(Baonghean) - Ngày cuối tuần, chìm mình trong một đêm rất sâu của loáng thoáng chút gió mùa hiếm hoi thành phố biển nơi phương Nam vốn đầy nắng, rồi chợt miên man trải lòng mình trong những giai điệu da diết của câu ví dặm "Giận thì giận mà thương thì thương", chợt thấy mình trở nên yếu đuối đến lạ thường. Ừ, thì có sao đâu khi biết, có một cõi rất sâu, rất riêng từ tâm thức vỡ òa hai tiếng "quê hương". Câu ví dặm đưa mình về lại những ngày xưa, trong thoang thoảng mùi rạ mới, trong mênh mông sợi khói chiều hôm lan tỏa ấm áp trên mỗi mái nhà. Có lẽ, những khát khao thầm kín nhất nhưng cũng mãnh liệt nhất của con người là được thanh thản, bình yên trong những phút giây như thế này để lắng nghe, không chỉ bằng đôi tai mà bằng cả trái tim mình những âm vọng được lọc qua bề dày của thời gian, tỏa đến thẳm sâu tâm hồn mình.
Mỗi miền đất trên quê hương xứ Nghệ đều mang trong mình những nét duyên riêng. Hoặc thầm kín sâu lắng, hoặc dữ dội đến cuồng nhiệt mà đắm say... Lạ kỳ thay, mảnh đất dài dằng dặc, oằn mình gánh hai đầu đất nước lại mang trong mình những câu hát ngọt ngào, da diết đến thế! "Ngái ngôi chi mà anh nỏ về. Hay là vì quê em nghèo đói, hay anh chê em vụng về câu nói. Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà...". Câu ca ấy, nghe như một lời nhắn gửi, nhẹ nhàng thôi nhưng vương vấn, sâu lắng lòng người. Nhắn gửi, mà nghe như có chút gì đó dỗi hờn, trách móc, rất mộc mạc chân chất nhưng thật ý nhị, tinh tế. Lời hát làm gợi nhớ về một xứ Nghệ lắng đọng tình yêu thương, thẳng ngay nhưng thủy chung, nhân hậu, như hạt lúa, củ khoai, chắt chiu nắng gió ngày mùa để tỏa hương nồng đượm. Mỗi khi lòng bất an, bấn loạn, lại thả hồn trong những giai điệu da diết của làn điệu ví dặm quê mình, bao mệt mỏi, muộn phiền bỗng nhiên tan biến, lòng mình mềm lại.
Rồi bất chợt nhớ một người đồng hương lâu ngày không gặp. Thế là vội vàng nhắn tin bảo anh ghé chơi. Xa quê đã hơn mười năm nay, anh chưa một lần trở lại. Trong những lần ngồi kể chuyện, anh thường nhắc đến nhút - món ăn thường ngày trong suốt thời thơ ấu của mình. Quê nghèo, món ăn dân dã đã gắn liền với tên đất, "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn". Anh kể, mọi người cứ nghĩ đấy là món đặc sản chứ đâu biết rằng, đấy là món dưa làm từ quả mít của người dân nghèo quê mình. Xa quê ngần ấy năm, anh vẫn nhớ như in cái mùi, cái vị của nhút. Mằn mặn, chua chua, chát chát đầu lưỡi. Mặn, chua, chát thì đâu có gì đáng để nhớ, thế mà vẫn cứ đau đáu trong mình sự thèm khát được trở về, ghé bên vại nhút của bà, của mẹ, để vắt lấy một nắm mà nhâm nhi... Ngày xưa, trưa hè trốn ngủ, anh lấy nhựa mít đi bắt con chuồn chuồn. Cổng nhà anh, luôn là điểm hẹn cho lũ trẻ xóm Đình đến hái lá mít gấp hình con trâu hay xếp lá chơi trò đánh đáo. Hè sang, như đã thành lệ, con chào mào ở tận đâu năm nào cũng làm tổ trên ngọn cây mít cao chót vót. Thu về. Lá mít rụng đầy. Mẹ anh quét thành đống, chờ lá khô, chiều tối đốt khói mịt mờ cả xóm làng. Anh bảo, có những buổi chiều lang thang giữa phố phường chật chội những bước chân, cảm giác chông chênh không biết đâu là chốn về. Rồi bất chợt nhận ra mình, khi bỗng gặp người bạn thời chăn trâu cắt cỏ: "Ơ, lâu ni mi mần ăn ở mô rứa mà nỏ chộ mô cả?",
Tôi mở cho anh nghe bài "Thanh Chương mời bạn về thăm" của nhạc sĩ Phan Thanh Chương. Khi người nghệ sĩ cất lên câu hát "Ngái ngôi chi mà anh nỏ về...", bất chợt khóe mắt anh đỏ hoe, ngấn nước. Cuộc sống bộn bề cơm áo cuốn anh vào những dòng chảy bất tận, nhưng trong thẳm sâu, nơi một góc khuất của đời sống tâm linh vẫn cồn cào, thao thiết một điệu ví quê nhà. Những ân tình cứ lắng sâu trong từng câu ví dặm. Phải rồi, có ai lớn lên không bằng câu dân ca ngọt ngào của mẹ, câu à ơi ấm áp của bà. Những câu hát dạy anh biết yêu thương, biết đứng vững trên đôi chân của mình...
Thảo Phương (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
|