(Baonghean.vn) - Hội thảo “Danh nhân Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục” vừa được tổ chức tại Tp. Vinh (Nghệ An) đã quy tụ được 35 tham luận đi sâu tìm hiểu và khai thác đầy đủ các khía cạnh và vấn đề liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của danh nhân. Xét trên khía cạnh một nhà giáo dục, chúng tôi nhận thấy những vấn đề Đông các Đại học sỹ đặt ra đã ngót một thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, rất đáng để những người làm công tác hoạch địch giáo dục hôm nay lưu tâm.
Cao Xuân Dục (1842- 1923) quê ở làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Thịnh- Diễn Châu), ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, từ nhỏ ông đã nổi tiếng bởi sự thông minh và hiếu học. Sau khi đỗ Cử nhân khoa thi Bính Tý, năm Tự Đức (nhà Nguyễn) thứ 29 (1876), Cao Xuân Dục được nhà vua phong chức Hậu bổ Quảng Ngãi. Con đường làm quan của ông kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó phải kể đến chức Thượng thư bộ Học, kiêm quản Quốc tử giám và Đông các Đại học sỹ- một trong 4 trụ cột của triều đình. Với tư cách của người đứng đầu ngành Giáo dục, Cao Xuân Dục luôn trăn trở để tìm một hướng đi thích hợp nhằm khơi mở, chấn hưng dân trí. Nói cách khác, ông ý thức rất rõ vai trò của văn hóa và giáo dục đối với sự phát triển của đất nước: “Muốn khơi mở dân trí trước hết phải bằng con đường học thuật thì anh tài từ đó mới sinh sôi nảy nở, cuộc sống nhờ đó mới trở nên giàu có, phong tục qua đó mới trở thành tốt đẹp” (Long Cương văn tập).
Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục.
Phương châm giáo dục của Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục là “Mưu lợi ích mười năm không gì bằng trồng cây, vì lợi ích trăm năm không gì bằng trồng người”. Từ đó, qua công trình “Long Cương văn tập”, ông đã đề xuất 4 vấn đề trọng yếu để phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Điều đáng nói là 4 vấn đề này cho đến nay- những năm thuộc thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 vẫn còn tính thời sự, chứng tỏ danh nhân Cao Xuân Dục có tầm nhìn vượt thời gian.
Vấn đề thứ nhất là chỉnh đốn học thuật. Không chỉ chuộng ý nghĩa văn chương mà còn phải hiểu biết về cách vật, không chỉ dạy chữ Nho và chữ Tây mà còn phải dạy tăng thêm về chữ quốc ngữ. Cao Xuân Dục sống trong giai đoạn giao thời, có sự giao thoa mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa Đông- Tây, chữ Nho đã lỗi thời nhưng vẫn còn đất sống, chữ Pháp đang trên đà phát triển, chữ quốc ngữ đã xuất hiện nhưng chưa được xem trọng. Trước tình hình đó, vị quan đứng đầu ngành Giáo dục Nam triều chủ trương cho học trò tiếp cận đồng loạt các vấn đề văn hóa, khoa học hiện thời trên cơ sở sàng lọc, tiếp nhận những gì tinh túy nhất. Trong thời đại giao lưu và hội nhập ngày nay, việc đảm bảo sự hài hòa giữa khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ trong chương trình giáo dục ở bậc phổ thông và đại học là một vấn đề lớn đang đặt ra cho ngành Giáo dục. Cùng với đó, là việc tăng cường học ngoại ngữ đang trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với người Việt trong quá trình hội nhập quốc tế.
Vấn đề thứ hai là dự trù kinh phí cho giáo dục. Gia tăng kinh phí cho việc dựng lại nhà Thái học, lập thư viện, tăng học bổng cho sinh viên, mua thêm sách mới, cấp lương cho giáo viên. Ngày nay, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy học, cấp học bổng cho sinh viên thuộc diện chính sách và hộ nghèo đang trở thành một phong trào rộng lớn không chỉ đối với riêng ngành Giáo dục mà của cả toàn xã hội. Đặc biệt, vấn đề lương của đội ngũ giáo viên lâu nay trở thành một trong những chủ đề được dư luận quan tâm. Bởi lẽ, so với mặt bằng đời sống, thu nhập của giáo viên chưa phải là cao, có lúc có nơi họ chưa thực sự sống được với nghề. Do đó, nhiều giáo viên phải tổ chức các lớp dạy thêm (kể cả trái quy định) để tăng nguồn thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình. Và chúng ta cũng biết rằng, việc tổ chức dạy học thêm đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội, buộc ngành Giáo dục phải vào cuộc chấn chỉnh.
