Hà Tĩnh vốn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, trong đó những di sản trong lòng đất ẩn chứa nhiều thông tin về lịch sử văn hóa vùng miền. Việc phát hiện, sưu tầm các cổ vật, xếp hạng di tích và khai quật các di chỉ khảo cổ góp phần khẳng định những đặc trưng văn hóa quê hương. Trong hành trình tìm lại những giá trị văn hóa – lịch sử đó, Thạc sỹ Nguyễn Trí Sơn là một trong những người có đóng góp tích cực. Ông cũng chính là một trong những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh.
Với trình độ chuyên môn là nghiên cứu lịch sử, văn hóa, thạc sĩ Nguyễn Trí Sơn đã có hàng chục năm gắn bó đời mình với công tác di sản. Trước khi được điều về làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ông đã có nhiều năm cống hiến cho công tác trùng tu, tôn tạo, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tại Phòng Di sản (Sở VH–TT&DL).
Dù ở đâu, ông cũng làm việc với phương châm: phải có kiến thức cùng niềm đam mê tuyệt đối với vốn cổ. Chính kiến thức lịch sử - văn hóa sâu rộng và niềm đam mê với những giá trị văn hóa cổ truyền đã mang lại cho ông những tư liệu vô cùng giá trị. Khai thác các giá trị cổ rất cần đến việc nghiên cứu khoa học nhưng gần dân, gắn bó với nhân dân cũng là một trong những bí quyết thành công của ông.
Ông Sơn cho biết: “Khi đã gắn bó và yêu nghề thì chẳng kể mưa nắng, ngày đêm, bất cứ lúc nào có thông tin là ngay lập tức tôi lên đường để tiếp cận cổ vật cũng như những vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng khảo cổ. Người dân đôi khi chưa hiểu hết ý nghĩa, giá trị của di sản nên họ ứng xử với cổ vật chưa tốt. Trước thực tế đó, chỉ có cách là gần gũi và giải thích để họ hiểu và chấp nhận việc lưu giữ, bảo vật theo Luật Di sản”.
Từ chỗ nắm bắt thông tin ban đầu, ông đã tìm hiểu lịch sử của các di tích và đã góp phần thúc đẩy công tác trùng tu, tôn tạo. Trong 5 năm qua, ông đã trực tiếp làm hồ sơ khoa học xếp hạng cho trên 20 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh như: di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá (xã Sơn Thịnh -Hương Sơn), mộ và nhà thờ Nguyễn Huy Oánh (xã Trường Lộc - Can Lộc), đền Voi Ngựa và chùa Phúc Linh (xã Gia Phố - Hương Khê), nhà thờ họ Phan Tùng Mai (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ)... Bên cạnh đó, ông còn tham gia thẩm định các hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia và cấp tỉnh như: nhà thờ Lê Hầu Tạo (Hương Sơn), mộ và đền thờ Lê Khôi (Thạch Hà), đền thờ Phan Kính, Ngô Phúc Vạn (Can Lộc), đình Đông Thái, nhà thờ họ Mai (Đức Thọ)...; tham mưu về hoạt động quản lý, khai thác các di sản trên địa bàn tỉnh.
Công việc mới ở Bảo tàng tỉnh đã giúp ông Nguyễn Trí Sơn được tiếp xúc nhiều hơn, sâu hơn với các giá trị văn hóa cổ của Hà Tĩnh. Như được tiếp thêm “nhiên liệu” cho niềm đam mê, ông lại rong ruổi qua nhiều miền quê, lại nghiên cứu nhiều hơn về các giá trị di sản.
Hiện nay, ông Nguyễn Trí Sơn cùng đồng nghiệp đang nỗ lực sưu tầm cổ vật để bổ sung cho phòng trưng bày và học tập kinh nghiệm ở các địa phương để phòng trưng bày phát huy hiệu quả.
Ông cũng đang ấp ủ viết một cuốn sách về hệ thống di sản Hà Tĩnh.
PHONG LINH
theo hà tĩnhonline