- Ngoài việc dùng chính những giọt máu của mình cứu bệnh nhân trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, bác sĩ Quỳnh có lần còn xin máu của bạn để truyền cho bệnh nhân đang cấp cứu.
Đó là lần bác sĩ Quỳnh cùng các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An đưa bệnh nhân Tống Thị Thu Hà từ cõi chết trở về.
Chị Tống Thị Thu Hà (xã Lạng Khê, Con Cuông) vừa sinh con xong thì bị băng huyết. Bệnh nhân trong tình thế thập tử nhất sinh, có lúc tưởng như đã tử vong. Chị Hà thuộc nhóm máu AB trong lúc bệnh viện không có máu nhóm này dự trữ. Bác sĩ Quỳnh nhớ anh Thái Duy Cơ là hàng xóm, cũng là chỗ bạn bè, thuộc nhóm máu AB, liền gọi anh Cơ: “Anh đến hiến máu giúp tôi với”. Anh Cơ do dự: “Nhưng tôi mới đi uống rượu về”. “Uống rượu cũng được, không ảnh hưởng gì cả”. Anh Thái Duy Cơ lập tức đến hiến máu, chị Hà được cứu sống.
Bác sĩ Hà Văn Quỳnh hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân. |
Hoặc như trường hợp cô giáo Lữ Thị Soa ở huyện Tương Dương bị biến chứng do vết mổ cắt tử cung trước đó gây ra. Bệnh viện huyện Tương Dương chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An cấp cứu trong tình trạng nhịp tim rất yếu, bệnh nhân chảy máu nhiều và không cầm lại được. Sau khi bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật và cầm máu, bác sĩ Quỳnh đề nghị truyền máu cho bệnh nhân, nhưng do bệnh nhân thuộc nhóm máu A-B quá hiếm, trong đêm khuya không tìm đâu ra máu để truyền. Cuối cùng bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An phải cho chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Quỳnh trực tiếp ngồi lên xe cấp cứu và cùng một phụ tá liên tục thay nhau bóp bóng Ambu để duy trì nhịp thở cho bệnh nhân suốt cả chặng đường hơn 120km từ thị trấn Con Cuông xuống thành phố Vinh, đôi tay của hai bác sĩ mỏi rã rời. Đến nơi, các bác sĩ bệnh viện tỉnh kiểm tra tim không còn thấy đập nên nói: “Chết rồi chứ cấp cứu gì nữa!”. Bác sĩ Quỳnh đề nghị đưa bệnh nhân vào đo điện tâm đồ. Khi điện tâm đồ, trên màn hình, chỉ báo vẫn còn gợn sóng li ti. Các bác sĩ lập tức truyền máu cho bệnh nhân. Sang ngày hôm sau, nhịp tim và huyết áp bệnh nhân hồi phục. Chỉ một thời gian ngắn sau cô giáo Soa khỏe trở lại và ra viện.
Bác sĩ Hà Văn Quỳnh là người dân tộc Thái, sinh năm 1967 ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Anh đã tốt nghiệp các trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh, Đại học Y khoa Thái Nguyên và lớp chuyên khoa 1, chuyên ngành gây mê hồi sức Đại học Y Hà Nội.
|
Tấm gương hết mình vì bệnh nhân của bác sĩ Hà Văn Quỳnh khiến cán bộ nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An cũng như người dân ở huyện Con Cuông cảm phục. Nhiều bác sĩ, y tá của bệnh viện luôn sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân khi cần thiết. Không những thế, một số bạn bè của bác sĩ Quỳnh cũng sẵn sàng cho máu khi được đề nghị.
Khi được hỏi vì sao lại làm được những việc mà người khác rất ngại như vậy, bác sĩ Quỳnh chia sẻ: “Thật ra những chuyện đó cũng đâu có gì ghê gớm. Mình là bác sĩ, thấy bệnh nhân sắp chết không thể không cứu được. Chỉ cần đang còn một tia hy vọng là cho dù khó khăn đến đâu cũng phải dốc hết sức mình”.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An đã được đầu tư một số phương tiện y tế hiện đại nên không phải dùng đến biện pháp bất đắc dĩ như dùng miệng để hút tạp chất cứu bệnh nhân như trước đây. Tuy nhiên tình trạng thiếu máu để cấp cứu cho bệnh nhân vẫn rất trầm trọng, nhất là các nhóm máu hiếm. Thời gian qua, bác sĩ Quỳnh cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một số ca truyền máu phản hồi bằng cách dùng dung dịch muối Natri 0,9% để cấp cứu cho bệnh nhân và đã thành công. Ưu điểm của phương pháp này là không gây phản ứng phụ như việc dùng hóa chất chống đông máu khác đang áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp bệnh nhân chảy máu trong do vỡ gan, vỡ lách và các chấn thương khác. Máu chảy ra ổ bụng bệnh nhân sẽ được gom lại lọc bỏ tạp chất, trộn lẫn với dung dịch muối Natri theo tỷ lệ 2/1 rồi truyền trở lại cho bệnh nhân. Anh đã đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm này lên Bộ Y tế và sẽ tiến hành bảo vệ trong năm 2013.
Hoàng Hảo