Tuy khoảng thời gian tiếp xúc với ông không nhiều, những cuộc nói chuyện cũng chỉ là “không đầu không đuôi” nhưng ông đã cho tôi thấy rõ tấm lòng của một người mẹ, từ sự quan tâm, chăm lo cũng như nỗi niềm của ông dành cho bệnh nhân. Ông là bác sỹ Phan Ngọc Lan – Trưởng Khoa Lao ngoài phổi và Bệnh phổi ngoài lao Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Bác sỹ Lan tâm sự: Làm bác sỹ cũng có nhiều cái khó. Một trong những cái khó là sự thiếu hiểu biết của người bệnh, người nhà bệnh nhân. Hầu hết người bệnh, người nhà bệnh nhân đều chưa hiểu được nguyên tắc “Thuốc nhiều là bệnh nặng, thầy thuốc đến khám nhiều là bệnh nặng”, vì vậy, họ thường có sự so sánh giữa bệnh nhân này và bệnh nhân kia nên sinh ra những nghi kỵ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”; hoặc khi vào thuốc nhiều, điều trị dần giảm thuốc, rồi bệnh nhân này uống, bệnh nhân kia tiêm... cũng tưởng thế này thế nọ... Nếu người thầy thuốc không nhạy cảm, không nắm bắt được tâm lý này thì rất phức tạp.
Bác sỹ Phan Ngọc Lan chọc dịch cho bệnh nhân
Cũng có lẽ vì thế mà việc nắm bắt tâm lý của người bệnh và người nhà bệnh nhân được bác sỹ Lan đặc biệt chú ý. Và mỗi bệnh nhân ông lại có cách ứng xử khác nhau, biết lúc nào thì cần gặp, lúc nào cung cấp thông tin về bệnh tật và thông tin cho ai. Đội ngũ phục vụ trong khoa cũng được ông thường xuyên nhắc nhở, chỉ bảo.
Điều mà bác sỹ Lan quan tâm nhất là người bệnh. Đó cũng chính là nhân vật trung tâm trong mọi câu chuyện mà bác sỹ dành cho tôi. Ông nói: “Làm nghề này cũng có nhiều niềm vui. Vui nhất là khi nhìn thấy bệnh nhân của mình được trả lại sức lao động; được trả lại sự sống”. Ông tỷ mỉ kể cho tôi nghe những câu chuyện đã “dệt” niềm vui cho ông. Có bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương tiên lượng xấu nên trả về chờ chết nhưng khi trở lại Bệnh viện đã được anh em hội chẩn và quyết tâm chữa trị cho kết quả tốt, từ một bệnh nhân nằm chờ chết chỉ còn da bọc xương thì nay đã tăng được 8kg, đã có thể tự chạy xe máy đến Bệnh viện lấy thuốc về điều trị ngoại trú. Rồi bệnh nhân được kết luận lao màng não một cách vô lý tại một Bệnh viện khác cũng đã được Bệnh viện tìm đúng bệnh và chữa trị tốt...
Niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Hàng ngày, tiếp xúc với bệnh nhân, với công tác phòng chống lao cũng đã “gieo” vào ông bao lo âu, trăn trở. “Càng ngày bệnh nhân lao được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến tỉnh rất muộn, phim chụp lên đã có tỷ lệ tổn thương rất rộng, rất khó trả lại sức lao động cho bệnh nhân; rồi tỷ lệ lao kháng thuốc; rồi tình trạng dịch tễ lao đỉnh có xu hướng nghiêng về tuổi trẻ (tuổi lao động, giao lưu nhiều tiềm ẩn nguy cơ khuyếch tán cao); tư tưởng mặc cảm trong cộng đồng; rồi cơ chế chính sách... tất cả đang báo động nguy cơ “Lao quay trở lại”. Với chúng tôi, cũng đừng nghĩ rằng “bệnh nhân ít chỉ cần một bác sỹ”. “Thuyền tam, bộ nhị”, ông cha đã đúc rút rồi, phải có thêm người để hỗ trợ, giúp đỡ nhau chứ như bấy lâu chúng tôi làm việc áp lực lắm. Chúng tôi không chán nản nhưng lo lắng quá nhiều”...
Một điều rất đáng trân trọng, mặc dù là người gắn bó với công tác phòng chống lao lâu nhất hiện nay (từ năm 1987 đến nay), luôn làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện thiếu thốn nhưng trong suốt hành trình những câu chuyện bác sỹ Lan không hề nhắc đến cá nhân, không kể khổ mà chỉ lo cho công tác phòng chống lao. Nhiều lần đơn vị cũng đã ghi nhận công lao đóng góp của ông, suy tôn danh hiệu cho ông nhưng ông đều từ chối với một câu nói: “Có gì đâu, tôi chỉ thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu””. Mà đúng thế thật! Ông có tấm lòng của một người mẹ dành cho bệnh nhân: thương yêu, chăm lo và tận tụy chăm sóc không toan tính.
Gói lại những câu chuyện gấp gáp (vì thời gian không cho phép) với tôi bác sỹ Lan vẫn còn trải lòng với nghề: “Tôi đang viết đề án “Những khó khăn và thuận lợi của hệ thống Bệnh viện lao và bệnh phổi khi thực hiện lộ trình Nghị định 85 của Chính phủ”. Đề án chủ yếu mang tính phản biện. Phải chủ động nói rõ thực trạng mới mong có những điều chỉnh, có những chủ trương, chính sách phù hợp, nếu không công tác phòng chống Lao không biết rồi sẽ đi tới đâu!?”...
THỤC CHI
theo hà tĩnhonline