Chúng ta đã chiến thắng kẻ thù, bởi trong những ngày tháng mưa bom, bão lửa không ngớt ấy, một con đường vẫn sống, vẫn luôn luôn hiện lên phía trước để những đoàn xe vượt qua ngã ba mang theo hàng hóa và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh thắng đế quốc xâm lược.
Chúng ta đã chiến thắng, vì kẻ thù muốn khai tử một tên gọi Ngã ba Đồng Lộc nhưng hàng nghìn, hàng vạn người bất chấp đạn bom, đã sống và chiến đấu, làm việc hăng say, sôi nổi. Chúng ta đã chiến thắng bởi chỉ trong 5 tháng, các lực lượng pháo đã bắn rơi 14 máy bay, trong 7 tháng năm 1968, các lực lượng công binh đã phá 1.780 quả bom, các lực lượng TNXP, công nhân giao thông đã góp 974.000 ngày công để thông tuyến, làm đường mới từ Tùng Cốc đi Truông Kén, từ Khiêm Ích đi Bãi Dịa, Eo út, Khe Giao... Quân và dân các xã đã góp hàng trăm ngàn ngày công để thông đường.
|
Đêm Đồng Lộc. Ảnh: Đậu Bình |
Bác Hồ đã nhận xét: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Ngọn lửa của lòng yêu nước đã từng cháy sáng trong trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công nhân, TNXP, lái xe trong cả nước và nhân dân Hà Tĩnh, nhân dân Can Lộc, là ngọn lửa được lưu truyền và gìn giữ từ cha ông. Nó âm ỉ cháy giữa bao lo toan, vướng bận đời thường và bùng lên dữ dội khi Tổ quốc lâm nguy. Ngọn lửa ấy thúc giục bước chân nhanh của chị La Thị Tám, sự xả thân của anh Lê Đăng Dương, Võ Xuân Tài, Võ Triều Chung. Ngọn lửa ấy tiếp thêm sức mạnh phi thường cho anh Vương Đình Nhỏ, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Đình Cứ, chị Thái Thị Cương, Nguyễn Thị Lân v.v… Sức mạnh của tình yêu Tổ quốc đã truyền vào khối óc, trái tim họ, giúp cho đôi mắt tinh nhanh phát hiện bom địch, giúp cho cánh tay đào đất, đẩy xe không biết mệt. Sức mạnh của lòng yêu nước khiến họ không sợ chết, dù nó đang cận kề. Trong khói lửa chết chóc, trong nắng nung mưa dội, trong bụi đất cuộn đỏ của những con đường bị cày đi xới lại vẫn luôn cháy sáng lên niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính nghĩa và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Trong bức thư gửi mẹ, chị Võ Thị Tần đã viết: “Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con.
Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc đến nay còn lưu giữ biết bao câu chuyện của lòng yêu nước. Mặc dầu chính bản thân của những người đã viết nên những câu chuyện đó chưa bao giờ nói đến 3 chữ ấy. Đó là câu chuyện của “vua” phá bom Vương Đình Nhỏ hàng ngày đối mặt với cái chết; đó là sự tích Cầu Tối hay còn gọi là cầu Dương Tài; đó là câu chuyện của dũng sĩ lái máy ủi Uông Xuân Lý khi nhận nhiệm vụ gạt ủi 2 quả bom nằm sâu trong lòng đất để thông đường, thông xe, là câu nói với đồng đội: “Tôi biết chết là cái chắc, các cậu người đã có vợ, người đã có con, lại chưa có kinh nghiệm và tay nghề nên hãy để tôi làm việc này...”. Với họ, thông đường cho xe ra tiền tuyến là mệnh lệnh tối cao nhất, là lời thúc giục mạnh mẽ nhất trong lồng ngực. Đặc biệt, 10 nữ anh hùng hóa thân thành bất tử nơi đây đã thành huyền thoại linh thiêng trong lòng dân nước Việt.
