Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Bùi Cầm Hổ xử vụ án bát canh lươn Bùi Cầm Hổ xử vụ án bát canh lươn , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

Trong lĩnh vực hình án của nước Nam xưa, ngoài những án lệ thông thường, có nhiều vụ đòi hỏi sự xét đoán cẩn trọng và tài năng của quan bộ Hình.

Cũng có trường hợp, một nho sinh chưa có quan tước gì nhờ óc suy việc tinh tường mà cứu sống mạng người suýt bị khép tội oan. Đó là trường hợp của Bùi Cầm Hổ.

Sinh ra trong tiếng hổ gầm

Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483) là người xã Độ Liêu, huyện Thiên Lộc (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Hành trạng của ông được Phan Huy Chú ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí như sau: “Ông người làng Độ Liêu, huyện Thiên Lộc. Đầu năm Thiệu Bình đời Thái Tông, ông vì có Nho học được tiến dụng, làm Ngự sử trung thừa. Ông cứng cỏi ngay thẳng, bạo nói, không sợ quyền thế”.  Theo Đại Nam nhất thống chí, phần Nghệ An chí cho hay, tiên tổ của ông vốn là người huyện Kim Thành, trấn Hải Dương, vì đi vận tải quân lương vào Nghệ An, lấy vợ ở xã Thạch Khê rồi ở lại đó. Sau con cháu dời đến ở xã Độ Liêu mà lập nghiệp lâu dài.

Về sự ra đời và tên gọi của ông, cũng có điều đáng lưu ý. Trong bài Bùi ngự công chí lược của vị quan cùng họ là Hiệp trấn Tồn Am Bùi Huy Bích, người đất Thanh Trì, Hà Nội cuối thời Lê trung hưng có ghi lại sự việc: “Lúc người mẹ ông lâm bồn, trong nhà tự nhiên có tiếng hổ gầm rung động đất đai, kinh hãi mà sinh ra ông. Nhưng mà tường vách vẫn y nguyên như chưa từng có hổ vậy. Bố ông lấy làm lạ, bèn đặt tên cho ông là Cầm Hổ”, có nghĩa là bắt được hổ.  Cha ông ta thường bảo “tên ứng với người”, trường hợp của Bùi Cầm Hổ phần nào đúng như vậy. Họ Bùi khi làm quan nhà Lê, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, nào An phủ sứ trấn Lạng Sơn, Ngự sử trung thừa, Tham tri chính sự. Năm Mậu Ngọ (1438) lại sung chức Phó sứ, thay mặt quốc gia sang nhà Minh tâu bày chuyện biên giới phía Bắc… Nhưng làm quan ở bất cứ vị trí nào, ông đều nổi tiếng là “một nhân vật cương trực dám nói, không cần né tránh quyền thế” (Trích Ngự chế Việt sử tổng vịnh), thật đúng với tên gọi thể hiện thần thái con người ông. Điểm qua những việc làm của Bùi Cầm Hổ ở chốn quan trường, quả thật nghiệm.

Bình sinh trong nghiệp làm quan trải ba đời vua Lê từ Thái Tổ, Thái Tông tới Nhân Tông, quan họ Bùi luôn được các vua Lê tin tưởng, trọng dụng bởi khí phách của mình. Đơn cử như đề nghị vua Thái Tổ phát lương thực cho dân vay ăn thay vì tích trữ trong kho để mục nát. Hay sẵn sàng ngược ý với Đại tư đồ Lê Sát trong việc từ chối bổ dụng những kẻ như Lê Quốc Khí, Trình Bá Hoành, Lê Đức Dư có tài mà thiếu đức năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời Thái Tông, đến nỗi bị Lê Sát âm mưu đẩy đi trấn trị nơi biên viễn. Khi Lê Sát suýt bị vua khép tội chết vì thói gian nịnh, ông không vì tình riêng, sẵn sàng can ngăn vua vì cớ Sát từng làm đại thần. Rồi trường hợp Lương Đăng là hoạn quan được sai chế định nhã nhạc, Lê Chữ là lính bắn nỏ được làm quan, ông đều dâng sớ can ngăn. Vua dù không làm theo nhưng vẫn kiêng nể lòng trung của ông… Những việc làm ngay thẳng vì việc nước của ông kể ra thực nhiều lắm. Thế nên, trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức trân trọng xếp ông vào hàng Hiền thần, lại vịnh thơ rằng:


 
“Bá đài trâm bút ức quyền hào,
Nhất trích hà khuy tố tiết thao.
Cánh vị bình chương tồn quốc thể,
Hoàn đồng tích nhật giải oan hào”.
Dịch thơ:
“Bút trâm đài gián chống quyền hào,
Trích biếm càng thêm rạng tiết cao (1).
Giao thiệp bảo tồn uy thể nước,
Khác chi ngày trước giải oan hào (2)”.

“Oan hào” được nhắc đến trong bài thơ trên chính là vụ án bát canh lươn nổi tiếng khắp thời Lê, cũng nhờ đấy giúp cho họ Bùi tiến vào chốn quan trường bằng thực lực được kiểm chứng thay vì qua con đường bút nghiên.

 
Đền Đô Đài thờ danh nhân Bùi Cầm Hổ.

Uẩn tình một bát canh lươn

Bình sinh, nhà Bùi Cầm Hổ rất nghèo, khi bé đi chăn trâu độ nhật qua ngày. Đến lúc lớn lên, do ham học, ông ra đất Thăng Long theo đòi nghiệp bút nghiên. Trong thời gian trọ học đất kinh kỳ, xảy ra vụ án  được nhiều người biết tới.