Vấn đề thứ ba là tuyển chọn thầy giáo. Giáo viên phải qua trường sư phạm, phải am hiểu chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, thầy giáo có tốt thì mới đào tạo ra người tốt được. Thời gian gần đây, sau hàng loạt những biểu hiện xuống cấp của nền giáo dục (gian lận trong thi cử, bạo lực học đường, lối sống thiếu lành mạnh của giới trẻ...) đã và đang đặt ra vấn đề xem xét lại năng lực và phẩm chất của một bộ phận giáo viên. Bởi lẽ, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện không ít những câu chuyện về hiện tượng thầy đánh trò, thầy dụ dỗ trò làm những trò đồi bại, không xứng đáng với tư cách người dạy học... Nói cách khác, khoảng 1 thế kỷ trước, trong buổi giao thời Á-Âu, Đông các Đại học sỹ Cao Xuân Dục đã đặt ra tiêu chuẩn cho người giáo viên là phải được đào tạo bài bản, có nền tảng tri thức, hiểu biết sâu rộng, đặc biệt phải là một tấm gương sáng về nhân cách. Có như thế mới đào tạo được những thế hệ học trò tốt, sống và làm việc có ích cho gia đình và xã hội. Ngày nay, vấn đề này vẫn còn đặt ra hết sức cấp thiết.
Vấn đề thứ tư là tổ chức dạy và học. Việc dạy và học phải quy định rõ chương trình, có kiểm tra sát hạch, có khen thưởng để khuyến khích, kỷ luật để răn đe. Từ mấy năm nay, việc đổi mới phương pháp dạy học và chương trình sách giáo khoa, giáo trình đã tốn không ít giấy mực. Về việc đổi mới phương pháp dạy học, lâu nay chúng ta kêu gọi thực hiện phương châm lấy học trò làm trung tâm, giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn học sinh đi tìm chân lý. Từ đó, dẫn đến việc thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa. Qua nhiều lần thay đổi, chỉnh lý đến nay chương trình ở bậc phổ thông vẫn còn bị xem là “quá tải”, ảnh hưởng đến tinh thần học tập và thể chất của học sinh. Còn đối với bậc đại học, nội dung chương trình bị đánh giá là còn lạc hậu so với khu vực và thế giới, chưa đảm bảo tính thực tiễn và sự gắn kết với nhu cầu xã hội. Vì lẽ đó, một phần lớn sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc và phải đào tạo lại. Đó là chưa kể đến việc tổ chức các kỳ thi (tốt nghiệp, tuyển sinh) ở các cấp học, bậc học cũng đang nảy sinh không ít vấn đề gây bàn cãi, chưa tìm được tiếng nói chung. Như vậy, sau một thế kỷ, những vấn đề về việc tổ chức dạy học, bao gồm nội dung chương trình, phương pháp và cách đánh giá kết quả của vị Thượng thư Bộ Học của triều đình nhà Nguyễn là Cao Xuân Dục- danh nhân tiêu biểu của xứ Nghệ đặt ra vẫn còn giá trị.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập, lãnh đạo các ngành (trong đó có ngành Giáo dục) có điều kiện giao lưu, tiếp xúc và học hỏi mô hình kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới. Đó là cách làm hay và mở ra cơ hội để “đi tắt đón đầu” nhưng thiết nghĩ ý kiến đúng đắn của người xưa cũng có thể xem là những “viên ngọc quý” để đời sau suy ngẫm. Bởi vì, nền văn hóa- giáo dục của một quốc gia- dân tộc là một dòng chảy, ở đó có sự kế thừa và tiếp biến.
Công Kiên
|