăm xã Thạch Ngàn, đúng dịp vừa tròn 5 năm kể từ ngày 42 hộ người Đan Lai chuyển tới bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Thạch Sơn đã đúng như tên gọi, kinh tế, văn hóa xã hội vững vàng lắm: Vụ lúa, vụ ngô trồng vụ nào trúng vụ ấy nên khắp bản nhà nào cũng lúa, ngô, sắn khoai đầy nhà. Người Đan Lai giờ ngoài nuôi lợn, gà, trâu bò, còn thả cá và trồng rừng nguyên liệu. Nơi đây, nhiều gia đình đã thành triệu phú. Bây giờ, nước mắt buồn tủi không còn rơi mà chỉ có giọt vui sướng. Những người dân Đan Lai chúng tôi gặp đều bày tỏ: Ơn Đảng, Nhà nước, cán bộ, bộ đội biên phòng nhiều, nhiều lắm…Cuộc trốn chạy ám ảnh truyền thuyết cũ đã kết thúc; một hành trình mới đi lên đang bắt đầu.
Ghi chép: Nhóm Phóng viên
Theo Baonghean.vn
|