Do hoàn cảnh gia đình và điều kiện công tác, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không được sống nhiều năm ở quê hương. Từ nhỏ, ông đã theo thân phụ xuống Vinh học tiểu học, rồi vào Huế, ra Hà Nội, trước khi sang Pháp du học (1937). Sau 26 năm sống ở trời Tây, về nước năm 1963, ông lại công tác ở Hà Nội cho đến lúc qua đời (10/5/1997).
|
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện |
Tuy vậy, trong tâm tưởng của ông, quê hương luôn hiện hữu. Quê hương là nguồn mạch trong lành, là dưỡng chất giúp ông gìn giữ được phẩm cách một kẻ sĩ, dù sống giữa chốn phù hoa, đô hội, đầy rẫy cạm bẫy và đủ thứ cám dỗ, dục vọng thấp hèn. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, trong một bài viết về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ngay sau khi ông qua đời đã nhắc đến một bài thơ ông viết từ năm 1945 tại Paris:
Đêm khuya nghe giọng ai hò
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên…
Trong hồi ký mới xuất bản gần đây, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng đã viết: “… Lúc nhỏ ở quê, sau lớn lên, dù học ở đâu, cứ đến hè là được về quê chơi. Nhóm chúng tôi, anh em con chú, con bác, tha hồ chạy nhảy, bôi nhựa mít đưa lên cao để bắt ve sầu. Chiều chiều, rủ nhau đi tắm sông, nước sông Ngàn Phố trong suốt, nhìn thấy tận đáy. Lúc học ở Pháp, mấy anh em người Hà Tĩnh cùng nhau trò chuyện, nao nao nhớ cảnh quê nhà:
Nước sông Ngàn Phố trong veo
Chiếc đò xuôi ngược mái chèo thảnh thơi
Khi mô lặng gió yên trời
Ta về Xá (1), tắm nơi Bãi Bè (2)
Chiếc đò ông Cháu xuôi Vinh
Bưởi, bòng, chuối, mít, lênh đênh một đò
Đêm khuya nghe giọng ai hò,
Nhớ sông Ngàn Phố, nhớ đò chợ phiên”.
Bài “Cây đa quê hương” in trong sách giáo khoa lớp 3 của Nhà xuất bản Giáo dục chính là một đoạn trích từ bài bác sĩ Nguyễn Khắc Viện viết ở Paris. Cũng trong hồi ký, nhắc lại việc này, ông đã viết: “… Nói đến làng quê cũng là nói đến sự quyến luyến với thiên nhiên, với cảnh những lũy tre, những đồng ruộng, những vườn cây mùa này mùa khác đủ màu sắc. Đặc biệt là ký ức của tôi đậm nét hình ảnh cây đa. Trước xóm có một cây đa, không biết mấy trăm năm rồi. Hồi ở Pháp, khoảng 1960, được tin người ta đã đốn mất cây đa, tôi giật thót mình và cảm thấy đau xót vô cùng. Thời thơ ấu, chiều chiều, khi trời nhạt nắng, chúng tôi rủ nhau ngồi gốc cây đa, nhìn ra cánh đồng. Tôi viết một bài bằng tiếng Pháp về cây đa xưa, đăng ở một tạp chí. Bài viết nêu lên được tình cảm của người Việt Nam đối với quê hương, làng xóm, gây ấn tượng sâu sắc với độc giả nước ngoài…”.
Năm 1963, ngay sau khi được trở lại Tổ quốc, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã về thăm làng quê. Dù gần ba chục năm xa xứ, bao nhiêu là hình ảnh quê hương vẫn như nguyên vẹn và ào ạt tuôn ra trong bài bút ký đầu tiên ông viết khi trở lại Việt Nam: “… Ai đã tắm con sông Ngàn Phố chỉ một lần cũng khó quên được cảnh, quên được người. Huống hồ chúng tôi, cả một thời trẻ, chiều hè nào cũng cùng anh chị em ra ngâm mình xuống dòng sông Phố; qua Pháp, bao nhiêu năm, mỗi lần chỉ cần nhắm mắt lại là đủ nghe tiếng lò rèn lách cách bên bến chợ Bè, khói lò rèn tỏa lên giữa nền trời lam, trên những bãi mía xanh rờn…
Nhớ hè thuở trước, lúa gặt xong lại đem phơi trên sân gạch nhà chúng tôi, rồi một số người suốt ngày kéo những con lăn bằng đá, hì hục dưới ánh nắng gắt gao. Về đến nhà, tôi cảm như còn thấy mồ hôi nhễ nhại trên lưng những người lăn lúa, tai vẫn nghe tiếng trục rì rào, 26 năm sau vẫn sống lại cái cảm giác ngột ngạt vì bụi lúa tỏa khắp sân, khắp nhà.
