Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Phan Thái Ất - Người chiến sỹ cách mạng trung kiên Phan Thái Ất - Người chiến sỹ cách mạng trung kiên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean.vn) - Tại Hiệu Yên Xuân (Di tích Lịch sử  -Văn hóa quốc gia) thuộc địa bàn xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) có trưng bày ảnh những chiến sỹ cách mạng thế hệ đầu tiên của huyện Anh Sơn. Nằm ở hàng đầu tiên là ảnh một thanh niên có khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao và ánh mắt cương nghị. Đó là Phan Thái Ất (1894-1967) - Bí thư đầu tiên của Chi bộ Yên Xuân, sau này là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. 



Chân dung chiến sỹ cách mạng Phan Thái Ất (ảnh tư liệu).

Phan Thái Ất là con út trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, thương dân ở làng Yên Xuân (nay thuộc xã Lĩnh Sơn - Anh Sơn). Cụ thân sinh và người chú của ông tham gia phong trào Văn thân, Cần Vương rồi sa vào tay giặc Pháp, bị đánh đập dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Từ nhỏ, Phan Thái Ất đã được chứng kiến cuộc sống khổ cực, lầm than của người dân dưới chế độ thục dân - phong kiến. Cùng với đó là sự tham lam, tàn bạo và bất nhân của bọn cường hào địa phương, tay sai của thực dân Pháp. Lên 8 tuổi, ông đã phải chịu cảnh mồ côi cha và cảnh người mẹ bị bon tay sai tra tấn, lấy kiếm gõ lên đầu thành thương tật. Lòng căm thù được nhen nhóm lên từ đó. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mẹ vẫn cho ông theo học chữ Nho và chữ quốc ngữ. Thầy đồ dạy ông là một người có tư tưởng yêu nước, luôn nêu lên những tâm gương anh hùng kim cổ để giáo dục tinh thần yêu nước cho lớp lớp học trò.  
 
Bước vào lứa tuổi thanh niên, Phan Thái Ất và một vài người bạn thân thường xuyên gặp gỡ để trao đổi những thông tin mới từ sách báo và những thông tin thu thập qua những người tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng. Năm 1922, ông chủ trương thành lập nhóm Tâm giao nhằm mục đích trao đổi thông tin, phổ biến sách báo, thơ ca cổ vũ tinh thần yêu nước. Trong đó, có những tài liệu nói về cách mạng và những bài thơ yêu nước của chí sỹ Phan Bội Châu. Sau đó, các thành viên nhóm Tâm giao quyết định góp ruộng cày chung và hùn vốn mở hiệu thuốc bắc. Hai năm sau, khi số vốn đã tăng lên kha khá, nhóm Tâm giao mở rộng kinh doanh thêm hàng tạp hóa và ngày càng “ăn nên làm ra”. Nhóm quyết định đổi tên thành Hội Ái hữu và mua lại căn nhà gỗ hai tầng, tầng dưới dùng để bán hàng, tầng trên dùng để tiếp khách và nơi đàm đạo của những người cùng chí hướng. Ngôi nhà ấy được đặt tên là Hiệu Yên Xuân.
 
Qua sách báo, mọi người biết được những hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Sau đó, trên cơ sở Hội Ái hữu, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Phan Thái Ất làm Bí thư. Đến tháng 9/1929, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Yên Xuân được chuyển thành chi bộ của tổ chức Đông Dương cộng sản đảng. Đây chính là chi bộ đầu tiên ở Anh Sơn, đồng thời cũng là một trong những chi bộ đầu tiên được thành lập ở vùng nông thôn Nghệ An. Lúc đó, Phan Thái Ất được đồng chí Nguyễn Phong Sắc- Trung ương ủy viên phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ cử làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc hỏi: “Đảng ta giờ mới bắt đầu lập. Địch còn mạnh, hoạt động sẽ rất gian khổ. Anh thử nghĩ xem chúng ta có làm được không? Đã nên làm chưa hay đợi lúc khác?”. Sau một hồi suy nghĩ, Phan Thái Ất  đáp rằng: “Biết là khó nhưng muốn người sau tiếp tục thì chúng ta bây giờ phải bắt đầu làm”.
 
