(Baonghean) - Từ xưa đến nay, Nghệ An là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Vùng đất này nổi tiếng bởi tinh thần hiếu học. Vì vậy, nơi đây có rất nhiều nhân tài. Trong thời kỳ phong kiến, dù ở các triều đại nào, Nghệ An cũng đóng góp cho đất nước những danh nhân kiệt xuất. Đến khi triều Nguyễn trị vì đất nước, nhân tài xứ Nghệ được bổ dụng lại càng nhiều, có hàng chục danh nhân đất Nghệ An được làm việc trong vương triều. Trong 13 vị vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng nổi tiếng là một người trọng dụng nhân tài và vị vua anh minh này rất quan tâm đến những nhân tài đất Nghệ An.
Trong những lần triều Nguyễn thực hiện chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” để phục vụ cho vương triều, người Nghệ An đã thể hiện hiện được những phẩm chất tinh tú. Điều đó được thể hiện trong những lần mà triều đình thi tuyển nhân tài. Mà qua đó hầu hết những nhân tài đất Nghệ An đều vượt trội so với các địa phương khác. Điều đó làm cho vua Minh Mạng phải trầm trồ thán phục. Khối Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt) là di sản đầu tiên được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là khối tài liệu có giá trị và có tính chính xác cao. Trong nhiều nội dung mà khối tài liệu này hàm chứa, có nội dung phản ánh về việc vua Minh Mạng khen người Nghệ An khí khái, hào mại. Đây là sự kiện diễn ra trong lần vua Minh Mạng bàn với các đại thần việc bổ dụng nhân tài.
Mộc bản triều Nguyễn phản ánh việc vua Minh Mạng khen người Nghệ An khí khái hào mại.
Mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 41, năm Minh Mạng thứ 7 (1826) có chép: “Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Đăng Tuân tâu rằng: “Nhà nước lấy học trò quý ở chỗ có thực dụng. Những Cống sinh, Giám sinh là tuổi trẻ mới tiến, tính nết giữ gìn chưa vững, mà bọn lại dịch ở các dinh trấn thì nhiều tham ô, ít trong sạch, nay nếu cho ở gần e dễ tập nhiễm nếp xấu, cũng khó mong thành tài. Vả Huyện lệnh là chức gần dân mà chọn cất người làm lại thuộc quyền dinh trấn, chưa chắc khỏi cái tệ nhờ cậy gửi gắm. Thần cho rằng chi bằng để lại ở bộ, khiến cho được gần dưới xe kiệu để hằng ngày học chính sự, đến khi ra nhận trách nhiệm coi dân xã tất có thể giữ mình trong sạch cẩn thận, không đến nỗi bị bọn lại tư thao túng”. Vua đem lời nói của Đăng Tuân hỏi Hoàng Kim Xán, Xán thưa rằng: “Đăng Tuân nói thế là phải”. Vua bảo rằng: “Các khanh nói cũng có lý. Song nhà vua dùng người không thể phân biệt trong triều ngoài quận quá. Đổi chỗ thì đều thế cả. Cống sinh, Giám sinh quả là hiền tài thì lại tự làm mất chí khí sao được. Nếu là kẻ không tốt thì dẫu ở sáu bộ cũng khó mong thành. Huống chi kiềm chế một địa phương, trẫm còn giao cho dinh trấn, mà Cống sinh, Giám sinh lại không thể dùng cho cùng ở để học tập, Huyện lệnh không thể uỷ cho chọn cử hay sao? Nên nghĩ cho kỹ, chớ câu nệ ở thiên kiến ấy”. Bèn sai bộ Lại lường chỗ xa gần mà chia đi các địa phương để đợi bổ, mỗi tháng cấp cho tiền 3 quan, gạo 3 phương, khi có khuyết chức Tri huyện hay Huyện thừa thì do quan địa phương tâu xin cho tạm thư nửa năm, nếu làm nổi việc thì cho thực thụ. Đến khi bộ Lại dâng danh sách lên, vua cho vào yết kiến ở Đông Các, cặn kẽ dạy bảo, trước hết về nghĩa vua tôi cha con, sau đến phương pháp làm quan giữ chức. Lại cho mỗi người 20 lạng bạc và cho đi theo đường trạm. Những Hương cống hậu bổ phần nhiều là người Nghệ An. Vua lấy điểm ấy hỏi Tham tri Phan Huy Thực rằng: “Vì những người ấy học giỏi mà thế chăng?” Thực thưa rằng: “Học trò Nghệ An phần nhiều chăm học”. Vua bảo: “Trẫm xem người Nghệ An khí khái, hào mại, trừ Phú Xuân, Gia Định ra thôi không đâu bằng; bởi thế thân binh của các vua thánh triều ta phần nhiều lấy ở Nghệ An. Đó là điềm phước cho vương triều”.
Từ câu chuyện việc vua Minh Mạng khen người Nghệ An khí khái hào mại cho thấy Nghệ An là một vùng đất có nhiều nhân tài xuất phát từ thực học. Minh Mạng là một vị vua rất khó tính nhưng ông cũng phải ngã mũ trước nhân tài xứ Nghệ. Điều đó cho thấy dù trong hoàn cảnh nào, những nhân tài Nghệ An cũng đều thể hiện được năng lực của mình. Từ xưa đến nay, Nghệ An nổi tiếng là vùng đất hiếu học và đó là nhân tố để vùng đất này không bao giờ thiếu nhân tài được xã hội công nhận.
Lê Khắc Niên (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, số 2 - Yết Kiêu - phường 5 - Đà Lạt - Lâm Đồng)