Lúa gặt xong lại đi tát cá. Từ sáng sớm, hàng chục gàu đã sắp hàng tát không ngớt tay cho đến lúc đáy ao hiện ra cá lúc nhúc dưới bùn, thế là mọi người hò reo bì bõm nhảy xuống bùn đến bụng, hót lấy cá vất lên gánh cho các chị em gánh về… Đến nay, tôi vẫn còn thấy cá nhảy lấp loáng trong bóng hoàng hôn, còn ngửi thấy mùi cá trê, cá chép, còn nghe các chị em thì thầm góc sân chia nhau các phần cá…”.
|
Bút tình bài "Tình quê" |
Trở lại quê hương, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không chỉ xúc động với những hoài niệm cảnh cũ, người xưa, mà ông vui mừng biết bao trước những người nông dân đã đổi đời, như chú K. – một tá điền, đã trở thành một chủ tịch xã được bà con kính trọng; ngay cả trong gia đình ông, cũng có sự thay đổi ngoạn mục. Ông viết: “… Ngày xưa, chị tôi học hết lớp 5, cha mẹ không cho đi học nữa chỉ vì là con gái, mặc dù lương quan hàng trăm, ruộng hàng mấy chục mẫu. Ngày nay, em dâu tôi, với hai cháu gái, mẹ góa con côi, chỉ lao động dệt may, vẫn cho hai cháu gái đi học. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ đáng công làm một cuộc cách mạng…”.
Tuy vậy, trong hồi ký của mình, nhớ lại lần đầu trở lại quê nhà, ông viết: “Năm 1963, lần đầu tiên trở lại quê hương sau 26 năm trời xa cách, tôi vô cùng xúc động và xót xa trước tình cảnh cơ sở vật chất trong làng xã chưa thay đổi gì. Đường sá vẫn ngoằn ngoèo, chật hẹp. Rồi năm 1981, về một lần nữa cũng thế… Con đường ngang nối tiếp giữa Sơn Hòa và Thịnh Xá qua 40 năm trời vẫn lầy lội như cũ, phải xắn quần lên cao mới đi được, làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều…”.
Và khi biết Nghệ Tĩnh có chủ trương ồ ạt phá hàng loạt khu vườn sum suê cây trái để dời làng lên đồi – một chủ trương không hợp lòng dân, lợi bất cập hại, ngày 10/5/1976, ông đã viết ngay thư gửi Trung ương đề nghị “cho nghiên cứu điều tra kỹ lưỡng, quy định thật cụ thể nơi nào cần bốc, cần san bằng, chứ không thể để thành “phong trào”. Được biết, sau đó, theo chỉ thị của Trung ương, tỉnh Nghệ Tĩnh đã điều chỉnh chủ trương nói trên.
Năm 1993, được giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã dành phần lớn tiền thưởng cho Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em và trích một phần gửi về quê giúp xây dựng Trạm Y tế của xã Sơn Hòa (Hương Sơn).
Mùa xuân 1996, hình như linh cảm được thời khắc bước sang cõi khác của mình, ông đã gửi gắm tình cảm sâu nặng với quê hương trong bài thơ khai bút “Tình quê” với giọng điệu tha thiết: … Một ngày kia khi bóng ta đã khuất/Ai ơi! Có về lại bên dòng sông thương nhớ/Đục hay trong nước sẽ thì thầm nhắc nhở/Các o ơi! Xin dành một thoáng tâm tình /Cho một con người đã vời vợi đi xa…
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện “đi xa” đã 15 năm nhưng với những công trình mà ông để lại - trong đó có bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp được tái bản gần chục lần, với hai ngôi trường ở huyện Hương Sơn và một đường phố tại TP Hà Tĩnh mang tên ông, hẳn là nhiều người, chứ không chỉ “các o bên dòng sông thương nhớ”, vẫn “thì thầm nhắc nhở” đến ông - một người con của Hà Tĩnh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp chung, cho quê hương, đất nước…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(1) Làng Thịnh Xá, nay thuộc xã Sơn Thịnh (Hương Sơn).
(2) Địa danh thuộc làng Thịnh Xá, nơi có bến đò ngang và bãi để tre, nứa, gỗ. Đây cũng là nơi họp chợ Bò, chợ Trâu những ngày giáp Tết.
Theo Hà Tĩnhonline
|