Cuối năm 1929, tại Hội nghị thành lập Tổng Nông hội Nghệ An, Phan Thái Ất tiếp tục được chỉ định làm Bí thư Tổng hội. Ghi nhớ lời dặn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc “Có Đảng rồi phải làm cho dân biết Đảng”, Phan Thái Ất hăng hái đi xây dựng cơ sở Đảng ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành và Diễn Châu. Qua một thời gian hoạt động cách mạng, ông rút ra được một kinh nghiệm quý báu: “Mọi công việc dù nhỏ mà tốt, có ích cho dân đều có ý nghĩa cho Đảng”. 
 
Đầu tháng 12/1929, đang say sưa công tác thì nhận được thư triệu tập của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Phan Thái Ất bàn giao tài liệu cho người anh ruột của mình cũng tham gia hoạt động để xuống Vinh nhận nhiệm vụ mới. Sau một thời gian cùng với một số đồng chí khác (trong đó có Nguyễn Đức Cảnh) giúp việc cho đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Phan Thái Ất được giao vào hoạt động, xây dựng cơ sở ở các tỉnh Nam Trung Bộ cùng lời dặn dò: “Các tỉnh trong ấy công việc vận động mới bắt đầu, địch còn đề phòng gay gắt. Làm cách mạng có nhiều khó khăn. Xa gia đình rồi sẽ rất nhớ. Rồi đây, tất cả chỉ có một mình mình lo, dễ bị nản chí đấy. Phải thật quyết tâm và luôn luôn nghĩ đến Đảng, dựa vào tập thể, vào nhân dân mà làm”.
 
Vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Quy Nhơn, Phan Thái Ất làm đủ nghề như kéo xe, thợ sơn, phu khuân vác, cày thuê, bốc thuốc. Những nghề này vừa giúp ông mưu sinh, vừa có điều kiện để vận động, giác ngộ quần chúng đi theo Đảng và gây dựng cơ sở. Đặc biệt, ở Quảng Ngãi, Phan Thái Ất đã xây dựng được nhiều cơ sở, tiến tới thành lập được Tỉnh ủy lâm thời và ông được giao làm Bí thư. 
 
Lúc này, ở Nghệ-Tĩnh phong trào Xô viết đã bùng nổ, khắp nơi trên dải đất quê hương đồng loạt nổi dậy chống bọn cường hào. Ông mơ thấy cảnh lửa bừng đỏ rực cả dòng Lam, cả Thị xã Vinh và khắp các vùng quê mà ông đã từng góp phần nhóm lên cơ sở. Đầu tháng 10/1930, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ- Tĩnh, Phan Thái Ất chỉ đạo tổ chức biểu tình ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trung tâm chỉ đạo phong trào là huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), quần chúng nhân dân bao vây huyện lỵ, tên Tri huyện phải bỏ trốn. Sau đó, phong trào lan rộng ra khắp các huyện trên địa bàn. Thấy phong trào phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, người chiến sỹ cộng sản quê hương xứ Nghệ ấy tràn ngập niềm vui sướng và thầm gọi: “Nghệ -Tĩnh ơi! Nhân dân Quảng Ngãi đang vùng dậy cùng nhau dưới ngọn cờ của Đảng!”. Nhưng không lâu sau, phong trào bị địch đàn áp, khủng bố dã man, nhiều chiến sỹ cách mạng bị sa vào tay giặc, trong đó có đồng chí Nguyễn Nghiêm- Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ, đường giây liên lạc với cấp trên bị cắt đứt. Phan Thái Ất cũng bị lộ, địch truy lùng ráo riết nhưng ông luôn được nhân dân giúp đỡ, che chở. Trước tình hình khó khăn, nguy hiểm ấy, ông vẫn quyết tâm duy trì phong trào và tìm cách nối lại đường giây liên lạc. 
 
Ngày 22/7/1931, Phan Thái Ất bị bắt khi đang chờ người liên lạc của Xứ ủy để nhận tài liệu. Bị đưa vào nhà lao Quảng Ngãi, địch hỏi ông: “Không ngờ anh làm cộng sản gây dựng phong trào khắp nơi làm chúng tôi lao đao vất vả. Bây giờ anh nghĩ sao?”. Phan Thái Ất dõng dạc trả lời: “Nghĩ sao à? Sống hoạt động cho cách mạng, chết cũng vì Đảng, vì cách mạng”. Địch hỏi tiếp: “Còn con người anh, anh cũng muốn sống chứ?”. Không một giây suy nghĩ, ông trả lời: “Con người tôi là của dân, của Đảng”. Và lúc đó, ông đã trù liệu phải chết như thế nào để gây dựng được ảnh hưởng cho cách mạng, cho Đảng. Hết đe dọa rồi dụ dỗ nhưng không xoay chuyển được ý chí, quyết tâm của người chiến sỹ cộng sản ấy, cuối cùng thực dân Pháp tuyên bố kết án tử hình. Nhưng dư luận và nhân dân kịch liệt phản đối mức án đó, buộc bọn chúng phải hạ xuống mức án chung thân và đày tới nhà lao Buôn Ma Thuột. 
 
