Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày 13 TNXP ngã xuống ở Truông Bồn - trước thời điểm Mỹ thực hiện “ném bom hạn chế” miền Bắc vài giờ. Ký ức đau thương ấy vẫn hằn nguyên trong tâm trí của tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.
Cựu nữ TNPX Trần Thị Thông - người sống sót duy nhất của tiểu đội 2, C317 TNXP Nghệ An trong trận bom ngày 31/10/1968 khiến 13 người hy sinh
Sống bám cầu, bám đường…
Từ quê lúa Yên Thành, Trần Thị Thông (SN 1944) xung phong vào lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An. Sau một thời gian tham gia mở đường tại Tân Kỳ, Cầu Cấm (Nghi Lộc), Rú Gang - Rú Đụn, Nam Thượng (Nam Đàn)… đại đội TNXP 317 được điều động về Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An).
Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường phía Nam. Bởi vậy đây cũng là điểm bị địch đánh phá ác liệt. “Ngày chúng tôi được lệnh lên đây mở đường, con đường huyết mạch giao thông chỉ là một đường chật hẹp, ô tô chạy như “lướt trên ngọn cây”. Lực lượng TNXP chúng tôi có nhiệm vụ mở rộng đường, san lấp các hố bom, đảm bảo cho con đường huyết mạch này được thông suốt dưới sự quần đảo suốt ngày đêm của máy bay Mỹ”, tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nhớ lại.
Ban ngày, các nữ TNXP đi học văn hóa hay sinh hoạt tiểu đội. Đêm, tất cả đều ra bám mặt đường. Hễ máy bay ném bom, lập tức nhảy xuống hầm trú ẩn, dứt loạt bom lại lên san lấp hố bom, thông đường. Mỗi ngày, không biết địch đã rải xuống điểm giao thông huyết mạch này bao nhiêu bom bi, bom từ trường để chặn đứng con đường chi viện vào Nam. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, dưới sự quả cảm, gan dạ của lực lượng công binh và TNXP, giao thông đã được nối lại, từng đoàn xe rầm rập chạy vào Nam.
Ngày 1/11/1968, Mỹ sẽ thực hiện “ném bom hạn chế” miền Bắc Việt Nam. Hết ngày 31/10, nhiều người trong tiểu đội của chị Thông sẽ đi học đại học, chị Nguyễn Thị Tâm sẽ về quê để chuẩn bị lập gia đình. Ai cũng háo hức đợi đến thời khắc Mỹ ngừng ném bom. Thế nhưng, tối 29/10, những loạt bom chát chúa tiếp tục được ném như vãi trấu xuống Truông Bồn. Các chị vẫn ra đường như thường lệ.
“Sáng ngày 31/10, sau thời gian ít ỏi được chợp mắt, trực ban báo huy động anh em ra giải phóng đường. Nghĩ mai đã là ngày bắt đầu Mỹ thực hiện ném bom hạn chế nên chúng tôi đều chấp hành lệnh, tiếp tục bám đường phá bom, san lấp hố bom. Thế nhưng, đó cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy những đồng đội của mình”, bà Thông đau đớn nhớ lại.
Sáng ngày 31/10, khi đang cặm cụi san lấp hố bom thì máy bay Mỹ tới quần đảo trên đầu. Một loạt bom xé gió lao tới khu vực tiểu đội 2 đang làm việc. Tất cả nhảy xuống hầm trú ẩn nhưng chỉ duy nhất 1 trong 13 người của tiểu đội may mắn sống sót (gồm 11 cô gái và 2 chàng trai).
“Tôi nhớ anh Hòa (Cao Ngọc Hòa) và Vinh (Đinh Thị Vinh) nhảy xuống hầm trước, tôi nhảy xuống sau. Bom nổ đinh tai nhức óc, đất đá đổ xuống đầu, tôi lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong nhà mẹ Thởm. Mọi người hi sinh hết rồi, chỉ tìm thấy thi thể của 4 người thôi, 7 người còn lại đã hòa vào đất cát cả rồi”, bà Thông bật khóc.
Đi tìm lịch sử
Cái ngày đau thương ấy bà không bao giờ quên bởi 11 đồng đội của mình đã ngã xuống cùng một thời khắc để bảo vệ cung đường huyết mạch này. Thế nhưng, gần 40 năm sau, lịch sử của sự hi sinh anh dũng đó mới được người ta tìm kiếm và biết đến. Vậy mà, không biết vô tình hay cố ý, trong một bộ phim tài liệu, một người phụ nữ đã xuất hiện với tư cách là nhân chứng sống sót của trận bom kinh hoàng sáng ngày 31/10/1968.
“Hôm đó, tôi tình cờ xem bộ phim tài liệu nói về Truông Bồn và 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống. Một người phụ nữ xuất hiện trong phim được giới thiệu là tiểu đội phó tiểu đội 2 - nhân chứng sống sót duy nhất sau trận bom ấy. Tôi đã sốc rất nhiều. Người ta đã làm sai lệch lịch sử. Người phụ nữ trong phim không phải là TNXP của tiểu đội 2 và người sống sót duy nhất sau trận bom ấy chính là tôi chứ không phải là ai khác”, bà tâm sự.
Không thể để lịch sử bị làm sai lệch, bà đã làm cái điều mà để đến bây giờ nhiều người vẫn dị nghị rằng vì bà muốn tranh công, muốn được nổi tiếng. Nhưng may mắn, chồng bà - cũng là một người lính - luôn sát cánh bên vợ để mọi người nhìn nhận đúng đắn hơn về sự thật của những ngày ác liệt của Truông Bồn. Cuối cùng, với nỗ lực của bà, lịch sử về cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và sự hi sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 2, C 317, TNXP Nghệ An đã được nhìn nhận một cách chính xác.