Dạo ấy, ở Thăng Long có một người đi buôn bán, làm ăn ở xa về nhà. Người vợ lâu ngày gặp chồng lấy làm mừng, bèn mua lươn nấu canh cho chồng ăn để tỏ lòng phu phụ. Nhưng nghiệt thay, canh nấu xong dâng lên, anh chồng vừa ăn xong đã lăn đùng ra tắc tử. Bởi lươn mà chị vợ mua về nấu cho chồng, thực ra là một loài rắn có nọc độc, nhưng thân hình cũng có sắc vàng chẳng khác gì lươn, dễ gây nhầm lẫn.

Họ hàng nhà người chồng ngờ rằng cô vợ ngoại tình, sợ chồng biết được mới đánh thuốc độc giết chồng, nên tố cáo lên quan hữu ty (cấp chính quyền địa phương thời bấy giờ) bắt tội người quả phụ bất đắc dĩ kia. Người vợ dù bị oan, nhưng chứng cứ bát canh lươn giết chồng còn đó, không biết làm sao thanh minh được, bị bắt vào ngục chờ ngày xử. Nghe kể lại sự vụ, Bùi Cầm Hổ vốn xuất thân từ vùng quê, biết được các loài thủy tộc nơi đồng ruộng, ông chắc rằng người đàn bà ấy bị oan, nên nói với bạn đồng môn:

- Nếu ta là quan pháp ty nhất định xét rõ được án ngờ này.

Lời ấy đến tai quan hữu ty. Đang lúc không biết xét xử thế nào cho đúng người, đúng việc, liền mời ông đến hỏi chuyện. Bùi Cầm Hổ cho người lùng các chợ trong kinh thành, hễ thấy con lươn sắc vàng lẫn đen mà cổ có chấm lốm đốm, lại hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc thì mua đem về. Ông lại cho người làm thịt những con lươn ấy nấu canh, xong đề nghị quan pháp ty thử cho tử tù ăn. Các tử tù vừa nuốt xong canh, mắt đã trợn trừng chết ngay. Chứng kiến rõ ràng, quan xét án mới biết người đàn bà kia bị oan, vô tình làm chết chồng, bèn tha ngay. Tài năng của Bùi Cầm Hổ được tâu lên với triều đình, vua Lê vốn trọng hiền tài, liền đặc cách bổ dụng cho ông làm quan không qua thi cử. Điển tích về việc xử án thay quan của ông, đời sau được Hiệp trấn Tồn Am Bùi Huy Bích khi đến thăm đền thờ ông ngợi ca là:


 
“Bùi công Cầm Hổ hữu nghiêm từ,
Bạch Tỵ sơn biên thục lục ly.
Đài gián phòng quy tiền sử kiến,
Thần quân tích tự dã nhân tri.
Xà canh đoán ngục truyền di sự,
Khê thủy kiều điền tự vãng kỳ.
Danh tích khả đăng hương hoạn lục,
Chích kê đẩu tửu ngụ hà ty (tư)”.
Dịch thơ:
“Đền thờ cụ Hổ trang nghiêm,
Bạch Tỵ vách núi xanh rờn cỏ cây.
Nhớ xưa can gián thẳng ngay,
Trong triều ngoài nội đó đây tiếng đồn.
Vụ án “canh rắn” còn truyền,
Nước khe tưới ruộng vẫn tuôn dạt dào.
Tên trong hương lục nêu cao,
Lễ dâng gà rượu, xiết bao kính thành”.
(Mai Xuân Hải dịch, trích theo Nghệ An ký)

Không chỉ có tài xét án, Bùi Cầm Hổ còn có công lớn với dân cố hương trong việc khơi ngòi lấy nước tưới ruộng, như trong Nghệ An ký có ghi: “Xã Độ Liêu và các ngọn núi Hồng Lĩnh có nhiều khe suối, nhưng nước đều chảy về huyện Nghi Xuân, còn đồng ruộng xã Độ Liêu thường bị khô vì hạn. Ông bèn sai đắp một cái đập đá trên núi dẫn nước về tưới hơn một trăm khoảnh ruộng. Từ đó năm nào cũng được mùa, dù đại hạn dữ cũng không việc gì”.

Dân bản xã ghi nhớ ơn ấy, khi ông mất, liền lập đền thờ cúng dưới chân núi Bạch Tỵ (một nhánh của dãy Hồng Lĩnh) tại quê nhà, gọi là đền Ông Ngự sử để ghi nhớ công lao. Trong An Tĩnh cổ lục của Hippolyte Le Breton chép đền có tên là đền Quan Đô Đài. Sự nghiệp và dấu ấn của ông được dân bản xã có thơ rằng:


 
“Hổ hét ra oai hồi mẹ đẻ,
Cháo lươn giải oán cho người oan.
Ngọn cờ phía bắc còn bia tạc,
Khe núi phía nam bởi đá hàn”.

(1) Câu này nhắc việc Bùi Cầm Hổ bị Lê Sát âm mưu đẩy đi trấn trị nơi xa
(2) “Oan hào”: Việc giải oan cho người đàn bà bị kết tội ở trên 

 
Tác giả bài viết: Trần Đình Ba 
Nguồn tin: Báo Pháp Luật & Xã Hội
                                                                                                                                   Theo nghean24h

  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65121073

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July