Một góc Văn Miếu Quốc Tử Giám
Hơn 7 thế kỷ tồn tại, trải qua nhiều triều đại khác nhau, đã có rất nhiều người Nhệ An trực tiếp làm công việc điều hành, quản lý tại Quốc Tử Giám. Bộ máy quản lý và đội ngũ làm công tác giảng dạy tại Quốc Tử Giám thường thay đổi theo các triều đại trị vì.
Tuy vậy, xét cả quá trình, bộ máy quản lý nhà trường đến đời Lê đã rất quy củ, từ chức vụ người đứng đầu điều hành đến các chức trực giảng, trợ giáo, giáo vụ và huấn đạo. Đối với những người làm công tác điều hành được phân thành hai chức : Tế tửu (được coi là hiệu trưởng), có nhiệm vụ: phụng mệnh trông coi Văn Miếu - Quốc Tử Giám; rèn tập sỹ tử hàng tháng theo đúng kỳ; cho tập làm văn để gây dựng nhân tài và kiêm cả việc chủ tế tại Văn Miếu.
Còn Tư nghiệp (chức hiệu phó ngày nay) cũng phụng mệnh trông coi Văn Miếu, nhưng không được làm chủ tế (trước đời Trần chưa có Tế tửu thì Tư nghiệp là người đứng đầu). Hai chức vụ này phải được nhà vua trực tiếp tuyển chọn.
Họ là những người ở cấp đại thần, có trí tuệ thông minh, uyên bác, đạo đức trong sáng, mẫn cán với công việc. Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã trải qua hai thời kỳ: thời kỳ đầu đặt tại Thăng Long - Hà Nội; thời kỳ thứ hai ở Phú Xuân - Huế, trong đó đã có 7 người Nghệ An giữ chức quản lý, điều hành:
Ngô Trí Hoà, đậu Hoàng giáp năm 1592, giữ chức Tế tửu ở Thăng Long, người xã Lý Trai, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu; Nguyễn Phùng Thì, đậu tiến sỹ năm 1715, làm Tế tửu ở Thăng Long , người xã Hoa Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An;
Nguyễn Bá Quýnh, đậu tiến sỹ năm 1733, giữ chức Tư nghiệp thời kỳ ở Thăng Long, người xã Hoa Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; Vũ Nhật Tân, đậu cử nhân năm 1813, giữ chức Tư nghiệp thời kỳ ở Huế, người xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An;
Phan Hữu Tính, đậu tiến sỹ năm 1822, giữ chức Tư nghiệp thời kỳ ở Huế, người làng Hoàn Hậu, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; Trần Đình Phong, đậu tiến sỹ năm 1879, giữ chức Tế tửu thời kỳ ở Huế, người xã Yên Mã, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An;
Đặng Văn Tuỵ, đậu Hoàng giáp năm 1904 làm Tế tửu thời kỳ ở Huế, người làng Nho Lâm, nay là xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Nhìn lại dòng chảy của tiến trình lịch sử, ở thời đại nào, triều đại nào, người Nghệ An cũng làm rạng danh vùng đất Văn hiến, uyên bác về trí tuệ, mẫn cán với công việc, được triều đình tín nhiệm đề cử đảm nhận những chức vụ quan trọng, kể như việc quản lý, điều hành Quốc Tử Giám - nơi tập hợp những nhân tài và trí tuệ của quốc gia.
Ở cương vị nào, khi đã lĩnh trách nhiệm, người Nghệ An cũng đem hết sức lực, tâm huyết để chấn hưng và phát triển nền văn trí của nước nhà. Họ là những người đã góp phần đào tạo và rèn đúc những nhân tài, tạo nên sức mạnh cho dân tộc.
Những người đó được mệnh danh là “Thầy của những bậc thầy - Trí tuệ của những bậc trí tuệ”, luôn luôn được muôn đời các thế hệ kế tiếp tôn vinh.
Theo Nguyễn Xuân Bách (Báo CANA)
Nguồn trích từ slna-fc.com
|