Người phụ nữ xuất hiện trong những thước phim tư liệu ấy cũng đã khóc, xin lỗi bà. Bà cười mãn nguyện. Điều quan trọng nhất đối với bà là sự hi sinh của đồng đội trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của 13 TNXP Truông Bồn.
Câu chuyện tình yêu của cô TNXP và anh lính hành quân qua Truông Bồn
Sau trận bom kinh hoàng sáng ngày 31/10/1968, tiểu đội trưởng Trần Thị Thông bị thương nặng do sức ép của bom. Hết thời gian điều trị, chị được chuyển về đơn vị thu dung để tiếp tục dưỡng thương. Đầu năm 1969, chị Thông cùng với một số chị em thương, bệnh binh khác được cấp trên tạo điều kiện về công tác tại Xí nghiệp may mặc Việt Đức (Tp Vinh).
Chị cùng 2 chị em khác được bố trí ở trong nhà ông bà Lê Văn Đèo - một gia đình có con trai đang chiến đấu ngoài chiến trường. Chị cũng đã từng yêu, từng mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng người con trai ấy đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Đau thương, mất mát, chị tưởng rằng trái tim mình không thể rung động thêm lần nào nữa nhưng rồi chị lại yêu. Người ấy không ai khác chính là anh con trai của ông Đèo, và như một sự tình cờ, người lính ấy và chị đã từng gặp gỡ nhau tại cung đường ác liệt Truông Bồn.
“Về ở nhà ông bà, chúng tôi xin nhận các cụ là bố mẹ nuôi. Các con gái lấy chồng xa, con trai đi chiến trận nên các cụ vui vẻ đồng ý. Lần ấy, cụ ông ốm nặng, sợ không qua khỏi, người thân đánh điện cho anh con trai đang ở trong chiến trường. Anh ấy về, lúc ấy tôi cũng chưa nhận ra người lính quân y mình đã gặp ở Truông Bồn, cũng chưa nảy sinh tình cảm gì. Nhưng ở đời, chẳng ai ngờ được. Chính anh ấy đã trở thành chồng tôi sau này”, bà Thông nhớ lại.
Qua những câu chuyện với các “cô em nuôi”, anh Lê Hải Diên (con cụ Đèo) biết được rằng các cô đã từng đảm trách nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở Truông Bồn. Một lần, chiếc xe chở lính đi qua Truông Bồn bị thụt xuống hố bom và được các nữ TNXP giúp kéo lên. “Có ai người Hưng Nguyên không?” - một giọng nam vang lên. Chị Thông đáp lời “Ở đây chỉ có người Yên Thành”. “Cũng là đồng hương cả”. Anh bộ đội có nhờ các cô TNXP chuyển giúp một lá thư về cho gia đình. Anh bộ đội ấy chính là Lê Hải Diên.
Từ lòng biết ơn cô TNXP đã chăm sóc bố mẹ khi mình vắng nhà, cảm phục trước tấm gương chiến đấu, bảo vệ đường của chị Thông, anh Diên bắt đầu nhen nhóm tình cảm với “cô em nuôi”. Hết ngày phép, anh lên đường vào đơn vị, chị cũng chẳng dám nghĩ gì xa xôi. Thế nhưng khi nhận được những lá thư bày tỏ tình cảm của anh Diên gửi về, trong lòng chị lại xốn xang thứ tình cảm khác lạ.
“Hồi đó, anh ấy tấn công tôi khiếp lắm. Lá thư nào gửi về cũng sực nức mùi nước hoa” bà cười hóm hỉnh. Nghe vợ nói thế, ông Diên chỉ cười: “Thì hồi đó, bà ấy đẹp, còn tôi thì xấu trai. Phải gây ấn tượng như thế mới tán đổ được chứ. Chiến tranh, nước hoa có phải dễ kiếm đâu”. Mỗi bức thư viết xong, ông đều dùng bông thấm nước hoa ép vào góc thư và gửi về. Tình yêu được nhen nhóm và nối dài bằng những cánh thư. Đến năm 1970 thì hai người làm lễ cưới.
4 đứa con lần lượt ra đời. Hai người lính năm xưa lại trở về chiến đấu trên mặt trận chống đói nghèo, nuôi các con ăn học, trưởng thành. Ở cái tuổi gần 70, hai ông bà vẫn phải cặm cụi ngoài đồng để không phải làm phiền đến con cháu. Vậy nhưng chẳng ai than thở lấy một lời, bởi lẽ, với bà, được sống, được có một mái ấm hạnh phúc đã là một điều may mắn hơn các chị em cùng tiểu đội đã ngã xuống.
“Nhiều lúc cuộc sống khó khăn cũng muốn buông xuôi, muốn gục ngã nhưng nếu như thế thì có lỗi với vong linh của những anh chị em đã ngã xuống”, bà tâm sự. 13 liệt sỹ TNXP Truông Bồn đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành xây dựng một “căn nhà chung” to đẹp, bề thế ở chính cái nơi các anh chị đã ngã xuống. Nhưng ngay trong ngôi nhà nhỏ của bà Thông, chiếc bàn thờ nhỏ thờ chung mọi người vẫn sáng đèn từng đêm như thể họ vẫn luôn sát cánh bên nhau.