Tại đây, ông được gặp đồng chí Phan Đăng Lưu, Tôn Quang Phiệt và nhiều chiến sỹ cách mạng kiên trung khác. Ông cùng các đồng chí của mình đấu tranh không khoan nhượng với địch, buộc phải được ăn uống sạch sẽ, phải có thuốc men và xà phòng, không được đánh đập, phản đối làm quá giờ ... Rồi mọi người cùng sáng tác thơ văn để tuyên truyền, động viên nhau giữ vững khí tiết cách mạng trước đòn roi dã man, tàn bạo của kẻ thù. Và ông làm mấy câu thơ hừng hực khí thế, niềm tin: “Đi lắm chồn chân tạm phải ngồi/ Ngồi xem sân khấu diễn tuồng chơi/ Quân thù đắc chí phồng mang thét/ Tướng chó ra oai cắn xé mồi/ Thịt nát mặc đây đâu sá kể/ Xương tan ta vẫn quyết không lùi/ Hạ màn sẽ biết bên nào thắng/ Chánh nghĩa xưa nay vẫn rạng ngời”. 
 
Sau đó, tháng 5/ 1935,  Phan Thái Ất bị đày ra Côn Đảo. Ở nơi được xem là “địa ngục trần gian” này, ông lại được gặp những chiến sỹ cách mạng kiên trung như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Duy Trinh, Tô Chiến, Võ Thúc Đồng... Dưới sự giám sát chặt chẽ và đòn thù tàn bạo, Phan Thái Ất và các chiến sỹ cách mạng bị tù đày vẫn tiếp tục đấu tranh dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, họ vẫn thường xuyên tổ chức đọc sách báo để nắm tình hình trong nước và quốc tế, vẫn tổ chức các lớp học văn hóa- chính trị, đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Thậm chí, họ còn cho ra được tờ báo “Ý kiến chung”. Trong những dòng hồi ức của mình, Phan Thái Ất tâm sự: “Giữa cảnh giặc chỉ dồn mình đến chỗ chết này, tình đồng chí, tình giai cấp lại sáng ngời lên, lại thấm thía lạ thường. Chúng tôi vẫn sống đầy lạc quan, tin tưởng và quyết tâm cho Đảng là nhờ chỗ đó”. 
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, Phan Thái Ất và các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho tàu ra đón về đất liền. Sức khỏe bị giảm sút, được cấp trên tạo điều kiện về quê nghỉ ngơi chữa bệnh nhưng ông tình nguyện xin được ở lại công tác và được cử sang Cam Pu Chia giúp nước bạn xây dựng cơ sở kháng chiến. Năm 1953, Phan Thái Ất được Trung ương triệu tập về nước chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đường đi vừa đúng 1 năm. Dịp này, ông có dịp ghé thăm quê sau 23 năm xa cách. Lúc này, người mẹ thân yêu đã mất. Còn người vợ tảo tần lúc đầu không dám tin là ông còn sống để trở về. Nhưng ông vẫn mừng vui, phấn khởi vì ước mơ ngày xưa đã thành hiện thực, ruộng đất đã về với bà con nông dân. Ở nhà ít ngày, ông lại lên đường ra Việt Bắc.
 
Năm 1961, đồng chí Phan Thái Ất được về nghỉ hưu tại quê nhà và vẫn tích cực đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, làng xóm. Tuổi cao, sức yếu, những vết thương do bị tra tấn, đánh đập trong thời gian bị tù đày lại thi nhau tái phát, hành hạ nên người chiến sỹ cách mạng kiên trung ấy đã qua đời giữa năm 1967. Đã gần 50 năm kể từ khi đồng chí từ biệt cõi đời, tên tuổi ông vẫn sống mãi trong lòng người dân quê hương Nghệ An và đồng bào Quảng Ngãi và trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

 

Công Kiên


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65118070

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July