Ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, khi nói đến chuyện học, người ta thường kể về một gia đình đã “sản sinh” ra những “ông nghè” hiện đại: GS Phạm Đình Thái (SN 1936), TS Phạm Quốc Ca (SN 1952), TS Phạm Tuấn Vũ (SN 1958)…
Gia đình nhỏ của TS Phạm Quốc Ca
“Đội bom đi học”
Ngồi với TS Phạm Quốc Ca giữa một chiều Đà Lạt yên ắng, hỏi chuyện học hành, đỗ đạt của các anh em ông, ông nói: “Với chúng tôi, việc học thật sự là niềm vui, là niềm đam mê vươn tới”. TS Ca kể, thời chiến tranh, gia cảnh quá nghèo, có được chỗ ngồi học đàng hoàng là giấc mơ xa xỉ nên mấy anh em ông “thiết kế” cánh cửa gỗ cũ, đặt nằm ngang dưới hầm làm bàn, ánh đèn không đủ soi trang sách. Ở lứa tuổi lên năm lên bảy, những “ông nghè” tương lai này đã say mê đọc, nhiều lần đến bữa cơm, người mẹ hết gọi đến gắt lên, mấy anh em mới chịu rời trang sách. Niềm đam mê học hành ngay từ thuở bé ấy, theo TS Ca, khởi nguồn từ những lần nghe trộm cha đàm đạo về thơ Đường, thơ chữ Hán với các cụ đồ. “May mắn hơn, lúc đó cơ quan phát hành sách của huyện lại gửi kho sách… đúng gia đình tôi, anh em tôi như “chuột sa chĩnh gạo”. Rảnh giờ nào là kéo nhau chui vào một góc, cắm mặt ngấu nghiến từng trang” - TS Ca nhớ lại.
Học tập trong tiếng bom, tiếng pháo và tiếng máy bay gầm rít nên năm 1967, nhà thơ Tố Hữu trong một lần đến thăm mảnh đất này đã phải ví von hoàn cảnh của học sinh ở quê ông: “Đúng là đội bom đi học”. Không chỉ thế, các “ông nghè” họ Phạm còn tự đặt mình vào trọng trách của một chiến sĩ nhỏ. Nhiều lần đang học, nghe máy bay quần đảo, đợi ngớt loạt bom, là họ lật đật gấp vội bút sách, chân đất lao đến trận địa cứu thương. Có khi cứu thương xong quay về, thấy sách vở bị đạn bom dội trúng, các chiến sĩ nhỏ nhìn nhau mếu máo, tiếc ngẩn ngơ… “Hồi ấy, anh em ham học một phần khác còn nhờ ảnh hưởng tinh thần hiếu học của anh Thái”, TS Phạm Quốc Ca chậm rãi. Nhắc đến GS Phạm Đình Thái, ít ai biết thời niên thiếu, trường trung học xa nhà hơn 30 cây số, ông vẫn lội bộ đi - về và để có tiền ăn học, cậu học trò này còn tranh thủ rảnh rỗi đi chở gạch thuê... Sự học của các “ông nghè” được thầy giáo Nguyễn Trọng Bản - người bạn và cũng là người thầy thuở xưa, hiện sống tại xã Diễn Kỷ, tóm gọn: “Những ngày giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại, ở Diễn Châu, các “ông nghè” họ Phạm là đại diện tiêu biểu cho thế hệ học trò “đội bom đi học”.
TS Phạm Quốc Ca bên anh trai - GS Phạm Đình Thái
Mùa quả ngọt
Vượt qua muôn vàn gian nan và cả lằn ranh mong manh của sự sống chết giữa hòn tên mũi đạn, các “ông nghè” họ Phạm đã thu về những mùa quả ngọt. GS Phạm Đình Thái thuộc lớp nghiên cứu sinh đầu tiên được Nhà nước cử đi Liên Xô học. 28 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ Sinh học ở Trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp, trở về giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông được phong hàm Phó GS và trở thành GS năm 1986. Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Bộ Giáo dục, thành viên Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam… TS Phạm Tuấn Vũ bảo vệ xuất sắc luận án TS tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2003, hiện là Trưởng bộ môn Văn học trung đại Việt Nam tại ĐH Vinh. Nhiều công trình của ông đoạt giải thưởng và được đánh giá xuất sắc.
