(Baonghean) - Cách di tích lịch sử đình Long Thái (thuộc làng Long Thái, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương) khoảng 300m theo đường chim bay, có 3 cây cổ được Hội Sinh vật cảnh Nghệ An xếp vào danh mục cây quý hiếm.
Đó là cây khế ở khu mộ Tổ họ Hoàng, cây sung ở nhà thờ họ Phạm và cây lim xanh nằm bên cạnh Đông Sơn Mộc Đức điện. Không ai biết 3 cây này có từ bao giờ. Qua khảo sát và nghiên cứu cây thân gỗ, Hội Sinh vật cảnh Nghệ An xác định cây khế 195 tuổi, cây sung 192 tuổi và cây lim 135 tuổi. Mỗi cây mang một dáng vẻ, gắn với một chốn tâm linh làm tôn thêm vẻ linh thiêng, cổ kính của vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng.
Ông Hoàng Đình Hứa, người bảo vệ Đông Sơn Mộc Đức điện (điện Đức Ông) cho hay: “Vùng đất này trước đây là rừng núi, cây cối um tùm, rậm rạp. Mãi đến sau này, do nhu cầu đất ở người ta khai phá cây cối, san ủi đất lấy mặt bằng để dựng nhà. Nhiều cây gỗ lớn đã bị hạ gục. Riêng cây lim nằm gần điện Đức Ông nên không ai dám đụng vào”. Vào ngày Rằm và mồng Một hàng tháng, người dân địa phương thường lên đền thắp hương cầu khấn. Có người còn mang hương, lễ ra gốc cây lim cúng. Biết bao nhiêu nỗi niềm, nguyện vọng của bà con đã được tỏ bày dưới gốc cây này. Đối với người dân làng Long Thái, cây lim như một vị thần phù hộ độ trì cho muôn dân.
Cây lim tỏa ra nhiều cành, nhánh.
Thân cây cao lớn, sừng sững, tán lá tỏa rộng, đường kính gốc cây khoảng 1m. Vỏ cây mượt bóng, không có vẻ sần sùi như những cây cổ thụ khác. Cây vươn mình lên cao, tán cây tỏa rộng rủ bóng xuống ngôi đền. Lá cây xanh mướt quanh năm nên người ta thường gọi là cây lim xanh. Từ xa nhìn về phía làng, thấy tán cây tỏa rộng như một cái ô khổng lồ.
Chùm rễ bao bọc lấy thân cây sung tạo nên những hang hốc.
Từ điện Đức Ông, rẽ qua một con ngõ nhỏ khoảng 200m là đến nhà thờ Đại tôn họ Phạm. Đây là 1 trong 2 dòng họ lớn của làng. Và cây sung cổ thụ nằm trong khuôn viên nhà thờ, được ghi vào gia phả dòng họ một cách trang trọng. Theo gia phả, cây sung hiện giờ là một nhánh của cây sung mẹ đã chết. Không ai biết rõ tuổi của cây, cũng không ai được nhìn thấy cây sung mẹ, nhưng đối với những người con họ Phạm, cây như một thứ “gia bảo” tổ tiên để lại. Thân cây vươn cao, vươn mình về phía nhà thờ. Từng lớp rễ phụ đâm thẳng xuống đất to bằng bắp tay người lớn. Thân cây hùng vĩ, chi chít những u, cục, hang hốc. Những múi thịt phình ra, tạo thành từng đường gân lớn. Con cháu trong họ đắp thêm hình hai con trăn quấn quýt lấy thân cây. Nhìn từ xa, thân cây như một con hươu cao cổ đang rướn mình về phía nhà thờ.
Cây khế cổ thụ nằm bên cạnh ngôi mộ Tổ họ Hoàng.
Không cao lớn như cây sung, cây lim, cây khế cổ ở khu mộ Tổ họ Hoàng có chiều cao chừng 3m. Thân cây to lớn, gốc có nhiều hang hốc. Vào những năm hạn hán, cây cối trong vùng không ra hoa kết trái được nhưng cây khế cổ thụ này vẫn hoa trái sum suê. Trên đất cằn sỏi đá này, cây khế vắt kiệt sức mình cho những mùa quả mọng nước, mát lành, để rồi thân cây già cỗi, sần sùi, lá thưa thớt. Người già trong làng kể lại, thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gốc cây này từng là nơi cất giấu tài liệu bí mật của các chiến sĩ cộng sản. Những năm đói kém, dân làng thường ra đồng bắt cua về nấu canh với khế ăn trừ bữa. Khi cuộc sống khấm khá hơn, ai ai cũng có ý thức chăm lo, gìn giữ cây khế như một sự tri ân với tổ tiên. Vào ngày Rằm tháng Giêng, con cháu trong dòng họ tập trung về đây sửa sang lại mộ Tổ, vun gốc cho cây…
Chiến tranh hủy hoại, mưa bão tàn phá, 3 cây cổ thụ này vẫn ung dung đứng giữa đất trời như thách thức cùng thời gian. Mỗi cây một vẻ, thể hiện sức sống trường tồn, mãnh liệt của quê hương!
Nguyễn Lê
|