Không chỉ có lực lượng TNXP dũng cảm quên mình mà hơn 1.000 chiến sĩ của Trung đoàn pháo 210, Tiểu đội pháo cao xạ bộ đội địa phương, Tổ máy gạt Uông Xuân Lý, Tổ máy gạt I Cục công trình I - Bộ Giao thông, hàng nghìn dân quân và người dân các xã: Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Đồng Lộc, Phú Lộc, những người lái xe của các đoàn vận tải... cũng đã làm theo mệnh lệnh của trái tim yêu nước, bất chấp gian khổ, hy sinh góp phần mình vào chiến thắng. Trung đoàn pháo 210 có 122 người hy sinh, trong đó có 5/6 đại đội trưởng nhưng những người còn lại không ai rời mâm pháo khi chưa có lệnh của trên.
|
Di vật chiến tranh |
Không ai trong số hàng nghìn, hàng vạn người từng chiến đấu nơi đây lại không thiết tha yêu cuộc sống, nhưng khi vận mệnh dân tộc đang treo trên sợi tóc, họ đã vui vẻ giã từ cha mẹ, người thân, giã từ cánh đồng làng, con sông quê, bờ tre trước ngõ đến tuyến lửa, sẵn sàng đối mặt với cái chết khi tóc còn xanh, áo chưa vướng bụi đời. Họ cũng vui vẻ nhường nhà, nhường thóc gạo, ngô khoai, nơi ăn, chốn ở cho các lực lượng làm đường và chiến đấu. Họ gánh tấp bổi, tre nứa, gỗ lạt, nhà cửa để chống lầy cho xe... Họ đã đoàn kết gắn bó, phối hợp chặt chẽ với nhau, dốc hết sức lực, trí tuệ và tuổi trẻ của mình vào cuộc chiến đấu, tạo nên sức mạnh tổng hợp như hàng nghìn con suối đổ nước vào một dòng thác lớn “lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Yêu nước nên họ luôn yêu đời, lạc quan. Những câu thơ của tác giả Thanh Bính (Yến Thanh) được viết trong những ngày tháng ấy đầy chân thực mà cũng rất bay bổng, lãng mạn:
Khi em đi, trăng đứng đợi trên đèo
Khi em về, trăng lại ngả về theo
Trong cuốn sổ lưu niệm của chị Nguyễn Thị Hường ở Tiểu đội 4-C552 Tổng đội TNXP 55 hiện sống tại số nhà 26, ngõ 20 đường Nguyễn Huy Tự (TP Hà Tĩnh) còn có những dòng lưu bút của các liệt sĩ Hồ Thị Cúc, Trần Thị Rạng, Trần Thị Hường, Võ Thị Hà. Chị Rạng viết: “Nhớ những buổi hoàng hôn trăng sáng, hai ta cùng nằm giữa sân nơi mảnh đất Phú Lộc, hai ta cùng nói về tương lai tuổi trẻ và cuộc đời của ta tới sau này, bây giờ Hường lại ra đi... Rạng ở lại hứa với Hường làm tròn nhiệm vụ... chờ ngày thống nhất ta sẽ gặp nhau trên quê hương”. Lãng mạn và bay bổng hơn, chị Trần Thị Hường viết: “Chúc Hường cánh bằng lướt gió ra khơi. Bay cho mau đến bến bờ, cho rặng rỡ một đời tình nguyện”.
Lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm đánh Mỹ cao độ, tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, ý thức tổ chức kỷ luật và tâm hồn lạc quan phơi phới của hàng nghìn chàng trai, cô gái tuổi 20, năm 1968 đã làm nên chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc vang dội núi sông, vọng mãi đến mai sau. Sau 45 năm, chúng ta hiểu thêm bài học của chiến thắng và từ đó rút ra bài học cho cuộc chiến đấu mới trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu để làm giàu cho đất nước, quê hương, thỏa nguyện linh hồn những anh hùng liệt sĩ đã hòa quyện xương máu vào đất đai Đồng Lộc, xứng đáng với mồ hôi và công sức của hàng vạn người đã đổ xuống trên mảnh đất này. Đó là những bài học vô giá không chỉ có ý nghĩa với hôm nay mà còn là di sản tinh thần đối với thế hệ mai sau.
BÙI MINH HUỆ
theo hà tĩnhonline