Nhắc đến bản thân, TS Ca cười tươi kể một kỷ niệm. Năm 15 tuổi, cậu học trò Phạm Quốc Ca vinh dự được đại diện cho thiếu nhi huyện tham gia Đại hội thi đua chống Mỹ cứu nước, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen và còn được Bác Hồ tặng thưởng. “Hồi đó, tôi nhận được một cuốn sổ tay rất đẹp với dòng chữ tự tay Người viết bằng bút mực: “Phần thưởng của Bác Hồ tặng cháu Phạm Quốc Ca”. Nâng niu cuốn sách, tôi như người đi trên mây, lâng lâng cảm giác vui sướng” - ông kể. Năm 1970, Phạm Quốc Ca nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ rồi chuyển sang chiến trường Campuchia. Xuất ngũ, ông tiếp tục con đường học vấn và chọn Trường ĐH Đà Lạt làm nơi dừng chân. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận án TS. “Bây giờ, dù đã nghỉ hưu theo chế độ rồi, nhưng cả tôi và anh Thái vẫn say mê nghiên cứu, người hưu chớ nghề không hưu!”, TS Ca nói.
TS Phạm Quốc Ca
Giữ “bếp lửa” truyền thống
Như lời thầy Nguyễn Trọng Bản nhận xét: “Sự học trong gia đình này đã trở thành truyền thống, được con cháu các “ông nghè” tiếp nối, phát huy và đều đỗ đạt thành danh”. Hai người con của GS Thái gồm Phạm Hà Châu - hiện là giáo viên Trường Giáo dục thực nghiệm Hà Nội, và Phạm Triều Dương đang là TS giảng dạy ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. ThS Phạm Quang Huy - con của TS Ca cũng đang là giảng viên Trường ĐH Đà Lạt. Riêng cậu con trai của “ông nghè” Phạm Tuấn Vũ là Phạm Tuấn Hiển đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội...
TS Ca tâm sự: “Thành công của chúng tôi hôm nay là từ sự hy sinh thầm lặng của người khác. Đó là món nợ ân tình mà nếu mỗi người làm khoa học không mắc nợ thì có lẽ khó thành công”. Sự hy sinh đó đến từ những người phụ nữ là mẹ, là vợ luôn đồng hành, để động viên, hy sinh cho đam mê và sự nghiệp của con, của chồng. “Người hy sinh lớn lao nhất là mẹ tôi. Bố tôi mất sớm nên mẹ rất vất vả mới có thể nuôi dạy được chúng tôi. Để con có thời gian rèn chữ, bà phải gánh cả công việc của đàn ông từ cày bừa, đánh tranh, lợp nhà, khuân vác…; rồi cả việc thu vén, ứng xử với họ hàng, láng giềng trọn vẹn”. Chùng lại giây lát, bất giác TS Ca rưng rưng: “Tôi còn một người anh là liệt sĩ Phạm Văn Cừ, sinh thời học rất giỏi, hát rất hay. Ngày anh hành quân vào Nam, có ghé thăm nhà chừng mươi phút, mẹ tôi mừng rỡ ôm con khóc. Không ngờ, đó là mươi phút cuối cùng bà còn thấy con trai. Đến nay, sau nhiều lần tìm kiếm, chúng tôi vẫn chưa có tin tức gì về phần mộ của anh, nên chỉ biết đến nơi anh ngã xuống ở vùng rừng căn cứ Trung ương Cục Tây Ninh lấy về một nắm đất thờ phụng”…